Rừng đá Thạch Lâm

Đi du lịch Côn Minh, hay bất cứ nơi nào mới ở Trung Quốc, mình đều không tự tin đi một mình. Nhớ cách đây chừng 15 năm, mình đi theo đoàn sang hội chợ thương mại ở Trung Quốc. Những buổi chiều đi lang thang một mình loanh quanh khu ở, mình luôn phải nhớ trong đầu chỗ nào thì rẽ trái, chỗ nào rẽ phải, và không bao giờ dám đi xa. Chủ yếu vì mình không biết tiếng Trung. Nhưng những năm 2004-2005 ấy, các biển tên đường chỉ thuần dùng chữ Hán, không phiên âm theo dạng chữ Latinh, người dân đương nhiên không nói tiếng Anh, các app bản đồ chưa ra đời, điện thoại cũng rất đơn thuần dùng để nghe-gọi, may lắm thì chụp được ảnh.
Lần này đã là lần thứ tư mình đi Trung Quốc. Dù đã tự mình xê dịch khắp nơi quanh thế giới, mình vẫn không quá tự tin đi du lịch một mình ở đây. May sao, trước ngày kết thúc hội thảo, có cô em bật mí cho mình biết là có một số người đang lên kế hoạch đi Rừng đá Thạch Lâm, và càng may hơn nữa khi ngày hôm sau, chính bác tổ chức lên tiếng hỏi mình. Mình nhận lời ngay tắp lự mà không phân vân về giá cả.
Và đó là một ngày đẹp tuyệt vời. Trời Côn Minh mấy ngày mưa sập sùi, riêng hôm đó lại nắng đẹp. Sau một tiếng ngồi trên xe và 20 phút mua vé, thuê guide, Thạch Lâm đón chúng mình bằng một hồ nước nhân tạo trên những phiến đá to với nhiều đầu nhọn đâm thẳng lên bầu trời, nhìn như Hạ Long thu nhỏ. Mấy bác phi-cộng-sản thấy thích thú với cả dãy cột cờ Trung Quốc đỏ chót, và ai cũng muốn lưu lại một tấm cho mình.
Hồ nhân tạo do Mao Trạch Đông chủ trương xây dựng để giữ nước.
Cờ cộng sản đang chào đón bác Hans. Nhưng bác bảo,  bác phải học triết học Mác-Lê Nin trước :)
Trước khi đi, mình đã đọc sơ qua, thấy bảo rừng đá này trước đây là đại dương, do địa chất thay đổi mà giờ thành rừng khô. Tý tởn khoe với bác đi cùng, bác ý bảo “Đại dương nằm ở độ cao gần 2000m à?” làm mình thấy ngượng, tự trách mình không đọc kỹ thông tin hơn trước khi ‘tỏ ra nguy hiểm’. Ơn giời, mình đúng. Trong tiếng Trung, rừng đá này có tên Shilin, dịch sang tiếng Anh là Stone Forest. Được hình thành từ khoảng 270 triệu năm về trước, những chuyển động liên tục của thạch quyển đã khiến nước biển bao phủ khu vực này rút đi, tạo ra những vách đá vôi khổng lồ như hiện giờ. Có những cột đá chỉ cao khoảng 10m, nhưng cũng có những cột cao tới 170m so với mặt đất. Dù có nhiều hình dạng khác nhau, nhưng tựu chung, những cột đá vôi này đều như bị cắt ngang, phần trên nhọn hoắt, vách dựng đứng và san sát, khiến người ta cảm tưởng đang lạc vào một mê cung với vô vàn các măng đá nhô lên trong hang động.

Tảng đá đầu tiên ghi tên Thạch Lâm (hay Shilin trong tiếng Hán). Ban đầu, chữ được khắc to hơn, kèm theo bài thơ. Nhưng sau đó, tác giả bài thơ muốn ẩn danh, vì thế, người ta phải khắc lại chữ cho nhỏ hơn và xoá bài thơ cùng tên tác giả.

Tảng đá như chỉ trực rơi xuống mặt đất. Thử thách luôn gian nan là thế.

Ngước lên trời xanh thăm thẳm.

Ánh nắng hắt qua khe hẹp giữa các vách đá khổng lồ.

Nơi này non nước hữu tình. Người dân tộc Yi trước đây thường dùng nước hồ này để sinh hoạt. Nhưng giờ hồ đã ô nhiễm, chỉ dùng để ngắm cảnh cho khách thập phương.

Chỗ này mặt hồ trong veo, bình yên đến lạ.


Một điểm nhìn rừng đá trên cao. Giữa bạt ngàn núi đá vôi, cây vẫn xanh ngắt, và hoa vàng vẫn nở rực rỡ.


Một góc rừng thưa núi. Cảnh sắc ôn hoà, xanh ngắt và nhẹ nhõm.



Để đứng lên được vách đá này không dễ, vì đa phần mũi đá nhọn và sắc.

Một góc rừng đá Thạch Lâm nhìn từ trên cao.

Phía sau em là cả rừng đá hùng vĩ nhấp nhô.
Sự hùng vĩ của rừng đá khiến chúng mình choáng ngợp. Những ngách đường chỉ vừa lọt đủ một người nhỏ con như mình. Những cây cầu nhỏ bắc qua hai tảng đá bao quanh một khúc hồ xanh ngắt, chỉ đủ hai người đi nghiêng tránh nhau. Những vách đá mang hình hài một đôi giày, hay một bông hoa. Thậm chí, với người dân tộc Yi, nhiều vách đá còn biểu tượng cho nàng Ashima trong truyền thuyết, bị nước lũ dìm trong khi cùng chàng trai nghèo trốn vào rừng để tránh bị lãnh chúa bắt cóc, để rồi biến thành tảng đá, mãi mãi nằm đó, chờ chàng trai của mình.
Lối đi hình chiếc giày.

Nàng Ashima.

Hình gì tự đoán.

