Nhật ký đi học (Phần 5): Người Philippines


Lần trước viết về 1 thằng bạn Philippines điển hình rồi, nhưng lần này cứ viết tiếp về người Philippines nhỉ?
Cách đây 10 năm, mình đã được học, được sống với 8 bạn Philippines. Đợt này học, lại được tiếp tục sống với 3 bạn. Mà lần này hơn lần trước ở chỗ mình còn ở Philippines, sống chung với gia đình người Philippines. Có lẽ cũng hiểu hơn về họ, bổ sung vào những luận cứ mà mình rút ra được từ cách đây 10 năm. Nhưng những gì mình viết dưới đây chỉ nói về những con người mình đã từng gặp trong cuộc đời thôi nhé.
Người Philippines hay lợi dụng lòng tốt của người khác. Khi họ thích cái gì, muốn cái gì của người khác, họ thường đòi bằng được. Họ không giữ sĩ diện. Họ không e dè. Họ cũng không ý tứ. Đôi khi, họ còn bất chấp tất cả những thứ đó chỉ để họ có được cái họ muốn. Một thằng Philippines vay tiền một thằng Philippines khác "để gửi tiền về nhà", trong khi thằng cho vay cũng phải gửi tiền về nhà. Sau gần một năm với đủ chiêu trò đòi lại, cái thằng cho vay nhận được từ thằng đi vay là "Để tao xem có trả mày không đã". Đứng hình luôn. Hay một thằng Philippines mượn 1 thằng khác cái áo vest để đi sự kiện. Dù thằng sở hữu cái áo ấy tỏ ý không muốn cho mượn với câu hỏi tế nhị "Tao nghĩ là nó không vừa với người mày", nhưng thằng kia nhất định không chịu lùi bước "Tao nghĩ là nó vừa". Cuối cùng, khi đi sự kiện ấy, nó mặc áo thằng khác, còn nó cho thằng khác mượn cái áo mà nó mới mượn hồi sớm. 2 ngày sau, nó hỏi thằng chủ áo "Mày có nhà không, tao đem trả áo". Dù nói có, mà thằng này lặn mất tăm thêm 2 ngày nữa, dù kỳ thực vẫn gặp nhau chan chát tại trường, nhưng không hề đả động đến điều này. Sang đến ngày thứ 3, nó mang hẳn cái áo đến trường (dù nếu nó mang sang nhà thằng chủ áo chỉ mất vài bước chân), gặp thằng chủ áo, và hỏi "Tao trả mày áo này. Nhưng mày có thể cho thằng này (chỉ thằng đứng cạnh nó, cũng Philippines) mượn được không?". Chẳng lẽ lại không cho mượn? Chẳng lẽ lại mắng thẳng vào mặt thằng này? Có lẽ người Philippines rất biết cách để người khác không thể trả lời "Không". Một lần khác, thằng Philippines bảo mình "Mày mời tao cà phê đi. Tao biết cà phê của mày rất ngon". Thì mời. Mời xong, nó bảo "Mày cho tao ít cà phê nhé. Tao biết mày có cả một gói to. Tao vừa xin được thằng ABC cái bình lọc cà phê rồi. Lần trước tao xin nó, nó hứa cho mà mãi không cho. Tao phải xin thêm mấy lần nó mới cho". Kịch bản hoàn hảo chưa? Lại nữa, có thằng Philippines sắp sinh nhật. Nó sống với gia đình người bản địa nên không thể tổ chức sinh nhật. Nó cố rủ một người khác sinh nhật trong tháng (nhưng cách xa ngày sinh nhật của nó hàng kilomet) làm cùng, nhưng họ từ chối. Nó lại bảo với 1 bạn thuê một cái nhà rất to (cùng với một số bạn khác) rằng cho tao mượn nhà mày tổ chức sinh nhật, thực ra để bạn ý nấu đồ ăn cho. Bạn này về hỏi ý kiến người cùng nhà nhưng không nhận được sự đồng thuận,  đơn giản vì họ còn phải học. Thằng Philippines này cũng biết ai là người từ chối, và lý do hợp lý mà họ từ chối. Nhưng thay vì trực tiếp nói chuyện với người này, thằng này lại tiếp cận bạn cũ, nói "DEF, mày xem tổ chức đi, chứ ngày sinh nhật tao, tao đi vắng rồi". Nó vô tình đẩy gánh nặng thuyết phục "người nhà" lên vai bạn đó, thật không thể hiểu nổi.
Người Philippines chỉ giỏi hứa mà không giỏi thực hiện lời hứa. Một đứa Philippines, sau khi vay tiền một đứa Việt Nam, nói "Tao sẽ trả mày trong mấy ngày tới". Mấy ngày ấy rồi cũng đến, vẫn thấy mặt mà không thấy tiền đâu. Nhưng đứa Việt Nam ý nhị không nhắc. Một ngày đẹp trời, nó lại bảo "À, tao sẽ trả mày trong mấy ngày tới". Mấy ngày tới ấy vẫn dần trôi. Đến khi không thể ý nhị, đứa Việt Nam bảo "Mày có hứa trả tao tiền", đứa Philippines nói "À tao quên, tao sẽ trả mày trong mấy ngày tới". Nhưng, mấy ngày ấy rồi cũng lại trôi qua trong im lặng. Sau vài lần như thế nữa, đứa Philippines lại chủ động "Tao hứa sẽ trả mày trong mấy ngày tới". "-Tao không cần mày hứa nữa đâu. Tao chỉ cần mày thực hiện lời hứa". Nhưng nó chả thấy bẽ mặt hay ngượng gì cả. Câu chuyện này lâu rồi mà mình cũng không biết khoản nợ đã được hoàn hay chưa. Một thằng Philippines khác thì hứa với mình "Tao sẽ đến đón mày qua nhà tao", nhưng bặt vô âm tín. Rồi "Tao sẽ lên lịch bọn mình đi núi lửa" nhưng cũng chẳng thấy đâu. Rồi tiếp "Mày sắp xếp hết đồ đạc để lại Philippines cho đến ngày quay lại rồi tao sẽ chở qua nhà tao để cất" nhưng lời nói gió bay mất tiêu. Một thằng khác thì bảo "Tao sẽ copy ảnh cho mày", nhưng chắc lười nên không làm. Đến khi mình bảo "Khi nào mày mang laptop đi học thì tao sẽ copy trực tiếp luôn", nhưng cũng thấy mặt mũi nó đâu. Hay một người khác, phụ nữ lớn tuổi hẳn hoi, khi mình nhờ tìm nhà thì vô cùng sốt sắng, luôn miệng hứa "Tối nay tao đi gặp hội này, tao sẽ hỏi cho mày". Nhưng rặt không thấy đâu. Đến khi mình làm tý thức ăn ngon, mình mang sang mời, lại nói "À, mai tao sẽ gặp hội này, tao sẽ hỏi cho mày". Nhưng rồi cũng mất hút con mẹ hàng lươn.
Người Philippines thường tỏ ra sùng đạo một cách quá đà. Nhưng, khi niềm tin đã lớn như thế, nhẽ thường phải làm đúng những lời Chúa dạy bảo. Nhưng, hình như điều này không xảy ra. Có thằng Philippines đi cùng mình trên tàu điện, cứ qua chỗ nào có bóng dáng nhà thờ là nó lại làm dấu "Amen". Ấy thế mà, trong cuộc sống hàng ngày, nó vừa là đứa kém cỏi nhưng lại kênh kiệu, thiếu hiểu biết nhưng lại làm cao, thường hay lấy vị trí của mình để "cả vú lấp miệng em". Hay một thằng khác, trong một ngày không biết bao nhiêu lần nó post trên facebook ơn Chúa. Nhưng thực tình nó lại luôn sống lợi dụng người khác, và lấp liếm cho những lỗi lầm hoặc kém cỏi của mình. Mình là đứa không theo tôn giáo nào, nhưng mình luôn có nguyên tắc sống "tử tế". Duyệt qua mấy tiêu chí đó, thấy người Philippines không đạt luôn.
Chắc còn nhiều điều về người Philippines mà mình không tổng kết lại đây, có lẽ sẽ cập nhật khi đủ "chứng cứ". Nhưng nhìn chung, mình không thích người Philippines, không phục họ và khó có thể chơi tri kỷ với họ.

