Cacao Ceremony

Tôi buộc phải để tên gốc như thế vì không biết phải dịch thế nào cho phải. Tối nay, tôi đã tham dự buổi lễ này, nhỏ thôi, chừng hơn chục người. Hành lễ là một người đàn ông thổ dân Costa Rica. Nói thổ dân hàm ý một dân tộc thiểu số vùng đất này.
Vì sao lại gọi là buổi lễ cacao? Người dân vùng này tin rằng cacao mang tiếng nói của đất mẹ. Trong cacao, tính nữ (feminine) rất lớn. Vì thế, cacao là hiện thân của tình yêu thương, của vòng tay ấm áp. Tham dự buổi lễ này, người ta hy vọng sẽ tìm thấy tiếng nói chung với thiên nhiên, với đất mẹ ấm áp, người ta hy vọng tìm thấy bản ngã của mình, hay chí ít, cũng tìm thấy sự bình an.
Buổi lễ bắt đầu bằng việc trang trí trên tấm vải theo hướng Đông-Tây-Nam-Bắc. Tôi không rõ lắm quy tắc này, nhưng được hướng dẫn mỗi người hãy tự bỏ vào đó đồ dùng của mình có mối liên hệ mật thiết với đất (nhưng rồi tôi nghĩ đồ vật nào chả gắn liền với đất, những thứ trên không có nắm bắt được đâu). Tôi đã bỏ vào đó cái vòng cổ của mình.
Sau khi được thuyết giảng về sự gắn bó mật thiết và tính đại diện tiêu biểu của cacao với đất mẹ, chúng tôi được uống cacao. Nếu bạn đã từng rất nhiều lần uống cacao ngoài quán và cảm nhận rõ vị ngọt ngào thấm đẫm trong từng giọt nước, thì bạn đã nhầm. Cacao thật sự không ngọt thế. Người thổ dân xứ này còn coi cacao là vị thuốc. Tôi tưởng tượng nó giống các vị thuốc nam, hay thuốc bắc của mình. Và đúng thế thật. Bột cacao nguyên chất được nấu lên, nó ngái, hắc và phủ một lớp dầu bên trên. Tôi nghĩ mình thật sáng suốt khi vòng đầu tiên chỉ lấy 2 muôi, cho dù rất nhiều bạn chọn cách lấy nửa cốc. Quá quen với việc uống thuốc bắc, nên với tôi, uống cacao không phải thảm họa. Tôi ví thảm họa vì có một bạn Myanmar đã không thể chịu nổi khi uống loại nước này, chỉ chực li-ver-phun. Một bạn người Nhật sau khi uống lập tức bị ngạt mũi, đau đầu. Quy tắc uống được đặt ra như sau: bạn lấy bao nhiêu phải uống hết bấy nhiêu. Và người trước lấy cho người sau, rồi luân chuyển tuần tự cái xoong cho người vừa được nhận, người đó tiếp tục múc cho người kế tiếp mình. Có lẽ, tôi đoán, đó là cách để mỗi người tự mở lòng mình, giúp đỡ người khác, gột rửa tâm hồn. Sau khi tất cả mọi người có cacao, tất cả bắt đầu uống, vừa uống vừa nghe người thổ dân đó hát, thổi kèn, đánh trống, thổi sáo, bằng tất cả những nhạc cụ dân tộc, và niềm tin vào những điều thần bí. Mỗi người tự tìm cho mình một cách xả năng lượng riêng, theo bất cứ tư thế nào phù hợp nhất. Tìm năng lượng trong bản thân con người mình, kết nối với thiên nhiên, với đất mẹ. Không gian chìm trong ánh nến, hương thơm, và nhạc cụ dân tộc đã giúp chúng tôi làm điều đó theo cách riêng của mình, dù mức độ cảm nhận của mỗi người hoàn toàn khác nhau, và tôi chắc không phải ai cũng cảm nhận được nguồn năng lượng đó.
Sau gần một tiếng thiền, chúng tôi tiếp tục uống cacao vòng hai, vừa uống vừa lắng nghe cơ thể mình, lắng nghe tâm thức đang chìm trong không gian của sáo, của trống, kết nối cơ thể với nguồn năng lượng sống, với niềm tin và những điều tốt đẹp. Người đàn ông hành lễ có nói với chúng tôi "Nếu các bạn cảm thấy bị sốc khi uống cacao, hãy tiếp tục uống cacao". Tôi không cho rằng có điều kỳ diệu ở đây, nhưng người bạn Nhật tiếp tục uống và không còn bị sốc nữa. Người bạn Colombia thấy rõ khí chạy trong cơ thế mình, tại hai phần vai. Còn tôi, ngay từ vòng đầu, khi vị đắng, ngái của cacao trộn trong tiếng nhạc, nó như những vòng xoáy bóp chặt trên đầu, và rồi, tôi thấy luồng khí chạy trong cơ thể mình, đi lên đan điền thượng, rồi thoát tại đó. Tôi chưa đủ sức để nhìn thấy ánh hào quang sau khi luồng khí thoát ra đan điền thượng, nhưng tôi tin rằng một ngày nào đó tôi có thể đạt được "cảnh giới" này. Tới vòng thứ hai, trong đầu tôi nhẹ bẫng, dù tiếng nhạc khá to sát bên tai, nhưng tôi không còn thấy được cảm giác như lúc đầu, thay vào đó, là sự thanh thản, bình an.
