Thu thi chuyen ngay xua (phan 4-5)




Anh trai của tôi học rất giỏi và học đều các môn. Có thể nói anh là một trong những niềm tự hào của trường. Tôi học sau anh hai lớp và được các thầy cô ưu ái hơn một phần là có anh. Những năm ở cấp hai, tôi chỉ thích học những môn tự nhiên và rất ghét các môn xã hội. Có lần tôi được dự thi một kỳ thi học sinh giỏi toán của huyện và là người duy nhất giải được bài toán nhỏ " Hãy chia một tam giác bất kỳ thành 64 phần bằng nhau ". Từ đó thầy chủ nhiệm càng cưng chiều. Các tiết học tự nhiên tôi thích bao nhiêu thì các giờ học môn xã hội tôi chán ghét bấy nhiêu. Nhiều lần tôi trốn học các môn ấy để chuồn ra sân xem đá bóng, Thầy chủ nhiệm biết nhưng chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng. Cạnh trường cấp hai của tôi có một sân vận động rất to và đẹp được làm từ thời Pháp thuộc. Đây cũng là nơi tập của một đội bóng hạng B của tỉnh tôi. Tôi rất khoái được nhặt và đá trả lại những quả bóng mà các anh đá ra ngoài. Các thế hệ trai tráng quê tôi có truyền thống đá bóng hay cũng nhờ một phần lớn là được xem, được học, được chơi bóng với các cầu thủ hạng B ấy.


 Đến những năm học cấp ba thì bọn tôi không được đá bóng trong sân trường. Các lớp có muốn tổ chức đá giao hữu thì phải đạp xe kéo nhau hơn 2 km mới có sân để đá. Những trận bóng đá ấy với tôi thật là tuyệt vời vì mình có dịp để khoe giò trước các cặp mắt đẹp của các bạn gái trong trường. Bao nhiêu năm đã qua nhưng mỗi khi nghĩ lại, tôi vẫn thầm biết ơn các bạn gái của một thời xa xưa ấy. Có thể nói là bắt đầu từ những cô bé ấy mà tôi thấy xấu hổ vì cái chữ viết như những con giun đang giãy của tôi. Tôi bắt đầu tập viết, tập đọc nhiều hơn. Một trong những may mắn nhất trong đời tôi là được gặp một thầy giáo dạy văn mà sau này tôi đã thầm coi như một người cha tinh thần của mình. Thầy quê Bắc Ninh. Vì sức yếu, gầy gò, cận thị nên thầy không vào quân đội. Trái với vẻ bên ngoài, thầy có một sức mạnh nội tâm rất mãnh liệt. Ngay buổi dạy đầu tiên, thầy đã cuốn hút cả lớp say sưa theo lời giảng của thầy. Rất nhanh chóng, tôi yêu những bài giảng của thầy. Thật là lạ, ánh trăng, cánh cò, đồng lúa và lũy tre làng là những cái thật gần gũi với chúng tôi thế mà qua lời giảng của thầy thì tất cả bỗng trở nên lung linh huyền diệu. Đến cả những chủ đề như Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, con người mới XHCN ... bọn tôi không thích mà vẫn bị lôi cuốn theo lời giảng của thầy. Thầy chơi ghita rất giỏi và cũng hay sáng tác những bài hát cho lớp tham gia hội diễn của trường. Thầy không có sức đá bóng nhưng lại mê bóng đá. Ngày ấy quê tôi chưa được xem truyền hình. Mấy thầy trò thường quây quần bên cái đài bán dẫn của thầy để nghe tường thuật bóng đá. Những khi lớp có trận đá bóng thì thầy rất nhiệt tình kéo mọi người trong lớp đi cổ vũ. Đó cũng là một trong những lý do làm cho đội bóng lớp tôi luôn luôn chiến thắng.


