Ở tuổi 40

Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, cuộc sống sẽ chẳng vì ai, sẽ chẳng vì những lời oán trách mà đi theo một quỹ đạo khác.
Cuộc đời mỗi người chúng ta, nhìn qua nhìn lại, thật bận rộn, mệt mỏi. Dù cho cả một đời vất vả, nhưng sau cùng vẫn có nhiều việc ta chẳng thể hoàn thành được. Cả một đời cố gắng tiết kiệm, tằn tiện, tích cóp, vậy mà vẫn thấy tiền bạc không bao giờ là đủ cả. Con người ta, cả một đời cố gắng chịu đựng, nhường nhịn, thậm chí lo sợ, nhưng dù cho cẩn thận thế nào thì ta vẫn bất cẩn, gây ra lỗi lầm với không ít người.
Cả một đời chúng ta đều đang học đọc, học viết, học cảm thông, nhưng dù có thông minh đến mấy thì vẫn phải đối diện với không ít lần thua thiệt. Cả một đời dù cố gắng tỉnh táo bao nhiêu, bình tĩnh bao nhiêu thì sau cùng vẫn không tránh khỏi những lần nuối tiếc đến cay đắng.
Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, thế giới thật rộng lớn, còn bản thân mình thật bé nhỏ. Có những chuyện không cần phải xem nặng đến thế, bản thân ta vốn đã rất khổ, rất mệt, nên cũng không cần vì những chuyện không đáng mà giày vò bản thân. Đời người vốn là một con đường ngoằn ngoèo nên chắc chắn có rất nhiều chuyện khiến ta không vừa lòng, vì thế không cần cưỡng ép bản thân phải đi thẳng. Đã cố gắng hết mình thì kết quả ra sao cũng nên vui vẻ chấp nhận.
Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, đời người quá ngắn ngủi để tính toán, chi li những điều nhỏ nhặt. Có những việc không hiểu được thì không cần phải hiểu, có những người không đoán được thì không cần phải đoán, có những lời lẽ nghĩ không thông thì không cần phải nghĩ thêm được nữa. Những điều không vui trước đây, hãy đem cất nó vào một xó bụi bặm.
Vậy nên, hãy nhắc nhủ mình thường xuyên: Tôi không được hoàn hảo, nhưng nhất định phải sống chân thành. Tôi không được giàu có, nhưng nhất định phải sống vui vẻ.

Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, cuộc sống sẽ chẳng vì ai, sẽ chẳng vì những lời oán trách mà đi theo một quỹ đạo khác. Dù ta có oán trách hay không thì cuộc sống vẫn diễn ra như thế, dù ta có buồn phiền đến đâu thì đời người vẫn y như thế. Oán trách nhiều, buồn phiền nhiều thì ta chính là người khổ não nhất, mệt mỏi nhất.
Có khóc, cuộc đời sẽ không vì thế mà chảy nước mắt vì ta. Có khổ thì cuộc đời cũng không bởi thế mà thêm phiền não. Sinh ra là con người thì phải chấp nhận đâu phải chuyện nào cũng luôn thuận buồm xuôi gió, xuôi chèo mát mái, nhất là trong công việc, sự nghiệp riêng.
Người sống ở đời, vui vẻ là một đời, sầu khổ cũng là một đời, vậy sao ta không vui sống cho đến cuối đời này cho thỏa một kiếp người?

Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, đừng vì những người mình không thích mà đánh mất niềm vui, đừng vì những người chỉ vụt thoáng qua trong đời mà lưu luyến không thôi, đừng vì những điều bản thân không hài lòng mà phải long đong khổ sở sống trong muộn phiền. Hãy sống vì bản thân, dù cho cuộc sống cho ta điều gì thì hãy vui vẻ đón nhận!
Đừng làm khó bản thân, cũng đừng bắt chước người khác, hãy là chính mình, đi theo con đường mình đã chọn, làm tốt những việc trong phận của mình, sống cuộc sống mà mình mong muốn. Đó mới là thái độ sống tốt nhất!

Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, những gì mình không với tới cũng không nhất thiết phải mong muốn thái quá, cứ để mọi chuyện diễn ra theo tự nhiên. Khi thấy mệt mỏi, hãy buông lỏng bản thân, ngồi xuống uống tách café và nghe một vài bản nhạc hay. Khi thấy khó chịu, hãy tìm đến người thân yêu nhất để thổ lộ, tâm sự.
Những lúc buồn phiền, hãy tự mình tìm kiếm niềm vui, nhưng đừng đánh mất hạnh phúc. Những lúc bận rộn, hãy tranh thủ thời gian nghỉ ngơi, nhưng đừng đánh mất sức khỏe. Những lúc mệt mỏi, hãy dừng chân lại, nhưng đừng đánh mất niềm vui.

Ở tuổi 40, tôi đã hiểu được rằng, đừng làm khổ bản thân vì đời người cũng chỉ mấy chục năm ngắn ngủi, chỉ trong chớp mắt là đã hết một đời. Không oán trách, chỉ trích bản thân, chừa lại cho mình một phần lạc quan, an yên. Không cưỡng cầu, mong mỏi thái quá, chừa lại cho bản thân một phần điềm tĩnh, thản nhiên. Không so đo, tính toán chi li, chừa lại cho bản thân một phần tình cảm chân thành nhất.
Cũng đừng hâm mộ vầng hào quang của người khác thái quá, không chê trách thói đời nóng lạnh. Tự tin, kiên định với những lựa chọn của bản thân. Cuối cùng, tôi cũng chỉ muốn nhắn gửi rằng, dù ở tuổi nào thì cách sống tốt nhất vẫn là: Nghĩ thông, nhìn thoáng và buông bỏ!

(ST)

Dân chủ hay chuyên chế? Người cộng sản hay vua?

"... Một người cộng sản có thể có khuynh hướng chuyên chế. Một nhà vua có thể có khuynh hướng dân chủ.... Nhận thức của một người cộng sản chưa chắc đã cao hơn nhận thức của một vị vua..."
Tôi thích câu nói này của tác giả Zhou You Guang (Châu Hữu Quang) (1906-2017) [1]. Để thấy rằng, suy cho đến tận cùng, không thể đổ lỗi cho chế độ. Mà con người mới là thủ phạm của mọi vinh quang hay sai lầm.
Bài viết nói về Bhutan, đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới, trong phạm vi so sánh với Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam thường hành động dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc. Vì thế, tôi thấy nó đúng với cả đất nước mình. Mời các bạn đón đọc.


