Chào năm mới

Hôm qua là 30 Tết. Năm nay, lại một lần nữa mình xa nhà. Mình vẫn thường nghĩ chắc cũng quen rồi. Nhưng quê hương, ngày Tết là những điều gì đó nằm sâu thẳm tận trong tâm hồn. Nó không mất đi, mà nó lắng đọng, chỉ chực dịp bùng lên. Lần này cũng không phải ngoại lệ.
Mấy hôm trước nói chuyện với cô đồng nghiệp ở nhà, mới biết hôm sau là ngày làm việc cuối cùng. Thường những năm còn ở nhà, ngày đó là ngày không ai làm việc, cơ quan tổ chức hái hoa dân chủ để nhận quà. Ai cũng nhận được một món quà nhưng khác nhau về giá trị sử dụng. Màn bốc thăm trúng thưởng luôn là màn hồi hộp nhất, dù số mình vốn ... nhọ, chả bao giờ được xướng tên. Hồ hởi nhận quà, khệ nệ vác về là điều trở nên quen thuộc. Tự nhiên thấy bâng khuâng, nôn nao lạ thường. Những điều vốn nhàn nhạt trở nên sâu đậm hơn trong ký ức người xa quê.
Theo dõi trang web bán hàng của một chị ở nhà, mới thấy Tết sao gần thế. Hối hả từng đợt nhập hàng, từng món đồ yêu thích mà những năm qua mình vẫn cặm cụi mua về cho Tết thêm mới lạ. Ngày cuối cùng chị tuyên bố đóng cửa, mới giật mình vì hôm sau đã bước sang năm mới.
30 Tết ở đây mình vẫn phải học. Nhưng chỉ từ tầm 11h đêm ở nhà, mình đã không còn tập trung nghe giảng bài nữa. Quá giao thừa. Cả nhà gọi sang. Mình bỏ hết để nghe điện thoại. Giọng nghẹn lại khi chúc Tết bố mẹ già. May sóng chập chờn nên không ai nhận ra. Năm nay, lần đầu tiên mình chúc Tết ông anh rể, mà lại còn là lời khuyên chăm con nhiều hơn. Không màu mè, nhưng đó là thực tâm những điều mình cần anh chị thay đổi, vì cuộc sống của những đứa con. Chúc Tết con trẻ, mình chỉ mong các con học giỏi, có chí tiến thủ. Tất nhiên, điều đó không đồng nghĩa với điểm cao, vì mình chưa bao giờ lấy điểm cao làm mục đích phấn đấu trong đời của các con.
Rồi mình tất bật với bữa cơm giao thừa nơi đất khách quê người. Ở đây, bốn chị em người Việt học chung nên rủ nhau cùng làm cơm cúng. Ngày trước, khi mình gợi ý làm cơm cúng, mấy đứa trẻ con cười nhạt. Nhưng đến thời khắc giao thừa, đứa nào cũng xì xụp khấn vái. Hy vọng là mình đã làm đúng. Nói về món ăn,  ở đây không có người Việt, nên không thể mua giò và bánh chưng. Mình cố làm được món thịt đông, hành muối và chè kho. Mình cũng cố đặt được con gà và mua hương thắp. Như vậy là tốt lắm rồi. Điều mình thấy ngạc nhiên là quan niệm của mấy bạn trẻ, nhất là các bạn phía Nam, về mâm cơm cúng ngày Tết. Có lẽ vì niềm tin khác, có lẽ vì tuổi trẻ, có lẽ vì thói quen sống, các bạn chỉ chăm chăm vào việc ăn, không màng đến việc cúng bái, không màng đến việc kiêng kỵ. Thôi thì cũng bỏ qua, mỗi người một phận, một niềm tin.
