Giá mà...




Anh ngồi đấy, trước mặt tôi, thẫn thờ ... Thỉnh thoảng anh gượng cười mà khuôn mặt trĩu nặng ...


Anh và chị sắp ly hôn. Chỉ chờ đứa con lớn qua đợt thi đại học là mỗi người một ngả.


Mọi người đổ lỗi hết cho anh, rằng anh đã bỏ mặc gia đình đi biền biệt, rằng anh thiếu trách nhiệm với con cái, rằng anh không biết thương vợ vất vả ngược xuôi... Và còn rằng anh yêu một người con gái không bằng vợ...


Nhưng cái tảng băng chìm mới nguy hiểm. Vợ anh trói anh vào cái dây thòng lọng. Nếu ở gần thì cái dây còn chùng, lỡ mà giật ra xa là "dính chưởng" ngay. Chị muốn có anh tồn tại bên mình để giữ lại chút sỹ diện với đời, và cho con mình còn có bố. Nhưng trong tâm, chị đã bỏ mặc anh với đời.


Mỗi lần anh muốn trở lại bên chị, bên các con, chị lại không nói gì, không đồng ý, không sẻ chia. Chị vô tình đẩy anh ra xa hơn. Và anh đi thật! Anh không chỉ đi bằng con người, mà cả tâm hồn anh cũng dần lạnh cóng. Anh thấy cô đơn và lạnh lẽo.


Anh cần sưởi ấm lòng mình!


Và, người đàn bà đó đã sưởi ấm được lòng anh. Lẽ thường, con người ta khi được làm ơn thì sẽ nghĩ đến chuyện trả ơn. Và anh đã trả ơn người đàn bà đó. Hữu xạ tự nhiên hương, câu chuyện bay từ nơi núi non xa xôi về Hà nội.


Chị điên lên, làm mưa làm gió ở cơ quan anh. Chị gặp người đàn bà đó nói chuyện ... Và chị thúc cả em anh lên nói chuyện với người đàn bà đó.


Đã có lúc anh nghĩ phải làm theo cái đạo lý vốn dĩ xưa nay cho là đúng. Nhưng chuyện gì cũng phải cần thời gian, không thể như con búp bê muốn thì chơi, chán thì bỏ. Ngoài cái tình, anh còn cái nghĩa. "Món nợ" phải trả đè lên tâm tư suy nghĩ của anh.


Ở dưới Hà nội, chị càng "điên" khi anh không xử lý "dứt điểm". Những cuộc cãi vã cứ thế tăng lên, đẩy anh đến bước đường cùng. Thêm vào đó, công việc cơ quan trăm ngàn mối tơ vương. Anh chán nản và cảm thấy tuyệt vọng. Anh đã tìm cho mình một con đường ngắn nhất: LY HÔN. Đau đớn thay!


Cái kết cục này, người ngoài nhìn, cho rằng anh gây nên. Nhưng anh nói cũng có lý: Con người ta cái tình luôn luôn sinh ra. Cái tình mà không được đáp ứng sẽ đi tìm cái tình khác. Đâu đó trong cuộc đời sẽ có 1 mảnh vỡ mà nếu ghép với mảnh vỡ của mình lại tạo ra 1 vật thể tròn trịa. Dẫu rằng không biết cái mảnh vỡ kia "vô tình" hay "hữu ý" đến với mình, anh vẫn phải "đáp lễ" với người ta. Và còn điều này nữa, anh vì con cái nhưng không thể quên bản thân mình. Anh cần sống, chứ không cần tồn tại.


*************************************


Nhìn cái dáng gầy gầy và mái tóc bạc, tôi thấy thương anh, thương số kiếp một con người. Rồi đây, anh sẽ ra sao? Con cái anh sẽ ra sao? Cuộc đời không đơn giản như một cộng một bằng hai. Nếu chỉ nghĩ cho bản thân mình, con người ta trở nên ích kỷ. Nhưng nếu không nghĩ đến mình, cuộc sống lại chỉ là con số không. Thượng Đế tạo ra đàn bà và đàn ông để làm gì? Để họ yêu thương nhau và duy trì nòi giống. Nhưng để yêu thương nhau, mỗi người cần phải sống vì người khác. Nếu việc duy trì nòi giống là kết quả của một quá trình yêu thương, nòi giống đó sẽ có một tương lai tốt đẹp. Nếu lấy việc duy trì nòi giống là điều kiện để có tình yêu thương thì đó quả là một sai lầm lớn.


Âu cũng là bài học để đời cho tôi!

Thu thi chuyen ngay xua (phan 2)




Đang buzy, nhưng lại có người chờ đợi phần 2. Vậy tiếp tục nhé!