Bhutan[2] là một nước nhỏ diện tích chỉ có 47 nghìn kilômet vuông nằm giữa Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ, là nước láng giềng của TQ. Trước khi thực hành chế độ dân chủ, Bhutan là một “vương quốc” từ hình thức cho tới nội dung. Nhưng vương quốc nhỏ bé ấy khi đã nói thực hành dân chủ là thực hành dân chủ ngay. Thế mà có những nước tuy nhân dân phấn đấu vì dân chủ cả thế kỷ, các thế hệ phấn đấu đã lần lượt rời khỏi thế giới này rồi mà thế hệ sau của họ cho tới nay vẫn còn sống trong một xã hội trên thực tế là vương quốc, chuyên chế.
Xã hội loài người phô bày sự “kỳ diệu” của mình như thế đấy.
Đọc lại lịch sử gần nửa thế kỷ của Bhutan, chúng ta không thể không thèm muốn, không hâm mộ họ có một vị quốc vương tốt như thế,[3] hơn nữa lại ngày càng dân chủ hơn trước, thậm chí có người TQ cho rằng vị vua ấy là nhân vật kiểu Washington.
Năm 1952 Bhutan bắt đầu thực hiện dân chủ.
Năm 1953 thành lập Quốc hội. Đây là cơ quan lập pháp đầu tiên trong lịch sử vương quốc Bhutan.
Đối chiếu một chút: trước khi giành được chính quyền vào năm 1949 chúng ta cũng luôn miệng nói phản đối chuyên chế, yêu cầu thực hành dân chủ.
Nhưng sau khi giành được chính quyền thì [chúng ta] đã quên sạch  “mục tiêu” của mình, và ngược lại, bóp chết mọi lời nói việc làm đòi dân chủ, áp chế mọi nhân sĩ đòi dân chủ. Về mặt chế độ lại càng trở về [thời kỳ] “trước giải phóng”, hơn nữa còn chuyên chế hơn, tàn khốc hơn.
Làm như thế kết quả là chỉ khiến cho mọi người có thái độ nghi ngờ đối với “mục tiêu” trước đây họ từng phấn đấu: cái gọi là yêu cầu thực hành dân chủ của một số người chẳng qua là một chiêu bài, một âm mưu, chỉ nhằm một mục đích là trăm phương nghìn kế giành được chính quyền mà thôi.
Chỉ cần có thể giành chính quyền thì [họ] bằng lòng nói bất cứ lời nào, chịu làm bất cứ việc gì, có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào.
Và một khi đã thành công rồi thì dân chủ hay không dân chủ – ông đây [nguyên văn lão tử] nói thế nào thì cứ thế mà làm nhé!
Lại xem một chuyện khác. Năm 1968, Bhutan thực hành tam quyền phân lập, nhà vua trịnh trọng tuyên bố Bhutan là nước quân chủ lập hiến. Quốc hội (tiếng Bhutan gọi là Tshogdu) chẳng những có quyền bổ nhiệm các vị đại thần [tương đương Bộ trưởng các bộ], mà nếu nhà vua vi phạm lợi ích của nhân dân và của quốc gia thì Quốc hội có quyền bãi miễn vua; nếu hai phần ba Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm thì nhà vua phải nhường ngôi cho người kế thừa.
Đây thực ra đã là chế độ dân chủ trên ý nghĩa hiện đại.
Nếu nói những điều đó còn chưa đủ để chúng ta ngợi khen và ca tụng, thế thì kể từ năm 1968, bốn mươi năm sau, vào hạ tuần tháng ba năm 2008, Bhutan lại cho ra đời một chính phủ chế độ dân chủ nghị viện khóa đầu tiên. Đây phải coi là tin tức đặc biệt lớn trên toàn thế giới. Báo đài toàn thế giới đều đưa tin này. Châu Hữu Quang nói đây là “Tin lớn của nước nhỏ!”
Theo quan điểm của cụ Châu, dân chủ hóa Bhutan là xu thế lớn trong phát triển nhân loại, “Ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, mà dân chủ hóa là dòng chính về chính trị trong thời kỳ toàn cầu hóa”, “Loài người đang phá vỡ lề thói cũ. Nền văn minh của nước nhỏ đi trước nước lớn”.
Văn minh là gì? Đối với chuyên chế thì dân chủ tức là văn minh; ngược lại, đối với dân chủ thì chuyên chế là không văn minh. Một xã hội hiện đại nếu trên mặt chế độ chuyên chế, dân chủ mà không thể chọn lấy chế độ đại diện cho văn minh thì mọi thứ gọi là “văn minh” còn lại đều chẳng qua là để che giấu cái không văn minh lớn hơn của mình.
Điều làm người ta xúc động hơn nữa là nền dân chủ của quốc gia này [Bhutan] không phải là do nhân dân họ giành được sau bao nhiêu đấu tranh, mà là do quốc vương chủ động biếu tặng, cũng tức là nói vua Bhutan lại chủ động tiến hành các cải cách dân chủ hóa hạn chế quyền lực của nhà vua. Điều này cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử thế giới.
Về vấn đề đó, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, ông Vương Chiêm Dương, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu giáo dục chính trị Học viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương TQ cho rằng: Quốc vương Bhutan là một nhân vật kiểu Washington – khi có cơ hội làm vua, Washington đã không làm, còn quốc vương Bhutan đang làm vua lại tự động rời bỏ vương quyền.
Chẳng những thế, vị vua ấy còn đề xuất một khái niệm trên thực tế loài người phải coi là một quan niệm giá trị cực kỳ tiên tiến – “Tổng giá trị Hạnh phúc của Quốc dân” [Gross National Happiness – GNH – do vua Jigme Singye Wangchuck đề xuất năm 1979, thay cho GNP]. Nhà vua cho rằng những người giàu có không phải bao giờ cũng hạnh phúc, mà trong mối quan hệ giữa tài sản với hạnh phúc thì hạnh phúc cao hơn tài sản. Nhà vua lại nói: “Cho dù một nước quân chủ tốt cũng sẽ bị coi là một chính quyền chuyên chế”, mà quốc vương tiếp tục thực thi chính quyền chuyên chế đó sẽ là người đau khổ về tinh thần. Bởi vậy nhà vua phải theo đuổi dân chủ, làm cho nguyên tắc “Lợi người và lợi ta” đạt được sự thống nhất cao. Vương Chiêm Dương cho rằng đây là một trình độ hết sức cao. Nếu không hiểu được rằng hãy còn có thứ quan trọng hơn tài sản và quyền lực thì sẽ không hiểu được Bhutan.
Nói đến đây không nhịn được thêm một câu: Vương Chiêm Dương nghiên cứu “chính trị XHCN”. Chúng ta biết trên ý nghĩa thông thường, các quan chức lớn nhỏ của nhà nước XHCN phải là quần thể có trình độ cao nhất trong xã hội này. Nhưng Vương Chiêm Dương cho rằng cử chỉ của quốc vương Bhutan “ở một trình độ cực kỳ cao”, thế thì tôi muốn hỏi, phải chăng có thể nói trình độ ấy còn cao hơn trình độ của “những người cộng sản” chúng ta ?
Nếu không, vì sao cho tới nay [chúng ta] vẫn khó thực hành dân chủ? Hoặc là nói trình độ dân chủ của chúng ta vì sao lại không được như Bhutan?
Thực ra tất cả những điều đó nói cho đến cùng vẫn là dựa vào con người chứ không dựa vào việc người đó là Đảng Cộng sản hay Đảng Quốc dân hay là một nhà vua.
Một người cộng sản có thể có khuynh hướng chuyên chế, còn một vị vua cũng có thể có khuynh hướng dân chủ.
Đương nhiên còn dựa vào nhận thức.
Nhận thức của một người cộng sản chưa chắc cao hơn nhận thức của một vị vua.
Đúng như câu nói của vị vua nước Bhutan mà hiện nay chúng ta đã biết rõ: “Tôi có thể cố gắng làm một quốc vương yêu dân, nhưng tôi không thể bảo đảm Bhutan đời đời kiếp kiếp có quốc vương tốt. Vì hạnh phúc lâu dài của nhân dân Bhutan, chúng ta tất phải thực hành dân chủ.
Không biết rằng năm xưa chúng ta có một số người khi đọc đến mấy câu trên thì họ có cảm tưởng gì, lẽ nào có mắt như mù, bịt tai không muốn nghe, hơn nữa còn có vẻ coi khinh? Có mấy câu ấy, tôi có thể nói: Anh có yêu dân thì anh hãy thực hành dân chủ đi.
Một quốc vương mà còn nhận thức được, nếu người cộng sản TQ không nhận thức được, thế thì tôi xin hỏi: Cái gọi là “tính tiên tiến” của anh thể hiện ở đâu? Tọa độ tham chiếu của tính tiên tiến của anh là gì?
Nếu cho phép vẽ rắn thêm chân, thì tôi nghĩ niềm hy vọng lớn nhất của nhân dân TQ e rằng là mong sao trong các nhân vật cấp lãnh tụ của TQ có thể xuất hiện vị quốc vương như thế của Bhutan. Nói ngược lại, các quan chức lớn nhỏ của chúng ta chắc cũng mong sao nếu người lãnh đạo của mình như vị vua ấy của Bhutan thì nhân dân sẽ yên ổn. Bởi lẽ mọi người trên Trái Đất này đều biết: thực ra nhân dân Bhutan rất vừa lòng với chế độ quân chủ. Nếu nhân dân TQ cũng như nhân dân Bhutan thì cảm giác của một số quan chức sẽ tốt như thế nào đây.
Song cũng vẫn có thể tưởng tượng, khi lãnh đạo nhân dân Bhutan là một nhóm quan chức như thế này của chúng ta, cho dù thực hành chế độ quân chủ hoặc thực hành “dân chủ XHCN” như của chúng ta thì nhân dân Bhutan chẳng những nhất định sẽ không đồng ý mà cũng nhất định không đáp ứng.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/07/20/dan-chu-hoa-o-vuong-quoc-bhutan/
—————–
[1] Zhou You Guang (1906-2017), nhà ngôn ngữ học số một TQ, được gọi là “Cha đẻ Phương án Hán ngữ Pinyin”, rất có uy tín ở TQ vì dám nói thẳng nói thật và vì tuổi cao (thọ 111 tuổi).
[2] Vương quốc Bhutan thành lập năm 1907, từ đó vương triều Wangchuck cai trị đất nước. Bắt đầu tiến hành cải cách hiện đại hóa từ đời vua thứ ba là Jigme Dorji Wangchuck (1929-1972, ở ngôi vua 1952-1972): 1953 thành lập Quốc hội, 1968 lập Nội các đứng đầu là Thủ tướng, 1971 vào Liên Hợp Quốc. Năm 2005 trưng cầu dân ý, toàn dân bỏ phiếu thông qua Hiến pháp đầu tiên. Từ 2005 thi hành chế độ hai đảng, đảng nào nắm đa số Quốc hội thì được lập chính phủ. 24/3/2008 bầu cử Quốc hội. Diện tích 38.394 km2, có 750 nghìn dân (2016), 75% theo đạo Phật. Thân Ấn Độ, không thân TQ (đóng cửa biên giới với Tây Tạng sau khi TQ chiếm vùng này 1951).
[3] Đó là Jigme Singye Wangchuck, vua thứ 4 của Bhutan, sinh 1955, từng học ở Ấn Độ và Anh; lên ngôi 7/1972. Năm 1998 thôi kiêm nhiệm đứng đầu chính phủ, nhường quyền cho Hội đồng đại thần. 14/12/2006 thoái vị, nhường ngôi cho con trai cả là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (sinh 1980, học ở Anh, Mỹ; lên ngôi 6/11/2008).

