Rừng đá Thạch Lâm

Đi du lịch Côn Minh, hay bất cứ nơi nào mới ở Trung Quốc, mình đều không tự tin đi một mình. Nhớ cách đây chừng 15 năm, mình đi theo đoàn sang hội chợ thương mại ở Trung Quốc. Những buổi chiều đi lang thang một mình loanh quanh khu ở, mình luôn phải nhớ trong đầu chỗ nào thì rẽ trái, chỗ nào rẽ phải, và không bao giờ dám đi xa. Chủ yếu vì mình không biết tiếng Trung. Nhưng những năm 2004-2005 ấy, các biển tên đường chỉ thuần dùng chữ Hán, không phiên âm theo dạng chữ Latinh, người dân đương nhiên không nói tiếng Anh, các app bản đồ chưa ra đời, điện thoại cũng rất đơn thuần dùng để nghe-gọi, may lắm thì chụp được ảnh.
Lần này đã là lần thứ tư mình đi Trung Quốc. Dù đã tự mình xê dịch khắp nơi quanh thế giới, mình vẫn không quá tự tin đi du lịch một mình ở đây. May sao, trước ngày kết thúc hội thảo, có cô em bật mí cho mình biết là có một số người đang lên kế hoạch đi Rừng đá Thạch Lâm, và càng may hơn nữa khi ngày hôm sau, chính bác tổ chức lên tiếng hỏi mình. Mình nhận lời ngay tắp lự mà không phân vân về giá cả.
Và đó là một ngày đẹp tuyệt vời. Trời Côn Minh mấy ngày mưa sập sùi, riêng hôm đó lại nắng đẹp. Sau một tiếng ngồi trên xe và 20 phút mua vé, thuê guide, Thạch Lâm đón chúng mình bằng một hồ nước nhân tạo trên những phiến đá to với nhiều đầu nhọn đâm thẳng lên bầu trời, nhìn như Hạ Long thu nhỏ. Mấy bác phi-cộng-sản thấy thích thú với cả dãy cột cờ Trung Quốc đỏ chót, và ai cũng muốn lưu lại một tấm cho mình.
Hồ nhân tạo do Mao Trạch Đông chủ trương xây dựng để giữ nước.
Cờ cộng sản đang chào đón bác Hans. Nhưng bác bảo,  bác phải học triết học Mác-Lê Nin trước :)
Trước khi đi, mình đã đọc sơ qua, thấy bảo rừng đá này trước đây là đại dương, do địa chất thay đổi mà giờ thành rừng khô. Tý tởn khoe với bác đi cùng, bác ý bảo “Đại dương nằm ở độ cao gần 2000m à?” làm mình thấy ngượng, tự trách mình không đọc kỹ thông tin hơn trước khi ‘tỏ ra nguy hiểm’. Ơn giời, mình đúng. Trong tiếng Trung, rừng đá này có tên Shilin, dịch sang tiếng Anh là Stone Forest. Được hình thành từ khoảng 270 triệu năm về trước, những chuyển động liên tục của thạch quyển đã khiến nước biển bao phủ khu vực này rút đi, tạo ra những vách đá vôi khổng lồ như hiện giờ. Có những cột đá chỉ cao khoảng 10m, nhưng cũng có những cột cao tới 170m so với mặt đất. Dù có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng tựu chung, những cột đá vôi này đều như bị cắt ngang, phần trên nhọn hoắt, vách dựng đứng và san sát, khiến người ta cảm tưởng đang lạc vào một mê cung với vô vàn các măng đá nhô lên trong hang động.

Tảng đá đầu tiên ghi tên Thạch Lâm (hay Shilin trong tiếng Hán). Ban đầu, chữ được khắc to hơn, kèm theo bài thơ. Nhưng sau đó, tác giả bài thơ muốn ẩn danh, vì thế, người ta phải khắc lại chữ cho nhỏ hơn và xoá bài thơ cùng tên tác giả.

Tảng đá như chỉ trực rơi xuống mặt đất. Thử thách luôn gian nan là thế.

Ngước lên trời xanh thăm thẳm.

Ánh nắng hắt qua khe hẹp giữa các vách đá khổng lồ.

Nơi này non nước hữu tình. Người dân tộc Yi trước đây thường dùng nước hồ này để sinh hoạt. Nhưng giờ hồ đã ô nhiễm, chỉ dùng để ngắm cảnh cho khách thập phương.

Chỗ này mặt hồ trong veo, bình yên đến lạ.


Một điểm nhìn rừng đá trên cao. Giữa bạt ngàn núi đá vôi, cây vẫn xanh ngắt, và hoa vàng vẫn nở rực rỡ.


Một góc rừng thưa núi. Cảnh sắc ôn hoà, xanh ngắt và nhẹ nhõm.



Để đứng lên được vách đá này không dễ, vì đa phần mũi đá nhọn và sắc.

Một góc rừng đá Thạch Lâm nhìn từ trên cao.