Lại một nàng Ashima. Nơi đây được chính thức đặt biển, và du khách có thể thuê trang phục của nàng Ashima để chụp ảnh.

Khe đi chỉ đủ một người.
Đi giữa lòng vách đá.

Người dân vùng tự trị Yi nói riêng và Vân Nam nói chung thích múa hát. Có lẽ đó cũng đặc điểm chung của những con người sống ở nơi núi rừng, nơi họ tự do đắm mình trong thiên nhiên, sống hồn nhiên giữa đất trời. Với người con núi rừng Yi, truyền thuyết về nàng Ashima khiến họ càng đắm say múa hát. Thật dễ dàng bắt gặp từng nhóm người tụ tập hát giao duyên khi đi lang thang trong rừng này. Đâu đó, mình còn có thể nhìn thấy hình ảnh người đàn ông độc hành với chiếc đàn lá giữa rừng đá bao la. Tự thấy mình thật nhỏ bé giữa thiên nhiên hùng vĩ. Và cuộc sống còn nhiều điều để khám phá lắm, dù thật lắm chông gai.


Độc hành trên vách đá.
Ngắt chiếc lá làm kèn, đó là cách thông dụng người dân nơi đây tìm niềm vui cuộc sống.
Thạch Lâm trong mình hùng vĩ nhưng bình yên đến lạ. Đôi khi chỉ ước mình được hồn nhiên sống như những người dân nơi đây.

Gia hạn hợp đồng lao động - Trách nhiệm của ai?


Người lao động ký hợp đồng với thời hạn cố định (fixed contract). Khi thời hạn chấm dứt hợp đồng sắp đến, trách nhiệm chấm dứt hợp đồng hay gia hạn hợp đồng thuộc về ai, người lao động hay người sử dụng lao động?
Trước hết, cần phải nhìn vào các điều khoản của hợp đồng lao động. Nếu trong hợp đồng có điều khoản nói rằng "Trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động ABC ngày, người lao động phải có trách nhiệm báo với người sử dụng lao động về thời điểm đó, và hai bên sẽ thảo luận khả năng gia hạn hợp đồng, tuỳ bên nào có nhu cầu", đương nhiên, trách nhiệm đó thuộc về người lao động. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng cho đến giờ, sau gần 20 năm làm việc, mình chưa thấy một hợp đồng lao động nào có điều khoản trên, kể cả tây lẫn ta.
Trường hợp thứ hai có thể xảy ra là, trong hợp đồng lao động có điều khoản "Hợp đồng có thể được gia hạn ...". Kiểu hợp đồng này phổ biến. Nó thậm chí xuất hiện trên hầu hết các quảng cáo rao việc, bởi vì, nếu luật không bắt buộc ký hợp đồng vô thời hạn, hầu hết các nhà tuyển dụng đều muốn ký hợp đồng có thời hạn cố định, thường một năm, và để ngỏ khả năng gia hạn. Từ góc độ luật học, khả năng gia hạn hợp đồng hoàn toàn do người sử dụng lao động quyết định, dù không được nêu trong hợp đồng. Vì mình tin chắc rằng, không nhà tuyển dụng nào muốn cầm dao đằng lưỡi, rằng buộc phải gia hạn hợp đồng vì người lao động muốn thế. Điều này thật hiển nhiên.
Trường hợp thứ ba là, trong hợp đồng ghi rõ "Hợp đồng này không được gia hạn". Chẳng phải bàn. Hết quan toàn dân kéo về.
Trường hợp thứ tư cũng rất phổ biến, đó là CHẲNG GHI GÌ. Người sử dụng lao động, sau thời hạn chấm dứt hợp đồng, có thể:

  1. Chấm dứt;
  2. Gia hạn;
  3. Thay đổi các điều khoản, thậm chí loại hợp đồng.

Và rất rõ ràng, trách nhiệm (và quyền) này hoàn toàn thuộc về người sử dụng lao động.
Theo mình, trong suốt quá trình quan hệ lao động phát sinh, nghĩa là, kể từ khi người lao động quyết định nộp đơn xin việc cho đến khi hợp đồng lao động chấm dứt, trách nhiệm duy nhất của người lao động là nộp đơn xin việc. Lựa chọn chấm dứt, gia hạn, thay đổi hợp đồng sau đó hoàn toàn thuộc về người sử dụng lao động. Và khi trong hợp đồng không có điều khoản nào nhắc đến, hoặc tuyên bố về thời điểm thông báo chấm dứt, gia hạn hay thay đổi hợp đồng từ phía người sử dụng lao động, người lao động, khi cho tới ngày chấm dứt hợp đồng mà không nhận được một thông báo nào từ người sử dụng lao động, được quyền hiểu rằng hợp đồng lao động CHẤM DỨT. Và người lao động không có nghĩa vụ phải thông báo với người sử dụng lao động về thời điểm chấm dứt hợp đồng ấy. Đương nhiên, nếu muốn, tuỳ. Và nếu người lao động rời đi sau ngày này, người sử dụng lao động không có quyền trách móc, khiếu kiện người lao động, vì thực chất, đó là lỗi của người sử dụng lao động không quản lý được các hợp đồng lao động.
Để thực hiện được quyền này của mình, người sử dụng lao động tuỳ ý sử dụng các công cụ hợp lý. Lý tưởng nhất là có một phần mềm quản lý hợp đồng lao động và gửi thông báo trước thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động từ một đến ba tháng (và mình nghĩ rằng phần mềm cơ bản như Excel hoàn toàn có thể làm được việc này, chưa kể các phần mềm quản lý lao động chuyên dụng khác hiện nay mà anh google có thể chỉ ra cả tá trong vòng một giây). Công cụ thứ hai là nhân viên quản lý hợp đồng lao động. Người này có nghĩa vụ thông báo với người sử dụng lao động về thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động trong một khoảng thời gian hợp lý trước thời điểm đó, dựa vào đó, người sử dụng lao động quyết định bước tiếp theo. Công cụ thứ ba rất không chuyên nghiệp, nhưng có thể sử dụng, đó là trao đổi với người lao động một cách thân mật về việc nhắc nhở trước thời điểm kết thúc hợp đồng. Tuy nhiên, cần khẳng định lại, việc trao đổi chỉ là thân mật, không ràng buộc trách nhiệm của người lao động.
Trên thực tế, trừ những tổ chức (khá) lớn có bộ phận chuyên biệt có trách nhiệm báo cáo người sử dụng lao động, những ông (bà) chủ nhỏ thường không ý thức được trách nhiệm ấy thuộc về mình. Lý do họ đưa ra thường là "Làm sao mà tôi nhớ được", hay "Hợp đồng của bạn, bạn phải biết khi nào nó kết thúc chứ". Nào có ai có trí nhớ siêu phàm để đọc một cái hợp đồng, rồi sau 6 tháng, 1 năm, hay 3 năm, mà nhớ được ngày này, tháng này, hợp đồng đó sẽ kết thúc. Ngoài máy. Nếu hỏi người lao động xem họ có nhớ ngày hợp đồng kết thúc không, có thể. Nhưng họ biết không có nghĩa là họ có nghĩa vụ thông báo. Ở đây, mình loại trừ trường hợp người lao động tự nguyện thông báo vì lý do cá nhân nào đó. Có những người sử dụng lao động thậm chí còn cho rằng việc người lao động không thông báo là không có tinh thần hợp tác, không có thiện chí làm việc. Có người lại cho rằng không nói gì nghĩa là tự động gia hạn hợp đồng. Điều này hoàn toàn không logic, vì không có cơ sở pháp lý. Mình đã search thử xem hiện trạng này ra sao, và quả thực, điều đó xảy ra cũng không hiếm.
Việc người sử dụng không hiểu hết quyền và trách nhiệm của mình dẫn đến những hậu quả không mong muốn cho cả mình và cả người lao động. Ví dụ như:

  • Nếu người sử dụng lao động không định gia hạn hợp đồng, người lao động bị động trong quá trình và nỗ lực tìm kiếm công việc mới;
  • Nếu người sử dụng lao động có ý định gia hạn hợp đồng nhưng không thông báo trước với người lao động, người lao động có thể tìm kiếm công việc mới, và do đó, người sử dụng lao động mất nguồn nhân lực;
  • Nếu người lao động chủ động xin gia hạn hợp đồng, người sử dụng lao động có thể lợi dụng cơ hội để tạo hoặc thêm những điều kiện lao động không có lợi hơn (hoặc bất lợi hơn) cho người lao động, trong trường hợp mối quan hệ giữa hai bên không hoàn toàn thoải mái, hoặc do tính cách của người sử dụng lao động.

Chỉ một việc nhỏ thôi nhưng không phải ai làm người sử dụng lao động cũng hiểu. Nó tồn tại khắp mọi nơi. Nhưng nó cần được hiểu và làm đúng.

Tham khảo thêm:
https://workplace.stackexchange.com/questions/95747/my-contract-is-ending-is-it-acceptable-to-just-leave-without-any-talk-with-the
https://workplaceinfo.com.au/termination/unfair-dismissal/cases/failure-to-renew-fixed-term-contract-for-a-third-time-was-not-dismissal

Tu tập THIỀN

Đọc cuốn THIỀN của Thích Nhất Hạnh, dì ngẫm lại những điều đã mắng con sáng nay.
Bản chất của THIỀN là NIỆM, ĐỊNH và TUỆ.
Khi dì biết con không học bài nên không làm được bài, không làm được bài nhưng không hỏi thày cô giáo, mà chỉ kêu thày cô giảng không hiểu nên chán, dì đã mắng con. Bản thân dì biết lúc ấy dì đang rất bực mình với con, dì ý thức được việc không dùng những lời lẽ thậm tệ, nhưng dì thấy cần phải nghiêm khắc để con nhận ra sai sót của mình. Đó là chánh niệm. Khi thực hiện chánh niệm, có hai luồng năng lượng đang biểu hiện trong một con người: một là sự giận dữ, hai là sự nhận thức về sự giận dữ đó, dẫn đến việc thuyên giảm và chuyển hoá nguồn năng lượng đầu tiên. Năng lượng niệm mang theo nó năng lượng định (chú tâm) và có thể làm phát sinh năng lượng tuệ (trí tuệ) nhằm chuyển hoá cơn giận thành năng lượng của hiểu biết, chấp nhận và hoà giải. Dì chưa làm được đến mức chấp nhận, bởi vì dì không muốn con hài lòng với những biểu hiện của mình, nhưng đến khi quá giận, dì biết dừng lại, dù trong lòng dì bộn bề nghĩ suy. Con tuổi 14. Con bước vào giai đoạn nước rút của kỳ thi chuyển cấp, kỳ thi mà theo dì còn căng thẳng hơn kỳ thi đại học, bởi vì, ngoài lớp 10, con không còn lựa chọn nào khác để nạp thêm kiến thức cơ bản trước khi bước vào đời. Nếu  vào được môi trường học tập tốt, con sẽ tiến bộ. Nếu không, đời học sinh cấp ba của con sẽ thành địa ngục, và với tính cách của con, không thể biết được đến khi nào con sẽ bị lôi kéo, hay trở thành nạn nhân học đường. Nuôi con từ lọt lòng, dì hiểu con hơn ai hết. Thay vì chuẩn bị hành trang cho con vào năm cuối, dì đã dành hẳn hai năm để con chuẩn bị kiến thức và tinh thần. Nhưng dì không ở cạnh con để cùng con đi trên con đường ấy một cách hiệu quả nhất. Nếu có việc gì không hay xảy ra, đó là điều duy nhất dì ân hận.
Khi nghe con nói "Hôm qua bị mẹ mắng, hôm nay đến dì, mệt mỏi quá", dì khựng lại. Dì muốn ôm con. Nhưng dì không thể. Dì vẫn tiếp tục mắng, và chỉ ra cho con thấy lỗi của mình. Rồi dì buông. Dì tắt máy. Bởi vì, dì không muốn thấy mình đi quá xa, không muốn đẩy con vào đường cùng.
Dì sẽ còn phải tự tu tập thiền nhiều lắm, để dì được bên con an lạc hơn, để dì truyền cho con nguồn năng lượng sống tốt lành. Dì sẽ sớm về với con, con nhé.