----------------------------------


Bố tôi là bộ đội. Ngày anh em tôi còn bé thì đang có chiến tranh nên bố tôi cứ đi biền biệt. Lâu lắm mới có một lần bố về thăm nhà. Không những mẹ con tôi coi bố như thần tượng mà bà con trong làng cũng thấy tự hào mỗi khi chiếc xe com-măng-ca đưa bố tôi về phép. Vui sướng nhất là đám trẻ con được chú lái xe cho ngồi chen chúc trong xe và lượn một vòng quanh làng. Bố là sĩ quan chính trị nhưng rất giỏi võ và ham đá bóng. Những dịp về phép, bố thường gọi mấy anh em tôi dậy sớm chạy và bơi. Dần dần ông dạy chúng tôi những cách tránh và đỡ đòn. Khi anh em tôi nằng nặc đòi bố dạy những đòn tấn công thì ông cười " Khi nào tránh và đỡ giỏi thì lúc ấy mới học tấn công ". Trước mỗi khi về đơn vị, bố tôi thường dặn "Nếu học giỏi và ngoan, không đánh nhau thì khi về bố sẽ dạy võ tiếp". Bố cũng là một người truyền cho tôi niềm say mê đá bóng. Ông hay dẫn bọn nhỏ chúng tôi ra sân xem ông và các chú bộ đội đá bóng. Tôi thích mê những pha bay người đánh đầu của bố. Khi anh em tôi lớn hơn chút thì bố tôi dạy cho biết các cách tránh đòn trong khi đá bóng. Mãi sau này ông mới dạy cách "trả nợ" trong sân. Nguyên tắc mà ông đặt ra là: không được chủ động chơi xấu trước. Với những người vô tình mà làm đau ta thì nên bỏ qua. Với những người cố tình đánh ta đau thì trước hết phải giữ bình tĩnh không được chửi bậy hoặc đánh trả ngay. Hãy chờ một thời điểm nào đó mà có thể ra đòn thật kín gần như không phạm luật thì hãy ra tay. Không nên ra đòn quá nặng. Thường thì những người bị trả đòn đều biết là có vay có trả nên không phản ứng dữ. Nhưng nếu có người nào đó mà sừng cồ thì ta hãy xin lỗi trước. Chuyện động chân tay thì vạn bất đắc dĩ mới phải dùng. 


 Sau này bố tôi giảng rất kỹ về đạo lý của đòn "tam thế đối luyện" (tránh đỡ ba đòn và chỉ trả lại bằng một đòn tối hậu).

Thu thi chuyen ngay xua




Đây là tên anh đặt cho câu chuyện của mình, câu chuyện thấm đượm những ký ức về một thời chinh chiến, câu chuyện chưa kết thúc và cũng chẳng biết bao giờ kết thúc. Anh là một người viết văn giỏi, và cũng thường bắt bẻ về câu từ với tôi. Thế nhưng tôi biết có một vài, hoặc vài chục phần trăm trong câu chuyện của anh là viết về chính bản thân mình. Tôi muốn đưa lên để các bạn cùng đọc và suy ngẫm, dẫu rằng tôi chưa được anh cho "bản quyền"Image. Tôi đã học được rất nhiều bài học đắt giá từ anh, về cách sống, suy ngẫm và hành động. Còn bạn thì sao? Hãy đọc câu chuyện của anh nhé! Đây mới chỉ là phần 1 thôi.


---------------------------


Mười bảy tuổi, tôi cùng đám bạn bè háo hức viết đơn xin nhập ngũ. Thế là vào một ngày đầu mùa hạ năm ấy, đoàn xe tải chở đám tân binh chúng tôi tạm biệt miền thôn quê để đến với một vùng rừng núi. Khoảng 4 giờ chiều thì chúng tôi đến doanh trại huấn luyện. Ít phút sau đó, khi hầu hết bạn bè còn đang vạ vật vì mệt mỏi hoặc say xe thì tôi đã tót ra sân đá bóng. Trai tráng quê tôi vốn có truyền thống mê bóng đá và đá bóng cũng khá hay. Lần đầu tiên đá bóng ở một cái sân xa lạ nhưng tôi đã không làm hổ danh là một cầu thủ của quê nhà. Cánh cán bộ khung cứ tròn mắt nhìn tôi đá bóng. Có lẽ họ chưa bao giờ thấy một chú lính mới nào bạo dạn như tôi? Có gì lạ đâu nhỉ: bố tôi là lính, anh tôi cũng là lính, cạnh nhà tôi có cả một trường quân chính của tỉnh, hầu như chiều nào tôi cũng đá bóng với các chú các anh bộ đội. Lúc ấy cuộc sống lính tráng đâu có còn lạ lẫm gì với tôi nữa. Nhưng có một điều mà mãi sau này tôi mới hiểu: ngay từ trận đá bóng đầu tiên ấy, tôi đã được nhiều người yêu và cũng bị những người ghét. Từ ngày hôm ấy, tôi cùng bạn bè bước vào cuộc "ép xác thành nhân". Có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của một thời làm lính với những gian nan vất vả mà phơi phới niềm vui.