... Sau khi phục viên tôi có dự thi vào một trường đại học Y. Cộng cả điểm ưu tiên mà tôi vẫn bị trượt Buồn và chán, tôi phải đi xa kiếm ăn. Mười mấy năm lang thang vô định, tôi mất liên lạc với thầy. Đễn ngày về thăm quê tôi mới biết là thầy đã qua đời ở Bắc Ninh từ 7 năm về trước. Tôi khóc. Vâng, một người như tôi mà vẫn còn biết khóc! Thầy linh thiêng thì chắc cũng biết là bao nhiêu năm qua tôi vẫn nhớ ánh mắt rưng rưng của thầy khi giảng Mùa lạc của Nguyễn Khải: Ở đời này không có con đường cùng mà chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có đủ nghị lực để vượt qua những ranh giới ấy.  


----------------------------------


Ngày xưa bọn trẻ con chúng tôi rất ngố nhưng lại hay gán ghép con trai con gái cùng lớp với nhau. Tôi bị bọn chúng gán với cô bạn ngồi cùng bàn. Cô bé khá xinh nhưng đanh đá lắm. Tôi rất ghét nên tìm mọi cách hành hạ. Sau này lớn lên cả hai cùng đi xa và có lần gặp lại, cô bạn vẫn cười nắc nẻ khi nhắc lại những chuyện như kẻ vạch biên giới trên bàn, đứa nào xâm phạm thì bị compa chích đau điếng ...


 Cuối năm lớp sáu, có một lần thầy hiệu trưởng gặp gỡ với các học sinh giỏi trong toàn trường và tôi cũng được dự. Thầy hiệu trưởng là bạn thân của bố tôi nên khi gặp thầy, tôi không khép nép như các bạn khác. Tôi có cái tính khỉ là thích chòng ghẹo mọi người ở mọi lúc mọi nơi. Hôm ấy cũng vậy. Đang cấu chí với một thằng bạn lớp khác thì tôi cảm thấy có ai nhìn mình. Ngửng lên, tôi bắt gặp một đôi mắt rất đẹp trên khuôn mặt cũng rất xinh đẹp. Đó chính là con gái của thầy hiệu trưởng. Gặp cái nhìn của tôi, cô bé luống cuống đỏ mặt nhìn xuống gậm bàn. Tự dưng tôi cũng thấy bối rối. Cô bé học lớp dưới nên hàng ngày chúng tôi chỉ thường thấy nhau ở các giờ tập thể dục buổi sáng và giữa giờ. Các giờ ra chơi khác thì tôi luôn có mặt ở sân bóng đá cạnh trường. Biết nhau từ ngày bé tí xíu mà cho đến lúc này tôi mới có dịp ngắm cô bạn nhỏ. Mái tóc dài óng ả, khuôn mặt trái xoan thanh thoát với cái mũi thẳng nhỏ xinh, cặp môi chúm chím và đặc biệt nhất là đôi mắt như biết cười. Hình như đây là lần đầu tiên tôi không thấy ghét một đứa bạn gái. Ngày ấy tôi chưa chăm tập thể dục buổi sáng. Mỗi khi bố về đơn vị thì anh em tôi tập tành rất thất thường. Mẹ tôi tuy vẫn nhớ lời dặn của bố nhưng phần vì thương mấy đứa con, phần cũng ngại dậy sớm vì khá mệt mới với bao công việc ở cơ quan và ở nhà. Ấy thế mà từ hôm gặp cái nhìn của cô bạn nhỏ mà tôi bỗng trở nên chăm tập lạ thường. Có gì đâu, nhà của cô bạn nằm sát bên sông. Sáng sáng, khi tôi chạy qua cầu thì thường thấy cô giặt giũ quần áo duới sông. Mùa hè năm ấy bố thưởng cho anh em tôi một quả bóng da. Chính nhờ quả bóng ấy mà các buổi sáng tôi kéo được đám trẻ trong xóm dậy chạy dài rồi đá bóng. Những buổi sớm hòa cùng tiếng hô "Một-hai-ba-bốn ...một hai ba bốn " của các anh bộ đội là tiếng hô, tiếng la hét đá bóng của đám nhỏ chúng tôi.  Những năm tháng ấy đời sống tuy vô cùng khó khăn vất vả nhưng mọi người luôn có niềm tin giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.


