Cánh đồng muối Salar de Uyuni, Bolivia - Một vẻ đẹp bất tận

Tôi đến Uyuni trong một buổi sáng lạnh giá cuối tháng 12. Đây là điểm cuối cùng trong hành trình khám phá Nam Mỹ ngắn ngủi sau chuyến xe đêm khoảng hơn 10 tiếng. Thực lòng, tôi không kỳ vọng gì nhiều vào vẻ đẹp của một cánh đồng muối, nhưng quả thực Bolivia không có nhiều nơi để xem. Vả lại, tôi cũng mệt lử sau nhiều ngày leo núi dọc từ Peru xuống. Xuống xe bus, chúng tôi đụng ngay hàng chục cò tour, nhưng vì đã hẹn trước với 1 bà từ khi còn ở La Paz, nên chúng tôi đi theo về quán của bà ấy. Sau bữa sáng đạm bạc, chúng tôi book tour. Ớ ra rằng không có tour tiếng Anh, anh bạn cùng đi cứ nằng nặc phải có được phiên dịch, nhưng bất thành, vì chi phí đội lên hơn gấp đôi. Cũng may mà có đôi bạn Peru đi kèm, và cô bạn gái thì nói được tiếng Anh, nên sẵn lòng phiên dịch cho chúng tôi khi cần thiết.
Đôi bạn Peru đồng hành cùng chúng tôi.

10h, chúng tôi leo lên xe. Tôi cứ thắc mắc tour có 1 ngày mà 10h mới bắt đầu thì đi làm sao hết. Nhưng khi về mới biết người ta đã tính toán cả rồi, đi giờ ấy khi quay về ngắm hoàng hôn là vừa (thậm chí chúng tôi phải đợi gần 1 tiếng mới thấy mặt trời lặn). Vượt qua khu giáp ranh với dân cư, trước mặt chúng tôi là cả một biển muối mênh mông. Tôi phải dùng từ biển vì quả thật không thể nhìn thấy bờ bên kia. Tôi nghĩ, có lẽ còn phải gọi khu này  là sa mạc muối mới phải, vì ngoài muối ra, chỉ có trời.
Nơi đầu tiên chúng tôi ghé qua là nghĩa địa xe lửa. Nơi đây từng là nhà ga xe lửa lớn nhất Bolivia từ thế kỷ thứ XIX. Nhưng người dân bản địa thì coi xe lửa là sự xâm lăng. Vả lại, sau khi nền khai khoáng sụp đổ tại khu vực này, không còn ai trông coi nó nữa. Cộng thêm với việc dân phá, giờ nó chỉ còn là đống sắt vụn khổng lồ.
Một trong số những chiếc tàu còn nguyên vẹn nhưng vô cùng cũ nát.
Tất cả các chuyến tour đều sử dụng xe SUV, thảng hoặc tôi mới nhìn thấy một chiếc xe khách từ phía xa. Xe chúng tôi phải đi đúng những vệt bánh xe trước, để tránh lún do có nước ở trên bề mặt muối. Anh chàng người Bolivia đi cùng chúng tôi nói, cánh đồng muối này đã 3 năm nay không có mưa, nên nó đang trở thành sa mạc. Vì thế, xe cộ đi cũng dễ dàng hơn. Nhưng, cánh đồng muối mất đi vẻ đẹp vốn có của nó, đó là mặt muối phẳng lặng dưới làn nước mỏng trong vắt, và du khách tha hồ chụp ảnh với bóng. Những gì bạn search trên google về Salar de Uyuni bây giờ khác xa rồi. Cả một biển trắng toàn muối khô, sờn ráp và thô cứng.
Cánh đồng muối bất tận.
Chiếc xe bus trông xa như chấm nhỏ giữa lòng chảo muối.

Xe SUV là loại xe phổ biến nhất khi đi tour khu vực này.

Ấy thế nhưng chúng tôi lại gặp một mạch nước ngầm nhỏ trên đường đi. Nước sôi ùng ục trên bề mặt muối. Chắc mạch nước này đã giúp nuôi sống cánh đồng muối mấy năm nay. Không ai động vào mạch nước ấy nên không biết nó dẫn tới đâu, chỉ thấy đúng là thiên nhiên kỳ thú.
Mạch nước ngầm nơi đầu cánh đồng muối,.