Những người sống quanh tôi

9h sáng .... bụp, email gửi đi, nghiên cứu kết thúc.
Đêm thứ Hai tuần trước, mình rời cơ quan lúc 12h. Thứ Ba 10h. Thứ Tư sớm hơn, khoảng 9.30. Thứ Năm 12h10. Thứ Sáu 1h sáng. Thứ Bảy 2h sáng. Chủ nhật xuyên đêm, cho đến tận 9h sáng hôm nay, thứ Hai.
Mình đã từng nhiều lần làm việc với tốc độ và áp lực căng thẳng, nhưng chưa bao giờ có cảm giác như lần này. 20 phút cuối trước khi ra về đêm thứ Năm, mình phải gồng mình lên, làm nốt phụ lục về GIS, để còn đi về. Chân tay cứng đờ, không thể nhấc nổi chân. Greg muốn đi bộ về, nhưng vì mình, ông đã đi metro. Chuyến cuối cùng trong ngày. Sáng sớm thứ Sáu, mình biết không thể trụ như thế này được, đã phải bảo gấp chị Hiền đi mua hộp sâm, mặc dù chị cũng mệt rã rời vì gia đình sang chơi. Còn đêm qua, thời hạn để nộp báo cáo là 12h đêm. Jo nói cần 3-4 tiếng đồng hồ để đọc toàn bộ báo cáo. Nghĩa là mình phải hoàn thiện vào lúc 8-9h tối. Nhưng, chương cuối cùng mình nhận được là 12h đêm. Phụ lục cuối cùng mình nhận được là 2h sáng. Căng thẳng tột độ từ lúc khoảng 7h tối. Chân tay mình lại cứng đờ. Vài giọt nước mắt trộm rơi. Mình muốn buông bỏ... Mình chỉ muốn đuổi tất cả đi, bảo tất cả im mồm. Rất may mình đã không làm thế, vì rất nhiều người cứ loanh quanh với mình chỉ để động viên mình, bởi việc chỉ có mình mới làm đc, file không thể chia sẻ, không thể làm chung, và họ chả biết làm gì ngoài việc chịu thức xuyên đêm với mình. Cảm giác đó chắc là hiện rất rõ trên khuôn mặt mình. Cho nên Jo, người đàn bà chỉ muốn giục và ép tiến độ, đã chấp nhận không nói gì "Để yên cho Giang làm, đừng làm phiền nó". Câu hỏi duy nhất mà bà ý cần mình trả lời là "Giang, mày cần bao lâu để hoàn thiện?", và cũng là một trong số ít ỏi những câu hỏi mình trả lời "3 tiếng". Peter nói với Courtland "Tao không dám đến gần Giang nữa". Greg và Courtland thì liên tục hỏi "Tao có thể làm gì cho mày không?". Andreas chỉ biết đứng sau, massage vai gáy cho mình, và thì thầm "Cố lên Giang nhé". Ai qua lại cũng hỏi "Giang ơi, mày cần gì để tao mua cho, cà phê, đồ ăn, nước, trà?". Giờ thì chả cái gì có thể giúp mình hết. Lúc soi gương sáng nay,  đến mình còn không nhận ra mình, đúng như một cái xác không hồn.
Có lẽ, điều duy nhất mình thấy ấm lòng là tình cảm mọi người dành cho mình, ít nhất là sự tôn trọng và sẻ chia.
Greg là người luôn ở bên mình. Ông thường bảo "Đừng nghĩ cho tụi tao. Mày phải giữ sức khoẻ cho mày". Một ngày không biết bao lần ông đến bàn mình và hỏi tiến độ, khó khăn, ông có thể làm gì để giúp. Sức khoẻ ông không tốt, bao nhiêu bệnh trong người, rất hay mệt nếu không ngủ đủ. Nhưng đêm qua, ông đã thức với mình. Dù Jo bảo ông có thể về, nhưng ông tình nguyện ở lại. Sáng nay, ông ra về lúc 6h sáng. Vậy mà, ông vẫn còn nhắn cho mình "Tao chỉ nghĩ đến mày Giang ạ, xin lỗi vì tao để mình mày làm mọi việc khó khăn như thế". Thực tế, ông cũng vất vả với dự án, vì ông là người nói tiếng Anh bản địa để đảm nhiệm chính phần ngôn ngữ trong toàn bộ báo cáo.
Peter không thể chăm mình vì bản thân bạn ý ngày nào cũng rời cơ quan lúc 2h30 hoặc 4h sáng. Bạn ý cũng sợ mình vì những lúc căng thẳng thế này, mình rất dễ cáu. Nhưng ngày nào, bạn cũng ít nhất một lần qua bàn xoa lưng động viên. Đó cũng là những phút duy nhất hai đứa có thể có thể nói với nhau vài lời. Đêm qua, bạn ý hai lần qua lại bàn mình nhưng Roberto đang ngồi đó nên bạn không dám vào. Lúc nghe mình mệt quá, khó thở, bạn ý nhìn mình ý hỏi cần gì, mình đã bảo đi tìm đồ ăn cho mình. Bạn ý quay lại với ít cơm thừa hâm nóng, một hộp cà chua bi và chút bánh ngọt trong tủ lạnh. Chân tay mình lúc đó tím tái, lạnh ngắt, cộng thêm đói nên run lẩy bẩy. Mình buộc phải chọn cơm để còn lấy sức. Ăn mấy miếng cơm mà nghẹn cả cổ. Sáng nay, bạn ý bảo "Tao chưa bao giờ thấy mày mệt như thế này. Thật kinh khủng".
Roberto làm mình cảm động không kém. Đêm qua thay vì ngủ, ông chọn đến bên ngồi cạnh mình "Mày yên tâm, tao chỉ ngồi đây với mày thôi, tao sẽ không hỏi hay làm phiền gì mày đâu". Lúc mình co quắp như con gián trên cái ghế sofa, ông đến bên mình, lấy hai cái áo khoác dạ đắp cho mình ấm lại. Đấy là chưa kể ông suốt ngày hỏi "Mày cần gì để tao mua cho?". Đến giờ, khi mình ngồi viết lại những dòng này, ông vẫn còn nhắn tin "tao thấy thương mày vì mày khổ quá mà Jo chả quan tâm gì."
Andreas vừa là trưởng nhóm của mình vừa như một thằng em thân thiết. Chỉ có nó là có thể bế mình, ôm mình mà không ai dị nghị gì, bản thân cũng không cảm thấy ngượng ngùng hay e ngại. Cả tuần qua, ngày nào cũng vài chặng nó đến bên và hỏi thăm mình. Tối qua, nó cũng ở lại đến tận đêm dù không còn việc. Nó còn dặn Courtland ở lại, để khi mình làm xong việc chính, sẽ giúp mình những việc phụ. Nó là người massage cho mình. Khi mọi người hỏi "Mày không sợ Giang cáu à?", nó bảo "Tao làm, nó có phản đối gì đâu". Mình chả thích quá đi ý chứ, căng thẳng quá máu tắc ở cổ, cơ cổ và vai cứng đờ, đêm nào cũng phải bóp dầu. Tự nhiên có thằng làm cho chả tốt hơn sao.
Trong khi đó, Courtland lại là người làm cho mình ngạc nhiên. Nó còn trẻ, chưa biết cách ứng xử trong môi trường phức tạp, và cố gắng che giấu mình trước mọi người. Nó hay bị mình "dạy khôn", nhưng nó cũng bắt đầu biết cách quan sát xem mình thích hay không thích gì. Tối qua, lúc Jo bảo mọi người về đi, nó cũng rời đi. Mình chả biết nó về hay nó đi ngủ ở đâu. Nhưng tầm gần 2h sáng, nó quay lại. Và nó đến chỗ mình đầu tiên. Nó đưa mình hộp mỳ, bảo "Tao mua cho mày loại mỳ mày hay ăn này. Và đây là kẹo để tăng cường sinh lực, mày ăn đi. Mày có cần thêm bánh quy hay cà phê không?" Hôm thứ năm, nó còn hỏi "Tao đi ăn đây, mày có muốn tao mua gì về cho mày không?" Mình thực sự thấy ấm lòng vì những quan tâm nhỏ nhặt như thế.
Tự hỏi mình, những điều đó có đáng để mình tiếp tục cố gắng, để mình gắn bó với nơi này không.