Một lần, bọn tôi thấy có những bông hoa trắng xinh và thơm ngát giắt trên vành tai của mấy anh lính cũ. Hỏi ra thì mới biết đó là hoa ngọc lan. Thế rồi những ngày sau đó, bọn tôi cũng có hoa ngọc lan giắt tai, gói vào khăn tay, ép vào nhật ký ... Là những đứa con của một miền quê nghèo nên đám bạn bè tôi chẳng có tiền để đi quán. Chiều chiều mấy thằng dắt nhau hái ngọc lan và chọn một chỗ vắng trên đồi bập bùng cây ghi ta cũ cùng hát nghêu ngao. Đêm đêm lại bấm nhau dậy ra bãi cát tập những miếng võ ... mèo quào. Một năm sau ngày nhập ngũ, bọn chúng tôi được biên chế về những đơn vị kỹ thuật. Thật bất ngờ và vui vì cửa sổ của gian phòng của tôi ở lại ngay sát cây ngọc lan. Những đêm hè ấy, bọn tôi được tắm mình trong hương vị ngọt ngào của loaì hoa ấy. Một đêm trời nổi dông bão. Hôm sau thấy cây ngọc lan tả tơi cành gẫy lá rơi. Bọn tôi buồn buồn trong khi dọn dẹp hậu quả của trận bão. Nhưng thật là bất ngờ là chiều hôm ấy tôi bỗng phát hiện được một bông ngọc lan nhỏ nhắn, trắng xinh đang lấp ló thẹn thùng nép sau những chiếc lá tả tơi.


Thế rồi thời gian trôi đi. Đói nghèo buộc tôi phải thành kẻ tha hương. Trong cảnh đời lên voi, xuống chó, nếm trải phong trần, được cũng lắm mà mất cũng nhiều..., tôi trở thành kẻ rất trơ lỳ với cuộc sống. Một đêm hè khi về thăm Hà Nội, tôi dẫn mấy đứa nhỏ ra Lăng Bác chơi. Tôi bỗng sững sờ khi thấy một đôi trẻ cầm trên tay một cành có cắm nhưng bông hoa ngọc lan. Và hình như chỉ chờ có thế là biết bao những kỷ niệm xa xưa đạp cửa xông vào làm náo nhiệt cái tâm hồn hoang vắng trong tôi.

Tra lai su trong sach cho moi truong




Không hiểu sao mình lại bắt đầu blog bằng một chuyện vẩn vơ thế này nhỉ? Mà thôi, cũng được, vì dù sao mình cũng đã rất muốn nó xảy ra.



Vốn là cái nhà đầu tiên vào xóm mình ... tham quá, lấn hết đất bỏ không để làm nhà cho sinh viên thuê, rồi làm xưởng mộc, ầm ĩ hết cả ngày, mạt cưa lại còn được ưu tiên " thổi ra" bụi khắp xóm, trẻ con không dám ra ngoài chơi, người lớn thì thiếu đường đi, mà lỡ có hỏa hoạn thì xe cứu hỏa cũng "ấm ức" đứng ngoài... Hix, không hiểu có phải bản chất con người là tham lam không nhỉ, mình vẫn nhớ mang máng nhà triết học nào đã nói thế, nhưng mà nhà triết học nào là người nào thì mình chịu. Mình nhớ lần đầu tiên khi tổ dân phố có tổ trưởng mới, sự việc này đã được đưa ra bàn bạc mà tất cả dường như rất quyết tâm "hót" xưởng đó đi. Nhưng, đáng buồn là đã gần 1 năm mà đến tận hôm nay, cuộc họp tổ dân phố mới diễn ra lần 2 để tiếp tục bàn bạc vấn đề này. Lần trước mình còn háo hức theo dõi diễn biến sự việc, lần này thì chỉ "luôn luôn lắng nghe, cố gắng thấu hiểu", chỉ mong rằng những cái quyết tâm ấy sẽ biến thành sự thực.



Đại hội Đảng lại "thành công tốt đẹp", mang đến cho bao người niềm hy vọng về 1 tương lai tươi sáng hơn ... Đành phải chờ xem nó tươi sáng như thế nào vậy.