Gãy chân hay gãy nền tảng đạo đức?

Mấy hôm nay rộ lên thông tin về việc xe ô tô chở cô Hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên làm một em học sinh lớp 2 gãy xương đùi nhưng không chịu nhận. Xe chở là xe ngoài. Trên xe có cô Hiệu trưởng và một cô giáo khác. Khi xe qua cổng trường, vô tình đâm phải em học sinh. Người lái xe xuống mở cửa để cô giáo (bình thường) xuống đỡ em học sinh dậy. Còn cô Hiệu trưởng đi thẳng vào trong trường. Rồi người lái xe được bảo cứ về đi.
Để chạy tội, cô Hiệu trưởng đã phát phiếu thăm dò, trong đó 100% giáo viên xác nhận không có xe ô tô nào vào trong trường tại thời điểm học sinh bị tai nạn. 100% cán bộ nhà trường xác nhận như trên. 100% học sinh cũng cho kết quả như thế.
Và thế là, em học sinh tự nhiên ngã trong giờ ra chơi.
Sau khi được các bác sỹ chữa trị khẳng định tai nạn của cháu chắc chắn phải do một lực rất mạnh đâm phải, bố của em học sinh đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi. Thật may vì lý do nào đó, mà tôi đoán là do mạng lưới phóng viên và mạng xã hội, câu chuyện thương tâm của con anh đã đến tai Chủ tịch UBND HN Nguyễn Đức Chung và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Và công an vào cuộc. Chẳng khó để tìm ra người lái xe gây ra tai nạn trên. Và do đó, cũng chẳng khó cho nghiệp vụ điều tra để tìm ra những người có mặt tại thời điểm đó đã làm gì.
Và thế là, cho tới thời điểm viết bài này, UBND Quận Cầu Giấy đang xem xét đình chỉ chức vụ của cô Hiệu trưởng.
Nói về cô Hiệu trưởng, leo lên được chức vụ đó hẳn phải thông minh (không ở khía cạnh này thì ở khía cạnh khác, nếu bạn muốn phân tích). Nhưng cách cô xử lý sự việc nhỏ này thực ra ... rất ngu, vì:
  • Cô còn là người dạy các em những bài học đầu tiên về đạo đức làm người, trong đó chắc hẳn phải có những hành vi như phải biết giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, phải trung thực, thật thà, dũng cảm. Nhưng, việc làm của cô đều đi ngược lại với những nền tảng ấy mà đáng lẽ cô phải làm gương cho thế hệ sau:
    • Xe của cô đâm vào học sinh, không thể nói cô không biết, vì cô đang ngồi trên xe, mà khi xe đâm vào vật nhỏ như cục đá còn nảy lên, huống hồ là người, không thể nói không biết.
    • Cô nói cô hiệu phó đưa cô vào trong trường, nhưng trên thực tế, cô hiệu phó là người xuống đỡ cháu bé dậy.
    • Cô nói rất vui vì tìm được người lái taxi, nhưng lại cho rằng toàn bộ lời khai của người đó là vô lý. Nhưng người lái xe có đổ tội cho cô đâu, họ chỉ khẳng định cô là người ngồi trên chiếc xe đó thôi mà. Mà điều này đương nhiên không thể cãi.
    • Cô nói cô nghe cô giáo chủ nhiệm báo cáo mới biết việc em học sinh bị tai nạn, và đã nhanh chóng hỗ trợ cứu giúp em. Cô còn cử cô giáo chủ nhiệm đến nhà dạy em học, cho em thi và khen em được điểm cao. Ai chả biết cái hệ thống giáo dục Việt Nam chạy theo thành tích như thế nào, nhất là bậc tiểu học. Điều này dường như chả liên quan đến trách nhiệm của nhà trường.
    • Cô nói cô tiêm thuốc tê nên sau khi về trường còn chóng mặt, phải có người dìu. Nhưng nhìn hình ảnh cô là thấy cô còn khoẻ mạnh lắm. Bản thân tôi cũng từng phải dùng thuốc tê, gây mê nhiều lần, mà lần nào, các bác sỹ cũng khuyến cáo phải ngồi tại chỗ 30' cho tỉnh táo rồi mới di chuyển, còn chưa kể cộng thời gian "nghỉ ngơi" trên taxi nữa, không thể nói là "u mê" được. Hơn nữa, chỉ 10' sau khi xảy ra tai nạn, cô chính là người gọi điện cho gia đình. Nếu sự việc chỉ liên quan đến một lớp học, giáo viên chủ nhiệm là người liên lạc, đâu cần đến Hiệu trưởng?
    • Cô nói việc phát phiếu thăm dò là do giáo viên chủ nhiệm đưa ý kiến, nhưng điều đó có ý nghĩa gì đâu khi mà những người không biết cũng được thăm dò, khi mà bản thân giáo viên chủ nhiệm còn không có mặt tại thời điểm đó, và khi sự thật được sáng tỏ rằng thực tế là có chiếc xe đi vào và đâm phải học sinh.