Tới vòng ba, thay vì uống cốc, chúng tôi chuyển sang húp bằng xoong, xoay vòng đến khi nào hết thì thôi. Rồi chúng tôi chia sẻ cảm nhận của mình. Dù mỗi người có một lý do riêng, một cảm nhận riêng, điều tối thiểu chúng tôi có được là sự thanh thản trong tâm hồn. Để rồi, mỗi người lại được tiếp sức bằng chính nguồn năng lượng trong cơ thể mình để làm nốt những điều dang dở.
Với tôi, buổi lễ cacao này không phải là siêu nhiên hay thần bí. Cũng không hẳn là riêng cacao, mà là sự kết hợp giữa cacao, ánh nến, hương trầm và âm nhạc dân tộc đã đưa tôi về gần hơn với bản ngã của mình, để tôi tự tìm trong mình nguồn năng lượng đang bị kẹt đâu đó, giải phóng nó, nạp năng lượng mới, chảy chung với huyết để cho cơ thể tôi tồn tại và phát triển, làm liền những vết thương vốn gây ra bởi những sân si của cuộc sống. Bằng cách đó, tôi giải phóng chính tôi.
Tôi cảm nhận được sự cảm thông, sẻ chia về điều này với đạo Phật, đạo giúp mỗi người nhìn vào tự thân mình, tự tìm hoặc tích lũy năng lượng, tự kiểm soát bản thân, để có thể đạt được những điều tốt đẹp, hoặc nếu không, là những điều tốt đẹp cho kiếp sau.
Người đàn ông hành lễ

Hành lễ

Tôi không chụp ảnh khung cảnh đó, nhưng tôi xin ảnh từ chính người đàn ông thổ dân ấy, để mọi người tự cảm nhận về không khí của buổi lễ. Với bản thân tôi, tham dự buổi lễ này, cũng như thả hồn trong tiếng chuông chùa, hay đắm mình trong tiếng mưa, tiếng xào xạc của lá cây rừng, đều là cách tôi cân bằng lại nguồn năng lượng sống. Biết đâu, ngồi đến tận giờ này (2h sáng) để viết blog cũng là một cách hoàn thành những việc còn dở dang.

Tôn giáo: niềm tin hay vị thế?

Đã mấy năm rồi, có chị bạn thuyết phục tôi theo đạo Thiên Chúa, nhưng tôi từ chối. Tôi bảo "Chị chưa đủ thuyết phục em". Ngày ấy, đã ngồi viết đôi lời về tôn giáo, nhưng lại xóa đi. Đêm qua, ngồi nghe thằng bạn truyền giáo cũng về đạo Thiên Chúa, mà cụ thể là Tin lành, suốt gần 4 tiếng đồng hồ, tôi mới hiểu thêm vì sao những lời truyền giáo không đủ mang niềm tin đến cho mình.
Churlsoon, một chàng công tử bột suốt ngày chỉ biết tàn phá tiền bạc của bố mẹ, đã phải nhờ đến Chúa để cứu rỗi, phụng sự Chúa để sống tốt hơn, có bản lĩnh hơn. Với nó, Chúa là đấng tối cao, đủ yêu thương để chở che nó trong cuộc đời này. Nhưng cái cách nó tôn thờ Chúa, tôn thờ tôn giáo ấy, cũng như bà chị bạn kia, đã để lại nhiều lỗ hổng mà tôi thấy chưa phục. Ví dụ thế này:
1. Để thuyết phục rằng Thiên chúa giáo mới là đúng, cả hai người không ngân ngại so sánh, chê bai các tôn giáo khác, cụ thể là đạo Phật (vì mình nói nhiều người Việt Nam không theo tôn giáo nào chính thức, nhưng tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản của đạo Phật). Mình nhớ bà chị kia trước đây nói với mình "Phật không có thật. Phật là nhân vật tưởng tượng. Nhưng Chúa thì có thật". Thằng bạn mình thì nói "Phật là con người. Còn Chúa là quyền năng siêu nhiên, từ thiên nhiên. Con người không thể có quyền năng siêu nhiên. Con người mãi chỉ là con người, và không thể chỉ dẫn cho con người. Nhưng Chúa thì có, vì Chúa có quyền năng ấy. Chúa đã tạo ta Edam và Eva, và đó là điểm bắt đầu của loài người". Như vậy, bản thân 2 lời nói đã không thống nhất. Hơn nữa, các con chiên của Chúa đều tin rằng Đấng tối cao (là Chúa, không nhìn thấy được, không sờ thấy được, không hiện hữu) sinh ra con người, và trải qua thời gian, con người vẫn thế, không phát triển gì cả. Họ phản bác Thuyết tiến hóa của loài người, rằng con người tiến hóa từ loài vượn. Họ nói "Tại sao vượn biến một lúc thành người ngay, mà không có hình thái nào nằm giữa loài vượn và loài người? Tại sao từ bấy đến nay không còn con vượn nào biến thành con người nữa?". Theo mình nhớ mang máng những gì đã học, loài vượn tiến hóa thành loài người phải trải qua thời gian khá dài, và có sự tiến hóa dần, từ 4 chân thành 2 chân, lông rậm rạp ngắn lại, cơ mặt thay đổi, ngôn ngữ thay đổi. Đương nhiên, cũng có lý thuyết cho rằng sự tiến hóa của loài người không phải bắt đầu từ loài vượn, hình như nổi lên đâu đó hơn chục năm, nhưng cho đến giờ vẫn chưa đủ thuyết phục giới khoa học. Như vậy, có thể nói, các con tin của Chúa đã cố gắng dùng lý luận để phản bác khoa học, nhưng lại tin vào sự tồn tại một đấng siêu nhân không dựa trên lý luận nào. Ngay bản thân hình ảnh Edam và Eva cũng không ai nhìn thấy, chỉ nằm trong trí tưởng tượng mà thôi.