Nước và sự minh bạch

MÌnh quay trở lại nhà đã thuê một năm trước đây để ở thêm nửa năm nữa. Lần này, bà chủ nhà ra vài điều kiện với mình (mà năm ngoái mình đương nhiên được hưởng):

  • Không được dùng buồng tắm có nước nóng;
  • Phải trả tiền cơm (chỉ cơm thôi, đồ ăn tôi tự mua tự nấu);
  • Phải tự mua nước để uống.
MÌnh chấp nhận, dù trong lòng có lăn tăn về chi phí mua nước uống. Nó quá nhỏ, vì sao bà ấy phải tính toán đến như vậy.
Rồi mình cũng có bình nước của riêng mình, đặt cạnh bình nước của một người thuê trọ khác. Bình bên kia có dấu hiệu riêng, nên mình chẳng ghi gì lên bình của mình hết. Vả lại, với mình, thứ nhỏ nhặt như vậy khỏi bận tâm cho mệt đầu.
Bỗng hôm kia, mình vô tình phát hiện ra bình nước của mình vơi đi 1/3. Mình uống đến đâu mình biết. Vì vậy, mình nhận ra ngay có sự bất thường ở đây. Ngoài mình, trong nhà chỉ có bà chủ nhà và cô bé thuê trọ bên cạnh. Bụng bảo dạ phải dán tên của mình lên bình, nhưng mình quên béng mất. Sáng nay, cô bé đó đi làm đêm về, dẫn theo bạn trai. Và mình vô tình nhìn thấy cậu ấy lấy nước từ bình của mình uống.
Chiều đi học về, mình đã dán tên của mình lên đó. Vừa lúc đó gặp bà chủ nhà, mình nói luôn để giải thích cho hành động của mình "Tao thấy có ai đó đã dùng nước của tao". Bà chủ nhà biết thừa nếu không là mình, chỉ có thể là bà ý hoặc cô bé kia. Và bà ý nói luôn "À, hôm qua Jen (tên cô bé thuê trọ) bảo tao gọi nước, nhưng bọn nó chưa đến, nên tao bảo nó cứ dùng nước trong bình của mày, rồi khi nào có nước sẽ bù lại cho mày". Mình trả lời ngay "Sáng nay, tao thấy thằng bạn trai nó uống nước trong bình của tao đấy". "-Vì nó không biết đấy mà. Khi nào có nước, mày cứ dùng nước trong bình của nó đi. Hoặc mày dùng nước của tao cũng được". Mình nhếch mép, lắc đầu và cười. Rồi mình bỏ đi. Nhưng, mình đọc vị ngay những điều phi lý:

  • Nếu họ mới chỉ uống nước của mình từ ngày hôm qua, không thể hết nhiều đến thế (nhớ rằng mình uống bao nhiêu, mình đều áng chừng được);
  • Nếu bà chủ nhà bắt mình dùng nước riêng, tại sao bà có quyền cho người khác dùng nước của mình mà không nói với mình một tiếng? Trong trường hợp nước chưa đến, bà ấy chỉ có thể lấy nước của bà ấy cho người ta dùng, chứ không phải nghiễm nhiên lấy nước của mình. Có ai đong đếm được đã bao nhiêu lít nước được dùng đâu. Khi mình mới chuyển vào, và được thông báo về việc dùng nước riêng, lúc đó bản thân chưa có nước, mình đều phải bảo bà ý cho mình xin nước của bà ý để uống. Tại sao lúc đó bà ý không bảo mình cứ lấy nước của cô bé kia uống đi, sau này bù?
  • Mình gặp bà ý không biết bao nhiều lần trong ngày, vì thời gian sinh hoạt chung trong bếp là khá nhiều. Nếu mình không phát hiện ra, liệu bà ý có nói với mình không?
Lúc sau, dường như thấy thái độ của mình không hài lòng, bà ấy lại thanh minh lần nữa "Lúc tao bảo Jen, mày không có nhà. Lúc mày về, tao quên mất. Dù sao, nước cũng rất nhỏ mà".
Mình chỉ nói "Đúng, chi phí nước quá bé. Tao không quan tâm. Nhưng dùng đồ của tao thì phải bảo với tao một tiếng". Bà ý nói với "Mày nhìn bình của nó là thấy hết nước thật mà", mình nói luôn "Không phải là đồ của tao, tao không bao giờ quan tâm, cũng không bao giờ động đến. Việc tuy rất nhỏ, chi phí rất ít, tao không quan tâm đến việc uống bù nước của nó đâu. Hàng ngày tao đi học về, vẫn còn nước lấy từ trường, có dùng hết đâu. Nhưng chỉ cần nói với tao một tiếng để tao biết trước khi sự việc xảy ra".
Vì với mình, điều quan trọng hơn nhiều là sự minh bạch, là cách hành xử đàng hoàng. Bà chủ nhà không làm được thế đã đành. Cả cô bé dùng nước của mình cũng không nói với mình một tiếng, dù gặp nhau vài lần một ngày. Rõ ràng, nếu thật là cô ấy đang dùng nước của mình, cô ấy phải biết nói với mình. Thậm chí nếu mình là cô ấy, mình cũng không dùng dù bà chủ nhà cho phép. Đó là nguyên tắc hành xử đàng hoàng tối thiểu mà một người lớn có đủ nhận thức cơ bản phải biết.

Có thể đây lại là một lý do nữa khiến cho mình không thích con người ở Philippines. Mình nhớ đã có vài bài viết về điều này. Nhưng hình như thế vẫn chưa đủ. Bà chủ nhà yêu cầu mình quá nhiều thứ, soi xét mình quá nhiều thứ, nên mình tự mua đồ về dùng, khỏi dùng chung. Từ bấy đến giờ, lại thấy bà toàn dùng đồ của mình. Mình hở ra "Tao đói" là bà ý dụ ăn đồ của bà ý ngay, và tính tiền ngay. Trong khi mình nấu gì cũng cho bà ý nếm cùng. Mình biết người Philippines rất thích xin xỏ, nên mình không bao giờ nói "Mày cứ dùng thoải mái đi" như vẫn thường nói với người khác. Bởi vì, đã có lần mình nói, và những lần sau họ thoải mái dùng như thể của bản thân.
Muốn yêu thương nhưng thật không dễ!