  • Cô là người vốn được các em học sinh quý, và "nhớ". Thế nên, việc cô bước xuống từ chiếc xe gây tai nạn rồi đi thẳng vào trường chắc chắn không thể "vô hình" trước mắt em học sinh. Giả sử cô vẫn ngồi trên xe, vào thật sâu rồi mới xuống, có thể em học sinh đã không nhìn thấy. Nhưng cũng may mà cô không nghĩ đến chuyện đó, chắc hẳn vì cô thấy một đứa trẻ chắc chẳng nhớ sâu và nhớ nhiều đến thế.
  • Việc đỡ em học sinh dậy, đưa em chữa trị và nhận một phần trách nhiệm về mình có thể đã giúp cho cô Hiệu trưởng "không nổi tiếng" như bây giờ (dù cô không phải là người trực tiếp gây ra tai nạn, nhưng nếu cô không sử dụng xe đó, và không ngồi trên xe đi qua cổng trường, thì chắc chắn tai nạn đó đã không xảy ra). Hơn nữa, thậm chí dù cô có không phải là người đi trên xe, nhưng tai nạn xảy ra trong khuôn viên nhà trường, thì cô cũng có trách nhiệm về mặt quản lý. Vậy mà, thực tế cô không làm nổi cái phần trách nhiệm đương nhiên ấy, mà còn gian xảo bày trò trên nỗi đau của em học sinh mà trước mặt mọi người cô vẫn thân thương gọi là "con".
  • Việc cô bày trò phát phiếu thăm dò thể hiện sự ngu si trong kiến thức. Cái giây phút chiếc xe ô tô đâm vào em học sinh, chắc chắn không phải 100% học sinh, giáo viên và cán bộ nhà trường chứng kiến. Vậy thì, kết quả thăm dò đương nhiên là giả dối. Cô này chắc dốt về thống kê. Ngoài ra, cô còn không hiểu biết về luật, vì bằng chứng cô làm, dẫu có hoàn hảo đến mấy, cũng không phải bằng chứng ngoại phạm chứng minh cô vô tội.
  • Đó là còn chưa nói đến việc bản thân việc làm phiếu khảo sát cũng là việc làm lừa dối. Ngày 17/2/2017, báo Dân trí có bài viết "Vụ học sinh tiểu học Nam Trung Yên gãy chân: Nhà trường báo cáo sai sự thật?", trong đó có phỏng vấn 3 cô giáo: cô Nhung (chủ nhiệm lớp em học sinh hiện tại), cô Tú và cô Mừng, và thông tin lộ ra rằng: (a) Không phải việc làm phiếu khảo sát là do cô Nhung đề xuất, (b) Mục đích khảo sát khi được phổ biến tới Nhà trường và giáo viên là để phục vụ công tác an ninh trường học chứ không phải là để khẳng định không ai nhìn thấy cháu bé bị xe ô tô đâm phải, (c) Không phải 100% giáo viên và học sinh có mặt tại thời điểm làm khảo sát, nhưng kết quả khảo sát vẫn ghi 100%, (d) Không phải giáo viên nào cũng được mời lên trao đổi với Hiệu trưởng hay có buổi họp với toàn thể giáo viên, cán bộ trong trường về sự việc trên, mà chỉ những người "thân với Hiệu trưởng" mới được phổ biến. Nhưng cô Hiệu trưởng đã tự tiện điều chỉnh kết quả khảo sát theo ý mình, đổ lỗi cho người khác, phục vụ cho mục đích cá nhân vô đạo đức của mình. Nhưng cái ngu của cô lòi ra ngay ở khâu lên kế hoạch. Việc cô muốn đổ lỗi cho ai, vẽ ra kịch bản thế nào, liên đới những ai, tất cả những cá nhân đó đều phải được biết và đồng ý trước. Chắc cô Hiệu trưởng cho rằng trong xã hội thiếu dân chủ thế này, sẽ không có ai phản bội cô. Nhưng cô đã nhầm!
  • Còn một lý do này, mà theo tôi, bạn đọc phải gạt vấn đề đạo đức sang một bên để lắng nghe. Điều này thực ra xuất phát từ yếu tố thị trường, rất thực tế ở Việt Nam lúc này. Từ ngày các khu đô thị mọc lên như nấm phía Nam Hà Nội, trường tiêu học Nam Trung Yên trở nên đắt giá. Phụ huynh cũng phải "chạy chọt" để con mình vào được trường. Người đứng đầu Nhà trường chắc chắn có "bổng lộc" nhiều hơn tất thảy cán bộ, giáo viên trong đó. Nếu cô Hiệu trưởng xử sự có tình, có lý, chắc chắn cô không mất nhiều chi phí bồi thường thiệt hại hay hỗ trợ gia đình em bé. Chi phí đó còn có thể được trích ra từ quỹ phúc lợi của Nhà trường. Và quan trọng hơn, tư cách Hiệu trưởng của cô không bị sứt mẻ. Chức vụ của cô cũng không bị ảnh hưởng. Nhưng đáng tiếc, cô chỉ nghĩ đến ngày hôm sau chứ không nghĩ đến những ngày tháng dài hơn. Giờ đây, cô mất chức, mất quyền, mất tiền, mất danh vọng, mất uy tín. Những điều đó lớn hơn rất rất nhiều so với chi phí nếu cô làm ngược lại. Chưa kể, giờ cô còn phải mất "chi phí thực" để giảm nhẹ tội, để được chuyển địa điểm làm việc và giải quyết những hậu quả khác nữa chưa tính đến. Một người bình thường như tôi còn nghĩ được những hậu quả phía trước. Nhưng cô Hiệu trưởng thậm chí còn không làm được điều ấy.

