Thế là thế thôi, nhỉ?

Chị lấy chồng năm 23 tuổi. Chồng chị không có việc làm, suốt ngày lang thang trà thuốc, bóng bánh. Anh gày gò đến nỗi lúc đầu mẹ chị tưởng dân nghiện hút, dù anh đã gần chạm đai đen taekwondo. Nhưng nhà chồng ở Hà Nội, bố mẹ chồng làm công chức nhà nước, rồi sang Nga làm việc, cũng có của ăn của để. Nhà chỉ có hai mẹ con, quẩn quanh với ruộng vườn trên dãy núi Tam Đảo, yêu anh thì có, nhưng chị cũng muốn tạo cho mình một cơ hội tốt hơn. Vậy là đám cưới diễn ra, chị mỉm cười mơ về một tương lai sáng lạn.

Chuyển về Hà Nội ở với bố mẹ chồng, chị có bầu rồi sinh con. Một đứa con gái xinh xắn, trắng trẻo và bụ bẫm. Chồng chị vẫn còn kịp về bên chị lúc sinh, dù cả cái quãng chín tháng mười ngày đấy hầu như chị chỉ ở một mình. Anh đã được bố mẹ "biệt phái" đi lao động xa.
Anh ở với chị được thời gian ngắn, rồi anh lại đi. Chị một mình nuôi con, đúng ra là nuôi con với bố mẹ chồng. Ông bà cũng thương yêu cháu, cũng chăm cho cháu từng bữa ăn, từng giấc ngủ. Nhưng chị vẫn thấy thiếu. Chị thấy nặng lòng, dù chị biết ở đây có nhiều cơ hội hơn ở nhà. Con gái chị, không hiểu sao, luôn có nét buồn trên khuôn mặt. Nó rất ít nói, hầu như không giao tiếp với người ngoài, phần lớn thời gian đều ở trong nhà, thỉnh thoảng ra ngoài đường dạo với ông.