Giải trí có nên đè bẹp giá trị văn hoá?

Việt Nam chạy đua với các nước trong việc tăng tần suất các chương trình giải trí. Cũng tốt thôi. Dân được xem nhiều chương trình khác nhau tuỳ sở thích. Từng nhóm đối tượng trong xã hội tìm thấy cơ hội quảng bá cho chính bản thân mình để đăng ký tham gia. Doanh nghiệp giải trí có việc làm. Cơ quan quản lý truyền hình nhà nước có cơ hội tăng kênh, đa dạng hoá nội dung, và có thêm thu nhập.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ với một điều kiện: đừng lấy tính giải trí đè bẹp giá trị văn hoá, đừng phỉ nhổ vào thú vui giải trí mang tính văn hoá, và đừng tiêm nhiễm vào đầu thế hệ trẻ sự vô văn hoá.
Chương trình "Vietnam's Next Top Model 2017" đang vi phạm cả 3 điều trên. Mà vi phạm một cách trắng trợn và tởm lợm.
Tôi còn nhớ như in Chương trình "Germany's Next Top Model" đã ấn tượng với mình thế nào cách đây 11 năm, khi còn đang học và chả biết làm gì ngoài việc xem các chương trình TV của Đức. Lần đầu tiên tôi biết và cảm thấy thích thú với một chương trình truyền hình tương tác thực tế. Hỉ nộ ái ố đều được bày ra trước bàn dân thiên hạ, cũng là một cách để thiên hạ đánh giá cô này hay cô kia có đáng được vote không, bên cạnh khả năng làm mẫu còn là khả năng ứng xử trong cuộc sống chung với những người xa lạ. Tuy nhiên, các thí sinh phải được huấn luyện và hiểu biết một cách cơ bản về sự xuất hiện và hành vi của mình trước ống kính. Bởi vì, không chỉ có bố mẹ hay anh chị em trong nhà, mà có hàng triệu con người nhìn vào cô mỗi khi cô mở mồm, hay cô ngoáy đít. Tính chất thực tế của chương trình cho phép các cô "diễn tự nhiên trong khuôn khổ" chứ không phải là xó nhà các cô để nếu các cô có muốn "đánh rắm" cũng cứ để thuận theo tự nhiên.
Hình như chưa bao giờ tôi xem trọn vẹn một mùa Vietnam's Next Top Model nào, nhưng thỉnh thoảng cũng có ngó các cô shooting. Tuyệt nhiên nói không với hậu trường. Nếu báo chí không râm ran câu chuyện thí sinh tát nhau, ném đồ, giám khảo chửi bới, tôi cũng không "vô tình" tăng rating của chương trình trên báo thế này đâu. Song, xem rồi thì mới thấy thế này:
  • Các cô gái trẻ tham gia chương trình này đã ảo tưởng một cách điên rồ. Mới chỉ tham gia cuộc thi thôi, mà các cô đã tưởng mình là quan trọng, nhiều người biết đến. Cho nên, các cô mới "diễn quá". Thắng một vòng diễn là được làm chủ ngôi nhà chung, không có nghĩa là cô quắc mắt lên, cấm mọi người nói. Cô cũng chẳng có quyền gì quát thẳng vào mặt người khác. Hay cô tự cho mình cái quyền ném đồ của người khác ra ngoài. Nhiệm vụ của người dẫn đầu là nâng cao sức mạnh của từng người để cả một tập thể lớn mạnh, là nỗ lực để nâng cao tình đoàn kết.
  • Các cô cứ tưởng rằng mình phải phô diễn sức mạnh cá nhân như thế thì mới chứng tỏ mình có cá tính. Nhưng người ta chỉ thấy cô nổi lên rặt một từ "NGU". Có ngu mới không biết rằng hôm nay  mình bắt nó dọn cứt, lần sau nó thắng, nó bắt mình ăn cứt. Dẫu rằng các cô còn quá trẻ, trải nghiệm chưa nhiều, nhưng những bài học đạo đức và hành vi ứng xử cơ bản ấy đã có khắp mọi nơi, nhất là trong thời đại số hoá hiện đại như bây giờ. Tôi e là các cô đã được học, nhưng không học được những nguyên tắc cơ bản ấy.
  • Người ta bảo, các cô diễn theo kịch bản để câu view. Tôi không biết. Nhưng điều tôi biết chắc chắn là, các cô đang biến mình thành một thể loại lố bịch và tởm lợm không giống ai. Tôi không thể đem các cô so sánh với những chú hề, hay những con rối, những người hay vật thể gây cười cho người xem. Chú hề hay con rối đều có những giá trị của riêng họ, tôn vinh những giá trị văn hoá cơ bản của  loài người và những giá trị riêng biệt của con người Việt Nam. Tôi không so sánh các cô với họ vì như thế, tôi vô tình làm bẩn hình ảnh của họ. Nhưng còn các cô, tôi chỉ thấy hiện lên những vết bẩn dơ dáy. Các cô không khiến cho người xem cười, mà khiến cho họ thấy buồn nôn. Các cô chà đạp lên giá trị văn hoá được dán dưới cái mác "thực tế". Và, nếu những đứa trẻ lên 10 cứ xem chương trình mà các cô diễn, chúng nó sẽ học được gì? Thoải mái chửi bới? Thoải mái thoá mạ? Thoải mái sửng cồ? Thoải mái đánh nhau? Bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn của xã hội từ lâu. Giờ nó lại được cộng hưởng từ những hành vi vô văn hoá của các cô nữa. Thử hỏi nó sẽ còn tuột dốc đến đâu?
  • Không chỉ các cô, giám khảo của các cô cũng tởm lợm không kém. Một anh có kỹ năng về trang điểm và một chị có kỹ năng catwalk cũng thích chửi bới nhau ngay trước ống kính, thì có khác gì các cô đâu. Dù anh ta có giỏi trang điểm đến đâu, anh ta cũng không thể khuyến khích thí sinh mắng thẳng vào mặt một người giám khảo khác. Nếu muốn, anh ta có thể mang cái mặt mình ra để hứng nước bọt, chứ không phải lấy mặt người khác ra hứng cho mình rồi lấy đó làm thành công. Dù chị ta có giỏi catwalk đến đâu nhưng đã là giám khảo, phải biết tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng thí sinh, chứ không phải muốn quát ai thì quát, muốn nguẩy đít bỏ đi thì nguẩy. Đây không phải chuồng xí nhà các anh chị để các anh chị muốn để nó thối thế nào cũng được. Hàng triệu khán giả không ai muốn ngửi thấy cái mùi thối ấy hết, nhất là khi nó được phát ra từ những cái mồm trạt son phấn và nước hoa.
  • Còn nữa, có lẽ với tôi, người đáng trách nhất là nhà đài. Hẳn là VTV3 cơ đấy. Kênh truyền hình quốc gia. Cho dù các anh chị có muốn giữ hợp đồng với công ty sản xuất chương trình, tôi e là phải có những điều khoản nhất định về giá trị văn hoá trong hợp đồng giữa hai bên. Vì ngoài VTV, công ty media (và những người có liên quan đến ngành), không ai biết chương trình này là do ai sản xuất. Hoặc họ chả quan tâm. Phát trên VTV3 tức là của VTV. Và vì thế, với khán giả, VTV3 phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng chương trình phát sóng. Tất cả những điều giải trí đè bẹp giá trị văn hoá như thế, cần phải có sự kiểm soát cẩn trọng. Để khán giả xem những điêu vô văn hoá như thế, VTV có vai trò gì trong việc cổ xuý những lối sống bản năng và ngu si cho thế hệ trẻ?