Chính cô đã "việc bé xé ra to" rồi cô Hiệu trưởng ơi. Cô đã khiến cho học sinh, cán bộ, giáo viên trở thành kẻ nói dối. Sự việc ra sao khi chân tướng được phát hiện, những gì cô Hiệu phó nói là nói dối? Những gì bảo vệ cam kết chịu trách nhiệm về lời khai cuả mình sẽ phải thật sự chịu trách nhiệm? Liệu cô có thể đền bù cho những tổn thất (không dự liệu được) của những con người liên đới này không?
Tôi chợt nghĩ nếu sự việc không trở nên quá to tát như hiện nay, chắc chắn giáo viên trong trường sẽ "nhắm mắt làm ngơ" vì miếng cơm manh áo. Nhưng quyền lực của truyền thông và mạng lưới quan hệ đã đưa vấn đề vượt khỏi tầm kiểm soát cũng như chịu đựng của tất thảy mọi người. Liệu có ai dám chắc cô Hiệu trưởng sẽ không phải ra toà? Có ai dám chắc toàn thể những người ký tên vào bảng khảo sát mà nói dối không phải chịu trách nhiệm liên đới? Nếu sự việc diễn biến theo chiều hướng đó, đương nhiên những người thực sự bị lừa dối sẽ lên tiếng, trước hết để bảo vệ bản thân, sau đó để bảo vệ những thứ lớn lao như giá trị đạo đức. Trước hết, chúng ta thấy đó là tiếng nói của 3 cô giáo. Tôi tin chắc rằng, sẽ có nhiều cô giáo, cán bộ và học sinh nữa sẽ lên tiếng, thậm chí cả những người "trót" ký vào bảng khảo sát như bác bảo vệ. Giờ "tình thân" trở thành "thân ai nấy lo" rồi.
Thay vì giải quyết khủng hoảng, cô Hiệu trưởng đã làm cho khủng hoảng càng khủng hoảng hơn. Bởi lý do rất đơn giản, để bảo vệ mình, cô sẵn sàng chà đạp lên giá trị của tất cả mọi người khác.

Học sinh còn có thể tin vào đâu? Phụ huynh còn có thể tin vào đâu? Xã hội rồi sẽ cuốn đi đâu với những người vô đạo đức như cô Hiệu trưởng?
Nhìn thấy bức ảnh ở dưới mà tôi thấy gai người. Nếu như bạn nhìn ảnh này, và đó là con bạn, bạn sẽ nghĩ sao? Đứa trẻ mới chỉ có 7 tuổi...