Bố chồng chị xin cho chị đi học bổ túc, ngành kế toán. Sau vài năm miệt mài đèn sách, con chị đã lớn khôn, còn chị đã có tý kiến thức giắt túi. Rồi bố chồng lại xin cho chị vào làm một công ty tư nhân. Dù không cao cấp gì nhưng cánh cửa cuộc đời chị vẫn mở rộng ra hơn một chút. Dù nước mắt chị tuôn rơi nhiều lần vì chồng không có sự nghiệp, tiền tài gì, lại chẳng bao giờ ở bên, chị vẫn cặm cụi sống chung với số phận. Chị vẫn khắc khoải về một tương lai không xa khi chị có thể nở nụ cười hạnh phúc bên chồng con.
Ấy thế rồi chồng chị cũng "được" về. Mừng mừng tủi tủi, chị lại dính bầu. Xong nhiệm vụ, anh lại đi. Lần này bố mẹ cho anh đi xa hơn, sang tận Nga làm việc. Đấu tranh để vợ chồng gần nhau của anh cuối cùng cũng giành chiến thắng. Chị được xuất ngoại theo chồng. Nhưng đứa con gái lớn thì phải để lại nhà ông bà chăm. Thôi thì cũng thế thôi. Chị vẫn đang loay hoay tìm cho mình một con đường sống. Còn đứa con gái vốn đã sống với ông bà từ nhỏ, vài năm mới nhìn được mặt bố vài lần, thì để sống với ông bà cũng chấp nhận được. Nơi đất khách quê người, dù tuyết có rơi dày đến đâu, dù công việc ở xưởng may có vất vả đến đâu, dù cuộc sống có khắc nghiệt đến đâu, với chị, lúc đó nó cũng rất gần với thiên đường. Được ở bên chồng, được tự do làm việc, được tiếp xúc với công việc quản lý, chị thấy mình "lớn" hơn, "giàu" hơn và tự tin hơn rất nhiều. Rồi sinh linh bé bỏng thứ hai cũng chào đời. Một cô bé kháu khỉnh, hai mắt tròn đen như hai hột nhãn. Chị tiếp tục vé ra trong đầu kế hoạch đón con bé thứ nhất sang để đoàn tụ.
Nhưng rồi một năm trôi qua, ý định ấy đã bị dập tắt không thương tiếc. Đứa con gái bé bỏng không nói, tựa như tự kỷ. Bố mẹ chồng chị không vui vì nó không phải là một thằng cu. Công việc làm ăn ở dom không phát đạt như trông đợi. Theo chỉ đạo của ông bà, chị bế con về nước, đoàn tụ với cô gái lớn và ông bà nội. Chị lại chấp nhận kiếp sống neo đậu vào thu nhập của ông bà, một mình nuôi hai con cùng với sự hỗ trợ đắc lực của ông bà mà không có bố nó. Rồi bố chồng lại xin cho chị đi làm, xin cho con đi học. Cuộc sống lại như mặt ao, phẳng lặng như không một hơi thở.
Rồi một ngày, tỏm, một viên sỏi bị ném xuống ao. Đó là khi bố chồng chị nói "Cố đẻ đi thằng con giai". Chị nửa đùa nửa thật " Con mà có đẻ được con giai thì cũng giống bố thôi". Bởi vì chồng chị là đứa con út của ông bà, sau khi đã sinh hai công chúa. Thực lòng, chị cũng chả hạn chế làm gì. Phàm nỗi, chồng thì chả ở bên, lâu lâu ông bà mới cho phép về một lần. Cái đoạn "mắn" như lần trước có lẽ cũng thưa hơn. Sốt ruột sau vài lần chả thành công, ông bà quyết định để quý tử của mình về hẳn nước. Niềm vui lại lấp lóe trên ánh mắt chị. Về nhà, anh mở quán net. Đúng thú vui, lại có tý thu nhập, chị lại cho phép mình mơ về một điều tốt đẹp không xa.
Rồi đứa thứ hai cũng bắt đầu vào lớp 1, theo chân chị hàng ngày đến trường. Chị đã có công ăn việc làm ổn định. Thế mà anh lại bị ông bà "điều" vào Nha Trang trông khách sạn cho chị gái. Chị buồn. Nhưng chị buông xuôi. Cả cuộc sống phụ thuộc vào ông bà, chị nhắm mắt bước qua số phận. Gần hai năm sau, anh lại được thả ra, với nhiệm vụ "phải đẻ được thằng cu". Khi chị nghe bố chồng bảo "Chị phải đẻ được thằng cu, nếu không, chị xin ly hôn đi để nó có cơ hội lấy người khác còn đẻ ra thằng cu", trời đất như đổ sập trước mắt. Và lần đầu tiên trong đời, chị dõng dạc nói "Nếu bố nói thế, ngày mai, con sẽ đi luôn". Và đêm ấy, nuốt tủi nhục vào trong, chị gói ghém đồ đạc, cất đi những hy vọng, toan tính một tương lai. Giờ, chồng chị đã ở nhà. Nhưng chị đã ra đi. Chị mang theo hai cô công chúa làm bầu bạn. Còn anh, hàng ngày vẫn lang thang quán trà, vùi đầu vào những trận bóng đá, chờ mệnh lệnh tiếp theo của bố mẹ.
Chị đã vùng lên, dù đau đớn khôn nguôi. Hơn chục năm chị cưới bố mẹ chồng, chị đã làm tròn bổn phận của một người dâu, người con "ngoan ngoãn". Nhưng thế là thế thôi, nhỉ? Chị không muốn mãi làm thân trâu bị người khác dắt mũi. Chị không muốn mãi không biết đến hạnh phúc, dù đã có chồng và có con. Chị không muốn giam cầm thể xác và tâm hồn mình, dù vẫn được ăn uống đủ đầy. Chị cũng là con người, chị cũng có quyền được mưu cầu hạnh phúc cho bản thân, chị cũng có quyền giải phóng bản thân mình khỏi những định kiến lệch lạc. Dù còn yêu anh, chị không phải là nô lệ. Chị muốn có một người chồng, chứ không phải một con trâu. Chị không nề hà sống với bố mẹ chồng, nhưng chị không đành lòng cả đời thực hiện những mệnh lệnh vô lý. Hơn chục năm qua, chị chịu đựng và chấp nhận số phận, nhưng cây muốn lặng mà gió chẳng đừng. Chị đã đứng vững, và giờ đây chị quyết định đứng một mình đầy vững chãi.
Cuộc đời vốn có nhiều điểm tới hạn, mà những điểm tới hạn cũng có độ co giãn nhất định. Nhưng rõ ràng là nó có tồn tại. Và nếu nó tồn tại, nghĩa là cuộc đời nhất định sẽ đổi thay nếu vượt qua nó. Tôi mong, và tôi tin chị sẽ sớm mở được cánh cửa khác sáng hơn, thoáng hơn, nhiều hương thơm và quả ngọt.
Thế là thế thôi, nhỉ?