Xương người và tôn giáo

- Bà nghĩ tôi mất bao lâu thời gian tham quan Nhà thờ nghĩa trang này?
- Tuỳ. Có người chỉ vào 1' rồi ra luôn. Có người có thể ở cả tiếng.
Thực ra, lời nói ấy không làm tôi sợ. Tôi đã từng đi thăm một nhà thờ nghĩa trang ở Peru, với hai tầng hầm chứa đầy hài cốt, lộ thiên. Nói lộ thiên cũng không hẳn, vì nó thấp hơn mặt đất. Nhưng khách hoàn toàn có thể sờ vào (tất nhiên bị cấm). Không sợ, nhưng tôi tò mò. Và tôi tới.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà thờ là ... quá đẹp. Đẹp không ở kiến trúc bên ngoài, vì đây chỉ là một nhà nguyện nhỏ ở Bohemia. Nó được bao quanh bởi các khu mộ trên thảm cỏ xanh rì. Nhưng đẹp ở cách trang trí bên trong toàn bộ bằng xương người. Và dĩ nhiên, nó nằm dưới mặt đất.

Thời Trung cổ (khoảng thế kỷ XIV), cuộc chiến tranh tôn giáo do giáo hội Hussite (tôn giáo của người Bohemia do John Huss lãnh đạo) gây ra cùng với bệnh dịch đã giết chết hàng chục ngàn người ờ Kutna Hora. Họ được chôn tập thể. Nhưng phần lớn nghĩa trang này đã bị sập vào thế kỷ XV. Người ta buộc phải đưa những hài cốt còn lại (khoảng 40.000 bộ) về nhà nguyện nhỏ dưới hầm này. Năm 1511, một thày tu (thị lực kém) đã quyết định chất chồng những bộ xương người này thành tháp. Tháp xương nào cũng rất cao, toạ lạc tại bốn góc của nhà thờ, bao bên ngoài bởi đầu lâu và xương ống chân, ống tay, tạo thành nhiều lỗ rỗng bên trong, chắc để thoát khí.


Đến thế kỷ thứ XVIII, nhà thờ được một cá nhân mua lại, và họ quyết định dùng một phần những bộ hài cốt này để trang trí nhà thờ theo phong cách Baroque. Việc trang trí được hoàn tất vào năm 1870 bởi nhà chạm khắc gỗ Frantisek Rint.






Đằng sau tất cả những vật thể được dựng lên bởi những bộ hài cốt này là ánh sáng tràn qua khung cửa hình bầu dục. Người ta tin rằng đó là sự hiện thân của Chúa, rằng trước Chúa, mọi linh hồn đều bình đẳng.

Việc sắp xếp ngẫu nhiên những mảnh xương để tạo thành những tuyệt tác ấy đã thể hiện sự khác nhau trong tư tưởng của từng tôn giáo. Với đạo Phật, hài cốt của người chết luôn được cố giữ gìn nguyên bản, nếu có thể. Không có sự sắp xếp tuỳ tiện phần của người này vào người kia, vì Phật giáo cho rằng sau khi chết, con người được đầu thai vào kiếp khác, và để được như thế, hình hài (của xương cốt) phải nguyên vẹn.

Người chết ở cõi âm, không phải dương gian trần thế. Vì thế, với đạo Phật, không thể có chuyện đưa hài cốt lên cùng ánh sáng như người Thiên Chúa. Vả lại, việc can thiệp vào hài cốt (như khoan, vít, đục lỗ, buộc dây) là điều cấm kỵ. Bởi làm thế, họ sẽ đau lắm, vì linh hồn luôn sống. Với người Thiên Chúa, dường như đó không phải là điều họ quan tâm.

Tôi không hiểu biết về đạo Thiên Chúa. Những gì nói trên đây chỉ là những suy đoán cá nhân dựa trên những hiểu biết hạn hẹp. Và cuối cùng, tôi đã dành khoảng 40' ở đây để chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật Baroque mà tôi vô cùng yêu thích, và hiểu thêm chút gì đó về tôn giáo thịnh hành ở Châu Âu.

Yêu

Trong một hội thảo tôi trình bày về khái niệm "chủ động", một người đàn ông bước lên và nói "Stephen, tôi thích những điều ông vừa nói. Nhưng mỗi tình huống đời thường lại xảy ra khác nhau. Ví dụ về hôn nhân của tôi. Tôi cảm thấy lo lắng lắm. Vợ tôi và tôi không còn dành cho nhau cảm giác như thuở ban đầu. Tôi nghĩ rằng tôi chẳng còn yêu bà ấy nữa, và bà ấy cũng thế. Theo ông, tôi phải làm gì?
- Cảm giác yêu không còn như xưa nữa à?
- Đúng. Nhưng chúng tôi có những 3 đứa con phải nuôi nấng. Theo ông, tôi nên làm gì?
- Hãy yêu bà ấy.
- Tôi đã nói với ông rồi mà, cảm giác yêu không còn nữa.
- Hãy yêu bà ấy.
- Ông chả hiểu gì cả. Cảm giác yêu không còn nữa cơ mà.
- Thế mới phải yêu bà ấy. Nếu cảm giác yêu không còn nữa, đó là lý do tốt để ông yêu bà ấy.
- Nhưng làm thế nào để yêu khi ông không còn yêu nữa?
- Thưa ông, "yêu" ở đây là động từ. Tình yêu - cái cảm giác yêu ấy - là kết quả của động từ "yêu". Vì thế, tôi mới bảo ông phải yêu bà ấy. Hãy hy sinh mình một chút. Hãy lắng nghe bà ấy. Hãy cảm thông. Hãy trân trọng. Hãy công nhận những điều bà ấy làm được. Liệu ông có sẵn sàng làm những việc ấy không?
Trong thế giới này, "yêu" là động từ. Những người thụ động thường coi nó là cảm giác. Họ hành động theo cảm tính. Phim Holywood thường được dựng lên theo kiểu chúng ta hành động theo cảm tính và không cần phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nhưng phim Holywood không mô tả đúng thực tại rằng một khi chúng ta để cảm xúc lấn át lý trí, chúng ta đã chối bỏ trách nhiệm của mình và vin vào điều đó để hành động.
Người chủ động sẽ coi "yêu" là hành động. Yêu là việc bạn làm: là hy sinh, là cho đi, giống như tình yêu của người mẹ dành cho đứa con mình mang nặng đẻ đau. Nếu bạn muốn học yêu, hãy học từ những người luôn hy sinh bản thân cho người khác, thậm chí cho cả những người từ chối tình yêu của họ. Nếu bạn đã là cha mẹ, tình yêu chính là sự hy sinh bạn dành cho con. Tình yêu là giá trị được hiện thực hoá từ những hành động yêu thương. Những người chủ động thường không dựa vào cảm giác, mà dựa vào giá trị. Tình yêu, cái cảm giác ấy, hoàn toàn có thể lấy lại được nếu bạn hành động dựa vào những giá trị chân thực trong cuộc sống.