Sau sự kiện 17/2/1979 đám học sinh chúng tôi tuy chưa đủ tuổi nhưng đua nhau viết đơn xin nhập ngũ. Những ngày ấy đám con trai thì sôi sục, đám con gái thì thẫn thờ không còn đanh đá mà bỗng trở nên dịu dàng đến kỳ lạ. Chúng tôi trao cho nhau những dòng kỷ niệm ngày chia tay...


Sau ngày chúng tôi nhập ngũ, trường lớp tan hoang. Nhiều lớp phải sát nhập lại với nhau vì quá ít học sinh. Đám lính chúng tôi có chung niềm vui là đọc thư của các bạn gái và viết thư trả lời. Tôi rất chăm viết thư. Ngoài những lá thư gửi về gia đình và các bạn cùng lớp, tôi còn viết khá nhiều thư cho cô bạn học lớp dưới đã từng khiến cho tôi trở nên chăm chỉ dậy sớm chạy, đá bóng và bơi. Có lần trung đội trưởng hỏi "Chú quan niệm thế nào về một lá thư viết cho bạn gái?" Tôi ấp úng không trả lời được. Anh cười "Mỗi lá thư ấy phải là một tác phẩm văn học mà trong đó thấm đẫm chất tình ca và vang lên âm hưởng của anh hùng ca". Tôi lắc đầu lè lưỡi nhưng cũng cố gắng thể hiện con người của mình trong mỗi trang thư. Mấy năm liền, chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều thư. Cả hai đều quyến luyến nhau nhưng chưa bao giờ tôi dám ngỏ lời. Thậm chí tôi vẫn chưa bao giờ dám xưng "anh" và gọi cô bạn là "em". Có thể gọi đây là tình yêu đầu đời không nhỉ? Tôi chẳng biết nữa nhưng quả thật là hình bóng của cô gái ấy luôn sáng trong tâm trí của tôi, giúp cho tôi có thêm sức mạnh để vượt qua những gian khổ của quãng đời "ép xác thành nhân". Đây chính là một lý do chính khiến tôi không vượt rào đi tán gái như đám bạn bè.


 Gần nơi chúng tôi đóng quân có một trường cấp ba. Trong vòng bán kính khoảng 10 km lại có tới 3 lâm trường. Cánh lính bọn tôi rất "có giá". Mỗi khi đơn vị đi dã ngoaị, hành quân qua các lâm trường thì chị em thường kéo nhau ra nhìn với những cặp mắt sáng rực. Và đơn vị tôi đã không ít lần phải tiếp những cô gái cùng gia đình các cô đến tìm những "chàng rể tương lai". Bọn lính cũng đểu. Khi tán gái chúng toàn lấy tên của cán bộ trong đơn vị. Đến lúc có "khối tình con", các cô gái mới tìm đến đơn vị thì những người mà họ nêu tên đều không phải là tác giả của tác phẩm mà họ đang mang theo. Ngày ấy tôi khá xinh trai, nhanh nhẹn, khỏe mạnh, mồm miệng dẻo queọ. Tôi cũng được một vài cô ưu ái để mắt đến nhưng tôi lại không thể nào quên được hình bóng ở quê nhà. Và chắc chắn là trong đám trẻ thiếu cha ở các lâm trường ấy không có đứa nào là tác phẩm của tôi .


Cô bạn nhỏ của tôi thi vào đại học với điểm số rất cao nên được đi nước ngoài học. Cũng vào dịp đó tôi chuyển đến một đơn vị khác ở gần Hà Nội. Thế là mất tin nhau. Thỉnh thoảng về phép, tôi có đến thăm thầy hiệu trưởng cũ, tôi gửi lời thăm cô bạn nhưng không xin địa chỉ mà cũng chẳng cho biết địa chỉ mới của mình. Ngày ấy tôi hơi tự ti vì cái khoảng cách giữa cô cử nhân tương lai và anh lính quèn như mình.