2. Churlsoon nói đúng ra, không được phép goi Thiên Chúa giáo. Nó nằm trên tôn giáo. Và Kinh thánh luôn đúng. Vì nó được viết từ ngày ra đời, cách đây xa rất xa, và không thay đổi. Còn những tôn giáo khác đều do con người tự sáng tạo ra, và có nhiều phiên bản thay đổi theo thời gian. Như vậy, chỉ có Kinh thánh mới có gốc rễ. Khi mình hỏi "Thế ai viết Kinh thánh?", nó bảo "Con người, nhưng không phải tự thân con người viết, không phải họ viết dựa trên trí óc của họ. Mà con người chỉ cầm bút viết ra những gì Chúa ban phước cho họ quyền được viết". Với mình, vì Chúa không nhìn thấy được, nên Kinh thánh chỉ dừng lại ở chỗ con người viết mà thôi. Thế thì, Phật pháp cũng do Thích Ca viết (cũng là con người). Kinh Coran của đạo Hồi cũng do Allah viết (cũng là con người). Vậy thì có gì khác nhau về giá trị của mỗi khung giá trị ấy? Hơn nữa, Cơ đốc giáo (Christian) cũng sản sinh ra nhiều phiên bản khác nhau, chủ yếu là Thiên Chúa giáo (hay Công giáo, hay Catholic) và Đạo Tin lành (Protestant). Bản thân đạo Tin lành cũng sinh ra một số nhánh nhỏ hơn (chắc Thiên Chúa cũng thế, nhưng mình không nắm rõ). Vậy thì, rõ ràng Kinh thánh viết cho Thiên Chúa giáo hay Tin lành phải có sự khác nhau, hay giữa những nhánh nhỏ của Tin lành cũng phải có sự khác nhau. Điều đó chứng tỏ, còn đâu nguyên bản khung giá trị mà (cứ cho là) những người đầu tiên được Chúa ban phước viết Kinh thánh? Bản thân Churlsoon cũng theo đạo Tin lành, được tách ra từ Thiên Chúa giáo, mà khung giá trị có một cơ số điểm khác với Thiên Chúa.
3. Churlsoon bảo, nó tin vào Chúa, vì chỉ có trong Kinh thánh mới nói đến thiên đàng và địa ngục. Và Chúa chở che các con chiên sống sao cho tốt để khi cuộc đời này kết thúc sẽ được lên thiên đàng. Như vậy, mỗi con chiên đều nhìn thấy trước cuộc đời tiếp theo mà họ đang sống. Các tôn giáo khác không làm được điều này. Churlsoon nghe nói với đạo Phật, sau khi chết đi, con người sẽ hóa thành con vật. Vậy chả lẽ con người lại muốn hóa thành con vật sau khi chết đi? Hay như với đạo Hồi, nếu phụng sự thánh Allah và sống tốt, sau khi chết, con người được hưởng cuộc sống vĩnh hằng với đầy đủ vật chất và tinh thần (đoạn này mình nghe không rõ lắm, và cũng không mất công tìm hiểu thêm qua sách vở). Churlsoon nhận định, với các tôn giáo ngoài Thiên chúa, con người không biết trước được tương lai, điều đó không tạo nên sức mạnh của tôn giáo. Và, quan trọng hơn, chỉ có người Thiên chúa, khi chết, mới được lên thiên đàng. Tất cả những người không thuộc Thiên chúa, khi chết, đều xuống địa ngục. Phật giáo có nói đến địa ngục và thiên đàng không, mình không rõ (và đang hỏi một bạn nghiên cứu sâu về Phật pháp, sẽ bổ sung khi có câu trả lời). Nhưng mình biết, theo đạo Phật, con người cố gắng sống tốt (tự bản thân mình, chứ không phải dựa vào sức mạnh của Chúa) để kiếp sau phần hồn được siêu thoát, cũng có nghĩa là, sẽ được đầu thai vào kiếp mới tốt đẹp hơn. Nếu phần hồn không siêu thoát, cứ níu lại với phần xác, thì sẽ loanh quanh bể khổ, bị hóa kiếp thành con vật, con người hay cái gì đó khác với cuộc sống tiếp theo đầy cam go. Như vậy, có thể không phân biệt rõ thiên đàng và địa ngục, nhưng đạo Phật cũng đưa đến những nguyên tắc tương tự, để thúc đẩy con người sống tốt ở cuộc đời hiện tại. Và, rõ ràng, đạo Phật đề cập đến kiếp luân hồi, đến sự tái tạo cuộc sống liên tục, chứ không phải chỉ hai kiếp người như ở Thiên chúa giáo (theo lời Churlsoon nói) hay đạo Hồi (cũng theo bạn này nói). Thêm một điều nữa, dù phụng sự tôn giáo nào, cũng có những con chiên tốt, và những con chiên xấu. Ngay bản thân anh chàng Churlsoon trước đây cũng là người nổi loạn, đi học thì trốn tiết, không tốt nghiệp được, ăn chơi sa đọa, sex vô lối. Tất nhiên theo anh, anh đã "hoàn lương" nhờ niềm tin và tình yêu của Chúa. Nhưng, rõ ràng (dù tôi không làm nghiên cứu bao giờ) cũng có những con chiên xấu đến cuối đời. Vậy là, có sự nghịch lý ở đây. Xấu thì làm sao mà lên thiên đàng được, trong khi Churlsoon khẳng định, chỉ có con chiên Thiên chúa giáo mới được lên thiên