Bụi mịn ở Việt Nam và cách chống

Bụi mịn là hạt dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí, được ký hiệu là PM (Particulate Matter). Thế giới đã ghi nhận có những loại bụi mịn sau: PM1.0, PM2.5, PM10. Các con số 1.0, 2.5, 10 thể hiện đường kính của bụi mịn, ví dụ, PM2.5 là bụi mịn có đường kính nhỏ hơn hoặc bẳng 2.5µm(2.5 phần triệu mét, hay 2.5 micromet).
Để dễ hình dung, mình so bụi mịn với hạt cát. Hạt cát có nhiều kích thước khác nhau, nhưng mình lấy đường kính nhỏ nhất là 0.05mm, hay 5*10-5m. PM2.5 có đường kính 2.5*10-6m. Tức là 1 hạt cát có kích thước bằng 20 hạt PM2.5.
Bụi mịn có nhiều tác hại, như nhiều bài báo khoa học chỉ ra. Ngoài việc nó ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp (như tất cả các hạt bụi khác), nó còn có thể ảnh hưởng đến bệnh nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ hay tệ hơn là cấu trúc DNA. Khoan hãy bàn tới những tác động lâu dài đó, chỉ nói tới ảnh hưởng tới đường hô hấp, chúng ta đã cần đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng.
Việt Nam ô nhiễm bụi cao, điều này không phải bàn cãi. Người dân Việt Nam ra đường hầu như đều phải đeo khẩu trang, điều này cũng không phải bàn cãi. Đeo khẩu trang để chống bụi, những loại bụi thông thường mà chúng ta có thể cảm nhận được khi đi trên đường phố. Tôi còn nhớ chừng năm 2002-2003 gì đó, ông Lê Vân Trình, lúc ấy là Viện trưởng Viện NCKH Kỹ thuật bảo hộ lao động, có nói với chúng tôi rằng “… nghiên cứu của Viện chỉ ra rằng khẩu trang mà chúng ta sử dụng hàng ngày chẳng có tác dụng chống bụi đâu, chỉ để cho đẹp…”. Tất nhiên, lúc ấy chưa có khái niệm bụi mịn. Đến giờ, sau 16-17 năm, Việt Nam cũng chẳng có một sản phẩm khẩu trang nào được chứng nhận (một cách nghiêm túc) bởi các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ con người, hay cao hơn là những tiêu chuẩn quốc tế được công nhận như NIOSH của Mỹ.
Đến bụi thường còn chẳng chống được, nói gì đến bụi mịn. Bụi mịn lại còn không nhìn thấy được bằng mắt thường vì nó quá nhỏ.
Nhiều người (trong đó có cả tôi, vì không tìm được giải pháp nào tốt hơn) sử dụng khẩu trang y tế với niềm tin rằng bác sỹ dùng được để phòng chống sự lây nhiễm một số vi khuẩn qua đường hô hấp thì mình cũng có thể sử dụng ra đường để chống bụi. Nhưng đó thực sự là một niềm tin ngây thơ. Khẩu trang y tế không được thiết kế để chống bụi mịn ở ngoài đường.
Để chống bụi mịn, chúng ta phải đeo khẩu trang riêng biệt. Hiện trên thế giới có một số loại được ký hiệu N, R, KF.
N là loại khẩu trang chống bụi mịn dạng rắn, được phân loại dựa theo số lượng các loại bụi mịn được lọc thông qua khẩu trang (nghĩa là, không thể đi qua khẩu trang để vào cơ thể con người). N95+ lọc được 95% các loại bụi mịn. N99 lọc được 99% các loại bụi mịn.
R là loại khẩu trang được thiết kế chống các loại bụi lỏng và khí, ví dụ như khói xe, dầu. R95+ là loại phổ biến trên thị trường.
KF là tiêu chuẩn do Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) của Chính phủ Hàn quốc đưa ra, tương đương với N, và cho đến nay chỉ sử dụng ở Hàn quốc. Tuy nhiên, nếu NIOSH chỉ cấp chứng chỉ cho loại khẩu trang có thể chống được ít nhất 95% bụi mịn, Hàn quốc đặt mức thấp nhất là 80%. Vậy là, họ có KF80 và KF94.
Với tình trạng ô nhiễm bụi mịn của Việt Nam, người Việt nên đeo khẩu trang nào cho hiệu quả?
Điều này phụ thuộc vào loại bụi mịn tại nơi mà bạn sinh sống. Nếu môi trường có nhiều bụi mịn dạng rắn, hãy sử dụng khẩu trang loại N hoặc KF. Nếu bạn hoạt động trong môi trường đầy dầu, khói, bạn nên sử dụng loại khẩu trang R. Điều đáng buồn là, ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn và những thành phố ‘tự hào vì có nhiều khu công nghiệp’, chúng ta có cả loại bụi rắn, lỏng và khí. Tuy nhiên, bụi rắn là phổ biến.