Cúng giao thừa xong, mấy chị em ngồi ăn và xem Táo quân đến gần 2 rưỡi sáng mới ngủ. Ngày mồng một, tự cho phép bản thân nghỉ ngơi, cà phê sáng, chuyện trò tâm tình, xem phim, và chuẩn bị cho bữa trưa đủ đầy. Chả lúc nào có được những phút giây thảnh thơi như thế, nhất là khi. mình phải nộp bài 5000 từ trong vòng 2 ngày tới. Nhưng thôi, cũng không vì những áp lực đời thường mà không cho phép bản thân có những phút tĩnh lặng, nhỉ?
Năm nay, tuổi cuả mình không hợp, nhưng hy vọng không có điều gì bất thường quá lớn xảy ra. Vẫn là năm đi học, nên mọi thứ không có gì biến chuyển lớn. Chỉ mong mình an nhiên.
Xin chào năm Đinh Dậu.


Tư duy người Trung Quốc trong mắt một người phương Tây

Ông Lexus, một người Đức từng du học ở Trung Quốc vừa có phát ngôn gây tranh luận rộng rãi trên mạng xã hội Trung Quốc. Ông Lexus nói: trên weibo, ông thấy người Trung Quốc rất khó hiểu, dường như ông nói gì cũng bị người Trung Quốc chửi bới. Ông còn đề cập một hiện tượng: “Những bài viết bị gỡ bỏ trên weibo đa số là vì có người tố giác. Tôi cảm thấy mọi người luôn rình rập lẫn nhau, thật khó hiểu. Chúng ta chỉ nên tố giác phần tử xấu xa khủng bố. Còn đối với người khác quan điểm mà hành động như thế là hỏng bét, hệ quả là mọi người tự tạo thành thói quen kiểm duyệt chính mình, những điều nên nói lại không dám nói, gặp ai cũng phải cảnh giác”.
Ông Lexus cảm nhận, trên weibo người ta chỉ tìm cách chụp mũ và chửi nhau. Dường như nhiều người Trung Quốc không kể lý lẽ, không thích nghe nói lý sự… Phải giải thích về vấn đề này như thế nào?

Lý giải của Lexus

Thứ nhất, chuyện người Trung Quốc bất cần logic và đạo lý dường như bắt đầu có từ thời học tiểu học. Ví dụ, nếu học trò đánh nhau sẽ bị thầy cô mắng: không bao giờ làm được việc gì tốt đẹp! Đạo lý ở đây là: người tốt sao lại đánh nhau? Rõ ràng đây là thứ logic hoang đường, nhưng người Trung Quốc sợ phiền phức nên không muốn tìm hiểu để nhận rõ thị phi, cuối cùng không cần phân định ai đúng ai sai, cứ đánh mỗi đứa 50 thước cho “công bằng”. Nhưng thứ logic này ngày nay rất phổ biến ở Trung Quốc.
Về năng lực tư duy logic của người Trung Quốc, ông Lexus nói, tư duy logic của người Trung Quốc có vấn đề. Đừng nói học trò và nhà giáo, ngay cả người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhiều khi cũng cứ như thiếu những hiểu biết thông thường. Ví dụ có người hỏi người phát ngôn Bộ Ngoại giao, điều luật nào của quốc gia cấm phóng viên nước ngoài đến khu vực nhạy cảm săn tin? Người phát ngôn kia đã đáp lại rằng “Đừng lấy luật pháp ra làm lá chắn”. Câu trả lời này không chỉ thể hiện ý thức kém cỏi về pháp luật, còn cho thấy thứ văn hóa không màng gì đến lý lẽ, thích dùng quyền lực thay cho lý lẽ.
Ngoài ra, người Trung Quốc còn có logic kiểu “biện chứng”, loại này thường hay xuất hiện trong ngôn từ của những dư luận viên trên mạng, ví như khi họ vừa thấy có ai đó ca ngợi nước Mỹ hoặc tán thành di dân ra nước ngoài là họ hét lên “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”. Hoặc những phát ngôn như, “xã hội chuyên chế dĩ nhiên không tốt, nhưng xã hội dân chủ cũng không thấy có điểm nào hay ho”.