Nhiều năm sau khi cả hai đều đã có gia đình riêng thì chúng tôi mới vô tình gặp lại nhau khi cùng về thăm quê. Không còn mái tóc dài óng ả nhưng vẫn còn đôi mắt biết cười, cô bạn giờ đã là một phụ nữ đằm thắm, thành đạt và hạnh phúc. Bạn trách tôi sao ngày ấy không trả lời thư. Đó là những tháng ngày buồn và rất lo lắng của cô ấy. Mãi đến khi gia đình viết thư báo tin là tôi có về phép tới chơi thì cô mới hết lo là tôi đã ... hy sinh hoặc bị thương (thủa ấy chiến tranh biên giới vẫn còn nóng bỏng).


Đã vượt qua rất nhiều những tháng năm không yên ả, đã trơ lỳ với bao được mất trong đời, nhưng nhiều khi tôi vẫn bâng khuâng nhớ về cô bạn nhỏ của cái thời thơ bé ấy. Ai bảo tình yêu trẻ con là không đẹp? Vậy mà đến bây giờ người ta vẫn còn lo sợ khi thấy những đứa trẻ sớm biết yêu!

Thu thi chuyen ngay xua (phan 3)




Trung đội trưởng của tôi là một người Hà Nội đa tài. Là con liệt sĩ nhưng anh đã xung phong vào bộ đội và lập được nhiều chiến công, được kết nạp vào Đảng ngay trên trận địa. Sau ngày giải phóng miền Nam, anh ước muốn ra quân và học đại học. Nhưng đơn vị giữ anh lại để bổ sung vào nguồn cán bộ phục vụ quân đội lâu dài. Một lần vì quá thương đám lính mới mà anh cãi nhau với cấp trên. Thế là sau đó anh bị loại ra khỏi danh sách đi học ở nước ngoài. Từ đó anh càng muốn được về phục viên. Với đa số cán bộ thì anh là một sĩ quan bất mãn, nhưng mấy thằng lính chúng tôi thì lại cực kỳ ngưỡng mộ anh. Tôi biết anh từ ngày tôi mới nhập ngũ. Tuy lúc ấy hai anh em ở hai tiểu đoàn khác nhau nhưng thỉnh thoảng có trận giao hữu bóng đá nên biết nhau. Tôi đá bóng cũng khá nhưng thật sự khâm phục khi thấy anh làm xiếc với trái bóng. Sau này, khi được làm lính của anh và chơi thân với nhau, anh hay kể về những trận đá bóng hè phố mà đội nào thua thì phải chui háng những người thắng cuộc. Chỉ có thế mà đá chết thôi.




Trong đám bạn chơi thân với nhau có một thằng đang phấn đấu vào Đảng. Bố nó làm việc ở tỉnh ủy và chỉ thị cho nó phải bằng mọi cách trở thành đảng viên. Nó không khoái bóng đá lắm nên những buổi chiều có đá bóng mà tôi phải tăng gia thì nó đều vui vẻ làm giúp. Một buổi tối không phải sinh hoạt chính trị, như thường lệ mấy anh em tôi tụ tập ở góc đồi. Trung đội trưởng đến sau và chỉ vào nó nói ngay:




- Chú về gặp chính trị viên tiểu đoàn có việc. Cả bọn giật mình tưởng có chuyện gì nghiêm trọng. Nhưng anh cười:




- Chú và mấy đứa cảm tình đảng về để bí thư chi bộ gặp gỡ. Từ hôm nay chú nên tránh những cuộc tụ tập riêng với bọn này vì sẽ có ảnh hưởng không tốt cho việc chú vào đảng. Cứ yên tâm là bọn anh sẽ bỏ phiếu cho chú. 




 Khi Nam đi khỏi, anh nói với cả bọn:




- Anh ủng hộ các chú phấn đấu vào đảng. Nếu không là đảng viên thì dù ở trong quân đội hay sau này ra ngoài dân sự cũng rất khó phát triển. Ngừng một lát, anh trầm giọng - Nhưng các chú đừng nên phấn đấu bằng cách nịnh nọt lấy lòng mọi người.




