Cacao Ceremony

Tôi buộc phải để tên gốc như thế vì không biết phải dịch thế nào cho phải. Tối nay, tôi đã tham dự buổi lễ này, nhỏ thôi, chừng hơn chục người. Hành lễ là một người đàn ông thổ dân Costa Rica. Nói thổ dân hàm ý một dân tộc thiểu số vùng đất này.
Vì sao lại gọi là buổi lễ cacao? Người dân vùng này tin rằng cacao mang tiếng nói của đất mẹ. Trong cacao, tính nữ (feminine) rất lớn. Vì thế, cacao là hiện thân của tình yêu thương, của vòng tay ấm áp. Tham dự buổi lễ này, người ta hy vọng sẽ tìm thấy tiếng nói chung với thiên nhiên, với đất mẹ ấm áp, người ta hy vọng tìm thấy bản ngã của mình, hay chí ít, cũng tìm thấy sự bình an.
Buổi lễ bắt đầu bằng việc trang trí trên tấm vải theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Tôi không rõ lắm quy tắc này, nhưng được hướng dẫn mỗi người hãy tự bỏ vào đó đồ dùng của mình có mối liên hệ mật thiết với đất (nhưng rồi tôi nghĩ đồ vật nào chả gắn liền với đất, những thứ trên không có nắm bắt được đâu). Tôi đã bỏ vào đó cái vòng cổ của mình.
Sau khi được thuyết giảng về sự gắn bó mật thiết và tính đại diện tiêu biểu của cacao với đất mẹ, chúng tôi được uống cacao. Nếu bạn đã từng rất nhiều lần uống cacao ngoài quán và cảm nhận rõ vị ngọt ngào thấm đẫm trong từng giọt nước, thì bạn đã nhầm. Cacao thật sự không ngọt thế. Người thổ dân xứ này còn coi cacao là vị thuốc. Tôi tưởng tượng nó giống các vị thuốc nam, hay thuốc bắc của mình. Và đúng thế thật. Bột cacao nguyên chất được nấu lên, nó ngái, hắc và phủ một lớp dầu bên trên. Tôi nghĩ mình thật sáng suốt khi vòng đầu tiên chỉ lấy 2 muôi, cho dù rất nhiều bạn chọn cách lấy nửa cốc. Quá quen với việc uống thuốc bắc, nên với tôi, uống cacao không phải thảm họa. Tôi ví thảm họa vì có một bạn Myanmar đã không thể chịu nổi khi uống loại nước này, chỉ chực li-ver-phun. Một bạn người Nhật sau khi uống lập tức bị ngạt mũi, đau đầu. Quy tắc uống được đặt ra như sau: bạn lấy bao nhiêu phải uống hết bấy nhiêu. Và người trước lấy cho người sau, rồi luân chuyển tuần tự cái xoong cho người vừa được nhận, người đó tiếp tục múc cho người kế tiếp mình. Có lẽ, tôi đoán, đó là cách để mỗi người tự mở lòng mình, giúp đỡ người khác, gột rửa tâm hồn. Sau khi tất cả mọi người có cacao, tất cả bắt đầu uống, vừa uống vừa nghe người thổ dân đó hát, thổi kèn, đánh trống, thổi sáo, bằng tất cả những nhạc cụ dân tộc, và niềm tin vào những điều thần bí. Mỗi người tự tìm cho mình một cách xả năng lượng riêng, theo bất cứ tư thế nào phù hợp nhất. Tìm năng lượng trong bản thân con người mình, kết nối với thiên nhiên, với đất mẹ. Không gian chìm trong ánh nến, hương thơm, và nhạc cụ dân tộc đã giúp chúng tôi làm điều đó theo cách riêng của mình, dù mức độ cảm nhận của mỗi người hoàn toàn khác nhau, và tôi chắc không phải ai cũng cảm nhận được nguồn năng lượng đó.
Sau gần một tiếng thiền, chúng tôi tiếp tục uống cacao vòng hai, vừa uống vừa lắng nghe cơ thể mình, lắng nghe tâm thức đang chìm trong không gian của sáo, của trống, kết nối cơ thể với nguồn năng lượng sống, với niềm tin và những điều tốt đẹp. Người đàn ông hành lễ có nói với chúng tôi "Nếu các bạn cảm thấy bị sốc khi uống cacao, hãy tiếp tục uống cacao". Tôi không cho rằng có điều kỳ diệu ở đây, nhưng người bạn Nhật tiếp tục uống và không còn bị sốc nữa. Người bạn Colombia thấy rõ khí chạy trong cơ thế mình, tại hai phần vai. Còn tôi, ngay từ vòng đầu, khi vị đắng, ngái của cacao trộn trong tiếng nhạc, nó như những vòng xoáy bóp chặt trên đầu, và rồi, tôi thấy luồng khí chạy trong cơ thể mình, đi lên đan điền thượng, rồi thoát tại đó. Tôi chưa đủ sức để nhìn thấy ánh hào quang sau khi luồng khí thoát ra đan điền thượng, nhưng tôi tin rằng một ngày nào đó tôi có thể đạt được "cảnh giới" này. Tới vòng thứ hai, trong đầu tôi nhẹ bẫng, dù tiếng nhạc khá to sát bên tai, nhưng tôi không còn thấy được cảm giác như lúc đầu, thay vào đó, là sự thanh thản, bình an.
Tới vòng ba, thay vì uống cốc, chúng tôi chuyển sang húp bằng xoong, xoay vòng đến khi nào hết thì thôi. Rồi chúng tôi chia sẻ cảm nhận của mình. Dù mỗi người có một lý do riêng, một cảm nhận riêng, điều tối thiểu chúng tôi có được là sự thanh thản trong tâm hồn. Để rồi, mỗi người lại được tiếp sức bằng chính nguồn năng lượng trong cơ thể mình để làm nốt những điều dang dở.
Với tôi, buổi lễ cacao này không phải là siêu nhiên hay thần bí. Cũng không hẳn là riêng cacao, mà là sự kết hợp giữa cacao, ánh nến, hương trầm và âm nhạc dân tộc đã đưa tôi về gần hơn với bản ngã của mình, để tôi tự tìm trong mình nguồn năng lượng đang bị kẹt đâu đó, giải phóng nó, nạp năng lượng mới, chảy chung với huyết để cho cơ thể tôi tồn tại và phát triển, làm liền những vết thương vốn gây ra bởi những sân si của cuộc sống. Bằng cách đó, tôi giải phóng chính tôi.
Tôi cảm nhận được sự cảm thông, sẻ chia về điều này với đạo Phật, đạo giúp mỗi người nhìn vào tự thân mình, tự tìm hoặc tích lũy năng lượng, tự kiểm soát bản thân, để có thể đạt được những điều tốt đẹp, hoặc nếu không, là những điều tốt đẹp cho kiếp sau.
Người đàn ông hành lễ

Hành lễ

Tôi không chụp ảnh khung cảnh đó, nhưng tôi xin ảnh từ chính người đàn ông thổ dân ấy, để mọi người tự cảm nhận về không khí của buổi lễ. Với bản thân tôi, tham dự buổi lễ này, cũng như thả hồn trong tiếng chuông chùa, hay đắm mình trong tiếng mưa, tiếng xào xạc của lá cây rừng, đều là cách tôi cân bằng lại nguồn năng lượng sống. Biết đâu, ngồi đến tận giờ này (2h sáng) để viết blog cũng là một cách hoàn thành những việc còn dở dang.