Khi cho rằng cái gì cũng có ưu có khuyết thì cũng có nghĩa không còn phân biệt vấn đề tốt hay xấu nữa. Tư duy này rất phổ biến ở Trung Quốc hiện nay, đây là kiểu tư duy không phân biệt đâu là nặng hay nhẹ, là chủ yếu hay thứ yếu. Loại người tư duy kiểu này thường nói: trên thế giới này không có gì tuyệt đối, vì thế không có gì là quan trọng. Những dẫn chứng cho trường hợp này đếm không xuể. Nhiều người Trung Quốc không tập trung vào logic của vấn đề tranh luận mà bắt đầu từ lập trường cố hữu (định kiến) của mình và kết thúc bằng việc công kích cá nhân người kia, hệ quả là từ tranh luận lý lẽ biến thành hai bên chửi rủa nhau.
Thứ hai, có khi hiểu lý lẽ nhưng nói không được vì bên kia không quan tâm đến lý lẽ. Ví dụ trong thời Cách mạng Văn hóa có câu nói kinh điển: “Nói Cách mạng Văn hóa tốt nghĩa là tốt”. Đại Cách mạng Văn hóa tốt ở chỗ nào không rõ, nhưng nghe tuyên truyền thường xuyên là tốt, như vậy có nghĩa là tốt.
Ở Trung Quốc, người có tri thức có khi lại chỉ để dùng vào việc đánh lạc hướng người khác. Vì thế nhiều phát ngôn của các chuyên gia khiến người ta phải “trố mắt líu lưỡi”. Nào là khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc không có gì đáng ngại, khoảng cách giàu nghèo càng lớn thì càng kích thích phát triển kinh tế. Nào là hủ bại có ích cho phát triển kinh tế. Nào là lạm phát của Trung Quốc chủ yếu là vì đồng Đô la Mỹ mất giá… Vô số người động một chút là chửi người khác là Hán gian, bán nước, hận không thể xẻ thịt lột da đối phương. Trong tiềm thức, những người này muốn mượn sức mạnh chính trị giúp bản thân giành thắng lợi trong tranh luận, đây là loại người vô cùng hèn hạ.
Về mặt tâm lý, không nghi ngờ gì, kiểu chửi người khác này chính là phép thắng lợi tinh thần. Khi chửi người khác là ngu si thì kẻ chửi kia có cảm giác được ở tầng bậc cao hơn, qua đó cảm thấy tinh thần vui vẻ… Bi đát hơn, có những người lời hồ đồ phát ngôn trên truyền hình mà lại được nổi danh. Ví dụ, khi Nhuế Thành Cương (MC truyền hình nổi tiếng Trung Quốc đã bị bắt giam) đón Gary Locke đến Trung Quốc nhậm chức bằng vé máy bay Hạng phổ thông đã nói: để nhắc nhở người Mỹ còn nợ tiền Trung Quốc. Những ai có chút hiểu biết về kinh tế đều hiểu rằng, mua trái phiếu của Mỹ là một kiểu đầu cơ, vì số ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc kiếm được từ hoạt động xuất khẩu không thể cứ để yên trong ngân hàng cho nên cần tham gia vào các kênh đầu tư. Nếu anh muốn thể hiện bất mãn chuyện mua trái phiếu của Mỹ thì nên kháng nghị tại cơ quan quản lý ngoại hối chính phủ chứ không nên châm biếm Đại sứ Mỹ đến Trung Quốc nhậm chức. Không nên vì chuyện Trung Quốc mua trái phiếu của Mỹ mà làm dáng kiêu căng, hành xử như vậy không chỉ cho thấy bản thân vô văn hóa mà còn để lộ thiếu kiến thức hiểu biết thông thường.
Thứ ba, trong tâm lý người Trung Quốc chỉ chú trọng đến uy quyền, coi nhẹ chân lý, đa số người Trung Quốc đi học không vì tìm kiếm chân lý mà vì tìm kiếm quyền lực, đặc biệt là quyền lực chính trị, sau đó là quyền lực đối với những người thân trong gia đình, thứ nữa là quyền lực “có văn hóa”.