đàng. Còn ở đạo Phật, cũng có nhiều cuộc đời kết thúc với phần hồn được siêu thoát, trong số đó có vợ một người đồng nghiệp mà mình được chứng kiến. Về cơ bản, chị là người sống tốt. Mình nói về cơ bản vì dĩ nhiên không tiếp xúc nhiều, nhưng đồng nghiệp ở cơ quan kể lại thì cũng có thể hình dung ra đôi phần. Chị mất vì ung thư. Khi chị trút hơi thở cuối cùng, người chị lạnh và cứng. Thế nhưng, anh chồng (là đồng nghiệp của mình), đã cùng các con, sư thầy và họ hàng niệm "A mô di đà Phật" cho chị suốt 8 tiếng đồng hồ không nghỉ. Và người chị ấm trở lại, hồng trở lại. Dĩ nhiên chị không sống lại. Nhưng dường như hồn chị được siêu thoát. Tôi cũng không đồng ý với khẳng định của Churlsoon, rằng chỉ có con chiên của Thiên chúa mới nhìn thấy được tương lai sau khi cuộc đời này kết thúc. Theo tôi hiểu, liệu Churlsoon có chắc ngày mai, cậu ý làm được việc nào tốt, hay việc nào xấu. Liệu 10, hay 20 năm sau, hay những năm cuối đời, cậu ý có biết những thử thách mà Chúa ban cho cậu được hưởng. Và rồi, liệu cậu ấy có hoàn thành những thử thách ấy trước khi lìa cõi đời này? Nếu không, chắc có thể cậu ấy không được đánh giá là người tốt, và có thể không được lên thiên đàng. Dĩ nhiên, tôi không ám chỉ điều gì xấu, nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra, và chẳng ai biết trước được nó. Nếu biết trước, tôi e rằng thế giới này luôn bình yên, đâu có chiến tranh, đâu có đổ máu, đâu cần nhà tù, đâu cần quân đội. Thậm chí, nếu Chúa yêu thương các con chiên của mình đủ lớn, có thể không còn phải cần đến chính quyền nữa ý chứ.
4. Churlsoon kể, ở đất nước nó, một đất nước với truyền thống đạo Phật, chỉ trong một gian ngắn, một lượng người vô cùng lớn đã chuyển đạo sang Thiên Chúa (hoặc Tin lành). Nó cho rằng, có lẽ, đó là bởi vì do trước đây, họ u mê trong bóng đêm của đạo Phật. Khi được tiếp xúc với Thiên chúa giáo, họ được mở mắt, được nhìn thấy nhiều điều đúng đắn hơn. Điều này hình như có vẻ báng bổ các tôn giáo khác quá. Tôi có người bạn, vẫn là con chiên của Chúa, nhưng hiếm khi đi nhà thờ. Anh bảo "Tao chả tin lắm". Hay một thằng bạn khác chuyển từ Thiên chúa giáo sang đạo Hồi, "vì tao thấy khung giá trị của đạo Hồi tốt hơn". Phải chăng, hai trong số hàng (trăm, vạn, ...) người chuyển đạo ấy đang tự nhắm mắt mình lại? Tôi hơi hoài nghi. Đa phần người Việt Nam không theo đạo. Vậy mắt họ đang nhắm, đang mở, hay bị mù? Cá nhân tôi cho rằng, về cơ bản, tôn giáo nào cũng dạy con người sống tốt đời đẹp đạo. Chỉ có con người không đủ quyết tâm để thực hiện đúng những lời răn dạy đó. Bất kể tôn giáo nào cũng có người tốt, kẻ xấu, cũng có những người lợi dụng tôn giáo để hành động vì lợi ích của bản thân mình. Với đạo Phật, tu tại tâm là điều quan trọng nhất. Tu là răn dạy bản thân mình, kiểm soát bản thân để làm những điều tốt, để kiếp sau được đầu thai một kiếp mới tốt đẹp. Phật không dạy các Phật tử nương nhờ Phật chở che, mà dạy họ tự tu thân tích đức. Luật nhân - quả tồn tại trong đạo Phật, cũng là cách Phật tử có thể nhìn thấy trước tương lai của mình, dựa trên hành vi và ứng xử của bản thân mình ở cuộc sống hiện tại. Điều này dường như khác với niềm tin mà Churlsoon (hay các con chiên khác) đặt vào Chúa. Theo anh chàng, mọi hành vi của con chiên đều do Chúa quyết định. Nếu là điều không tốt, hẳn là do Chúa muốn thử thách con chiên. Nếu ngược lại, hẳn là do Chúa ban phước lành. Và, dù trong hoàn cảnh nào, tốt hay xấu, cũng đều thể hiện tình yêu bao la của Chúa. Vì thế, trước mỗi sự lựa chọn, Churlsoon lại cầu nguyện hỏi Chúa, bằng cách tự đặt ra những điều kiện, nếu thỏa mãn các điều kiện đó, tức là Chúa ban phước lành, và anh chàng nên chấp nhận. Điều này có khiên cưỡng không, khi việc đặt ra các điều kiện cũng là từ anh, việc thực hiện các điều kiện cũng là anh, và việc kết luận các điều kiện có hoàn thành không cũng là anh. Đành rằng có thể Chúa ở đâu đó đang dõi theo anh, nhưng toàn bộ quá trình ấy là do trí óc của anh phát ra, biến thành hành động. Nhưng anh bảo, anh làm được như vậy (hoặc không làm được như