Người Cuba, một góc khuất

Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Cuba, mở đường cho một tương lai có thể tươi sáng hơn của đất nước hơn nửa thế kỷ chìm trong lệnh cấm vận của nước Mỹ, tách hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài (trừ một số nước Mỹ La tinh). Vậy con người Cuba thế nào?
Tôi đến thăm đất nước anh em khoảng một năm sau bước ngoặt thế kỷ đó, với vốn tiếng Tây Ban Nha ít ỏi và lõm bõm, nhưng ghi tạc trong đầu một trong những khẩu hiệu của Fidel Castro "Vì Việt Nam, nhân dân Cuba có thể đổ máu". Và, những gì tôi được chứng kiến từ những người "anh em" của mình đã cho tôi "một cảm giác rất ... khác.
Người Cuba đang sống trong thời kỳ tương tự như người dân Việt Nam cách đây chừng 20 năm. Họ hy vọng vào một sự thay đổi bước ngoặt trong cuộc sống, và vì thế, quan niệm, cách hành xử của họ dường như cũng thay đổi, không còn giống như những gì tôi đọc được qua kinh nghiệm của những người đi trước.
1. Người Cuba còn nghèo lắm. Đa phần là thế. Tôi có dịp chuyện trò với hai người bản địa, đều là bác sỹ. Họ phải học khá lâu. Họ có một số bằng cấp treo đầy nhà. Họ làm nhà nước. Và lương tháng của họ 40$. Không thể phủ nhận ngành y tế của Cuba rất phát triển. Dân được chữa bệnh miễn phí cơ mà. Không biết có phải vì thế mà lương của họ chỉ có ngần ấy? Cũng có thể. Nhưng không phải là tất cả. Dù gì, họ cũng phải chi tiêu vào vô khối các hạng mục khác để có thể tồn tại. Cũng phải nói thêm thế này cho rõ. Ở đất nước Cuba, dân tiêu bằng 2 loại tiền: CUP dành cho khách du lịch và CUC dành cho người bản địa. Đồng CUP cao hơn $, 1$ chỉ đổi được khoảng 0.85CUP. Còn 1CUP đổi được khoảng 26CUC. Có nhiều điểm du lịch tôi thấy, người Cuba chỉ phải trả 6CUC, người không phải Cuba phải trả 6CUP. Chênh lệch gấp 26 lần. Đối với người Cuba, tiền lương quy theo $ có thấp nhưng được tiêu bằng đồng bản địa rẻ hơn đến 26 lần thì cũng được. Tréo ngoe thay, cái thời kỳ chuyển giao lẫn lộn thế này, đến dân Cuba nhiều khi còn không được tiêu bằng CUC. Hàng hoá được tính theo đồng CUP. Cô bạn mà tôi ở nhờ nói "Tiền lương tao được lĩnh bằng CUC, tương đương 40$, nhưng thực phẩm tao phải mua bằng CUP, và tao phải tự đổi tiền CUC ra CUP". Còn anh chủ nhà trọ mà chúng tôi ở hôm đầu tiên thì bảo "Đi ăn quán là một điều vô cùng xa xỉ. Vì các quán ăn giờ đều niêm yết bằng CUP, và không phân biệt người bản địa hay khách du lịch. Tiền lương của tao chỉ đủ ăn 1 bữa nhà hàng cho cả nhà".
Mua bia trong cửa hàng bách hoá
2. Ít tiền như thế, nên người Cuba, nếu không dựa vào du lịch để kiếm tiền, thì không có nguồn thu nhập. Khi đã tốt nghiệp y khoa, họ phải cống hiến cho Nhà nước. Bác sỹ không được mở phòng khám tư. Không được kiếm tiền với chức danh bác sỹ gia đình. Giáo viên phải đi dạy học ở trường công. Nếu họ bị phát hiện làm chui, họ sẽ bị tước vĩnh viễn bằng cấp. Và vì thế, không có gì lạ khi chúng tôi đi trên taxi mà bác tài xế "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý". Bởi vì, bác vốn xuất thân là phiên dịch, biết nhiều thứ tiếng và đã có thời gian định cư ở nước ngoài. Nhưng nghề không cho bác sống. Lái taxi cho khách du lịch tốt hơn rất nhiều. Cô bạn cho chúng tôi ở nhờ nói "Taxi là một trong những nghề giàu nhất ở Cuba hiện nay". Khi đến các nơi du lịch, hầu như những người cho chúng tôi thuê nhà đều từng làm giáo viên. Đương nhiên, ở Cuba, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực miễn phí. Chắc vì thế số lượng người được đào tạo và làm việc ở hai ngành này cũng lớn nhất cả nước. Hàng hoá được bày bán trong các cửa hàng quốc doanh. Người nông dân thậm chí có mấy mẹt rau ngoài đường cũng là bán chui.