******
http://m.danviet.vn/kinh-da-trong/hoc-tro-bi-gay-chan-su-that-khong-ai-dam-bao-ve-745625.html
http://www.tienphong.vn/giao-duc/hieu-truong-truong-nam-trung-yen-tran-tinh-vu-hoc-sinh-gay-chan-1121154.tpo
http://www.tienphong.vn/giao-duc/toi-khong-dong-y-voi-ly-giai-cua-ba-hieu-truong-truong-nam-trung-yen-1121288.tpo
http://dantri.com.vn/su-kien/vu-hoc-sinh-tieu-hoc-nam-trung-yen-gay-chan-nha-truong-bao-cao-sai-su-that-20170217191959002.htm
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/vu-hoc-sinh-nam-trung-yen-gay-chan-18-giao-vien-dong-loat-phan-doi-ban-giam-hieu-20170218144835024.htm
http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chu-tich-ha-noi-cach-chuc-hieu-truong-hieu-pho-tieu-hoc-nam-trung-yen-de-dieu-tra-20170221004247119.htm
http://dantri.com.vn/su-kien/giao-vien-va-gia-dinh-noi-gi-ve-ket-luan-vu-hs-truong-nam-trung-yen-gay-chan-20170221115607386.htm
http://dantri.com.vn/phap-luat/chi-tiet-vu-taxi-cho-hieu-truong-dam-gay-chan-hoc-sinh-20170221012044579.htm

Viết cho ngày ... lạc lõng

Valentine từ lâu đã trở thành một ngày lạc lõng với mình, nhất là từ khi người đàn ông rất trí thức và văn minh ấy đã làm cho một cô khác có bầu khi vẫn còn đang chính thức là người yêu của mình. Niềm tin vốn đã rất mong manh trở thành hư ảo.
Sáng nay, nhân chuyện mình hỏi thăm địa chỉ sửa máy tính, cậu em ở nhà đã không ngần ngại gọi trực tiếp cho mình, dù đã message trả lời. Chả khai, cậu đã xưng hết chuyện buôn bán nhà cậu. Vẫn là giọng nói chân thành ấy suốt mười mấy năm qua. Mình vẫn còn nhớ như in lúc mới vào làm, cậu đã tỏ ra thích bà chị này, nhưng mình không biết. Chỉ biết cậu sẵn sàng giúp đỡ mình bất cứ thứ gì (về IT) mình cần. Chỉ cần mình ới một tiếng là cậu có mặt ngay. Các chị trong phòng cứ mỗi lần sửa máy tính đều phải nhờ mình gọi cậu, vì "phải em gọi nó mới sang". Thế rồi, một hôm, mình nhận được một clip animation kể về câu chuyện một bạn giai thích một chị gái, và rồi bạn giai có nói, đại khái là tỏ ý thích và muốn gọi chị gái đó bằng em. Mình nhớ đã cất lại clip đó nhưng lâu quá rồi không biết còn tìm được không, và còn phần mềm nào mở được định dạng file đó không. Tập toẹ IT, mình cũng tự chế từ phần mềm đó một clip khác "từ chối" một cách khéo léo. Đi chơi vài buổi nhưng chắc thấy khó thay đổi nên từ đó cậu không bao giờ trở lại câu chuyện đó nữa. Và chị em gặp nhau cũng không bao giờ nhắc tới nó, không e ngại hay xấu hổ gì. Nhưng cậu vẫn luôn là người đồng nghiệp vô cùng thân thiện và hay giúp đỡ mình. Bẵng đi một thời gian dài khi mình chuyển việc, chị em không còn cơ hội chuyện trò, rồi cách đây khoảng 2 năm, mình vô tình gặp lại cậu khi cho trẻ con đi chơi trong công viên (và cậu cũng thế). Cậu ngồi tâm sự với mình hàng giờ, không úp mở, không giấu diếm chuyện gia đình, chuyện làm ăn và quan hệ xã hội. Và đến hôm nay, dù không thể giúp đỡ, cậu vẫn có thể dành nhiều thời gian như vậy chuyện trò với mình, với giọng nói chân thành như nó vẫn vốn vậy, chí ít là với mình. Kết thúc buổi nói chuyện vì cậu vô cùng bận (làm kinh doanh mà) và mình cũng đến giờ đi học, mình chợt thấy vui vì một ngày Valentine ý nghĩa.
Năm nay, Ban liên lạc sinh viên tổ chức nguyên ngày với nhiều sự kiện cho sinh viên trong trường. Nào là Love Mesage, là Vagina Monologues, là Bachata Lesson, là Nails Art và Open-air cinema. Nhưng sự hứng thú đã trở nên chai sạn rồi. Mình không viết message cho bất kỳ ai, dù lúc đầu cũng nghĩ có thể viết một vài lời nhắn đến những thày cô giáo mà mình tôn trọng. Có lẽ cũng vì mình đã ... già. Ấy thế mà.... cũng nhận được vài tờ giấy bé xíu. Chân thành nhất là những lời của cô bé Việt Nam, đọc cũng thấy nghèn nghẹn "... Sau này nghĩ về nơi đây chắc sẽ nhớ má nhất... Cám ơn má đã chịu đựng những tính khí thất thường của em...". Quả là cô bé có nhận thấy những phản ứng của mình, và cũng nhận ra cả sự bao dung. Mừng cho cô, và mừng cho cả mình vì những nỗ lực ấy đã mang lại điều tốt đẹp.