vậy) là do Chúa, không phải do bản thân anh. Lấy một điều mơ hồ để phủ lên một điều rõ ràng, liệu có logic không? Anh chàng đưa ra nhiều ví dụ. Trước đây, anh bị một loại bệnh da liễu mà nếu cào nhẹ lên da, phần da đó sẽ đỏ ửng dễ đến nửa tiếng không hết. Bác sỹ bảo đây là loại bệnh cực hiếm, anh có thể phải chung sống vài năm, chục năm hoặc nhiều hơn thế với nó. Anh thất vọng. Rồi anh bỏ mặc. Khoảng một năm trở lại đây, hiện tượng đó không còn. Anh tin rằng Chúa yêu anh đủ nhiều để mang bệnh tật khỏi cơ thể anh. Giờ đây, anh đang bị tê ngón tay út, mất cảm giác. Anh cũng đi khám, cũng được cho thuốc, được băng bó, nhưng vài ngày không khỏi. Rồi anh cũng bỏ mặc, với niềm tin sắt son rằng Chúa sẽ giúp anh bỏ được căn bệnh ấy. Cá nhân mình thì luôn tin vào khoa học. Việc bệnh da liễu của anh tan biến hoàn toàn có thể do cơ địa anh thay đổi phù hợp, giúp quá trình lưu thông khí huyết, tái tạo tế bào phù hợp để làm mất đi triệu chứng đó. Còn cái ngón tay tê của anh đơn giản là vì hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, giờ chỉ đơn giản là ngâm nước muối để phục hồi tế bào thần kinh là được. Nhưng, dễ ai mà làm lung lay niềm tin của anh vào Chúa. Mình vẫn nhớ trong môn học Khí công, con người tồn tại được là do khí và huyết. Bào thai trong bụng mẹ sống nhờ khí và huyết của người mẹ. Khi ra đời, khí và huyết tự cân bằng, giúp cơ thể lớn lên. Khi một người bị ngã gãy xương tay, họ bó bột, không phải bột làm liền xương của họ (vì bột ở ngoài mà xương thì ở trong), nhưng bột cứng lại để cố định xương, còn khí và huyết của cơ thể ấy giúp tái tạo tế bào xương và giúp xương liên lại. Tôi tin vào logic đó, thay vì tin vào một đấng tối cao.
5. Dù Churlsoon không đồng tình, tôi cho rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người là NIỀM TIN. Đó có thể là niềm tin vào năng lượng siêu nhiên. Đó có thể là niềm tin vào bản thân mỗi con người. Còn niềm tin, con người còn chỗ dựa để phấn đấu. Như trong tôn giáo, mỗi con chiên (hay Phật tử), nếu đủ tin vào năng lượng siêu nhiên mà mình thờ phụng, sẽ tự giác tuân thủ những khung giá trị của tôn giáo đó, mà như đã nói ở trên, tôn giáo nào cũng dạy con người ta sống tốt. Bỏ ngoài yếu tố tôn giáo, nếu mỗi người tin vào chính quyền đang phụng sự, thì họ chắc chắn sẽ làm theo những gì được chỉ bảo, sẽ cống hiến cho cái xã hội mà họ đang sống. Còn niềm tin là còn hy vọng. Còn hy vọng là còn phấn đấu. Còn phấn đấu là còn phát triển. Vũ trụ biến đổi không ngừng, đứng lại đồng nghĩa với kết thúc. Vì thế, niềm tin mới là điều quan trọng nhất.
6. Tôi bảo với Churlsoon, trái với những gì mà Churlsoon (hay bà chị bạn kia) so sánh để thấy Thiên chúa giáo mới là đúng, tôi thấy đạo Phật hình như chưa bao giờ đem nó ra so sánh với các tôn giáo khác (hoặc chí ít tôi chưa nghe thấy bao giờ). Đạo Phật hướng vào tâm mỗi con người, răn dạy mỗi con người phải lấy mình làm tâm vũ trụ, điều chỉnh sao cho luôn đạt điểm cân bằng. Bản thân tôi, dù tiếp xúc với nhiều bạn bè từ các tôn giáo khác nhau, cũng chưa bao giờ so sánh các tôn giáo với nhau. Đơn giản, bởi vì, với tôi, dù xuất phát từ tôn giáo hay không, con người cũng đều cần sống tốt. Nếu ai cũng xác định được điều đó, thì có phụng sự tôn giáo nào hay không cũng không hề quan trọng. Tôi tôn trọng mọi tôn giáo. Tôi tôn trọng mọi cá thể. Tôi tôn trọng sự khác biệt. Tôi lắng nghe, quan sát để học hỏi để hoàn thiện bản thân. Bởi vì, tôi chỉ cần sống tốt. Và tôi không cần khẳng định VỊ THẾ của bản thân mình, cũng như của bất kỳ tôn giáo nào.

Chí ít, tôi vui vì nhờ có niềm tin vào Chúa (hay tôn giáo), anh bạn Churlsoon đã trở thành một người tốt. Tôi cũng vui vì Churlsoon nói, vì quý tôi, nên Churlsoon không muốn cuộc sống kiếp sau của tôi lại ở dưới địa ngục (theo Kinh thánh, vì tôi không phải con chiên Thiên chúa), và vì thế, anh chàng mới cố gắng sẻ chia để tôi tin vào Chúa, để cuộc sống mới của tôi được tốt hơn. Dù gì đi chăng nữa, tôi đã có thể nói mình đúng là có thêm một người bạn, biết nghĩ cho mình bên cạnh bản thân anh ấy.