Một mẹt hàng chui vô cùng hiếm hoi
3. Vì du lịch là nguồn kiếm tiền gần như duy nhất của người Cuba, họ không từ một việc gì để kiếm sống với nghề. Tôi đọc khá nhiều bài viết của người Việt và người nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch Cuba. Và với họ, con người chan hoà, cởi mở và thân thiện là yếu tố tán dương hàng đầu. Khi hai chúng tôi vào bảo tàng, một nhóm ba bà từ già đến trẻ đon đả hỏi:
- Chúng mày đến từ đâu?
- Bọn tao đến từ Việt Nam.
- Ôi Việt Nam (đầy cảm thán)!!! Việt Nam là đất nước vô cùng xinh đẹp. Chúng mày cũng vô cùng xinh đẹp. Chúng mày có muốn chụp ảnh không, tao chụp cho nhé. Chúng mày đứng ở đây, cạnh cái góc này, rất đẹp. Nào, 2 đứa bọn tao sẽ chụp bằng 2 máy.  Ồ, mày phải đứng dịch vào tý nữa. Đấy, tao chụp này. Ôi tuyệt vời.
- Cám ơn bọn mày nhé. Bọn mày thật tốt.
- Chưa đâu. Chúng mày đi lên đây. Ở đây đẹp hơn. Đấy, cả con tàu chiến to. Chúng mày đứng góc này nhé. Bà kia mời dịch ra để tao chụp ảnh. Mày nghiêng đầu vào một tý. Thế nhá, một, hai, ba. Quá đẹp... Rồi, chúng mày sang bên này nữa. Bên này cũng vô cùng đẹp. Lại thêm một tấm nữa. Quá tuyệt vời. Bọn mày quá xinh....
Thế rồi là những cái ôm, nhưng cái hôn thân thiện đến nghẹt thở. Rồi còn trao nhau email để gửi hình. Tôi còn đang lâng lâng với cảm giác "Đúng là tinh thần anh em bất diệt" thì được bà già nhất thì thầm "Bọn tao nghèo lắm. Mày có tiền không, cho bọn tao một ít. Mà nhớ cho cả ba người nhá". Tỉnh hết cả ngủ. Cô bạn đi cùng định móc ví, nhưng tôi biết không có tiền lẻ. Vì thế, tôi chọn móc ví mình. Bà già ấy xoáy sâu 2 con ngươi vào ví của tôi. Rất may là tôi tỉnh nhanh. Tôi chọn mở ngăn tiền xu và đưa gần hết số xu mình có cho bà ý. Nhưng bà ý bảo "Chỗ này chưa đủ cho 3 người... Nhưng mày đưa hết cho bọn tao thế này, mày còn tiền để tiêu không?" Đương nhiên, bà ý nhìn thấy tôi đã hết tiền xu rồi mà. Đấy là còn chưa kể, về nhà mở ảnh ra, toàn một đống đen sì, vì chỗ đó không có đèn điện đủ sáng.