Nhìn lại quá khứ

Bạn tôi, con cháu một nhà tư sản Hà Nội chính gốc mấy đời, sinh ra và lớn lên ở phố Tô Hiến Thành.
Tết năm nay, bạn tôi lần đầu tiên trong đời được nghe kể chuyện ngày xưa, dù các cụ trong nhà là địa chủ kháng chiến, hiến đất cho cách mạng đi tản cư, ba nhà ở Hà Nội thì hiến hai, để lại một cái, nên được gọi là tư sản yêu nước, thế nhưng vẫn không thoát khỏi sự đấu tố của những người bần cố nông làm việc trong nhà. May các cụ còn thoát chết.
Và bạn tôi hận, hận "cái lũ bần cố nông ngu dốt" đã khiến cho dòng tộc trải qua giai đoạn sóng gió và bi thương. Và bạn tôi ước, giá Việt Nam có Trumph làm tổng thống.
Và status đó của bạn tôi nhận được hơn 200 like cộng vô khối bình luận. Trong số đó, có người sẻ chia, có kẻ phê phán. Hai ngày sau, bạn tôi xoá sạch những người phản đối mình trong friendlist.
Hành động của bạn tôi có được coi là hợp lý không?
Bạn tôi, người phê phán chế độ cộng sản độc tài, mơ ước về một xã hội dân chủ, tự do, cũng tốt thôi. Nhưng bạn có thể dối mình rằng, trên thế giới, chả có nơi nào tự do thực sự, ngay kể cả Mỹ. Nước Mỹ, sau Chiến tranh lạnh với Nga, đã trở nên "độc tài" thống trị thế giới, dưới vỏ bọc nền dân chủ tự do. Mỹ xây dựng đồng minh ở Châu Âu nhưng là để thực thi các chính sách ngoại giao của Mỹ. Các tổ chức quốc tế được thành lập dưới mác tự do như IMF, WB, ..., đều do Mỹ nắm quyền chi phối, và trên thực tế, họ phục vụ mục tiêu chính trị của Mỹ chứ không thuần tuý là các tổ chức có tiếng nói độc lập. Đặc biệt với Trumph, ông ý theo chủ nghĩa dân tuý, không tự do. Ngay từ khi lên nắm quyền vào ngày 20/1/2017 vừa rồi, ông đã ký khoảng gần 20 sắc lệnh, quyết định, ..., thể hiện sự "bán độc tài" của mình. Nếu Trumph lãnh đạo Việt Nam vào thời kỳ cải cách ruộng đất khoảng đầu những năm 50s như thế, liệu Trumph có là một Hítle thứ hai? Trumph có nhiều tài sản, dĩ nhiên Trumph luôn ủng hộ tư sản rồi. Vậy "cái lũ bần cố nông" liệu có chết cả loạt dưới tay Trumph, có khi còn hơn cả nạn đói năm 45.
Bạn tôi đã qua nửa đời người, tôi có thể tạm gọi như vậy. Nửa đời người liệu đã đủ cho bạn chiêm nghiệm về cuộc sống vô thường chưa? Liệu đã đủ để bạn ngộ ra rằng việc gì trên đời cũng có thể xảy ra? Liệu đã đủ để bạn thấy cái sự ấu trĩ, thối nát đó xuất phát từ chính quyền, chứ không hẳn là từ chế độ? Việt Nam vẫn duy trì chế độ đó cho đến nay, nhưng cuộc sống đã thay đổi quá nhiều từ những năm 50s ấy. Việt Nam học tập Trung Quốc trên từng bước đi, và cái lỗi mà "một thời bi thương" phải gánh chịu là cái lỗi hệ thống xuất thân từ nước lớn như Trung Quốc mà ra.
Bạn tôi làm nghề tự do. Cụ thể là nhiếp ảnh, là sáng tác nhạc. Làm ra sản phẩm thì phải bán. Muốn bán phải có khách hàng. Muốn có khách hàng phải có mạng lưới. Và cái friendlist đấy chính là mạng lưới mà bạn tôi cần để kiếm cơm. Liệu ý kiến đa chiều về một sự việc nào đó có đáng để bạn tôi phải tự chặt mất nguồn kiếm cơm của mình không? Đấy là chưa kể chấp nhận ý kiến trái chiều là một đặc điểm cố hữu của nền dân chủ tự do mà bạn tôi đang mơ tới.


