Nhật ký mồng 2 Tết

Tết. Tôi làm bạn với những bữa cơm gia đình. Tôi vẫn thường bảo đùa, nhà chỉ có 2 ông bà già, thì 1 bà sắp già đương nhiên phải trông nom thôi. 2 ông bà già đó giờ còn hay quên, lãng tai, lơ đễnh. Ông thì thấy có người khép cửa nhà mình vào cũng chả buồn ra xem có chuyện gì. Bà thì nghĩ mãi "chả biết cúng cơm tất niên cái gì". Ấy thế mà ai cũng thích làm chỉ đạo. Bà sắp già là tôi hễ có ý muốn "làm món gì đó mơi mới trong dịp Tết" đều bị bà già gạt đi hết. Thế nhưng lại than "Mẹ không nghĩ ra món gì, gọi con xuống để nghĩ cùng, mà con cũng chả nghĩ ra cái gì". Khổ. Bị gạt như chém gió thì ai còn động lực mà nghĩ nữa.
Thế là Tết năm nay mọi món ăn đều quay trở lại với truyền thống. Trừ mỗi việc, tôi kiểm soát được lượng thức ăn, nên không bị thừa đổ đi. Một ngày vẫn được từ 2 đến 3 bữa mà không ai thấy chán hay đầy bụng vì bữa trước đó.
Tết. Tôi có nhiệm vụ đưa ông bà đi chúc Tết những ông bà già hơn. Rồi ngồi nhà phục vụ những ông bà trẻ hơn đến chúc Tết ông bà nhà mình. Lại nói đến chúc Tết, năm nay chứng kiến một việc mà qua đó, tôi thấy rằng, nếu không xuất phát từ chính lòng mình, những lời chúc đều trở nên vô nghĩa. Chúc Tết vốn là những lời nói hay về ngữ nghĩa, đáp ứng mong mỏi của người nhận câu chúc, cho một năm mới bắt đầu. Câu chúc Tết phải được nói ra sau thời khắc bước sang năm mới. Trừ một vài trường hợp đặc biệt mà không thể gặp nhau, nói chuyện với nhau sau thời khắc ấy, người ta mới vui vẻ nhận những lời chúc Tết trước khi giao thừa. Vốn là, xóm nhỏ nhà tôi trước nay đều có thông lệ, ngày mồng 1 đầu năm, 1 người sang chúc Tết 1 nhà, rồi cùng người nhà này đi chúc Tết nhà khác, cứ rồng rắn thế trong cả xóm. Không bắt buộc gì sất, ai tham gia vào đoàn thì tham gia, không thì đi một mình. Vậy mà năm nay, có một "sáng kiến" là gặp nhau 2 tiếng trước giao thừa, tổ trưởng tổ phó đứng lên chúc Tết "dân", rồi thì giao lưu giữa hội trường, chứ không phải dắt díu nhau đi chúc Tết mồng 1 nữa. Một số người thì hưởng ứng nhiệt liệt. Một số thì không. Tôi thì cho rằng hàng xóm ra vào gặp nhau đến cả chục lần trong ngày. Việc gặp nhau thêm 1 lần nữa cũng chẳng sao. Nhưng để Tết không còn ai vào nhà ai chúc Tết nữa thì thật là phí, phí cái tinh thần chúc Tết mà cha ông ta đã dựng nên và đặt niềm tin cho nó. Tôi bảo mẹ vẫn cứ đi chúc Tết như bình thường. Và rồi, cũng thấy một số người hàng xóm than phiền là "buồn", thì rõ, vì sát nách mình năm nào cũng rỉu rít vào ra, giờ chỉ lướt qua cửa rồi mất hút. Thấy một số người khác cố tình không tiếp khách "hàng xóm" tại nhà, tôi mới hiểu dù họ có gặp và chúc Tết mình ngoài đường, những lời nói ấy cũng chẳng vì từ tâm họ muốn thế. Âu cũng là một cách để hiểu thêm về con người. Có lẽ, đó là "tác dụng duy nhất" mà theo tôi "sáng kiến" đó mang lại.
Đâu đó khoảng 16-17 năm rồi, sinh nhật tôi mới lại rơi vào ngày mồng 2 Tết. Nhớ lại lần trước, ngày còn là học sinh, tôi chơi với khá ít bạn bè. Ngày mồng 2 Tết, mấy chục đứa xe đạp xe máy kéo đến nhà tôi chúc mừng sinh nhật. Tôi choáng. Và tôi vui. Vui hết cỡ. Được tặng bao nhiêu là quà. Nhưng vui nhất vì có nhiều bạn bè chúc mừng mình đến thế. Năm nay, già rồi để không còn bạn cùng lớp nào kéo đến ríu rít, nhưng tôi cũng đã nhận được biết bao lời chúc mừng sinh nhật từ khắp nơi. Là những người bạn trong nhóm chơi thân mà năm nào cũng chính tôi là người mời đi ăn sinh nhật. Là những người bạn từ Châu Âu xa xôi vẫn "trốn vợ" gọi cho tôi trong mỗi ngày sinh nhật. Là những người anh, người thày "nhớ dai lắm, không thể quên được ngày sinh nhật em". Là những người bạn mà tôi chưa bao giờ nghĩ rằng họ quan tâm đủ để nhớ ngày sinh nhật của mình. Là người lãnh đạo mà tôi không tin rằng anh nhớ. Là những đồng nghiệp vẫn luôn mang đến cho tôi những nụ cười trong công việc. Và còn là anh, dù "không thể vào internet shop, không thể viết thư", vẫn cố gắng tìm cách gọi về cho tôi mà tôi lại không thể nhấc máy trả lời. Bấy nhiêu đó đã đủ để tôi vui chưa nhân ngày sinh nhật mình, dù đi bên tôi giờ vẫn chỉ là một cái bóng lặng lẽ...
Bác tôi bị bệnh, phải nằm một chỗ đã 3 năm nay. Từ một người hoạt bát, nhanh nhẹn, ham đi, bác làm bạn với chiếc giường như một điều cố hữu. Đến thăm bác, lúc thì bác bảo "Tôi chỉ muốn chết cho nhẹ người", lúc bác lại khăng khăng "Tội gì mà phải chết, cứ sống cho nhà nước nó nuôi". Cũng giống như tôi, luôn xung đột trong suy nghĩ. Cuộc đời vốn không cho ai hết cái gì. Nhưng con người vẫn cho rằng, cái mình mất đi, hay không có, thật là to lớn. Cứ mải ngẫm về những gì mình được, những gì mình mất, tôi đã đang trôi về phía dốc bên kia của cuộc đời...