Entry for August 29, 2007




Tự nhiên thấy chán kinh khủng...
Cứ như thể cái gì đó sắp nắm được trong tay rồi lại vụt bay mất... Bạc bẽo quá chăng???

Entry for August 15, 2007 - Rome and Venice




Mình đi Ý cũng lâu lâu rồi, giờ cảm xúc không về để ... viết nên lời, đành upload ảnh lên để share với mọi người vậy. Mọi người vào đây xem nhé:

http://travel.webshots.com/album/560132721ctxrWc?vhost=travel

http://entertainment.webshots.com/album/560177532DRrLiW?vhost=entertainment

Chán cái, chả có cái ảnh nào đẹp chụp ở đây, vì chả có ai chụp ảnh đẹp cho mình cả, hix...

Entry for August 12, 2007 - Mưa!




Mưa!

Hôm nay trời mưa to tệ, từ sáng toàn một màu xám xịt. Mưa làm cho khu nhà ở của mình càng thêm hiu quạnh, có lẽ phải đến mấy tiếng mình không nghe thấy tiếng người xung quanh…

Mưa khiến mình nhớ lại ngày hôm qua, khi present nhằm thu hút đầu tư, mình đã tự tin mà nói rằng, một trong những lợi thế thiên nhiên mà Việt Nam có được là ít tai họa thiên nhiên hơn các nước trong khu vực… Vậy mà, gia đình một người bạn của một người bạn hiện vẫn còn chưa biết tin tức ra sao sau cơn lũ quét ở Quảng Bình…

Đôi khi người ta vẫn mong mưa để gột rửa mọi ưu phiền, để lòng mình nhẹ nhõm hơn, nhưng mưa ơi, đừng rơi quá nặng, kẻo lại trút lòng người vào sâu thẳm của nỗi đau…

“Before the sunrise” and “Before the sunset”

Đó là 2 bộ phim về cùng 1 câu chuyện của tác giả Richard Linklater, 1 trong những câu chuyện tình hay nhất mọi thời đại. Mình đã thực sự sống cùng với nhân vật trong phim, hồi hộp, vui sướng, và tiếc nuối một điều gì đó… Sự khác biệt ở đây là một câu chuyện tình không có sex, và không có cái kết đóng như mọi câu chuyện tình khác.

Celine (do Julie Deply đóng) và Jeses (do Ethan Hawke đóng) tình cờ gặp nhau trên một chuyến tàu. Đó là ngày 16 tháng 6 năm 1994. Họ nói chuyện, và thấy ở nhau một sự đồng cảm… Tàu dừng ở Wienna, Jeses xuống, nhưng rồi lại lên. Anh thuyết phục Celine đi cùng mình, vì “đằng nào tôi cũng không có tiền thuê nhà nghỉ. Sẽ hay hơn nếu cô xuống đây cùng tôi, chúng ta sẽ nói chuyện suốt đêm, và hôm sau cô có thể bắt chuyến tàu khác về Paris”. Cái ấn tượng mạnh mẽ từ những giây nói chuyện đầu tiên, chứ không phải lời thuyết phục, đã khiến Celine gật đầu đồng ý. Và họ đã dành trọn đêm ngắm cảnh Wienna. Họ đón bình minh trên bãi cỏ rộng ở công viên. Ở đó, Celine đã nói “Em đã nghĩ sẽ ngủ với anh sau khi chúng ta xuống tàu, nhưng giờ chúng ta ở đây, không có sex, sẽ không có sex…”. Còn Jeses, anh không muốn đi theo lối mòn, rằng sẽ trao đổi địa chỉ liên lạc… Chắc họ hy vọng số phận sẽ cho họ gặp lại nhau, mặc dù họ không tin điều đó lắm.

Và họ chia tay sáng sớm hôm sau tại bến tàu, vội vàng trong những nụ hôn cháy bỏng, hẹn sẽ gặp lại nhau tại đúng nơi đây 6 tháng sau…