Tôi có đọc một comment được bạn tôi giữ lại "Ý kiến của anh cũng hợp lý thôi, nhưng hiếm". Vì sao hiếm?
Gia đình ông bà nội tôi là địa chủ. Trong kháng chiến, ông bà cũng nuôi cách mạng. Nhưng rồi, ông bà cũng bị bần cố nông đấu tố. Bị mất hết sạch nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, ông bà và các bác bị đuổi ra đê ở. Đó là những ngày tháng khổ nhục không kể xiết của ông bà tôi. Bố tôi ngày ấy còn xung phong đi bộ đội, nhưng gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh đấu tố.
Gia đình ông bà ngoại tôi làm kinh doanh nhà ăn thời Pháp. Quê tôi bị Pháp chiếm đóng. Nhà hàng của ông bà tôi là địa chỉ thường xuyên lui tới của lính Pháp. Ông ngoại tôi chuyên bốc thuốc cứu người. Khác với nhà nội, các bác nhà ngoại tôi đi kháng chiến gần hết. Một bác còn là liệt sỹ. Bà ngoại tôi giấu cán bộ nhiều lần. CÒn chuyện nuôi người làm thì vô khối. Ấy thế mà, những năm 50s ấy, ông bà tôi cũng bị quy địa chủ, bởi chính những người làm trong gia đình. Thực ra cũng may, vì người làm này tố thì người làm kia bênh. Nhưng nhà cửa, tài sản cũng mất sạch sẽ. Mẹ tôi kể rất nhiều lần, rằng ông bác tôi bị ra đê ở. Vốn được học hành, bác tôi vẫn sống. Bác làm nông nghiệp, chăn nuôi. Hàng ngày, gà vịt nhà bác đẻ trứng. Bác vẫn để toàn bộ sản phẩm đó trước hiên nhà, "mời các ông bà nông dân cứ lấy mà ăn". Nghĩ mà xem, mình là nông dân, mình đuổi nó ra đê ở, lấy nhà của nó ở, lấy đồ của nó xài, nhưng mình chả biết làm gì, nên hàng ngày vẫn phải ra đê lấy sản vật của nó để sinh sống. Nhưng, "các ông bà nông dân" không nhìn thấy chữ "nhục" bao giờ. Vì chính quyền ngu dốt, họ nghĩ rằng họ có quyền làm thế, vì bao năm họ đã bị áp bức bóc lột, giờ là lúc "lấy lại công bằng".


Sau này, cả nhà ông bà ngoại và ông bà nội tôi đều được chính quyền "xin lỗi", "trả lại tên cho em". Nhưng còn đúng cái tên thôi. Không còn gì ngoài nó nữa. Tôi vẫn thường nói đùa với bố mẹ mình "Giá như lúc bố mẹ lớn lên đã được hưởng phúc lộc của ông bà, thì giờ này nhà mình không đến nỗi nghèo như thế".
Vậy đó. Đúng là một thời bi tráng của dân tộc, một thời đau thương của dòng tộc nhà tôi. Nhưng tôi được nghe câu chuyện ấy trên dưới trăm lần. Và tôi nghĩ, mình đâu thay đổi được thời thế. Tố chất của người có học, dù trong hoàn cảnh sống nào, cũng vẫn là người có học. Người nông dân vẫn muôn đời chỉ là nông dân mà thôi.
Con quan thì lại làm quan
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Câu thơ phê phán xã hội phong kiến ngày xưa, nhưng ở góc độ nào đó, nó vẫn đúng, cho đến tận ngày nay.
Tôi nghĩ, cái nhìn của tôi về thời kỳ đau thương ấy cũng giống như của bao lớp lớp người con, cháu dòng tộc đã từng bị quy địa chủ như bạn tôi. Thế nhưng, vì sao bạn tôi lại nhìn nó với một thái độ căm hờn đến thế? Có phải là vì lần đầu được nghe? Hay vì tư duy cực đoan mà bạn tôi tự chọn cho mình cách thể hiện?

Ối giồi ôi mẹ bị lừa rồi...