Khẩu trang tốt nhất được công nhận trên thế giới là N99.
Chúng ta cũng có thể dùng loại N95 hoặc KF94.
Riêng loại KF80, tôi không khuyến cáo sử dụng.
Vậy, chúng ta có thể dùng khẩu trang này trong bao lâu? Đây đều là khẩu trang dùng một lần, và theo NIOSH, chúng ta dùng đến khi thấy thở khó khăn, nghĩa là, khẩu trang đã đến tới hạn ngăn chặn bụi mà vẫn thoát được khí (hô hấp), thì bỏ. Theo kinh nghiệm sử dụng thông thường, nó có thể là 3-7 ngày tuỳ thuộc số thời gian bạn đi ngoài đường và số lượng bụi trong không khí. Độ ẩm cao và khói xe chắc chắn sẽ làm giảm thời gian sử dụng khẩu trang. Để biết được số lượng bụi mịn trong không khí, người ta có chỉ số AQI (không khí được cho là tốt nếu AQI<50, 50-100 là trung bình, 100-150 là ô nhiễm đối với nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ con, người bệnh, 150-200 là ô nhiễm với tất cả các nhóm người, 200-250 là rất ô nhiễm, >250 là nguy hiểm). Một lưu ý nhỏ nữa là, chúng ta phải cất khẩu trang ở những nơi hợp vệ sinh, không hút bụi, nếu không, việc chúng ta tiếp tục đeo khẩu trang sẽ tạo hậu quả cho chính mình.
Các bạn ở Việt Nam, hãy dùng khẩu trang phù hợp để chống bụi mịn, đừng phí tiền mua những loại khẩu trang không được chứng nhận bằng niềm tin ngây thơ.
Nguồn: Bài viết sử dụng phần lớn tư liệu của Ethan Brooke, NIOSH, MFDS, waqi và một số bài báo tại Việt Nam.

Ngày 24 tháng Chạp

Hai mươi ba Tết. Tiễn ông Táo về trời xong, người phụ nữ ấy đau đẻ. Cuống cuồng dọn dẹp mọi thứ, gửi đứa con lớn 2 tuổi sang nhà hàng xóm, bà bảo chồng đưa sang nhà hộ sinh. Đêm đông gió buốt từng cơn, cắt da cắt thịt. Bà đi bộ, tay ôm bụng đang quặn lên từng cơn, bên cạnh là chồng dắt theo chiếc xe đạp nam, chở quần áo, đồ đạc vào viện. Chỉ vài tiếng sau, nghe con cất tiếng khóc chào đời, bà thấy nhẹ lòng.
Trời đã tang tảng sáng.
Trước khi chồng về, bà dặn "Ông nhớ luộc 5 quả trứng gà, 2 quả cho con lớn ăn, còn lại 3 quả mang vào đây cho tôi ăn cho lại sức". Khi chồng quay trở lại, bà nhận được 1 quả. Ông bảo "Ăn thế thôi". Rồi ông vào cơ quan làm việc. Nước mắt bà cứ thế rơi không ngăn được. Mấy sản phụ bên cạnh phải khuyên "Thôi đừng khóc nữa, vừa mới đẻ xong cố gắng cho tâm trạng vui vẻ, không sau này ảnh hưởng đến mình và cả con nữa".
Bà được ra viện vào đêm 29 Tết. Đường phố vắng tanh, thi thoảng mới có bóng người qua lại. Giờ này, ai cũng về với mâm cơm gia đình rồi. Chỉ còn vài bà bán mẹt, mấy ông xích lô cố làm kiếm bạc cắc. Biết trước điều này, bà dặn ông "Ông ra ngoài cổng viện xem có ông xích lô nào còn ngồi thì thuê ông ý vào đây chở tôi và con về nhà. Đêm nay lạnh quá." Ông đi. Một lúc lâu sau quay trở lại, ông bảo "Đắt quá. Thôi đi bộ về". Nỗi cay đắng trực chờ trong tim buốt nhói. Bà đành lấy thêm khăn và quần áo của mình quấn cho đứa con đỏ hỏn mới chào đời được mấy ngày, chậm chạp lê bước trên đường đê tối om, lạnh buốt, vẫn bên cạnh là ông dắt chiếc xe đạp chở đồ.
Bà may, hay con bé mới sinh ấy may thì không biết, nhưng trên đường đi, một chiếc xe đạp vụt qua. Rồi xe dừng lại. Thì ra là người bạn của anh con trai cả của ông. Anh hỏi:
- Hai bác đi đâu thế ạ?
- Bác vừa mới sinh em cháu ạ.
- Trời ơi, sao bác lại để bác gái bế em đi bộ thế này? Trời tối và lạnh quá. Bác lên đây cháu đèo về.
Từng giọt nước mắt lại lăn trên má bà. Nỗi tủi nhục cứ thế dâng lên đến nghẹn lời.
Dù sao, một sinh linh bé bỏng đã đến với bà. Và ngày mai cũng là ngày một năm mới lại bắt đầu.
...
Hơn 40 năm qua, câu chuyện về ngày sinh ấy vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí bà, và cũng sẽ không bao giờ đứa con ấy quên được.