************
Trích từ Stephen R.Covey, "The 7 habits of highly effective people"

Người Cuba, một góc khuất

Năm ngoái, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm Cuba, mở đường cho một tương lai có thể tươi sáng hơn của đất nước hơn nửa thế kỷ chìm trong lệnh cấm vận của nước Mỹ, tách hoàn toàn khỏi thế giới bên ngoài (trừ một số nước Mỹ La tinh). Vậy con người Cuba thế nào?
Tôi đến thăm đất nước anh em khoảng một năm sau bước ngoặt thế kỷ đó, với vốn tiếng Tây Ban Nha ít ỏi và lõm bõm, nhưng ghi tạc trong đầu một trong những khẩu hiệu của Fidel Castro "Vì Việt Nam, nhân dân Cuba có thể đổ máu". Và, những gì tôi được chứng kiến từ những người "anh em" của mình đã cho tôi "một cảm giác rất ... khác.
Người Cuba đang sống trong thời kỳ tương tự như người dân Việt Nam cách đây chừng 20 năm. Họ hy vọng vào một sự thay đổi bước ngoặt trong cuộc sống, và vì thế, quan niệm, cách hành xử của họ dường như cũng thay đổi, không còn giống như những gì tôi đọc được qua kinh nghiệm của những người đi trước.
1. Người Cuba còn nghèo lắm. Đa phần là thế. Tôi có dịp chuyện trò với hai người bản địa, đều là bác sỹ. Họ phải học khá lâu. Họ có một số bằng cấp treo đầy nhà. Họ làm nhà nước. Và lương tháng của họ 40$. Không thể phủ nhận ngành y tế của Cuba rất phát triển. Dân được chữa bệnh miễn phí cơ mà. Không biết có phải vì thế mà lương của họ chỉ có ngần ấy? Cũng có thể. Nhưng không phải là tất cả. Dù gì, họ cũng phải chi tiêu vào vô khối các hạng mục khác để có thể tồn tại. Cũng phải nói thêm thế này cho rõ. Ở đất nước Cuba, dân tiêu bằng 2 loại tiền: CUP dành cho khách du lịch và CUC dành cho người bản địa. Đồng CUP cao hơn $, 1$ chỉ đổi được khoảng 0.85CUP. Còn 1CUP đổi được khoảng 26CUC. Có nhiều điểm du lịch tôi thấy, người Cuba chỉ phải trả 6CUC, người không phải Cuba phải trả 6CUP. Chênh lệch gấp 26 lần. Đối với người Cuba, tiền lương quy theo $ có thấp nhưng được tiêu bằng đồng bản địa rẻ hơn đến 26 lần thì cũng được. Tréo ngoe thay, cái thời kỳ chuyển giao lẫn lộn thế này, đến dân Cuba nhiều khi còn không được tiêu bằng CUC. Hàng hoá được tính theo đồng CUP. Cô bạn mà tôi ở nhờ nói "Tiền lương tao được lĩnh bằng CUC, tương đương 40$, nhưng thực phẩm tao phải mua bằng CUP, và tao phải tự đổi tiền CUC ra CUP". Còn anh chủ nhà trọ mà chúng tôi ở hôm đầu tiên thì bảo "Đi ăn quán là một điều vô cùng xa xỉ. Vì các quán ăn giờ đều niêm yết bằng CUP, và không phân biệt người bản địa hay khách du lịch. Tiền lương của tao chỉ đủ ăn 1 bữa nhà hàng cho cả nhà".
Mua bia trong cửa hàng bách hoá
2. Ít tiền như thế, nên người Cuba, nếu không dựa vào du lịch để kiếm tiền, thì không có nguồn thu nhập. Khi đã tốt nghiệp y khoa, họ phải cống hiến cho Nhà nước. Bác sỹ không được mở phòng khám tư. Không được kiếm tiền với chức danh bác sỹ gia đình. Giáo viên phải đi dạy học ở trường công. Nếu họ bị phát hiện làm chui, họ sẽ bị tước vĩnh viễn bằng cấp. Và vì thế, không có gì lạ khi chúng tôi đi trên taxi mà bác tài xế "trên thông thiên văn, dưới tường địa lý". Bởi vì, bác vốn xuất thân là phiên dịch, biết nhiều thứ tiếng và đã có thời gian định cư ở nước ngoài. Nhưng nghề không cho bác sống. Lái taxi cho khách du lịch tốt hơn rất nhiều. Cô bạn cho chúng tôi ở nhờ nói "Taxi là một trong những nghề giàu nhất ở Cuba hiện nay". Khi đến các nơi du lịch, hầu như những người cho chúng tôi thuê nhà đều từng làm giáo viên. Đương nhiên, ở Cuba, giáo dục và y tế là hai lĩnh vực miễn phí. Chắc vì thế số lượng người được đào tạo và làm việc ở hai ngành này cũng lớn nhất cả nước. Hàng hoá được bày bán trong các cửa hàng quốc doanh. Người nông dân thậm chí có mấy mẹt rau ngoài đường cũng là bán chui.
Một mẹt hàng chui vô cùng hiếm hoi
3. Vì du lịch là nguồn kiếm tiền gần như duy nhất của người Cuba, họ không từ một việc gì để kiếm sống với nghề. Tôi đọc khá nhiều bài viết của người Việt và người nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm đi du lịch Cuba. Và với họ, con người chan hoà, cởi mở và thân thiện là yếu tố tán dương hàng đầu. Khi hai chúng tôi vào bảo tàng, một nhóm ba bà từ già đến trẻ đon đả hỏi:
- Chúng mày đến từ đâu?
- Bọn tao đến từ Việt Nam.
- Ôi Việt Nam (đầy cảm thán)!!! Việt Nam là đất nước vô cùng xinh đẹp. Chúng mày cũng vô cùng xinh đẹp. Chúng mày có muốn chụp ảnh không, tao chụp cho nhé. Chúng mày đứng ở đây, cạnh cái góc này, rất đẹp. Nào, 2 đứa bọn tao sẽ chụp bằng 2 máy.  Ồ, mày phải đứng dịch vào tý nữa. Đấy, tao chụp này. Ôi tuyệt vời.
- Cám ơn bọn mày nhé. Bọn mày thật tốt.
- Chưa đâu. Chúng mày đi lên đây. Ở đây đẹp hơn. Đấy, cả con tàu chiến to. Chúng mày đứng góc này nhé. Bà kia mời dịch ra để tao chụp ảnh. Mày nghiêng đầu vào một tý. Thế nhá, một, hai, ba. Quá đẹp... Rồi, chúng mày sang bên này nữa. Bên này cũng vô cùng đẹp. Lại thêm một tấm nữa. Quá tuyệt vời. Bọn mày quá xinh....
Thế rồi là những cái ôm, nhưng cái hôn thân thiện đến nghẹt thở. Rồi còn trao nhau email để gửi hình. Tôi còn đang lâng lâng với cảm giác "Đúng là tinh thần anh em bất diệt" thì được bà già nhất thì thầm "Bọn tao nghèo lắm. Mày có tiền không, cho bọn tao một ít. Mà nhớ cho cả ba người nhá". Tỉnh hết cả ngủ. Cô bạn đi cùng định móc ví, nhưng tôi biết không có tiền lẻ. Vì thế, tôi chọn móc ví mình. Bà già ấy xoáy sâu 2 con ngươi vào ví của tôi. Rất may là tôi tỉnh nhanh. Tôi chọn mở ngăn tiền xu và đưa gần hết số xu mình có cho bà ý. Nhưng bà ý bảo "Chỗ này chưa đủ cho 3 người... Nhưng mày đưa hết cho bọn tao thế này, mày còn tiền để tiêu không?" Đương nhiên, bà ý nhìn thấy tôi đã hết tiền xu rồi mà. Đấy là còn chưa kể, về nhà mở ảnh ra, toàn một đống đen sì, vì chỗ đó không có đèn điện đủ sáng.
Hai đồng chí lơ ngơ trước khi bị "trảm"
4. Cái sự trơ trẽn ấy còn bị đẩy lên đến cao trào ... khi chúng tôi đi thuê nhà tại các khu du lịch khác. Khách du lịch đến Cuba thường được khuyên đến 4 điểm: Havana, Vinales, Trinidad và Varadero. Và hầu như nơi nào cũng khuyến cáo bạn không cần phải đặt trước, cứ đến nơi và tìm nhà nào có biển hiệu chữ "T" tức là nhà cổ thời kỳ thuộc địa mà thuê trực tiếp, giá rẻ hơn mà nhà đẹp hơn rất nhiều. Chúng tôi không đi Varadero, nhưng cả 3 nơi kia, nhà nào cũng có biển hiệu đấy hết, kể cả nhà mới xây. Nhưng, điều khiến chúng tôi không hài lòng là cách họ cho thuê nhà. Từ Havana, chúng tôi nhờ anh chủ nhà tìm cho nhà trọ ở Vinales. Liên lạc rồi, xác nhận rồi, chúng tôi đến nơi có người đón tận cửa. Rồi họ đưa chúng tôi sang một nhà khác, nói "Nhà tôi không còn phòng nữa. Tao đưa bọn mày sang nhà này (vừa nói vừa đi), là em họ tao, thế có được không?'. Theo bạn thì có được không? Không được thì ra đường à? Khi đến Trinidad, theo lời khuyên, chúng tôi gõ cửa một nhà cổ.  Chủ nhà từ chối, nhưng đề nghị được giúp chúng tôi tìm nhà khác. Chúng tôi đợi ở đó khoảng 30' thì  có một cô bé đến dẫn chúng tôi đi. Đến nhà cô bé đó, mẹ cô bé đó gọi một thằng ku ất ơ bên cạnh, bảo "Bọn mày đi theo thằng này, nó sẽ dẫn bọn mày đến nhà trọ của nó". Chưng hửng. Đi đến nơi rồi từ chối, vì căn phòng không khác gì nhà ổ chuột. Chúng tôi đi đến đâu hỏi cũng nhận được phản ứng tương tự "Tao hết phòng. Để tao gọi điện hộ bọn mày...". Sau gần 2 tiếng, chúng tôi mới tìm được một phòng với cái giá gấp đôi cái giá tôi đã đọc trong tờ hướng dẫn. Cô bạn tôi không đành, tự đi tìm nhà khác, lúc sau về khấp khởi mừng thầm, vì đã gặp đúng người, nhà bà này có căn phòng nhỏ đang cho thuê, đến sáng hôm sau thì trống, và căn phòng được in hẳn trên visit card luôn. Hai đứa thậm chí còn "ăn mừng" vì cuối cùng đã tìm được nhà. Sáng hôm sau, lại hùng hổ bước sang nhà mới. Ông chủ nhà dẫn chúng tôi đi, nhưng tôi mãi chả thấy cái nhà nào giống cái được in trên hình cả. Cuối cùng, chúng tôi dừng lại ở một căn phòng cơi nới trên tầng 2 của một nhà cổ. Cô bạn tôi vô cùng bực mình, vì bà chủ nhà liến thoắng nói "Ở đây bọn tao là anh chị em hết. Mày yên tâm. Cả thành phố không còn chỗ nào để thuê đâu". Ngán ngẩm đến cùng cực, chúng tôi báo với bà chủ nhà hôm sau sẽ trả phòng vào giờ trưa, nhưng bà ý đã kịp thời chặn họng chúng tôi "Sáng mai bọn mày đi chơi thì bọn mày trả phòng luôn đi. Tao hứa cho khách khác thuê rồi". Chúng tôi phải mất đến gần 20' cãi nhau với bà ý, nhưng cuối cùng đành chịu. Mất nhiều tiền cho một ngày ở tro, cuối cùng cũng chỉ được ở nửa ngày thôi.
Biểu tượng của Trinidad, thành phố 500 tuổi. Nhưng bạn sẽ không thể chắc chắn những ngôi nhà có biểu tượng này là nhà thuộc địa hay không.
5. Người Cuba thoải mái nói về sex. Tôi nghĩ họ còn thoải mái làm nữa kia. Bạn có thẻ bị gạ tình ở bất kỳ đâu. Khách du lịch thường được khuyến cáo "Nên mở lòng đón nhận những cái ôm thân thiên  của người bản địa thậm chí sau vài ba phút gặp gỡ". Cũng không hẳn sai, vì người Cuba nổi tiếng với điệu nhảy salsa. Và họ rất sẵn lòng mời bạn nhảy cùng dù mới quen biết. Nhưng sex là chuyện khác. Cửa hàng lưu niệm ở Cuba có 1 hình tượng khá nổi tiếng, mà nếu bạn không biết, không "trơ", thì bạn sẽ ngượng chín lên mất nếu cái của quý của hình tượng đàn ông đó nhảy vào trước mặt bạn. Tôi đi đâu cũng nghe thấy những điều tương tự như "Sex is free here", "Boyfriend is free here", "Hold my arms please"...
Người Cuba là thế đấy. Không phải những người đi trước tôi nói sai. Mà tôi cho rằng người Cuba thích ứng quá nhanh với thời cuộc. Và khi ngôn ngữ là rào cản với bạn, bạn chỉ có thể hiểu được qua những cái ôm, cái cười, cái câu cảm thán, bạn sẽ thấy người Cuba thật tuyệt vời. Nếu bạn biết chút ít ngôn ngữ, tôi e là bạn sẽ nghĩ khác về con người nơi đây.

Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia - Một vẻ đẹp bất tận

Tôi đến Uyuni trong một buổi sáng lạnh giá cuối tháng 12. Đây là điểm cuối cùng trong hành trình khám phá Nam Mỹ ngắn ngủi sau chuyến xe đêm khoảng hơn 10 tiếng. Thực lòng, tôi không kỳ vọng gì nhiều vào vẻ đẹp của một cánh đồng muối, nhưng quả thực Bolivia không có nhiều nơi để xem. Vả lại, tôi cũng mệt lử sau nhiều ngày leo núi dọc từ Peru xuống. Xuống xe bus, chúng tôi đụng ngay hàng chục cò tour, nhưng vì đã hẹn trước với 1 bà từ khi còn ở La Paz, nên chúng tôi đi theo về quán của bà ấy. Sau bữa sáng đạm bạc, chúng tôi book tour. Ớ ra rằng không có tour tiếng Anh, anh bạn cùng đi cứ nằng nặc phải có được phiên dịch, nhưng bất thành, vì chi phí đội lên hơn gấp đôi. Cũng may mà có đôi bạn Peru đi kèm, và cô bạn gái thì nói được tiếng Anh, nên sẵn lòng phiên dịch cho chúng tôi khi cần thiết.
Đôi bạn Peru đồng hành cùng chúng tôi.

10h, chúng tôi leo lên xe. Tôi cứ thắc mắc tour có 1 ngày mà 10h mới bắt đầu thì đi làm sao hết. Nhưng khi về mới biết người ta đã tính toán cả rồi, đi giờ ấy khi quay về ngắm hoàng hôn là vừa (thậm chí chúng tôi phải đợi gần 1 tiếng mới thấy mặt trời lặn). Vượt qua khu giáp ranh với dân cư, trước mặt chúng tôi là cả một biển muối mênh mông. Tôi phải dùng từ biển vì quả thật không thể nhìn thấy bờ bên kia. Tôi nghĩ, có lẽ còn phải gọi khu này  là sa mạc muối mới phải, vì ngoài muối ra, chỉ có trời.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé qua là nghĩa địa xe lửa. Nơi đây từng là nhà ga xe lửa lớn nhất Bolivia từ thế kỷ thứ XIX. Nhưng người dân bản địa thì coi xe lửa là sự xâm lăng. Vả lại, sau khi nền khai khoáng sụp đổ tại khu vực này, không còn ai trông coi nó nữa. Cộng thêm với việc dân phá, giờ nó chỉ còn là đống sắt vụn khổng lồ.
Một trong số những chiếc tàu còn nguyên vẹn nhưng vô cùng cũ nát.
Tất cả các chuyến tour đều sử dụng xe SUV, thảng hoặc tôi mới nhìn thấy một chiếc xe khách từ phía xa. Xe chúng tôi phải đi đúng những vệt bánh xe trước, để tránh lún do có nước ở trên bề mặt muối. Anh chàng người Bolivia đi cùng chúng tôi nói, cánh đồng muối này đã 3 năm nay không có mưa, nên nó đang trở thành sa mạc. Vì thế, xe cộ đi cũng dễ dàng hơn. Nhưng, cánh đồng muối mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, đó là mặt muối phẳng lặng dưới làn nước mỏng trong vắt, và du khách tha hồ chụp ảnh với bóng. Những gì bạn search trên google về Salar de Uyuni bây giờ khác xa rồi. Cả một biển trắng toàn muối khô, sờn ráp và thô cứng.
Cánh đồng muối bất tận.
Chiếc xe bus trông xa như chấm nhỏ giữa lòng chảo muối.

Xe SUV là loại xe phổ biến nhất khi đi tour khu vực này.

Ấy thế nhưng chúng tôi lại gặp một mạch nước ngầm nhỏ trên đường đi. Nước sôi ùng ục trên bề mặt muối. Chắc mạch nước này đã giúp nuôi sống cánh đồng muối mấy năm nay. Không ai động vào mạch nước ấy nên không biết nó dẫn tới đâu, chỉ thấy đúng là thiên nhiên kỳ thú.
Mạch nước ngầm nơi đầu cánh đồng muối,.