Mẹ tôi, người đàn bà thông minh, sắc sảo là thế mà vẫn bị lừa bởi một thằng cha ất ơ.
Mồng 6 Tết. Mẹ tôi đang hoá vàng, bỗng thấy có ông mặc quần áo cà sa đến hỏi thăm nhà một người hàng xóm. Mẹ tôi nhận ra ngay vì đó chính là ông thày làm lễ cho bà hàng xóm khi bà ấy mất. Nhưng nhà hàng xóm không có ai ở nhà. Ông nằng nặc xin mẹ tôi cho vào nhà. Từ chối rằng đang bận việc, ông chờ đến tận khi mẹ tôi xong việc rồi xin vào nhà. Ừ thì vào. Rồi ông khen ban thờ nhà tôi đẹp, nhưng đặt trực tiếp lên tủ nên động. Ông bảo để ông làm lễ rồi cho lên cái xích đu, như vậy tốt hơn. Miễn phí. Con cà con kê, thế nào mà mẹ tôi lại nói chuyện nhà có cô con gái vẫn chưa lập gia đình. Thế là ông ấy khăng khăng để ông ý cắt tiền duyên. Vẫn chưa hết, mẹ tôi tiện mồm bảo nhà có con cháu nhưng tính không thuần, ông thấy mồi ngon ôm cả thể. Tiền duyên thì phải tiền rồi, triệu. Cúng bái cho cháu thêm triệu nữa. Rồi thêm khoản mục gì nữa đó 300 ngàn. Rồi ông bảo ông sang Gia Lâm làm lễ đây, rủ mẹ tôi đi cùng. Dù mẹ tôi từ chối nhưng ông cứ tiện mồm kéo đi. Mẹ tôi đưa thêm cho trăm ngàn, để ông ý đi đường. Tổng cộng cụ đã chi ra 2,4 triệu. Ông thày hẹn 3 ngày sau quay lại làm lễ.
Thế nhưng, mồng 9 qua rồi mà ông ta bặt vô âm tín. Lúc này, nhà mới tá hoả khi biết câu chuyện của bà. Ai cũng mắng, ai cũng trách. Bà lại nhất định không chịu nhận lỗi về mình, cứ khăng khăng bảo vì bát hương hoá đêm 30 nên mới mời ông ta vào nhà vì quá lo lắng. Chả là, đêm 30, bát hương nhà tôi, dù không còn mấy chân nhang, dù không thắp nhiều đến nỗi nhiệt độ quá cao, nhưng hoá âm, nghĩa là, cháy âm ỉ bên dưới lớp tro. Mẹ tôi đi hỏi nhiều người, ai cũng bảo hoá chân hương là điềm lành. Đến tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng thực ra, hoá âm báo điềm gở, hoặc mồ mả động, hoặc bị lừa tiền.
Thêm nữa, mẹ tôi sang nhà hàng xóm hỏi rõ ngọn ngành. Thì ra là, không phải nhà đó mời ông ý về, mà ông ý lân la ở Nhà hoá thân Hoàn Vũ đòi về làm lễ cho.
Xâu chuỗi sự kiện để hiểu ngay rằng mẹ tôi đã bị lừa một cách quá dễ dàng. Người đàn bà thông minh, sâu sắc cả đời mà bị lừa đảo ngoạn mục quá.
Tôi không rành về Phật pháp. Nhưng tôi cố suy diễn một cách đơn giản nhất thế này. Người tu hành, trừ trường hợp khẩn thiết, không bao giờ xin vào nhà dân thường, không chủ động mời gia chủ thực hiện các nghi lễ cúng bái vì bất kỳ lý do gì. Ông này đã phạm cả hai nguyên tắc cơ bản ấy.
Rồi tôi an ủi, dù bị lừa thật, nhưng của đi thay người thôi thế cũng xong. Giả sử ông đó dụ được mẹ tôi đi cùng, không biết còn chuyện gì nữa sẽ xảy ra tới sự an nguy của bà, cũng như tài sản mà bà có, dù trên người không có gì quý giá, nhưng tôi đã chứng kiến một số trường hợp bị ngửi thuốc mê, thậm chí còn về nhà lấy tài sản đưa cho bọn lừa đảo. Rõ ràng mẹ tôi đã từ chối, nhưng ông ta tìm mọi cách dụ mẹ tôi đi cùng, lại còn đi khá xa, thì không thể không có âm mưu.
Rồi, giả sử ông đó đến vào ngày mồng 9 Tết thật, thì mẹ tôi sẽ được dịp tin rằng những gì bà làm là đúng. Đúng thì phải theo. Theo nghĩa là mất thêm tiền bạc. Nhà chỉ có hai ông bà già. Sự an nguy cũng có thể trở nên mong manh khi ông đó có thêm dịp khám phá đường đi lối lại trong nhà tôi.
Đúng là, người tính không bằng trời tính. Những người đóng vai nhà Phật để lừa những người tin vào Phật pháp như mẹ tôi thì quả thật là cao tay. Chỉ mong mẹ đủ tỉnh táo để nhận ra đó là trò lừa đảo.
Tôi vẫn thường ngưỡng mộ những người tu hành, vì họ dũng cảm gột rửa sân si trần thế, một lòng hướng Phật, tu thân tích đức. Nhưng tôi không thể hiểu được có một số người lại lấy đó làm phương tiện để kiếm sống, như vụ ông thày rởm lừa mẹ tôi. Một số khác coi những nguyên tắc nhà Phật như trò chơi để đùa với Phật tử, như vụ phát lộc tại Chùa Hương hôm rồi. Biết rằng cuộc sống là vô thường, gieo nhân nào thì gặp quả nấy, nhưng sao vẫn thấy lòng lo lắng khôn nguôi...


Ừ thế là hết sinh nhật

Ừ thế là hết ngày sinh nhật từ hai bờ Trái Đất. Con gái bảo tặng 100k. Con giai bảo tặng cái răng sún, rồi còn khoe "Con tính tư duy cực giỏi". Ừ thì đó là món quà to nhất rồi.
Ừ thì thằng bạn Philippines, sau khi nghe được lời chúc mừng sinh nhật, đã rủ cả xe hát chung bài "Happy birthday to you". Ừ thì dẫu nó có là thằng chỉ mơi tiệc tùng, nó vẫn còn tử tế hơn một số thằng khác không nhếch nổi nửa cái mép.
Ừ thì thật là bất ngờ khi được một người bạn bản địa tặng cho một món quà ngay tại lớp. Bởi mình đâu có quen nhiều, đâu có bắt chuyện với ai, lạc lõng giữa một bầy ... em nhỏ. Một món quà nữa nhận được là cái vòng cổ truyền thống của người Chi lê. Ừ thì cũng đầy bất ngờ và ... sung sướng.
Ừ thì giờ mình đã nhận ra thời gian qua mình hơi phung phí sự tử tế cho những người mình coi là cùng quê hương ở nơi xứ người. Có thể là mình rất dễ bị ru ngủ. Tình yêu quê hương đất nước và dân tộc đã tạo nên một đức tính tốt... quá thừa. Mà thôi, muộn còn hơn không, nhỉ? Hình như mình càng ngày càng ... buông ... dễ.
Ừ thì lần đầu tiên nhận được cả những lời chúc từ những người bạn mới quen, những người quen tưởng chừng đã trôi vào dĩ vãng. Cũng là lúc tập lại những ngôn ngữ như tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, từ điển mở tùm lum. Vui vui là.
Ừ thế là hết sinh nhật rồi. Dư âm chắc sẽ kéo theo vài ngày, thậm chí vài tuần nữa, vì thằng cũng có sinh nhật tháng 2 vẫn rủ mình tổ chức chung. Nhưng, take it easy. Đến đâu hay đến đó nhỉ?
Cuộc sống vốn vô thường. Đừng cố cái gì không phải là của mình. Chỉ cần cố tử tế thôi.
Ừ bình yên nhé!