Thu thi chuyen ngay xua (phan 9)




Bữa tiệc chiến thắng vẫn còn đang tưng bừng nhưng những người dân quê tôi đã phải đối diện với cái đói cái rét ... Bắt đầu bằng những trận mưa to gió lớn vào đúng dịp thu hoạch lúa. Ngày ấy còn cái cảnh hợp tác xã "cha chung không ai khóc " nhưng có biết bao tiếng than vãn, thở dài khi đứng trước cánh đồng lúa chín bị gió mưa quật ngã ngổn ngang. Mặt trời mùa hè chói chang, hơi nước từ ruộng bốc lên hầm hập, kèm theo mùi thum thủm của những hạt thóc bị ngâm trong nước. Mặt của những người nông dân quê tôi quắt lại trong những ngày mùa vất vả mà thất thu ấy.


Năm ấy, khi thấy hoa nhãn nhiều, có người đã nói là mùa hè này lắm bão. Và thế rồi bão đến. Khi nghe đài báo bão, bố con tôi chỉ kịp kiếm tre buộc ép lên mái nhà để phòng tốc mái. Giữ được cái mái nhà nhưng lòng tan nát khi chứng kiến vười chuối với những buồng quả còn non đang quằn quaị rồi gục ngã. Bao nhiêu công sức của bố con tôi lấy bùn đổ vào từng gốc cây đang bị ông trời tàn phá. Bố tôi nghiến răng, tôi òa khóc, mấy đứa em ngơ ngác.


Mất mùa, đói kém, trượt giá ... Lương và sổ gạo của bố mẹ tôi không còn đủ nuôi mấy đứa con đang tuổi ăn, tuổi lớn. Cũng may là có cái vườn nên cuộc sống của gia đình cũng không đến nỗi nào. Tuy kém ăn nhưng tôi vẫn tập luyện đều đặn: sáng chạy và bơi, chiều đá bóng, tối tập võ.


Mùa đông năm ấy bỗng dưng trời lạnh quá. Dưới ao cá rô nổi lên giãy giãy. Bọn trẻ con vui sướng reo hò mang vợt ra bắt cá. Ngoài đồng mạ chết hàng loạt. Người lớn thở dài với bao lo lắng và bắt đầu làm quen với việc gieo mạ trên nền đất cứng, làm vụ đông. Bố tôi cũng xin mấy chủ ruộng "phần trăm" cho mượn đất trồng khoai tây. Quần quật làm đất, tưới nước, xới phá váng, bấm ngọn ... rồi cũng đến ngày thu hoạch. Nhưng quả thật là vô cùng thất vọng. Chẳng biết vì sao mà khoai của bố con tôi trông chỉ toàn củ nhỏ. Một chiều giáp tết năm ấy, khi hai bố con đang dỡ khoai thì đứa em chạy ra báo tin là nhà có khách. Còn lại một mình trên cánh đồng. Tai lắng nghe tiếng pháo đì đùng vọng ra từ phố huyện và tưởng tượng cảnh bạn bè náo nức đi chơi, tôi ứa nước mắt nhìn vào những rổ khoai bi. Với cái nhìn ấy, tôi đã thầm chia tay với đất. Tôi đã không thể làm một anh nông dân.


----------------------------------


Tôi vốn nổi tiếng là gan lỳ. Dù bị đau, ốm, đói, khổ thế nào thì tôi cũng chưa bao giờ kêu khóc. Vậy mà chiều hôm ấy, phần tủi thân, phần thương bố mà tôi vừa làm vừa để nước mắt lã chã rơi. Đang lấy ống tay áo gạt mắt thì tôi bỗng giật mình nghe tiếng cười vang " Ê, con nhà võ mà lại khóc nhè! ". Tôi vừa xấu hổ vừa vui sướng khi thấy mấy chú cùng đơn vị cũ của bố đang tiến lại. Đến bờ ruộng bỗng tất cả im lặng trố mắt nhìn vào đống khoai bi. Tôi nhớ mãi tiếng kêu nghẹn ngào của một chú " Hết chiến tranh rồi mà sao anh em mình vẫn còn khổ quá thủ trưởng ơi! " .


Nhờ có các chú mà chỉ một buổi chiều đã giải quyết được phần công việc lẽ ra hai bố con tôi phải làm đến ra giêng mới xong. Đêm ấy tât cả các chú đều ở lại chơi với bố con tôi. Mẹ tôi vẫn chưa được nghỉ tết nên tôi đóng vai anh nuôi. Các chú không cho tôi giết gà vì có mang theo ít đồ biển nên tôi chỉ làm thêm món nộm su hào. Bố tôi không uống được rượu nhưng lúc nào cũng có mấy bình rượu thuốc. Bữa cơm tối hôm ấy thật vui. Bố mặt đỏ tưng bừng chỉ vào những huân huy chương treo đầy trên vách và nói với mấy anh em tôi " Niềm tự hào nhất của bố trong đời bộ đội không phải là những chiến công này mà là có những người đồng đội như các chú đây!”. Sau khi mấy đứa em tôi đã ngủ say, các chú bảo tôi ra múa võ và cùng bình phẩm khen chê. Ngày ấy, ngoài bố thì các chú cũng đều là thầy dạy võ của tôi. Bố dạy từ tốn và bài bản. Một lần đến chơi, thấy suốt buổi tối tôi chỉ đi tấn từ đầu sân đến cuối sân, các chú cự nự với bố tôi " Thủ trưởng mà dạy theo kiểu này thì phải vài chục năm nó mới học hết bài của bố ". Nghe lỏm đuợc câu nói ấy nên cứ mỗi lần có chú nào đến chơi thì tôi lại xin học thêm một vài miếng. Bố tôi lúc đầu phản đối nhưng sau cũng mặc các chú cháu với nhau. Thế là các chú mang những đòn đắc ý nhất ra dạy cho tôi. Có lần nghe nói có chú biết đánh hẹn ngày, tôi kỳ kèo xin chú dạy. Chú trợn mắt " Mày muốn giết người hả!". Thấy tôi sợ, chú lại nhẹ nhàng " Cái này thì bố cháu giỏi hơn chú. Sẽ có lúc bố cháu dạy cho cháu biết nhưng trước hết phải học về âm dương, ngũ hành và sự dịch chuyển của khí huyết ... ". Tiếc là vì phải bươn trải với những khó khăn cơm áo nên bố tôi đã không dành được thời gian để dạy cho tôi nhiều điều. Và sau này tôi có những bài học nhớ đời vì không hiểu những điều sơ đẳng nhất trong lý thuyết âm dương, ngũ hành.


Đêm về khuya, các chú bảo tôi đi ngủ. Tôi nghe mơ màng mọi người nói về những người bạn không trở về và những khó khăn của những gia đình đồng đội. Bố thở dài truớc những lời khuyên làm ăn buôn bán " Anh em mình còn sống sót được thế này là may mắn lớn nhất rồi. Đến Đại tướng mà cũng còn bao nỗi buồn sau chiến thắng nên anh em mình cố gắng chịu đựng mà nuôi dạy đám con cháu thành người”.

0 comments:

Post a Comment