Và họ đã gặp lại nhau thật, nhưng không phải 6 tháng, mà là 9 năm, cũng không phải tại sân ga Wienna, mà trong một phòng họp báo ở Paris. Chàng sinh viên nghèo người Mỹ giờ đã là nhà văn nổi tiếng. Còn cô gái trẻ, sau nhiều năm phiêu bạt, giờ là nhà môi trường học tại Paris, nơi cô sinh ra và lớn lên. Vô tình qua cửa hiệu sách, đọc cuốn truyện mới của nhà văn Wallace, viết về câu chuyện tình của một chàng thanh niên Mỹ và cô gái Pháp, cô đã kiếm tìm thông tin về anh. Còn Jeses, sau khi trả lời phóng viên, anh nhìn qua phải và… luống cuống khi cặp mắt nhìn mình là … Celine. Luống cuống như 9 năm về trước, họ lại dành chút thời gian ít ỏi với nhau trước khi anh ra sân bay về Mỹ. Câu hỏi đầu tiên của họ là “Thế anh/em có trở lại Wienna 6 tháng sau không?”. Celine thú nhận rằng không, vì đúng ngày đó bà cô mất, và cô không còn tâm trí nào để nghĩ đến việc quay lại Wienna. Cô cảm thấy có lỗi khi Jeses quay lại, và đã thất vọng ra sao khi không gặp được cô. Tất nhiên anh cũng nghĩ chắc có chuyện gì đó xảy ra, nhưng trước khi rời Wienna, anh vẫn để lại lời nhắn, hy vọng cô đến trễ…

9 năm, cuộc đời có biết bao sự thay đổi. Giờ ai cũng đã có con, nhưng cả 2 người đều không có hạnh phúc. Trước khi cưới, người Jeses nghĩ đến là Celine chứ không phải vợ. Và bài hát Celine sáng tác bắt đầu bằng câu “Em hát anh nghe điệu nhạc Walz… Jeses…”, vì đó là điệu nhạc họ đã nghe cùng nhau 9 năm về trước. Họ đã có đôi lần vô tình cùng ở New York nhưng số phận đã không cho họ gặp nhau sớm hơn… Jeses thấy tuyệt vọng mà kêu lên rằng “Sao ngày đó em không trở lại Wienna??? Sao bà em không mất 1 tuần trước đó hoặc sau đó?”

Jeses đã kéo dài thời gian ở bên Celine bằng cách cùng cô đi uống café, đi dạo Paris, ngắm Notre Dame trên dòng sông Seine, đưa cô về nhà, và lắng nghe bản nhạc cô sáng tác… Họ thấy họ là của nhau, nhưng họ không thể chiến thắng sự thực rằng họ đã mất nhau… .Họ níu kéo chút ít thời gian còn lại để được đắm mình trong hạnh phúc thực sự… Câu chuyện kết thúc bằng câu hát của Celine “Baby, you know you are late for the flight” và đáp lại là lời Jeses “I know…”

Một câu chuyện tình không có sex, và nó đọng lại quá nhiều ý nghĩa. Có lẽ nó thực hơn các câu chuyện tình khác. Một chút băn khoăn, tiếc nuối mơ hồ là cảm giác của người xem như mình…

Entry for Juli 30, 2007 - Tam biet Koeln!




Vậy là hết ba tháng ở Koeln. Koeln đọng lại trong mình là những gì nhỉ? Cái Dom sừng sững giữa trời, biểu tượng của cả thành phố. Đó là một trong ba cái Dom lớn nhất ở nước Đức, nơi còn lưu xác của ba ông Holly. Đứng trên đỉnh tháp nhìn xuống, Koeln thơ mộng hơn với dòng sông Rhein uốn lượn chia đôi thành phố. Cây cầu nối liền Dom với bờ bên kia cũng dẫn người ta từ mọi ngả đường về Haupbahnhof. Mình đã tiếc khi không có máy ảnh bên cạnh, chụp Dom từ bờ bên kia của sông Rhein lúc ban mai… Đẹp tuyệt vời!

Những người con của sông Rhein, cuối mỗi câu đều thêm từ “nớ”, nói to hơn, cười to hơn, chừng như cuộc sống ven sông làm con người ta dễ đắm mình hơn với thiên nhiên, trải lòng rộng hơn với mọi người…

Nhưng không phải ai cũng như vậy. Cuộc sống luôn có những điều ngoại lệ. Koeln đọng trong mình còn là những ngày tháng không an bình. Mặc dù InWEnt đã thông báo khi đến ga Koeln sẽ có chủ nhà ra đón, nhưng ngay từ những ngày đầu tiên ấn tượng về người chủ nhà ấy đã không hề tốt. Họ không contact với mình, không ra đón, không trả lời điện thoại, thậm chí không hề gặp mặt mình. Như “anh hùng núp”, họ dần dần khuân hết những đồ đạc trong căn hộ mình thuê ra, thậm chí không thèm nói với mình nửa lời hay nhắn cho mình nửa chữ. Họ bảo rằng đấy là đồ đạc của họ nên họ thích cho vào, lấy ra lúc nào là tùy. Thậm chí ở Việt nam, điều đó cũng không được phép xảy ra… Thật kỳ lạ! Mình kể cho ai nghe, họ cũng thấy bức bối. Người Đức vốn rất tôn trọng nguyên tắc mà, ấy thế lại có người cho mình quyền muốn làm gì thì làm… Từ những việc nhỏ nhặt ấy, họ xâm phạm đến cuộc sống riêng tư của mình, gây khó khăn cho mình trong những ngày sống ở đó… Chuyển nhà, đó là phương cách tốt nhất để lấy lại sự bình yên. Nhưng không phải việc gì cũng thuận buồm xuôi gió… Chỉ ba tháng thôi mà mình ở đến ba nhà. Thật may, người chủ nhà cuối cùng rất nett, freundlich và hilfreich. Nhà cũng khá to và đẹp, phía trước còn có một vườn cỏ và ao cá, nơi cả nhà tập trung vui đùa mỗi ngày cuối tuần… Một sự đền bù chăng? Bác Mahnke bảo, hy vọng chúng mày sẽ có ấn tượng tốt hơn về Koeln trong những ngày còn lại…

