Thu thi chuyen ngay xua (phan 10)




Dịp tết năm ấy, bố mẹ tôi và các cô chú nói chuyện rất nhiều về các cách để thoát ra khỏi cảnh sống khó khăn, nghèo túng. Bố tôi cương quyết gạt đi những ý kiến bàn về buôn bán và nhờ vả những người quen có chức quyền. Ngày ấy dân quê tôi hình như chỉ có quyền nghèo chứ không được phép làm giầu? Tất cả những hình thức làm ăn cá thể đều bị ngăn cấm và lên án. Ngoaì hợp tác xã nông nghiệp thì còn có hợp tác xã mua bán, hợp tác xã cơ khí ... Đến mấy ông chữa xe đạp, cắt tóc, máy khâu ... cũng phải tập trung lại thành những cái gọi là "hợp tác xã ". Người nông dân có nuôi được con lợn thì cũng phải bán cho nhà nước. Ai muốn giết thịt lợn thì phải xin phép chính quyền mà nếu có bán thịt thì cũng chỉ được bán trong cái phạm vi làng xã của mình mà thôi. Với dân nghèo, lúc ấy cơm chưa đủ no thì có mấy ai dám ăn thịt! Nằm chắn ở giữa ngã tư phố huyện là một trạm thuế vụ khét tiếng ác ôn. Ngày ngày tôi chứng kiến biết bao nhiêu những vụ bắt bớ mà tang vật chỉ là: lợn, gà, cá, thóc, gạo, rau ... Lúc ấy thì kiểm lâm là gì thì tôi chưa biết nhưng thường nghe câu hát " Công an, thuế vụ, kiểm lâm - Trong ba thằng ấy thì đâm thằng nào?"


Bố tôi chỉ tham gia sinh hoạt đảng và phụ trách tổ hưu của xã nhưng lại được cán bộ địa phương rất nể trọng. Nhiều lần bố tôi cũng thẳng thắn góp ý về những điều không hợp lý trong các chính sách. Đám cán bộ xã tuy lắng nghe nhưng lại trả lời là không dám trái lệnh trên. Thời kỳ này bố tôi gầy sọp hẳn đi. Ra giêng, có một bác cùng lứa với bố tôi đến chơi. Bác bày cách máy mũ nan để nhập cho cửa hàng hợp tác xã mua bán. Thế là bố tôi theo về nhà bác học nghề rồi vay mượn mua được cái máy khâu cổ lỗ sĩ của Pháp. Cái máy tuy cũ nhưng rất khỏe. Bực nhất là nó chạy bằng thoi nên cái suốt chỉ bé tí phải thay liên tục. Tôi học máy mũ rất nhanh và luôn có những cải tiến nên năng suất và chất lượng không ngừng được nâng lên. Vào mùa hè, trường học qui định là học sinh nhỏ tới lớp phải đội mũ nan. Lúc ấy sản phẩm của bố con tôi làm đến đâu thì cô cửa hàng trưởng lấy hết đến đấy. Những ngày bố tôi đạp xe đi Chèm mua nan, tôi bỏ cả bóng đá để ở nhà đạp máy. Có công việc để có đồng ra đồng vào thật là vui. Dịp hè năm ấy cả nhà tôi rộn rã tiếng máy, tiếng cười. Bữa cơm gia đình có thêm thịt cá. Bố tôi đã yên tâm dạy cho tôi những bài tập nặng hơn.


Hàng đang bán chạy ầm ầm nhưng bỗng chững lại sau ngày khai trường. Mỗi lần tôi chạy ra cửa hàng đều thấy cái mặt nhăn nhó của cô cửa hàng trưởng. Chẳng bù cho cái tươi cười của cô lúc hàng bán chạy. Cả vốn lẫn lãi của bố con tôi nằm hết trong đống mũ và nan chưa máy. Bây giờ chỉ còn một cách là mang ra chợ bán. Bố mẹ và các em thì không thể đứng bán hàng ở chợ nên chỉ còn tôi là người có thể làm được việc này. Sớm chủ nhật ấy, hai bố con tôi chở đống mũ đến chợ rồi bố mau mải ra về. Tôi ngồi thu lu giữa đống hàng, mặt mũi lẽn bẽn và chỉ lo sẽ gặp đám bạn học. Vì chưa biết cách bán hàng nên có ai hỏi giá, tôi chỉ trả lời theo đúng giá bán của cửa hàng. Khi người mua kỳ kèo mặc cả thì tôi cộc cằn " Giá như thế là rẻ rồi, nếu không mua thì thôi"! Thấy tôi bán hàng như vậy, một bà cụ bán hàng xén bên cạnh thủng thẳng " Con ơi, nói ngọt nó lọt đến xương. Người ta đi chợ mua hàng là để được mặc cả. Con muốn bán được đồng rưỡi thì phải nói lên đồng bẩy đồng tám". Tôi đỏ mặt lí nhí cám ơn. Và mỗi khi có khách đến thì bà cụ lại nói mấy câu nên tôi đã bán mở hàng. Buổi chợ đầu tiên ấy tôi bán được mấy chục cái mũ. Từ đó không bao giờ tôi còn được gặp lại bà cụ tóc bạc bán hàng xén ấy nữa, nhưng bài học đầu tiên bà cụ dạy thì theo tôi đến suốt cuộc đời.

0 comments:

Post a Comment