Nhật ký đi học (Phần 4)

Quá nhiều lần định viết tiếp, mà không đủ thôi thúc để dành tâm trí cho nó. Nhưng hôm nay thì khác. Dù còn rất nhiều bài đọc và 2 bài viết quan trọng, mình quyết tâm mở nó ra, ...và viết.
ANDY
Andy là người được chương trình gọi muộn như mình. Nhưng nó may mắn là người Philippines, nên được ưu tiên vào học luôn, được đánh giá cao về tiếng anh (vốn là ngôn ngữ chính thức của Philippines). Trông nó xương xẩu, thậm chí còn bị gọi là "hãm". Nó là tín đồ trung thành của Thiên Chúa giáo, đến nỗi lúc mới kết bạn trên facebook, mình từng phì cười khi thấy hầu như ngày nào nó cũng buông vài lời cầu nguyện trên đó. Riết rồi mình cũng không mấy khi đọc status của nó. Nhưng nó là đứa rất mở lòng với mình. Hôm đầu tiên gặp nó trên lớp, nó chủ động gợi ý giúp đỡ mình, chỉ cho mình những người mình có thể nhờ giúp đỡ. Nó rất chia sẻ, cảm thông với mình khi mình gặp nhiều điều không như ý ở Philippines. Chỉ thiếu điều mình nói với nó "Tao ghét Philippines" vì mình thấy nó khá tốt bụng. Thằng bé động viên mình rất nhiều, và luôn nói "Hãy gọi tao nếu mày cần". Với mình, nhiêu đó cũng đủ để mình thấy "có thể tin được".
Nhưng Andy cũng là thằng rất tính toán, và nó đôi khi khá gay gắt trong tài chính. Nhớ lần đi chơi cùng nó, 4 đứa phải trả 50$ cho taxi, nhưng có đứa trả $, có đứa trả colones (tiền Costa Rica). Andy thì cho rằng bác tài đã "móc" của nó 10$, còn con bé Rayan thì khó chịu vì Andy tính sai mà lại cứ đứng cãi nhau với bác tài. Đôi bên giằng co đến 15', rồi thì vì ngôn ngữ bất đồng, nên Andy bỏ, nhưng trên đường về, nó vẫn ấm ức mãi. Đó cũng là một đức tính mà nhiều đứa không thích Andy.
Andy là đứa mê selfie. Nó hơi có thiên hướng feminine (nữ tính). Mỗi lần chụp, hình như nó đều không an tâm nếu máy chụp là của người khác, hoặc chỉ chụp một kiểu. Lần nào nó cũng nằng nặc phải back up bằng máy của nó nữa. Và tự chụp các tư thế khác nhau. Và dĩ nhiên, nó rất tự hào với những bức ảnh bản thân chụp. Nhưng nó không thấy thoải mái, thậm chí tỏ ra khó chịu, với những đứa lấy ảnh nó chụp rồi tự post lên facebook. Nghe nó than phiền thế này mà mình thấy buồn cười "Tao không thích đứa khác lấy ảnh tao chụp để post lên facebook của nó đâu nhé. Đó rõ ràng là ảnh của tao. Nhưng nó post lên như thể là ảnh của nó. Rồi người ta khen nó chụp đẹp, trong khi thực chất người chụp là tao. Như ảnh này (ví dụ 1 ảnh chụp Andy) chẳng hạn, tao thích lắm ý, dĩ nhiên là do JR chụp tao, nhưng ý tưởng của tao, thế mà nó post lên trang của nó, như thể là ảnh của nó vậy". Mà nó không chỉ nói thế với mình. Sau đó khi tham dự sinh nhật một đứa cùng lớp, nó cũng phải cố tình nói điều ấy ra với mọi người. Với mình, Andy không sai khi nói điều đó, nhưng hơi quá. Mình luôn tôn trọng người khác. Khi mình chụp cho người khác, mình luôn gửi ảnh cho họ, để họ tự quyết định có "khoe" ảnh hay không. Nếu mình sử dụng ảnh do người khác chụp, mình cũng luôn muốn họ biết trước. Nhưng mình cũng không quá quan tâm nếu họ sử dụng ảnh do mình chụp (tất nhiên, trừ phi đó là ảnh về mình, và nhạy cảm). Hay mình có tuổi rồi nên nghĩ "thoáng hơn" thì phải.