Art of communication

Search google for the keywords 'art of communication', more than 2 million results are present in just 0.63 seconds. Pretty much information, honestly. In other words, we can see or find such information at every corner of our life.
So, why do people still fail to communicate with each other?
I had lunch last week with a colleague. We haven't met before. Well, yes, to say hello and to know the other's name. The only reason we decided to have lunch together was that we have a common colleague who connected us together.
Thin is from Myanmar. She has been working in my organization for 7 months. She looks rather gentle. Having no ideas what she is doing and how it is going, I started the conversation with many questions. And we talked a lot. Thin even told me despite her calmness, sometimes she actually wishes to share her stories or ideas with other people, but she gets stuck often, mainly because they don't show their interest in what she's about to say.
It reminds me of an opposite story. My mom had a tiny business when I was a kid. We sold small stuff like a street vendor then. And my mom bought things from a shop owned by a beautiful and perfectly-adroit-in-communication lady. Of course, my mom was just a tiny customer of her, but every word she told to my mom was so polite, honest and generous. Her neighbor sometimes claimed that she was not sincere, but she received more and more customers from time to time. And we kept the relationship rather long, even when we moved to another place which was far from the shop.
Back to Thin. I just told her what I'm thinking about open and effective communication, from my personal exposure with a wide range of people all around.
First, try to answer the question: Do I want to talk with that person? Do I want to 'make friend' with him/her? If the answer is 'No', there's no way to talk. The door closes completely. 'Make friend' here is not necessarily becoming a friend after the talk. It's just a concept that motivates you to open your mind and start talking. In some cases, even when you are not willing to make friend with someone else but you can't choose to leave, try to say something to connect with the others in a conversation.
The next question is 'Do I want to know more?' If you think you know pretty well about the subject and you don't want the other person to guide you more, it's hard to continue the conversation. There's another alternative, given that you know well, you are ready to share it outwards. Nice enough. Keep talking. You have a chance to show up yourself. You might motivate others as well. The more important thing is that you don't break the connection that has been set up between you and the opposite. In another case, if you really want to learn of things that you've never heard of, or not enough, it's a good chance to take it from the person who you're talking with. My personal view is also with the latter. Despite so much you know, never is it enough. Each person can bring you new knowledge for sure. Your task is to explore it through conversations. The more you ask, the more you get. So, why not?
Once you are ready to learn, you should be ready to listen. For me, listening skill is really a challenge to practice. When I was young, I was talkative, a bit aggressive and straightforward. I had two chances to take training courses on communications and win-win negotiation, and we role-played there. Of course, I kept the same attitude to the stage, and my team won. But, the teacher told us the opposite. It made me shocked. And feel embarrassing. Since then, I fully acknowledged that I need to be more patient, calmer, and listen more. It gave me, actually, much better chance to know other people. When they debate, I know they have their own reasons. When they explain, I know they are understandable. When they complain, I feel them well. Based on that, I would decide how I should react properly. It becomes my natural approach now. More and more come to me to share their stories and/or to ask for advice. They all say that I'm really a good listener, and they really want to talk to me. That makes me so happy.
Last but not least, I think, is the question 'Do you want to get a connection?' Connection, cooperation, and networking are very essential, ever, everywhere in the world. Via conversations with think-tanks or simply a friend, they may help you to broaden your network if you are lucky enough. Back to my story. Two years ago, I conducted a capstone project on organic coffee. A guy there talked with me a lot. He then asked me to help his cousin to promote organic soursop tea. It was quite new fruit to me, but, I helped him a lot, with the only belief that one more organic fruit can be marketed and consumed. Not long after that, I called for my Facebook friends to consume this and many appreciate it, until now. I mean that any conversation can lead you to a broader network that you even don't think of. Believe me, take that chance, if you have. Not everyone has such a chance as you.
My friend, if you say yes to all four above questions, I do believe you own a good art of communication. Keep it up, you can't imagine what good things will come to you. If not, try to get as many as possible, keep in track and you'll get what you want.