Ở Trung Quốc, pháp luật đứng dưới quyền lực, còn đạo lý càng không đáng để bàn luận. Người Trung Quốc có câu, “Tú tài gặp quân nhân, có lý nói không ra”. Vì thế mà xảy ra vô số chuyện phi lý và bi hài trong hệ thống quyền lực Trung Quốc hiện nay. Có những nơi nếu bạn nói lý với họ thì họ sẽ giở trò lưu manh với bạn; bạn lưu manh với họ thì họ nói chuyện pháp luật với bạn; bạn nói pháp luật với họ thì họ lại nói chính trị với bạn… Truyền thông từng đưa tin một trường hợp bị cảnh sát chặn xe phạt, người lái xe hỏi phạt vì lý do gì, cảnh sát chỉ nói: phạt gấp đôi! Hay có trường hợp một người đi nói chuyện phải trái với Bí thư Chính pháp, Bí thư Ban Chính pháp nói: môi trên của tôi là trời, môi dưới là đất, tôi chính là pháp luật…
Thứ tư, vì thiếu tư duy logic nên người Trung Quốc không có khả năng tự phản tỉnh, vì thế mà đối với nhiều người Trung Quốc, có thể nói “gì cũng hiểu, gì cũng biết, gì cũng dám tin, gì cũng dám nói”. Loại logic này đưa loài người vào chiến tranh và khổ nạn, đặc biệt là khi người lãnh đạo quốc gia mà bất cần lý lẽ, chỉ biết có quyền lực. Ví dụ có thống kê chỉ ra 90% phát ngôn của Hitler là các nhận định, nhưng tỉ lệ hợp lý chưa tới 10%! Hoặc có thể dẫn ra những kiểu tư duy phi lý hay niềm tin vô căn cứ như trong thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc đã gây ra bao nhiêu tội ác: nếu kẻ thù phản đối thì chúng ta nên ủng hộ; nếu kẻ thù ủng hộ thì chúng ta nên phản đối.
Lại ví dụ, khi nói đến lịch sử cận đại, người Trung Quốc thường cho rằng nỗi nhục của họ do chủ nghĩa đế quốc gây ra, bọn đế quốc luôn ức hiếp Trung Quốc, chúng quá tàn nhẫn, quá tham lam. Mỗi khi chiến tranh thất bại thì Trung Quốc lại nói do vũ khí người ta quá tiên tiến, vũ khí chúng ta quá lạc hậu, rất ít người xem lại những sai lầm và khiếm khuyết của mình. Ai có ý phê bình thì lo sẽ bị quy là phản quốc, bị mọi người lên án, nguyền rủa. Ở đây không chỉ do nguyên nhân chính trị, quan trọng hơn là người Trung Quốc thiếu khả năng tự kiểm điểm lại mình, không thích bị phê bình, đa số mọi người thường cảm thấy khó chấp nhận khi nghe những lời không tốt về mình. Đặc biệt khi nói về thời kỳ Cách mạng Văn hóa, mọi người thường quy tội ác vào sai lầm của một số lãnh đạo, là âm mưu của một thiểu số người chứ không chịu tự phản tỉnh về những nguyên nhân sâu xa hơn, như tính cách dân tộc, chế độ, nền văn hóa, tư tưởng. Dường như mọi người đều là người vô tội, đều là người thanh bạch. Trong thời kỳ này có vô số người bị đấu tố, bị giam cầm, đánh chết, lăng nhục, hãm hại, phải tự sát; nhưng càng có nhiều hơn những kẻ đi mật báo, đi ức hiếp, giết chóc và làm nhục người khác. Trong khi vài chục năm qua rất hiếm khi nghe chuyện có người tự trách đã từng làm mật báo, làm đấu tố, giết người… cho dù vô số những kẻ từng làm việc này đang sống ung dung tự tại, thế nhưng lại luôn tự cho bản thân vô tội, thanh bạch, những sai lầm toàn là do người khác gây ra…
Khi nói lý lẽ phải đứng ở góc nhìn khách quan, không thể thay đổi quan điểm vì lợi ích vị kỷ. Hugo tiên sinh từng phẫn nộ lên án liên quân Anh Pháp cướp bóc tại Vườn Viên Minh, thậm chí chửi đồng bào của mình là giặc, nhưng có ai vì thế mà dám lên án ông phản quốc? Đạo đức là phải nói lên sự thật, nếu như sợ sự thật làm tổn hại danh dự quốc gia mà phải nói lời giả dối, vậy thì người Trung Quốc có nên oán trách nếu người Nhật Bản muốn tìm cách che giấu hành vi xâm lược của họ không?