Hai đồng chí lơ ngơ trước khi bị "trảm"
4. Cái sự trơ trẽn ấy còn bị đẩy lên đến cao trào ... khi chúng tôi đi thuê nhà tại các khu du lịch khác. Khách du lịch đến Cuba thường được khuyên đến 4 điểm: Havana, Vinales, Trinidad và Varadero. Và hầu như nơi nào cũng khuyến cáo bạn không cần phải đặt trước, cứ đến nơi và tìm nhà nào có biển hiệu chữ "T" tức là nhà cổ thời kỳ thuộc địa mà thuê trực tiếp, giá rẻ hơn mà nhà đẹp hơn rất nhiều. Chúng tôi không đi Varadero, nhưng cả 3 nơi kia, nhà nào cũng có biển hiệu đấy hết, kể cả nhà mới xây. Nhưng, điều khiến chúng tôi không hài lòng là cách họ cho thuê nhà. Từ Havana, chúng tôi nhờ anh chủ nhà tìm cho nhà trọ ở Vinales. Liên lạc rồi, xác nhận rồi, chúng tôi đến nơi có người đón tận cửa. Rồi họ đưa chúng tôi sang một nhà khác, nói "Nhà tôi không còn phòng nữa. Tao đưa bọn mày sang nhà này (vừa nói vừa đi), là em họ tao, thế có được không?'. Theo bạn thì có được không? Không được thì ra đường à? Khi đến Trinidad, theo lời khuyên, chúng tôi gõ cửa một nhà cổ.  Chủ nhà từ chối, nhưng đề nghị được giúp chúng tôi tìm nhà khác. Chúng tôi đợi ở đó khoảng 30' thì  có một cô bé đến dẫn chúng tôi đi. Đến nhà cô bé đó, mẹ cô bé đó gọi một thằng ku ất ơ bên cạnh, bảo "Bọn mày đi theo thằng này, nó sẽ dẫn bọn mày đến nhà trọ của nó". Chưng hửng. Đi đến nơi rồi từ chối, vì căn phòng không khác gì nhà ổ chuột. Chúng tôi đi đến đâu hỏi cũng nhận được phản ứng tương tự "Tao hết phòng. Để tao gọi điện hộ bọn mày...". Sau gần 2 tiếng, chúng tôi mới tìm được một phòng với cái giá gấp đôi cái giá tôi đã đọc trong tờ hướng dẫn. Cô bạn tôi không đành, tự đi tìm nhà khác, lúc sau về khấp khởi mừng thầm, vì đã gặp đúng người, nhà bà này có căn phòng nhỏ đang cho thuê, đến sáng hôm sau thì trống, và căn phòng được in hẳn trên visit card luôn. Hai đứa thậm chí còn "ăn mừng" vì cuối cùng đã tìm được nhà. Sáng hôm sau, lại hùng hổ bước sang nhà mới. Ông chủ nhà dẫn chúng tôi đi, nhưng tôi mãi chả thấy cái nhà nào giống cái được in trên hình cả. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một căn phòng cơi nới trên tầng 2 của một nhà cổ. Cô bạn tôi vô cùng bực mình, vì bà chủ nhà liến thoắng nói "Ở đây bọn tao là anh chị em hết. Mày yên tâm. Cả thành phố không còn chỗ nào để thuê đâu". Ngán ngẩm đến cùng cực, chúng tôi báo với bà chủ nhà hôm sau sẽ trả phòng vào giờ trưa, nhưng bà ý đã kịp thời chặn họng chúng tôi "Sáng mai bọn mày đi chơi thì bọn mày trả phòng luôn đi. Tao hứa cho khách khác thuê rồi". Chúng tôi phải mất đến gần 20' cãi nhau với bà ý, nhưng cuối cùng đành chịu. Mất nhiều tiền cho một ngày ở tro, cuối cùng cũng chỉ được ở nửa ngày thôi.
Biểu tượng của Trinidad, thành phố 500 tuổi. Nhưng bạn sẽ không thể chắc chắn những ngôi nhà có biểu tượng này là nhà thuộc địa hay không.
5. Người Cuba thoải mái nói về sex. Tôi nghĩ họ còn thoải mái làm nữa kia. Bạn có thẻ bị gạ tình ở bất kỳ đâu. Khách du lịch thường được khuyến cáo "Nên mở lòng đón nhận những cái ôm thân thiên  của người bản địa thậm chí sau vài ba phút gặp gỡ". Cũng không hẳn sai, vì người Cuba nổi tiếng với điệu nhảy salsa. Và họ rất sẵn lòng mời bạn nhảy cùng dù mới quen biết. Nhưng sex là chuyện khác. Cửa hàng lưu niệm ở Cuba có 1 hình tượng khá nổi tiếng, mà nếu bạn không biết, không "trơ", thì bạn sẽ ngượng chín lên mất nếu cái của quý của hình tượng đàn ông đó nhảy vào trước mặt bạn. Tôi đi đâu cũng nghe thấy những điều tương tự như "Sex is free here", "Boyfriend is free here", "Hold my arms please"...
Người Cuba là thế đấy. Không phải những người đi trước tôi nói sai. Mà tôi cho rằng người Cuba thích ứng quá nhanh với thời cuộc. Và khi ngôn ngữ là rào cản với bạn, bạn chỉ có thể hiểu được qua những cái ôm, cái cười, cái câu cảm thán, bạn sẽ thấy người Cuba thật tuyệt vời. Nếu bạn biết chút ít ngôn ngữ, tôi e là bạn sẽ nghĩ khác về con người nơi đây.