Nước muối ở đây có thể làm lành những vết thương của bạn.
Rồi chúng tôi còn đi qua một ngôi làng nhỏ rìa ruộng muối. Dân ở đây sống bằng nghề làm muối, và làm đồ thủ công bán cho khách du lịch. Đa phần họ khá nghèo, vì làm muối thì sao đủ sống. Chúng tôi có đi thăm một nhà làm muối. Sau khi chở muối từ ruộng về, họ tập kết một bãi ngoài trời. Bên trong nhà, họ khoét 2 cái lỗ phía dưới bức tường để đốt rạ rang muối. Muối khô rồi, họ đóng túi, rồi dùng một bình ga nhỏ, nối với một cây gậy nhỏ rồi châm lửa đốt để hàn miệng túi. Để bán cho khách du lịch, họ chỉ đóng gói khoảng 1gram, bán với giá 1 đồng bolivianos, tương đương khoảng 3.300 VNĐ. Họ không lấy tiền đi thăm quan, chỉ mong khách mua ủng hộ để họ có việc làm. Họ nói, ngày trước còn bán được nhiều muối, và cũng khai thác được nhiều, nên nhà nhà làm muối. Giờ chả còn ai mua, nhiều nhà cũng đóng cửa. Điều đặc biệt ở đây là muối rất khó chảy nước và tan. Hầu hết mọi nhà đều được làm từ muối. Họ khai thác những viên muối to như gạch xỉ than quê mình làm nhà ý, cũng vuông thành sắc cạnh như thế rồi đặt chồng lên nhau. Khí hậu vùng đó nắng chan hoà, nhưng cũng lạnh vì khá cao so với mặt nước biển. Nhưng, họ vẫn sống thế, đơn sơ và giản dị. Rồi họ cũng dùng chính những tảng muối để khắc thành các đồ lưu niệm, có cái đẹp, cái không, và giá cũng không hề rẻ. Nhưng độc.
Lỗ đẩy rạ vào sấy muối

Muối được đẩy bằng xe goong vào dàn sấy

Đây là khâu cuối cùng trong quy trình làm muối, đóng gói

Tường nhà ở đây đều được lấy từ các tảng muối to.
Rời khỏi làng, chúng tôi tiến sâu vào giữa sa mạc. Giờ thì không còn nhìn thấy gì ngoài ... muối. Tôi cứ cảm tưởng mình đi giữa sa mạc, không phương hướng. Trước khi đi, chúng tôi còn nghĩ "Hay không cần thuê tour mà tự đi", nhưng nếu làm thế thì thực sự sai lầm, trên đường chúng tôi đi không một bóng người đi bộ. Xe chúng tôi đi với vận tốc khoảng 80km/h, nắng gió rát mặt, nhưng ngập tràn hơi thở của thiên nhiên kỳ vĩ, của sự tự do và tinh thần phóng khoáng. Vài tiếng sau, chúng tôi đến nơi người ta dựng một bức tượng Darka Bolivia bằng muối rất lớn, biểu tượng của đường đua sa mạc khu vực Nam Mỹ. Cạnh đó là một khách sạn quốc tế đang xây rồi bị bỏ dở giữa chừng vì lý do gì thì quên mất tiêu rồi, nhưng giờ nó trở thành nơi dừng chân ăn trưa của các đoàn tour. Đây còn là nơi cắm cờ của các quốc gia có người đã từng đặt chân đến vùng đất này. Khi chúng tôi đến, không có lá cờ Việt Nam (dù tôi đọc trước đấy đã từng có). Vậy là chúng tôi cố treo lá cờ nhỏ xíu của mình vào ma trận cờ ấy. Nhưng với sức gió cứ khoảng gần 100km/h thì cờ nào rồi cũng tan tành mây khói.
Lá cờ bé xíu giữa cả rừng cờ

Biểu tượng Dakar, cuộc đua xe sa mạc

Khách sạn bỏ dở
Chúng tôi lại đi tiếp trên sa mạc ấy sau bữa trưa. Chúng tôi đến một hồ cạn nước nơi loài hồng hạc Nam Mỹ thường bay về trú ngụ vào khoảng tháng 11 hàng năm. Hôm đó, hồng hạc chỉ lưa thưa vài con, còn lại là bầy cừu alpaca nhẩn nha gặm cỏ. Nơi đây có nước nên sa mạc cũng bớt cằn cỗi hơn, alpaca có thức ăn để sống. Alpaca là loài cừu đặc trưng vùng núi Andes, dọc từ Peru xuống Bolivia và một vài nước lân cận. Đồ len làm từ lông alpaca cũng trở nên trứ danh ở khu vực này, vì độ ấm hơn hẳn len nhân tạo, và giá thì cũng cao ngất ngây. Quay lại vùng đất, vì nơi đây có nước, nên cũng khá thú vị để chụp ảnh, coi như dấu tích còn lại của vùng sa mạc muối nguyên thuỷ, để bạn có thể thấy bóng mình trên mặt muối.
Hồng hạc Nam Mỹ, loài thường hay di cư về đây những tháng cuối năm. Nhưng khi chúng tôi đến, chỉ có vài con như thế.

Alpaca, loài cừu đặc trưng vùng Nam Mỹ


Những đoạn thế này, tấm gương khổng lồ giữa trời và đất, giờ trở nên vô cùng hiếm hoi.
Salar de Uyuni còn có 1 đảo cá vô cùng đặc biệt. Không phải vì đảo toàn chứa cá. Cũng không gọi là đảo bởi vì nó được bao xung quanh bởi nước. Đảo này giữa cánh đồng muối khô rang. Và đảo có hình con cá. Điều vô cùng đặc biệt nơi đây là những cây xương rồng khổng lồ, có cây cao chừng vài ba mét, có cây phải đến 5m, to gần như cây cổ thụ, tất nhiên không ai ôm được. Muốn lên đảo này, bạn phải mất vé. Đảo cao khoảng hơn 3600m so với mặt nước biển. Nhìn đảo dốc ngược, người ngán leo như tôi cũng ngại, nhưng nhìn thấy em bé tý hin ở tít trên cao, tôi cũng ham. Và thực ra, nó không khó như nhìn từ dưới lên, vì các tảng đá rất phù hợp để bước. Lên đến trên đỉnh đảo, quanh bạn lúc này chỉ có sa mạc muối. Chiếc ô tô SUV chở chúng tôi giờ chỉ còn bé bằng 2 ngón tay. Đất trời như hoà quyện vào nhau. Và tôi thấy mình thật nhỏ bé.
Hoa xương rồng khổng lồ

Ô tô giờ chỉ bé bằng đốt ngón tay giữa sa mạc
Đảo cá nhìn từ trên xuống
... và từ dưới lên

Những cây xương rồng khổng lồ
Khi mặt trời vẫn còn trên đỉnh, chúng tôi đến một điểm không nhìn thấy bất kỳ cái gì trừ muối. Trước khi đi, tôi xem những bức hình họ chụp, tôi không hiểu tại sao có thể làm như vậy, như người chui lên từ chai nước, hay đứng trên đầu khủng long. Và họ khuyên nên mang đồ chơi đi. Nhưng vì không hiểu nên tôi không chuẩn bị gì. Có gì dùng nấy, chúng tôi cũng bắt đầu chơi với muối và mặt trời. Đầy phấn khích. Không còn ai nhớ mình đã bôi kem chống nắng chưa hay có lạnh không. Tất cả nhường lại cho sự tự do và phóng khoáng.


Điểm cuối cùng trong ngày là ... ngắm hoàng hôn. Với tôi, điều này không ấn tượng lắm, vì có lẽ tôi mong mỏi cảnh sẽ có núi cao, chắc sẽ đẹp hơn.

Uyuni với tôi tuyệt đẹp, tất nhiên vì cảnh đẹp, nhưng còn vì cả sự bất tận của nó. Nó làm tôi đôi khi nhớ đến biển ban đêm, khi bạn không còn nhìn thấy bờ, khi xung quanh bạn chỉ có bầu trời đen đặc sao, tiếng sóng biển ầm ầm không dứt, và đôi khi bạn thấy không còn ranh giới nào để bấu víu. Tự do của bạn là đây, nhưng đôi khi nó sợ đến nghẹt thở. Uyuni, với tôi, cũng đẹp như thế.