ST (Tác giả: Kiệt Phu | Biên dịch: Môc Vệ)

Những người Trung Quốc ... xấu xí

Tôi không có ý định lên án hay chê bai tất cả mọi người Trung Quốc. Người Trung Quốc, hay bất cứ người ở quốc gia nào, cũng có người tốt, kẻ xấu. Thậm chí bản thân một người cũng có lúc tốt, lúc xấu.
Cũng có người bảo vì Trung Quốc toàn chơi xấu Việt Nam, nên việc ghét người Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu. Tôi thường nói "Mình không ghét người dân Trung Quốc. Mình không ghét đất nước Trung Quốc. Nhưng mình ghét chính quyền Trung Quốc".
Nói thế để thấy tôi không kỳ thị người Trung Quốc.
Nhưng đáng buồn là, nhiều người Trung Quốc tôi đã từng gặp, toàn thể hiện sự xấu xí của mình.
Kỳ nghỉ đông vừa rồi, tôi dành thời gian thăm thú các nơi. Người Trung Quốc đầu tiên tôi gặp là nhóm 4 thanh niên trẻ đang hỏi thông tin đi thăm Machu Picchu, một trong bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới. Lúc đó, chúng tôi, nhóm 4 người, đã thương lượng xong việc thuê một hướng dẫn viên du lịch. Tất nhiên họ muốn nhiều người hơn, để có thu nhập tốt hơn. Nói thêm để các bạn biết, mỗi người trong chúng tôi phải trả 30 đồng Peru cho hướng dẫn viên, chứ không phải là trọn gói. Dù thời gian có hạn, chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ bác hướng dẫn viên hướng dẫn cho nhóm bạn Trung Quốc. Họ hỏi rất nhiều. Bác hướng dẫn viên kiên nhẫn. Vì bác mong kiếm gà. Quả như dự đoán, cuối cùng, bác bảo "Họ sẽ tham gia cùng chúng tôi". Và chúng tôi đi. 5' sau, bác hỏi 1 bạn "Có bao nhiêu đứa bọn mày tham gia tour này?". "- Một mình tao thôi. Ba thằng này không". 10' sau, bác buộc phải nói "Mày bảo có mình mày tham gia (phải trả tiền) mà rõ là cả bốn bọn mày cùng nghe". Bốn thanh niên sau đó phải rời đi, không mảy may "xúc động", và đương nhiên, không trả tiền tour. Bác hướng dẫn viên có thể ngỡ ngàng. Nhưng tôi thì không.