Phía sau em là cả rừng đá hùng vĩ nhấp nhô.
Sự hùng vĩ của rừng đá khiến chúng mình choáng ngợp. Những ngách đường chỉ vừa lọt đủ một người nhỏ con như mình. Những cây cầu nhỏ bắc qua hai tảng đá bao quanh một khúc hồ xanh ngắt, chỉ đủ hai người đi nghiêng tránh nhau. Những vách đá mang hình hài một đôi giày, hay một bông hoa. Thậm chí, với người dân tộc Yi, nhiều vách đá còn biểu tượng cho nàng Ashima trong truyền thuyết, bị nước lũ dìm trong khi cùng chàng trai nghèo trốn vào rừng để tránh bị lãnh chúa bắt cóc, để rồi biến thành tảng đá, mãi mãi nằm đó, chờ chàng trai của mình.
Lối đi hình chiếc giày.

Nàng Ashima.

Hình gì tự đoán.

Lại một nàng Ashima. Nơi đây được chính thức đặt biển, và du khách có thể thuê trang phục của nàng Ashima để chụp ảnh.

Khe đi chỉ đủ một người.
Đi giữa lòng vách đá.

Người dân vùng tự trị Yi nói riêng và Vân Nam nói chung thích múa hát. Có lẽ đó cũng đặc điểm chung của những con người sống ở nơi núi rừng, nơi họ tự do đắm mình trong thiên nhiên, sống hồn nhiên giữa đất trời. Với người con núi rừng Yi, truyền thuyết về nàng Ashima khiến họ càng đắm say múa hát. Thật dễ dàng bắt gặp từng nhóm người tụ tập hát giao duyên khi đi lang thang trong rừng này. Đâu đó, mình còn có thể nhìn thấy hình ảnh người đàn ông độc hành với chiếc đàn lá giữa rừng đá bao la. Tự thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ. Và cuộc sống còn nhiều điều để khám phá lắm, dù thật lắm chông gai.


Độc hành trên vách đá.
Ngắt chiếc lá làm kèn, đó là cách thông dụng người dân nơi đây tìm niềm vui cuộc sống.
Thạch Lâm trong mình hùng vĩ nhưng bình yên đến lạ. Đôi khi chỉ ước mình được hồn nhiên sống như những người dân nơi đây.

Gia hạn hợp đồng lao động - Trách nhiệm của ai?


Người lao động ký hợp đồng với thời hạn cố định (fixed contract). Khi thời hạn chấm dứt hợp đồng sắp đến, trách nhiệm chấm dứt hợp đồng hay gia hạn hợp đồng thuộc về ai, người lao động hay người sử dụng lao động?
Trước hết, cần phải nhìn vào các điều khoản của hợp đồng lao động. Nếu trong hợp đồng có điều khoản nói rằng "Trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động ABC ngày, người lao động phải có trách nhiệm báo với người sử dụng lao động về thời điểm đó, và hai bên sẽ thảo luận khả năng gia hạn hợp đồng, tuỳ bên nào có nhu cầu", đương nhiên, trách nhiệm đó thuộc về người lao động. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng cho đến giờ, sau gần 20 năm làm việc, mình chưa thấy một hợp đồng lao động nào có điều khoản trên, kể cả tây lẫn ta.
Trường hợp thứ hai có thể xảy ra là, trong hợp đồng lao động có điều khoản "Hợp đồng có thể được gia hạn ...". Kiểu hợp đồng này phổ biến. Nó thậm chí xuất hiện trên hầu hết các quảng cáo rao việc, bởi vì, nếu luật không bắt buộc ký hợp đồng vô thời hạn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều muốn ký hợp đồng có thời hạn cố định, thường một năm, và để ngỏ khả năng gia hạn. Từ góc độ luật học, khả năng gia hạn hợp đồng hoàn toàn do người sử dụng lao động quyết định, dù không được nêu trong hợp đồng. Vì mình tin chắc rằng, không nhà tuyển dụng nào muốn cầm dao đằng lưỡi, rằng buộc phải gia hạn hợp đồng vì người lao động muốn thế. Điều này thật hiển nhiên.
Trường hợp thứ ba là, trong hợp đồng ghi rõ "Hợp đồng này không được gia hạn". Chẳng phải bàn. Hết quan toàn dân kéo về.
Trường hợp thứ tư cũng rất phổ biến, đó là CHẲNG GHI GÌ. Người sử dụng lao động, sau thời hạn chấm dứt hợp đồng, có thể:

  1. Chấm dứt;
  2. Gia hạn;
  3. Thay đổi các điều khoản, thậm chí loại hợp đồng.

Và rất rõ ràng, trách nhiệm (và quyền) này hoàn toàn thuộc về người sử dụng lao động.
Theo mình, trong suốt quá trình quan hệ lao động phát sinh, nghĩa là, kể từ khi người lao động quyết định nộp đơn xin việc cho đến khi hợp đồng lao động chấm dứt, trách nhiệm duy nhất của người lao động là nộp đơn xin việc. Lựa chọn chấm dứt, gia hạn, thay đổi hợp đồng sau đó hoàn toàn thuộc về người sử dụng lao động. Và khi trong hợp đồng không có điều khoản nào nhắc đến, hoặc tuyên bố về thời điểm thông báo chấm dứt, gia hạn hay thay đổi hợp đồng từ phía người sử dụng lao động, người lao động, khi cho tới ngày chấm dứt hợp đồng mà không nhận được một thông báo nào từ người sử dụng lao động, được quyền hiểu rằng hợp đồng lao động CHẤM DỨT. Và người lao động không có nghĩa vụ phải thông báo với người sử dụng lao động về thời điểm chấm dứt hợp đồng ấy. Đương nhiên, nếu muốn, tuỳ. Và nếu người lao động rời đi sau ngày này, người sử dụng lao động không có quyền trách móc, khiếu kiện người lao động, vì thực chất, đó là lỗi của người sử dụng lao động không quản lý được các hợp đồng lao động.
Để thực hiện được quyền này của mình, người sử dụng lao động tuỳ ý sử dụng các công cụ hợp lý. Lý tưởng nhất là có một phần mềm quản lý hợp đồng lao động và gửi thông báo trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động từ một đến ba tháng (và mình nghĩ rằng phần mềm cơ bản như Excel hoàn toàn có thể làm được việc này, chưa kể các phần mềm quản lý lao động chuyên dụng khác hiện nay mà anh google có thể chỉ ra cả tá trong vòng một giây). Công cụ thứ hai là nhân viên quản lý hợp đồng lao động. Người này có nghĩa vụ thông báo với người sử dụng lao động về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động trong một khoảng thời gian hợp lý trước thời điểm đó, dựa vào đó, người sử dụng lao động quyết định bước tiếp theo. Công cụ thứ ba rất không chuyên nghiệp, nhưng có thể sử dụng, đó là trao đổi với người lao động một cách thân mật về việc nhắc nhở trước thời điểm kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, cần khẳng định lại, việc trao đổi chỉ là thân mật, không ràng buộc trách nhiệm của người lao động.
Trên thực tế, trừ những tổ chức (khá) lớn có bộ phận chuyên biệt có trách nhiệm báo cáo người sử dụng lao động, những ông (bà) chủ nhỏ thường không ý thức được trách nhiệm ấy thuộc về mình. Lý do họ đưa ra thường là "Làm sao mà tôi nhớ được", hay "Hợp đồng của bạn, bạn phải biết khi nào nó kết thúc chứ". Nào có ai có trí nhớ siêu phàm để đọc một cái hợp đồng, rồi sau 6 tháng, 1 năm, hay 3 năm, mà nhớ được ngày này, tháng này, hợp đồng đó sẽ kết thúc. Ngoài máy. Nếu hỏi người lao động xem họ có nhớ ngày hợp đồng kết thúc không, có thể. Nhưng họ biết không có nghĩa là họ có nghĩa vụ thông báo. Ở đây, mình loại trừ trường hợp người lao động tự nguyện thông báo vì lý do cá nhân nào đó. Có những người sử dụng lao động thậm chí còn cho rằng việc người lao động không thông báo là không có tinh thần hợp tác, không có thiện chí làm việc. Có người lại cho rằng không nói gì nghĩa là tự động gia hạn hợp đồng. Điều này hoàn toàn không logic, vì không có cơ sở pháp lý. Mình đã search thử xem hiện trạng này ra sao, và quả thực, điều đó xảy ra cũng không hiếm.
Việc người sử dụng không hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình dẫn đến những hậu quả không mong muốn cho cả mình và cả người lao động. Ví dụ như:

  • Nếu người sử dụng lao động không định gia hạn hợp đồng, người lao động bị động trong quá trình và nỗ lực tìm kiếm công việc mới;
  • Nếu người sử dụng lao động có ý định gia hạn hợp đồng nhưng không thông báo trước với người lao động, người lao động có thể tìm kiếm công việc mới, và do đó, người sử dụng lao động mất nguồn nhân lực;
  • Nếu người lao động chủ động xin gia hạn hợp đồng, người sử dụng lao động có thể lợi dụng cơ hội để tạo hoặc thêm những điều kiện lao động không có lợi hơn (hoặc bất lợi hơn) cho người lao động, trong trường hợp mối quan hệ giữa hai bên không hoàn toàn thoải mái, hoặc do tính cách của người sử dụng lao động.

Chỉ một việc nhỏ thôi nhưng không phải ai làm người sử dụng lao động cũng hiểu. Nó tồn tại khắp mọi nơi. Nhưng nó cần được hiểu và làm đúng.

Tham khảo thêm:
https://workplace.stackexchange.com/questions/95747/my-contract-is-ending-is-it-acceptable-to-just-leave-without-any-talk-with-the
https://workplaceinfo.com.au/termination/unfair-dismissal/cases/failure-to-renew-fixed-term-contract-for-a-third-time-was-not-dismissal