Còn gì nữa hả Koeln ơi? Bảo tàng Schocolade thật ấn tượng với tài liệu lưu trữ khá hoàn thiện về quá trình sinh trưởng của cacao, quá trình chế biến từ cacao thành schocolade, về những con người đã trồng và làm nên hương vị tuyệt vời của schocolade và các phương tiện sản xuất của họ… Mình vốn không thích xem Museum lắm, nhưng với mình, Schocolade Museum thật xứng đáng để xem.

Nhưng Koeln thật đẹp trong mình, với ấn tượng về nơi làm việc. Có thể mình may mắn vì có người hướng dẫn thực tập thật tốt. Bà cũng đã từng sống ở Châu Á nên có thể hiểu mình hơn chăng? Chỉ biết rằng mình đã có những ngày tháng thật đẹp bên cạnh bà, sẻ chia mọi điều từ công việc, đến gia đình, quan hệ xã hội. Bà luôn cố gắng để mình hòa nhập hơn với đồng nghiệp, chia sẻ kiến thức công việc nhiều hơn. Sẽ nhớ mãi những bữa ăn trưa với bà, để bà giới thiệu cho các món ăn Đức. Sẽ chả thể nào quên những giây phút ấm ức quá mà bật khóc với bà, để rồi bà lo cuống cuồng tìm cách bảo vệ “con trẻ”. Sẽ không phai nhạt ký ức về một con người điềm đạm, chịu nhịn và quan tâm đến mình từ những điều nhỏ nhặt nhất. Cảm ơn bà vì những ngày tháng ấy!

Khác với bà, bác Chef thường làm cho mình cười nhiều hơn. Nhớ ngày đầu tiên đến làm việc, vì không có phòng riêng nên mình phải ngồi vào vị trí của bác Chef (vì lúc đó bác đang có Urlaub). Mọi người trêu, bảo mình may mắn… Nhớ buổi họp đầu tiên mình không nghe rõ bác Tutor bảo gì, nên suýt nữa thì “ngồi” vào ghế lãnh đạo. Hôm ấy còn chen cả chỗ của bác Phó nữa, hix, may mà bác không “chấp” trẻ con… Rồi bác Chef về, liên miên kể về Việt Nam và chuyến du lịch đến Phú Quốc… Mình nhớ có lần mọi người liên hoan, bác Chef “nhắc nhở” mọi người nói chậm thôi, không thì mình chả hiểu gì sất. Lúc ấy có người đứng trước mặt mình nên mình không nghe rõ, và mình đã “thẽ thọt” hỏi lại “Wie bitte?”, nghĩa là “Cái gì cơ?”, làm mọi người cười ồ… Đợt chuyển nhà lần cuối, mình không thể care nổi mấy cái nón, mang tặng mọi người luôn, mình thì ngại vì chỉ có 3 cái mà số người lại rất đông, nhưng những người được tặng nón đều đi từ đầu nhà đến cuối nhà để khoe, làm mình thấy vừa buồn cười vừa ngại… Rồi những chiều thứ sáu tán gẫu với chai Champagne, mình chỉ biết “luôn luôn lắng nghe, cố gắng thấu hiểu”, những buổi liên hoan chia tay với Verkehr, với anh Altenweger, và với cả mình nữa… Món quà chia tay thật là bất ngờ, vì có chữ ký của tất cả mọi người. Những câu chuyện nho nhỏ ấy đã làm nên một kỷ niệm lớn với mình ở IHK…

Có lẽ, Koeln thế là đủ rồi. Mai mình chuyển đồ, ngày kia đã có mặt ở Berlin, chạy “sô” với transfer project. Hy vọng sẽ có đủ thời gian để viết dự án mình ấp ủ bấy lâu…

Chào Koeln nhé!