Tôi và người bạn đi cùng vào thăm Bảo tàng người Inka, chủng người tạo nên nền văn minh cổ đại Inka lẫy lừng dọc dãy Andes, cùng thời với nền văn minh Maya, hay Ai Cập. Chúng tôi quyết định thuê hướng dẫn viên để có thể hiểu đúng về thời kỳ cổ đại này. Khi chúng tôi đang ở địa điểm đầu tiên, có đôi nam nữ xuất hiện. Họ nghe hết, và sau cùng, trước khi di chuyển sang địa điểm thứ hai, họ hỏi "Đây là tour riêng hay tour chung?". "-Tour riêng. Bọn tao trả tiền cho hướng dẫn viên, Nhưng chúng mày có thể tham gia, vì chúng tao mới bắt đầu. Mỗi người bọn tao sẽ trả cho hướng dẫn viên 10 đồng Peru, và bọn mày cũng thế." "OK". "Bọn mày từ đâu đến?". "Việt Nam. Thế còn bọn mày?". "Trung Quốc. Nhưng bọn tao sống ở Canada". Vậy là chúng tôi nhập đoàn. Đến khoảng địa điểm thứ 4, tôi thấy bạn gái không nghe nữa, ra ghế nghỉ ngơi. Bạn trai cũng chả hứng thú, tảng lờ đi chỗ khác. Sau chừng 2 địa điểm nữa, chúng tôi thấy bạn trai quay lại, nắm ít xu đưa cho hướng dẫn viên, nói "Bọn tao có việc phải đi". Chúng tôi tiếp tục hành trình của mình. Khoảng 10' sau, bạn gái xuất hiện, hỏi "Mày có biết bạn trai tao đâu không?". Cả lũ chúng tôi ớ ra, lắc đầu, chỉ cho bạn gái cái đường bạn kia rời đi. Bạn gái dường như bực mình, mồm lầm bầm gì không rõ. Chúng tôi lại quay trở về guồng của mình. Nhưng chưa đã. Bạn gái đã quay trở lại sau tầm 7', nói to "Bọn mày có thấy bạn trai tao quay trở lại đây không"? Người bạn đồng hành với tôi tỏ rõ sự khó chịu. Chúng tôi chỉ lắc đầu, tránh buột ra những từ không cần thiết. Tôi quan sát, cái đống xu mà bạn trai hồi nãy dúi vào tay bạn hướng dẫn viên, chắc chắn chưa nổi 10 đồng.
Trong hành trình của mình, tôi và một người bạn (khác) còn vào trong chợ Châu Á mua đồ. Lúc chúng tôi chọn ghẹ, cũng có 1 bác Trung Quốc chọn cùng. Ghẹ ở đây được chia làm 2 khu, to và nhỏ. Chúng tôi chọn khu nhỏ. Bác Trung Quốc cũng chọn khu nhỏ. Nhưng khi không có người bán hàng ở đó, bác Trung Quốc chọn sang khu to. rồi bác nhanh chóng quay trở lại khu nhỏ khi người bán hàng quay lại và yêu cầu cân. Chúng tôi nhìn nhau lắc đầu ... không nói.

....
Các bạn học cùng lớp với tôi, nhất là khu vực Đông Nam Á, đều nói thẳng "Tao ghét người Trung Quốc". Tôi chưa bao giờ ủng hộ ý tưởng đó. Nhưng, họ nói vậy không phải là không có lý do. Nếu những người Trung Quốc mà tôi từng gặp, từng tiếp xúc, từng va chạm, không phải chỉ trong chuyến nghỉ đông vừa rồi, không luôn thể hiện sự xấu xí của mình, có lẽ tôi đã thẳng thắn nói với những người bạn của mình "Tao thấy nhiều người Trung Quốc còn tốt lắm".

Những ấn tượng với Donald Trump


  • Ngay ngày đầu tiên trở thành Tổng thống Mỹ, Trumph đã đưa bức hình công chúng vẫy cờ trong lễ nhậm chức lên tài khoản Twitter của mình. Nhưng đó thực sự là bức ảnh công chúng vẫy cờ trong lễ nhậm chức của Obama năm 2009.
  • Tuyên bố giúp Trumph thắng cử là "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại", "Hãy mua hàng của người Mỹ". Chuẩn bị cho lễ nhậm chức của mình, Trumph đã bán mũ trên chính website của mình, với giá khoảng $20-30. Nhưng, tất cả các mũ đó đều được sản xuất ở các nước thứ ba như Việt Nam, Bangladesh, Trung Quốc hay Ấn Độ.
  • Chiếc bánh gateaux Trumph đặt trong tiệc sau Lễ nhậm chức cũng được yêu cầu "làm sáng tạo như chiếc bánh ngày Obama nhậm chức", và kết quả là một bản sao gần như hoàn hảo, hình như chỉ khác màu.