Andy cũng là một đứa thích "ghi điểm". Tuần trước nó mượn mình bộ áo dài cho một đứa đồng hương mà nó gặp ở Costa Rica mặc nhân ngày văn hóa (một ngày lễ truyền thống của Costa Rica mà mỗi người trong trường học được khuyến khích mặc trang phục truyền thống của một đất nước nào đó). Tuần này khi người đó trả, có kèm theo một món quà nhỏ tặng mình thay lời cám ơn, nhưng lại đưa qua một đứa khác ở chung với mình (mà đứa đó vẫn chưa đưa cho mình), nó đến nhà mình và rất thắc mắc vì sao đứa kia chưa trả mình. Mình cũng hơi ngạc nhiên, chỉ bảo "không sao, lúc nào nó trả tao cũng được". Nhưng rồi sau mới biết là có món quà kèm theo đó, và Andy muốn chụp ảnh mình nhận món quà đó để phản hồi cho đứa đồng hương của nó. Nó là đứa "đao to búa lớn", hay nó bị ảnh hưởng bởi tôn giáo, mình cũng không rõ nữa. Có một điều mình và mấy đứa Việt Nam đều nhận thấy rõ, những người theo Thiên Chúa giáo như Andy thường sùng đạo một cách "hơi quá". Họ luôn phải tỏ ra cho mọi người thấy với họ, Chúa quan trọng thế nào, Chúa mang cho họ cuộc sống tốt đẹp ra sao. Hôm nay, mình cũng nhân dịp nói chuyện với Andy mà nói với nó thế này "Người Việt Nam thường không theo tôn giáo nào, nhưng có một số nguyên tắc cơ bản của đạo Phật mà hầu hết mọi người đều theo. Người Việt thường nói "Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa". Người Việt thường đi chùa, nhưng không nhất thiết phải đi chùa mới thể hiện lòng thành với Phật. Quan trọng nhất là trong tâm mình tin vào những lời răn dạy của đức Phật. Đó có thể là điều khác biệt cơ bản với đạo Thiên Chúa".
Andy thường rất tự hào những gì nó có hay thuộc về nó. Nó tự hào về đất nước Philippines (dù mình thấy có vô khối những điều mình thấy không yêu quý đất nước và con người nơi đây). Nó tự hào về tôn giáo mà nó theo đuổi. Nó nói với mình "Tao và Churlsoon tin vào những điều khác nhau. Tất nhiên tao tôn trọng nó. Nó theo đạo Tin lành. Nhưng đạo Thiên Chúa của tao mới là đạo gốc". Đương nhiên, mày không muốn tôn trọng cũng không được. Andy còn tự hào về chính bản thân của nó. Dù cho đánh giá của thày cô về nó cũng không phải là quá ấn tượng. Nó bảo mình "Điểm của tao khá thấp. Chắc là bởi vì lý lẽ của tao chưa chặt chẽ lắm. Nhưng tao vào muộn, tao phải đuổi theo chúng nó nên tao mới thế", hay "Tao không tham gia vào cuộc thi tìm kiếm luật sư vì tao được thông báo muộn hơn chúng nó, mà tao phải dành rất nhiều thời gian cho nó, trong khi đó, nếu trúng, tao có thể được miễn học một môn về nhân quyền, mà tao lại không hề muốn bỏ môn đó". Đại loại thế.
Hôm nay Andy hỏi "Mày chơi thân với ai trong lớp, trừ người Việt?". Mình bảo "Chả có ai". Nó hỏi "Sao mày không coi tao là người chơi thân?". Thì quả thực, nó là người rất mở lòng với mình. Nó cũng hay nói chuyện với mình. Nhưng với mình, "thân" cần nhiều hơn thế. Ngày xưa, mình sôi nổi bao nhiêu, giờ trầm bấy nhiêu. Mình dường như cũng không thấy mặn mà với việc kết thân với ai. Và với mình, điều này hơi xa xỉ. Có lẽ, cuộc đời đã cho mình nhiều trải nghiệm về bạn bè, về khái niệm thế nào là "bạn thân". Và, mình không vội vàng tìm bạn thân bằng mọi giá.
Có thể Andy còn nhiều điều mà mình chưa biết. Nhưng những gì đã biết cho thấy Andy có thể là tuýp người Philippines đặc trưng. Dù sao, cũng cảm ơn nó vì đã coi mình là bạn, và luôn sẵn lòng giúp đỡ nếu mình cần. Thêm một người bạn, chẳng phải tốt hơn sao?

Tranh chấp biển Đông

Hai hôm nay báo chí tha hồ buôn bán về quyết định của Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) về tranh chấp vùng biển nam Trung Quốc (South China Sea), cái tên chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới và trong ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu, mà ta vẫn quen gọi là Biển Đông ao nhà. Không bàn đến khía cạnh marketing của sự kiện, mình chỉ nói đôi chút về những gì vừa được học trên lớp liên quan đến vấn đề này.

Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (United Nations Convention of the Law of the Sea, gọi tắt là UNCLOS), mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia, quy định thế này:
- Với điều kiện nào 1 quốc gia được coi là có đường bờ biển cơ sở (để lấy đó làm cơ sở tìm các vùng chủ quyền đề cập sau đây)? Câu trả lời là phải hội tụ đủ 3 điểm này:
+ Phải là đảo (chứ không phải là đá);
+ Đảo phải được giữ ở thể trạng tự nhiên (chứ không nhân tạo);
+ Phải sống được trên đảo.
- Kể từ đường bờ biển cơ sở ra 12 hải lý, khu vực này được gọi là lãnh hải (territorial sea - TS) của 1 quốc gia. Quốc gia có đầy đủ chủ quyền đối với khu vực này. Vì thế, bất kỳ một tàu nước ngoài nào thản nhiên lượn vào khu vực này đều bị coi là bất hợp pháp, đều có thể bị bắt giữ, trục xuât. Tuy nhiên, trong trường hợp tàu nước ngoài, trong hành trình của mình, đi qua liên tục (không dừng, trừ theo lịch phải dừng tạm thời cho mục đích kỹ thuật đối với bản thân con tàu hoặc do trường hợp bất khả kháng) và không gây tổn hại gì cho quốc gia chủ nhà thì không bị bắt giữ. Quyền của tàu này gọi là quyền đi qua vô hại (innocent passage). Ngoài chủ quyền đối với mặt biển, đáy biển, trong vùng này, quốc gia chủ nhà còn có chủ quyền đối với vùng trời bên trên nữa. Bất kể máy bay nào tiếp cân khu vực này đều bị hỏi và phải trả lời về việc đi từ đâu, đến đâu, làm gì cho không lưu trước khi thực hiện hành trình bay, nếu không, sẽ bị yêu cầu trục xuất, hoặc tệ nhất, là bắn bòm.