 Một tối khác bọn tôi kiếm được bi đông rượu sắn và bơ lạc rang. Đang cùng nhâm nhi và tán đủ mọi chuyện trên trời dưới biển thì anh bỗng hỏi bọn tôi là đã học hỏi được những gì ở trường và ở quân ngũ. Anh cứ tủm tỉm cười với tất cả các câu trả lời của chúng tôi. Mãi sau anh mới nói:




- Các chú nói đúng như đài, như sách. Hôm nay anh khuyên các chú một điều: phải học đểu!




 Cả bọn tròn mắt há mồm ngạc nhiên. Nhấp thêm chút rượu, thong thả nhai lạc, anh thủng thẳng:




- Anh khuyên các chú học đểu, càng học nhiều càng tốt, càng giỏi càng tốt. Các chú cứ coi học đểu như là học võ. Khi mới tập võ thì các chú hay hăng máu chiến nên thích tìm người để thử sức. Nhưng rồi khi đã có kiến thức võ học khá rồi thì các chú sẽ không còn thích đánh nhau nữa mà chỉ luyện tập để rèn sức, rèn chí và tự vệ. Các chú không chủ động đánh ai, không chủ động chơi đểu ai trước nhưng cũng không để bị đánh và bị chơi đểu. Rồi các chú sẽ thấy là không phải ai đối xử tốt với các chú, thậm chí giúp đỡ các chú cũng đều là người tốt. Ngược lại, không phải ai chửi các chú, ghét các chú, từ chối giúp đỡ các chú cũng đều là người xấu. Mỗi thằng chúng ta đều luôn bị cuộc đời và người đời chơi đểu. Nếu hiểu được những kiểu chơi đểu thì ta có thể tránh được và nếu cần thì hãy chứng tỏ là mình cũng biết đểu.



Mo*...




Nó ngồi đấy, bà mẹ chồng tương lai nói "... Giờ bán nhà này đi, hoặc là để mua 1 nhà trong ngõ, hoặc là mua ở khu dưới, để tiết kiệm ra 1 khoản tiền...". Nó nhớ lại lời người yêu "... mình phải tiết kiệm, em ạ..." và chợt hiểu. "Thôi, thế là mình không được tiêu tiền xông xênh rồi.... chiệp.... nhưng mà thôi cũng được, chẳng nhờ nhà chồng thì tự làm lấy mà tiêu....". Nó vui hơn với ý nghĩ của mình.


Anh bước trong nhà ra, đứng trước mặt nó. Nó dụi đầu vào bụng anh, cái bụng... hơi phệ. Và nó thấy an tâm. Nó cảm thấy bình an khi có người yêu bên cạnh. Anh hơi lớn tuổi hơn so với nó, chững chạc và đáng tin cậy. Nó mỉm cười mãn nguyện.


Rồi anh em nhà anh đến chơi. Một .... hai ........ ba..... ba lần hai là sáu .... ba gia đình cùng đến là sáu người, không kể lũ trẻ con. Nhiều thế! Và ngạc nhiên nữa .... Bà chị dâu của anh lại chính là người bạn thân của nó từ hồi cấp III ... Vậy mà ... đã từng nói chuyện với nó qua điện thoại mà vẫn không nhận ra ... Cả nhà đều ngạc nhiên, đúng là nhân duyên không gì nói trước ...


Mấy bà chị hỏi nó có biết hát từ những nốt nhạc không, không nghe rõ nên nó trả lời bừa là có. Định thần ra, nó chữa cháy bằng cách phải xem cả lời ... rồi hát vang. Tất cả cùng hát, nhưng nó thấy giọng của mình là ... hay nhất .... nó thấy vui hơn. "Hòa đồng với gia đình nhà chồng tương lai thế này thật hay...", nó nhủ thầm, "chắc chẳng còn mong ước nào hơn, cuối cùng thì mình đã tìm được hạnh phúc!"....


Nó tỉnh dậy. Thì ra là một giấc mơ đẹp ... Nó ước gì có thể ngủ mãi để giấc mơ không bao giờ hết ....