  • Trumph yêu cầu người phát ngôn Nhà Trắng tố truyền thông cố tình làm giảm hình ảnh của Tổng thống đắc cử bằng việc so sánh lượng người tham dự buổi lễ là quá ít so với người tiền nhiệm Obama. Họ cho rằng nhiều khán đài chật kín chỗ. Nhưng rõ ràng là, có 1 clip quay và so sánh khu vực National Mall (từ điện Capitol đến Tháp Bút Chì) và nó nói lên tất cả. Ngay số liệu về số người sử dụng metro cũng nói lên điều này, 193.000 năm 2017 so với 513.000 năm 2009. Đó là chưa kể trong số 193.000 người đó, có rất nhiều người không tham dự lễ nhậm chức, hoặc họ đến để biểu tình. Đây là Tổng thống có lễ nhậm chức đông người biểu tình phản đối nhất từ trước đến nay.
  • Quay trở lại quá khứ, ngay khi kết quả bầu cử nghiêng về Trumph, ông đã cố đặt những vân tay đầu tiên vào công việc chính trị. Và ông đã nhanh chóng viết trên Twitter phản đối Trung Quốc thu giữ tàu lặn của Mỹ. Song, chắc ông chả biết tại thời điểm ông phàn nàn trên trang cá nhân của mình, sự việc đã được xử lý xong xuôi giữa hai bên. Có ý kiến cho rằng đó là bởi vì Trumph "lười" đọc báo cáo. Hàng sáng, Tổng thống đều được trình 1 bản báo cáo ngắn về các vấn đề phải giải quyết hoặc mới nổi lên trong ngày. Nhưng Trumph từng tuyên bố ông chả cần thiết phải làm thế, chỉ cần đọc hàng tuần là được (nếu tôi nhớ không nhầm).
  • Nếu ngược thời gian về giai đoạn tranh cử, Trumph tuyên bố việc làm đầu tiên của ông nếu thắng cử sẽ là bãi bỏ TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương), Hiệp định tự do hoá thương mại toàn cầu quan trọng nhất cho đến nay. Sau buổi nói chuyện đầu tiên với Obama với tư cách là ứng viên thắng cử, ông lại nói "sẽ xem xét" Hiệp định này. Và ngày đầu tiên bước vào Nhà Trắng, ông ký lệnh rút khỏi Hiệp định lập tức.
  • Trumph tuyên bố "sẽ không thấy thuyết phục nếu Bà Hilary thắng cử" vì "hệ thống tranh cử không minh bạch". Nhưng khi kết quả cho thấy ông thắng, và an ninh Mỹ phát hiện có sự can thiệp của Nga vào hệ thống bầu cử, ông lại cho rằng ông tin vào kết quả đó.
  • Vợ của Trumph, bà Melania Trumph, trong bài phát biểu ủng hộ chồng tranh cử, đã copy phần lớn bài phát biểu của Michelle Obama cách đây 8 năm về trước. Đó có thể là lý do sau này bà không hề xuất hiện cùng chồng thêm một lần nào nữa (trừ trong Lễ nhậm chức ngày 20/1/2017), không văn vở thêm một lần nào nữa, cũng không ở lại Washington với cương vị Đệ nhất Phu nhân mà vẫn ở tại New York, với lý do để chăm cậu con trai bé bỏng. Được biết, bà xuất thân từ nghề người mẫu.

Không ai biết Trumph sẽ làm gì vào ngày mai, thậm chí ngay sau giây phút này. Nhưng chí ít, một người mà thể hiện sự khác biệt giữa lời nói và hành động, thậm chí hành động giữa các thời điểm khác nhau, đều không có tố chất của một nhà hoạt động chính trị, chứ chưa nói đến vị trí quyền lực nhất nước Mỹ và nhất thế giới.
Hy vọng những cảm nhận của tôi sẽ sai về ông già 70 tuổi này.