Đàn ông (tiếp)

Cô lấy chồng khá muộn. Anh là người luống tuổi, đã ly hôn và có 1 đứa con trai. Cô buôn bán lèng phèng. Anh cũng làm tự do. Hai vợ chồng sinh được một đứa con chung. Cuộc sống nhàn nhạt ấy thế mà cũng trôi qua được chừng chục năm có lẻ. Vợ chồng con cái cũng xây được một cái nhà trên phố Chùa Bộc. Những tưởng vậy là ấm êm, hạnh phúc, nhưng khi đã toan về già, anh lại nảy sinh tình cảm với một cô gái khác, trẻ hơn cô. Giũ mãi cô không được, anh bỏ nhà ra đi. Nhưng cô vẫn khóc ròng. Không phải bởi vì cô yêu anh da diết. Cái thứ tình cảm ấy vẫn vốn nhàn nhạt như hơn mười năm về trước. Không phải bởi vì anh lắm tiền. Càng không phải bởi vì anh tài sắc vẹn toàn. Mà chỉ bởi vì là, cô không muốn sau này khi con lớn mà lập gia đình, nó không có bố bên cạnh. Cô từng van xin anh "Em sẽ không bao giờ ký vào đơn ly hôn. Em sẽ không bỏ anh. Anh đi với ai thì đi, anh thích thì cứ về lại đây. Em luôn chờ".
Và anh vẫn cứ bỏ cô ra đi.
Sau vài năm chán phở, anh lại tìm về nhà. Cô mừng như tìm lại được hạnh phúc ẩn giấu bấy lâu nay. Cô hầu hạ dạ vâng anh suốt buổi. Có lần về, anh còn mua cho cô cái nhẫn vàng, đeo vào tay tưởng sáng cả vầng thái dương. Chỉ còn thiếu nước cô quỳ mọp xuống chân anh, xin dâng lên bàn thờ. Anh khoan khoái thưởng thức cái tình yêu, sự thờ phụng mà cô dành cho anh. Ăn cơm với cô được vài bữa, khổ, anh lại nhớ phở.
Còn cô, vẫn cứ tràn trề hy vọng một ngày nào đó anh sẽ lại về, sẽ lại có thể tặng cô một món quà nào đó, và ở đó cho cô thờ phụng. Chỉ vì một lý do "sau này con nó cưới còn có bố".