Nước muối ở đây có thể làm lành những vết thương của bạn.
Rồi chúng tôi còn đi qua một ngôi làng nhỏ rìa ruộng muối. Dân ở đây sống bằng nghề làm muối, và làm đồ thủ công bán cho khách du lịch. Đa phần họ khá nghèo, vì làm muối thì sao đủ sống. Chúng tôi có đi thăm một nhà làm muối. Sau khi chở muối từ ruộng về, họ tập kết một bãi ngoài trời. Bên trong nhà, họ khoét 2 cái lỗ phía dưới bức tường để đốt rạ rang muối. Muối khô rồi, họ đóng túi, rồi dùng một bình ga nhỏ, nối với một cây gậy nhỏ rồi châm lửa đốt để hàn miệng túi. Để bán cho khách du lịch, họ chỉ đóng gói khoảng 1gram, bán với giá 1 đồng bolivianos, tương đương khoảng 3.300 VNĐ. Họ không lấy tiền đi thăm quan, chỉ mong khách mua ủng hộ để họ có việc làm. Họ nói, ngày trước còn bán được nhiều muối, và cũng khai thác được nhiều, nên nhà nhà làm muối. Giờ chả còn ai mua, nhiều nhà cũng đóng cửa. Điều đặc biệt ở đây là muối rất khó chảy nước và tan. Hầu hết mọi nhà đều được làm từ muối. Họ khai thác những viên muối to như gạch xỉ than quê mình làm nhà ý, cũng vuông thành sắc cạnh như thế rồi đặt chồng lên nhau. Khí hậu vùng đó nắng chan hoà, nhưng cũng lạnh vì khá cao so với mặt nước biển. Nhưng, họ vẫn sống thế, đơn sơ và giản dị. Rồi họ cũng dùng chính những tảng muối để khắc thành các đồ lưu niệm, có cái đẹp, cái không, và giá cũng không hề rẻ. Nhưng độc.
Lỗ đẩy rạ vào sấy muối

Muối được đẩy bằng xe goong vào dàn sấy

Đây là khâu cuối cùng trong quy trình làm muối, đóng gói

Tường nhà ở đây đều được lấy từ các tảng muối to.
Rời khỏi làng, chúng tôi tiến sâu vào giữa sa mạc. Giờ thì không còn nhìn thấy gì ngoài ... muối. Tôi cứ cảm tưởng mình đi giữa sa mạc, không phương hướng. Trước khi đi, chúng tôi còn nghĩ "Hay không cần thuê tour mà tự đi", nhưng nếu làm thế thì thực sự sai lầm, trên đường chúng tôi đi không một bóng người đi bộ. Xe chúng tôi đi với vận tốc khoảng 80km/h, nắng gió rát mặt, nhưng ngập tràn hơi thở của thiên nhiên kỳ vĩ, của sự tự do và tinh thần phóng khoáng. Vài tiếng sau, chúng tôi đến nơi người ta dựng một bức tượng Darka Bolivia bằng muối rất lớn, biểu tượng của đường đua sa mạc khu vực Nam Mỹ. Cạnh đó là một khách sạn quốc tế đang xây rồi bị bỏ dở giữa chừng vì lý do gì thì quên mất tiêu rồi, nhưng giờ nó trở thành nơi dừng chân ăn trưa của các đoàn tour. Đây còn là nơi cắm cờ của các quốc gia có người đã từng đặt chân đến vùng đất này. Khi chúng tôi đến, không có lá cờ Việt Nam (dù tôi đọc trước đấy đã từng có). Vậy là chúng tôi cố treo lá cờ nhỏ xíu của mình vào ma trận cờ ấy. Nhưng với sức gió cứ khoảng gần 100km/h thì cờ nào rồi cũng tan tành mây khói.
Lá cờ bé xíu giữa cả rừng cờ

