Sau mấy bữa cơm lính đầu tiên, trong nhà ăn la liệt cơm thừa. Đang ăn cơm gạo quê, bỗng dưng bập vào thứ cơm gạo cũ độn bo bo vàng khè, hôi hôi, khô rông rổng thật vô cùng khó nhá. Một lý do khác nữa là lúc ấy thằng nào trong túi cũng có chút tiền mà gia đình và bà con hàng xóm dúi cho trước lúc nhập ngũ. Chỉ cần mấy phút giải lao là có thể mua được tấm bánh chưng hoặc mớ sắn luộc. Dãy quán ngoaì cổng đơn vị lúc nào cũng sãn sàng chào đón những chàng trai xa nhà. Nói về những mối quan hệ quán xá và lính tráng thì nhiều lắm lắm nhưng vào dịp khác tôi sẽ kể.
Nhưng rồi chỉ sau mấy hôm là những chậu cơm lính được vét sạch nhẵn mặc dù thức ăn chỉ toàn rau và cái thứ "nước mắm đại dương". "Nước mắm đại dương" là một dung dịch gồm nước gạo rang cháy cộng muối và cho thêm chút xíu nước mắm để có mùi. Bắt đầu thấy xuất hiện vài tên tham ăn. Khi xếp hàng vào nhà ăn, mọi người bắt đầu lảng tránh những ai mang theo cái bát "B 52 ". Tại sao lại gọi là "bát B52"? Đó là cái bát sắt Trung Quốc dùng cho bộ đội ta ngày trước. Nó to hơn so với loaị bát sắt mà đơn vị phát cho tân binh. Nếu bình thường thì một chậu cơm dành cho 6 người ăn sẽ xới được 18 bát cơm lùm lùm (bát sắt loại mới). Nhưng nếu có người nào đó cố tình xúc nhiều và nén chặt thì người xới bát cơm sau cùng sẽ chỉ còn rất ít. Cái bài khá quen thuộc của những chủ nhân bát "B52" là ăn nhanh hai bát đầu và lèn chặt bát thứ ba . Đã có chàng lính bị đồng đội úp cả chậu cơm vào đầu vì màn trình diễn ấy .
Tôi vì mê đá bóng mà vô tình được cánh cán bộ khung kéo về ăn chung ngay từ bữa đầu tiên. Bọn tôi thường là những người cuối cùng bước vào nhà ăn. Cánh lính cũ ăn uống điềm đạm, tôi thì cũng đã quen với khẩu phần ăn của những người sống một thời với sổ lương thực và tem phiếu. Hình như cách ăn uống cũng có thể làm cho con người ta tin tưởng nhau hơn, quí mến nhau hơn và tôn trọng nhau hơn?
Phải công nhận là những ngày ấy bọn tôi luôn cảm thấy đói. Có lẽ vì lúc ấy bọn tôi đang tuổi ăn, tuổi lớn và cường độ hoạt động quá cao mà lượng chất bổ xung cho cơ thể quá ít. Sáng sớm dậy tập thể dục, làm vệ sinh, gấp chăn màn, đi ăn, kiểm tra nội vụ rồi bước vào học chính trị hoặc ra thao trường. Ăn trưa và nghỉ một lát lại tiếp tục học, tập đến chiều. Khoảng thời gian từ lúc hết giờ hành chính đến khi ăn tối thì có thể phải tăng gia hoặc đi chơi, đá bóng, tắm giặt ... Sau bữa ăn tối lại hội ý tổ 3 người, sinh hoạt tiểu đội, trung đội hoặc đại đội, tiểu đoàn ... Đến đêm thì lần lượt thay nhau gác. Khổ nhất phải nói đến những cuộc báo động trong đêm. Có hai loaị báo động là báo động chiến đấu và báo động di chuyển. Tùy theo tín hiệu kẻng hoặc còi mà đám lính biết là nó thuộc loại báo động nào. Báo động chiến đấu thì chỉ mặc quần áo, xỏ giầy, mang theo vũ khí. Còn báo động di chuyển thì phải mang hết tất cả quân tư trang theo. Trung đội trưởng của tôi ngày ấy là một anh sĩ quan vừa mới ra trường, tiểu đội trưởng lại là một hạ sĩ quan đang phấn đấu vào đảng. Thật sự là họ đã luộc chúng tôi chín nhừ với những đêm có tới 3 lần báo động . Rất lạ là với cường độ hoạt động như vậy và lượng calo nạp vào cơ thể quá ít ỏi mà chúng tôi vẫn phổng phao và cực kỳ khỏe mạnh. Chiều chiều bọn tôi vẫn chạy đá bóng băng băng như đám ngựa vía.
Bây giờ, nhiều khi ra sân thấy mấy chú em mới ngoài hai mươi nhưng ẻo lả đuổi theo quả bóng mà cám cảnh quá. Có chế độ dinh dưỡng tốt mà không biết cách tập luyện thì cũng khó có được thể lực dẻo dai, sung mãn. Chị em trong Phố ta đừng tin mấy ông cầu thủ đá bóng bằng ... mồm . Hãy ra sân xem họ chạy thế nào rồi hãy tính.
0 comments:
Post a Comment