Đàn ông

Hai đứa để ý đến nhau từ thời cấp 3. Rồi lên đại học cùng chung lớp. Tình bạn, rồi tình yêu lớn dần trong họ. Anh nắm tay cô và bảo “Mình sẽ cùng nhau đi hết cuộc đời, em nhé!”. Cô mãn nguyện trong bầu trời ngập tràn hạnh phúc ấy. Dù bố mẹ ngăn cản thế nào, cô cũng cương quyết “Cuộc đời con do con tự quyết định”. Cô xinh xắn, học giỏi. Anh cũng đẹp trai, nụ cười rạng rỡ luôn trên môi, tính toán tháo vát hơn người. Vợ chồng son lúc nào cũng quấn lấy nhau như sam. Cô công chúa nhỏ ra đời là minh chứng cho tình yêu của họ. Yêu con, cuộc sống suôn sẻ, vài năm sau, cô lại sinh thêm cho anh một thằng cu con hiền lành nhưng rất đỗi tình cảm. Rồi lại một thằng cu nữa, tinh nghịch và hóm hỉnh. Có hạnh phúc nào bằng hạnh phúc của vợ chồng trẻ thành đạt, con cái xinh đẹp đến thế. Anh đi làm ở một công ty nước ngoài, cơm áo gạo tiền không phải là mối lo quá lớn với gia đình. Và thế là, cô nghỉ ở nhà để chăm sóc ba con, để anh yên tâm đi kiếm tiền. Ai tiếp xúc với anh cũng bảo cô thật là có phúc mới lấy được người như anh, vừa được người, vừa được nết, vừa tạo dựng được cơ ngơi, vừa chăm vợ, yêu con hết mực. Nhưng chỉ có cô mới biết anh “ngoại giao” tốt như thế nào, anh bỏ bê việc nhà, đi nhậu tối ngày ra sao. Chỉ có cô mới biết anh luôn chê cơm vợ nấu, về đến nhà là quát tháo ầm ỹ. Cũng chỉ có cô mới biết đêm khuya anh cũng sẵn sàng bỏ vợ con đến giúp một cô “chị gái” mới quen. Chỉ cô mới hiểu điều anh nói “Tai cô thì nghe gì nhạc mà mua dàn ngần ấy tiền về”, khi cô cố ngăn cản anh không tặng quà “tân gia” như thế cho chị gái ấy. Chỉ cô mới thấy tủi khi anh quyết định dọn nhà về ecopark, biệt lập hẳn cô với gia đình, bè bạn và công việc, rồi ở đó, anh sớm hôm về thủ đô ngoại giao và kiếm tiền. Cô không quên được việc bà chị goá phụ sang chảnh gần đó đã làm quen được với chồng cô, được chồng cô mời về nhà, luôn mồm bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với chồng mình. Một ngày đẹp trời, anh về nhà và bảo “Mấy mẹ con em có xuống tham dự sinh nhật chị XYZ (goá phụ) không thì xuống sau nhé”. Cả nghĩ “ừ thì cũng phải có mặt cho chị biết vợ của chồng em vẫn tồn tại”, cô đã xúng xính váy áo dẫn cả 3 đứa con xuống. Cười nói luôn mồm, chị chả xếp chỗ cho cô và các con, các ghế cũng đã đủ người rồi. Cô đành xin phép chị cho các cháu lại nhà. Chị vẫn cười nói và chẳng quên câu “Cảm ơn”. Hôm ấy, chồng cô quá khuya mới về đến nhà.
Bố mẹ chồng cô người miền Trung. Cô không thể biết được họ có bao nhiêu cái nhà, bao nhiêu biệt thự, bao nhiêu nhà nghỉ rải khắp nơi. Có những nơi cô còn chưa từng đặt chân tới. Đơn giản bởi vì cô không nằm trong danh sách “khách mời” của bố mẹ chồng. Có lần, cô được “mời” nghỉ hè cùng gia đình nhà chồng. Vì có nhà ở đó nên gia đình không ở khách sạn. Suốt cả mấy ngày, bố mẹ chồng cô mời hết anh em họ hàng, bạn bè thân thích đến ăn uống, cô là con dâu nên phải đảm trách việc nấu nướng, dọn dẹp. Chưa ráo mồ hôi bữa trưa lại sấp ngửa đến bữa ăn chiều. 11h đêm cô còn chưa xong việc để ngả lưng. Nhờ chồng phơi hộ quần áo đã giặt, anh vừa sờ vào đã bị mẹ gọi vào ngay tức thì, nói “để cái N nó làm cho”. Lặng lẽ nuốt nước mắt vào trong, cô hiểu thế nào là hạnh phúc.
Ngày cô lui về hậu phương chăm sóc nhà cửa, con cái, bố mẹ chồng không ngừng giếc móc “Không đi kiếm việc mà làm đi, ở nhà chỉ chơi, để thằng T một mình kiếm tiền vất vả”. Không chịu được, cô lại tìm công việc mới cho mình. Với vốn kinh nghiệm lớn trong lĩnh vực kế toán tài chính, không khó để cô kiếm được chỗ làm tử tế với mức lương khá cao. Nhưng, cô không quá ham mê vì với cô, chăm sóc con cái mới là điều quan trọng nhất. Cô vẫn đi về hàng ngày để vừa có việc làm, không bị ca thán, mà vẫn chăm sóc được gia đình.
Ấy thế mà cô vẫn chưa được nhà chồng thương yêu. Chia ngọt sẻ bùi với nhau có đến 13 năm, mà trong mắt họ, cô vẫn chỉ là một đứa ăn bám, lười biếng và hỗn hào. Hễ cứ bố mẹ chồng ốm mà có bàn tay chăm sóc của cô thì không sao, hễ cứ khoẻ lại, họ lại gào lên “Không cần loại con cái hỗn hào như thế”. Nhiều bận như thế, cô không còn cảm giác thương yêu. Cô cũng không còn cảm giác phải nhiệt huyết, tận tâm, vì có cố, có nỗ lực, cũng không ai công nhận. Đến chồng cô còn bảo “Tôi có cần cô phải chăm sóc bố mẹ tôi đâu”. Đến niềm tin nhỏ nhoi ấy cũng vỡ vụn trong cô từ dạo ấy.
Giờ thì hai người đang chia tài sản để hoàn tất thủ tục ly hôn. Ngày đầu anh đòi ly hôn, cũng dễ đến hơn 2 năm rồi, cô đã khóc hết nước mắt. Cô thì chẳng cần. Nhưng con cô không đáng bị tổn thương đến thế. Dù chúng đã quen với việc bố không có nhà, nhưng những ngày đầu ly thân, chúng vẫn nhắc đến bố trước mặt mẹ, nhắc đến mẹ trước mặt bố, để 2 con người ấy vẫn thấy sự hiện diện của người kia bên cuộc đời mình. Rồi chúng tự nhận lỗi về mình vì đã làm mẹ khóc. Chúng không biết sự tổn thương ấy trong mẹ đã lớn nhường nào mà không hề do lỗi của chúng. Những lời nói ngây thơ ấy đã cứa nát trái tim vốn đã quá mong manh. Còn bây giờ, con tim ấy đã đóng cửa, lạnh băng. Tình yêu chết. Nghĩa không còn. Niềm tin vỡ vụn. Sự thật phũ phàng ấy ba đứa con cô đã hiểu. Cô cũng chỉ cần có thế.