Biểu tượng Dakar, cuộc đua xe sa mạc

Khách sạn bỏ dở
Chúng tôi lại đi tiếp trên sa mạc ấy sau bữa trưa. Chúng tôi đến một hồ cạn nước nơi loài hồng hạc Nam Mỹ thường bay về trú ngụ vào khoảng tháng 11 hàng năm. Hôm đó, hồng hạc chỉ lưa thưa vài con, còn lại là bầy cừu alpaca nhẩn nha gặm cỏ. Nơi đây có nước nên sa mạc cũng bớt cằn cỗi hơn, alpaca có thức ăn để sống. Alpaca là loài cừu đặc trưng vùng núi Andes, dọc từ Peru xuống Bolivia và một vài nước lân cận. Đồ len làm từ lông alpaca cũng trở nên trứ danh ở khu vực này, vì độ ấm hơn hẳn len nhân tạo, và giá thì cũng cao ngất ngây. Quay lại vùng đất, vì nơi đây có nước, nên cũng khá thú vị để chụp ảnh, coi như dấu tích còn lại của vùng sa mạc muối nguyên thuỷ, để bạn có thể thấy bóng mình trên mặt muối.
Hồng hạc Nam Mỹ, loài thường hay di cư về đây những tháng cuối năm. Nhưng khi chúng tôi đến, chỉ có vài con như thế.

Alpaca, loài cừu đặc trưng vùng Nam Mỹ


Những đoạn thế này, tấm gương khổng lồ giữa trời và đất, giờ trở nên vô cùng hiếm hoi.
Salar de Uyuni còn có 1 đảo cá vô cùng đặc biệt. Không phải vì đảo toàn chứa cá. Cũng không gọi là đảo bởi vì nó được bao xung quanh bởi nước. Đảo này giữa cánh đồng muối khô rang. Và đảo có hình con cá. Điều vô cùng đặc biệt nơi đây là những cây xương rồng khổng lồ, có cây cao chừng vài ba mét, có cây phải đến 5m, to gần như cây cổ thụ, tất nhiên không ai ôm được. Muốn lên đảo này, bạn phải mất vé. Đảo cao khoảng hơn 3600m so với mặt nước biển. Nhìn đảo dốc ngược, người ngán leo như tôi cũng ngại, nhưng nhìn thấy em bé tý hin ở tít trên cao, tôi cũng ham. Và thực ra, nó không khó như nhìn từ dưới lên, vì các tảng đá rất phù hợp để bước. Lên đến trên đỉnh đảo, quanh bạn lúc này chỉ có sa mạc muối. Chiếc ô tô SUV chở chúng tôi giờ chỉ còn bé bằng 2 ngón tay. Đất trời như hoà quyện vào nhau. Và tôi thấy mình thật nhỏ bé.
Hoa xương rồng khổng lồ

Ô tô giờ chỉ bé bằng đốt ngón tay giữa sa mạc
Đảo cá nhìn từ trên xuống
... và từ dưới lên

Những cây xương rồng khổng lồ
Khi mặt trời vẫn còn trên đỉnh, chúng tôi đến một điểm không nhìn thấy bất kỳ cái gì trừ muối. Trước khi đi, tôi xem những bức hình họ chụp, tôi không hiểu tại sao có thể làm như vậy, như người chui lên từ chai nước, hay đứng trên đầu khủng long. Và họ khuyên nên mang đồ chơi đi. Nhưng vì không hiểu nên tôi không chuẩn bị gì. Có gì dùng nấy, chúng tôi cũng bắt đầu chơi với muối và mặt trời. Đầy phấn khích. Không còn ai nhớ mình đã bôi kem chống nắng chưa hay có lạnh không. Tất cả nhường lại cho sự tự do và phóng khoáng.


Điểm cuối cùng trong ngày là ... ngắm hoàng hôn. Với tôi, điều này không ấn tượng lắm, vì có lẽ tôi mong mỏi cảnh sẽ có núi cao, chắc sẽ đẹp hơn.

Uyuni với tôi tuyệt đẹp, tất nhiên vì cảnh đẹp, nhưng còn vì cả sự bất tận của nó. Nó làm tôi đôi khi nhớ đến biển ban đêm, khi bạn không còn nhìn thấy bờ, khi xung quanh bạn chỉ có bầu trời đen đặc sao, tiếng sóng biển ầm ầm không dứt, và đôi khi bạn thấy không còn ranh giới nào để bấu víu. Tự do của bạn là đây, nhưng đôi khi nó sợ đến nghẹt thở. Uyuni, với tôi, cũng đẹp như thế.