Anh còn nợ em

Anh còn nợ em những nụ hôn ngọt ngào. Lần đầu tiên đi bên nhau, anh hỏi có được hôn em không, và anh dành cho em một nụ hôn trên trán. Rồi từ đó, mình đã luôn gặp nhau trong vội vàng, đến hôn cũng không kịp. Hay là mình đã quên, quên rằng ta nên đi vào nhau từ những nụ hôn ấy? Để rồi mỗi lần xa, cả hai đều tiếc nuối đã để lỡ những nụ hôn.
Anh còn nợ em cả bầu trời mơ ước. Mình đã từng cùng nhau mơ về một gia đình và những tiếng trẻ thơ. Anh bảo con nhất định phải giống em. Còn em lại muốn nó giống anh. Mình đã từng nói với nhau về những chuyến du lịch, hay những buổi chiều dắt tay nhau dạo chơi trên bờ sông, ngắm ánh hoàng hôn phía sau nhà thờ. Em còn mơ sẽ hát cho anh nghe, cho đến khi anh yêu những bài hát quê hương em. Hay chỉ là những phút giây ta massage cho nhau, cho tan biến mệt mỏi của cuộc đời. Vậy mà mơ ước ấy cứ dần phai nhoà trước mặt em. Còn anh thì xa, xa mãi...
Anh còn nợ em một tấm chân tình. Mình đã bước về hai phía khác nhau mà anh vẫn không một lời giải thích. Đôi khi, lời giải thích là không cần thiết. Nhưng cũng đôi khi, nó làm day dứt cả một đời người. Chúng ta vốn hiểu rằng mỗi việc mình làm đều có lý do của nó, bất luận đúng hay sai, nhưng chí ít nó nên là chân thật. Để rồi, mỗi khi nghĩ về kỷ niệm ngày mình còn bên nhau, mình không còn phải luẩn quẩn với câu hỏi vì sao.
Anh còn nợ em một cuộc tình đã lỡ. Cuộc sống cứ trôi, nhưng đẩy hai ta đến hai góc khác nhau của một con đường. Từ đó ta đã chọn đi về hai hướng, không nắm tay nhau, không hẹn ngày gặp lại. Cái gì không thuộc về mình, có cố cũng không được. Ta để nhau đi, dù cõi lòng tan nát. Cuộc sống vốn vô thường, phải không anh?
Tim em đập nhanh mỗi khi nghĩ về anh. Và anh còn nợ em, anh biết không?

Mẹ

"Mẹ đi được", mẹ bảo tôi vậy. Nhưng tôi nhất quyết không cho mẹ đi. Là tiễn tôi ra sân bay đi nước ngoài làm việc. Mẹ cố lết ra chiếc taxi. Nước mắt lưng tròng. Lần đầu tiên, tôi ôm mẹ lâu đến thế. Ngăn không cho nước mắt chảy ra, tôi cố cười và nói "Thôi con đi. Mẹ ở nhà cố gắng khỏi bệnh sớm".
Đó là lần đầu tiên mẹ không tiễn tôi. Trước đó ba tuần, mẹ lên cơn co cơ cấp. Chuỗi ngày ở viện là chuỗi ngày không chỉ mệt mỏi về thể trạng mà còn lo lắng về tinh thần của cả mẹ và tôi. Lần đầu tiên trong đời mẹ phải nằm bẹp một chỗ cho mọi sinh hoạt. Lần đầu tiên trong đời mẹ phải phụ thuộc hoàn toàn vào người khác cho ăn, uống, vệ sinh và điều trị. Lần đầu tiên trong đời mẹ đồng ý nghĩ đến chuyện thuê người giúp việc vì tôi sắp đi xa trong khi nhà không còn ai có thể chăm sóc. Cũng là lần đầu tiên trong đời mẹ thả để con cháu tự nấu nướng cho bà.
Mẹ bị hỏng toàn bộ các đĩa đệm của cột sống. Cách đây mấy năm, tôi đã đưa mẹ đi chụp phim, và đã biết cột sống bị thoái hoá, nhưng chưa trầm trọng. Từ đó, tôi mua thực phẩm chức năng cho mẹ uống. Nhưng mẹ cứ lần lữa. Tôi nhắc mẹ đi cố gắng thẳng người để điều chỉnh cột sống thì mẹ mắng tôi, cho rằng đau thì không thẳng được. Tôi bảo mẹ đi tập yoga cùng tôi thì mẹ sợ đau. Tôi mượn máy tập về thì mẹ tập được dăm ba lần trong năm. Năm ngoái, tôi biết có người mua loại đai lưng của một hãng dược phẩm tốt nhất Thuy Sỹ dành cho người bị bệnh cột sống, tôi gọi về nhà, thuyết phục để tôi mua cho bà một cái, bà còn quát, bảo rằng có mua cũng không dùng. Bao lần tôi phát khóc vì tính cố thủ ấy. Tôi biết chung quy lại, mẹ cũng chỉ tiếc tiền, và không thật sự tin tưởng những gì tôi nói ra, cho dù tôi có đọc bao nhiêu sách vở hay thông tin. Ngược lại, bà tin quảng cáo trên ti vi, tin lời người ta nói ở những hội thảo giới thiệu thuốc thông qua phường hay các hội phụ nữ... Hậu quả giờ là không thể cứu vãn. Xót xa nhìn mẹ nằm trên giường bệnh 24/24 mà tôi cứ nghĩ đủ điều. Tôi đi rồi, lỡ mẹ lại phải vào viện thì ai ở bên cạnh mà chăm. Làm sao tìm được bác sỹ giỏi để điều trị cho mẹ. Làm sao thuyết phục mẹ đi tập yoga. Làm sao để mẹ nghe lời tôi uống đủ thực phẩm chức năng cho cải thiện tình hình...
Nhìn bức ảnh mẹ chụp cách đây chục năm, mới thấy mẹ già đi nhiều quá. Tóc mẹ vốn đen lắm, giờ bạc trắng mái đầu. Da mẹ ngày trước gầy mà vẫn bóng, giờ nhăn không đếm nổi nếp, đồi mồi gần kín mặt. Thời gian vốn chẳng chờ ai. Nhưng thời gian thật khắc nghiệt với những người đã chạm đến con số 80 như bà.

Chỉ còn hai tuần nữa là Tết. Tết nào mẹ cũng tất tả sắm sanh từ đầu tháng. Giờ thì chịu. Từ hôm quỵ đến giờ, bà chưa ra khỏi cửa. Tôi biết mẹ sốt ruột, thế nào tuần nữa cũng lại lần lần ra chợ mà coi. Tôi gọi về nhà, chỉ nhắc mẹ nhớ đeo đai lưng cho sức nặng khỏi dồn xuống cột sống. Với tôi, mẹ khoẻ lại là tất cả lúc này.