- Kể từ đường bờ biển ra 24 hải lý, khu vực này được gọi là vùng biển tiếp giáp (contiguous zone - CZ). Quốc gia chủ quyền có quyền hạn chế, bắt giữ, trục xuất và xử lý đối với tàu ngoại quốc đi vào khu vực này nếu thuộc một trong bốn lĩnh vực sau đây:
+ vì lý do hải quan (buôn lậu)
+ vì lý do di cư
+ vì lý do vệ sinh (ô nhiễm môi trường)
+ vì lý do tài chính
Như vậy, ở khu vực này, quyền của quốc gia chủ quyền đã bị hạn chế rất nhiều, chỉ còn 4 điều trên. Ngoài ra, kể từ khu vực này trở ra, quốc gia không còn có chủ quyền đối với vùng bay bên trên nữa.
- Kể từ đường  bờ biển ra 200 hải lý, khu vực này gọi là khu đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ), trong đó, quốc gia chủ quyền có quyền khai thác các quyền lợi kinh tế cho riêng mình, phổ biến nhất là nghề cá, tiềm năng nhất là khai thác dầu mỏ. Ngoài quyền này ra, quốc gia chủ quyền không được bắt giữ, trục xuất tàu bè của các nước khác đi qua khu vực này, trừ phi đi qua để khai thác các quyền lợi kinh tế giống như nước chủ nhà.
Một vấn đề mới nổi ở khu vực EEZ này là việc xuất hiện thuật ngữ Khu vực nhận diện phòng thủ phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ), chưa được luật quốc tế công nhận, nhưng đã được Bộ Quốc phòng Mỹ cho sử dụng. KHu vực này được Mỹ kỳ vọng sẽ được mở rộng 200 hải lý như khu vực EEZ để tăng cường an ninh cho khu vực đang sinh sống. Sự phê chuẩn của Mỹ cũng nhanh chóng đẩy một số nước trong cùng hoàn cảnh phê chuẩn theo. Nhưng nhớ là, điều này chưa được luật quốc tế quy định và vạch ra. Tranh chấp hoàn toàn có thể xảy ra nếu vùng trời này bị chồng lấn giữa các quốc gia. Và nếu điều đó xảy ra, chẳng có tòa án quốc tế nào nghe các quốc gia trình bày. Chỉ có thể ngồi đàm phán song phương, hoặc ... bùm bùm... một thằng chết, một thằng què.
- Ngoài đường biên của khu vực EEZ này là vùng biển khơi quốc tế, nơi là mái nhà chung của tất cả các quốc gia và cá nhân. Không một ai có quyền bắt giữ, khám xét tàu bè nào qua lại, trừ người bị bắt là cướp biển hoặc tội phạm quốc tế. Hai kiểu này hoàn toàn bị bắt ở bất kỳ đâu trên trái đất này.

Lan man thế để trở lại câu chuyện chính của Biển Đông. Trung Quốc yêu sách 3 điểm như sau:
(1) Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với khu vực đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò;
(2) Khu vực tranh chấp là đảo của Trung Quốc và chủ quyền được xác định từ đây;
(3) Tòa án trọng tài quốc tế không có quyền giải quyết vấn đề sở hữu của các quốc gia.
Và đây là câu trả lời.
(1) Trung Quốc là 1 bên tham gia Công ước này, vì thế, phải tuân thủ quy định của Công ước. Công ước về luật biển quy định mọi thứ bắt đầu xuất phát từ đường bờ biển, không liên quan gì đến yếu tố lịch sử. Việc ngày xưa Trung Quốc có tàu cá đánh bắt ở đây không có nghĩa là Trung Quốc có quyền đối với khu vực mặt nước này.
(2) Trên thực tế, khu vực tranh chấp bản chất, thuộc tự nhiên, là một bãi đá. Bãi đá này không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản để trở thành đảo: không tự nhiên, không sinh sống được. Dẫu gần đây Trung Quốc đã ngang nhiên biến nó thành sân bay quận sự, nhưng vẫn vi phạm nguyên tắc cơ bản là "tự nhiên". Với đá, quốc gia chủ quyền chỉ có quyền duy nhất tại khu vực này là ngăn cản tàu bè có thể qua lại tự do trong vòn 12 hải lý kể từ bờ biển,
(3) Tòa án quốc tế không giải quyết quyền sở hữu của mỗi quốc gia đối với bờ biển, nhưng hoàn toàn giải quyết được quyền hành xử của mỗi quốc gia trên khu vực biển tranh chấp quốc tế.

Vậy là phán quyết đã được đưa ra. Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn thua, mặc dù chưa cần đến PCA, người ta cũng có thể nói rằng ai vô lý, ai có lý.
Điều đáng nói là, Trung Quốc vẫn một mực phủ nhân phán quyết của Tòa, giễu cợt rằng "đó là một tờ giấy nhảm". Giới văn nghệ sỹ Trung Quốc đồng loạt đăng đàn khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với đường lưỡi bỏ. Quân đội thì trực chiến. Đến giờ phút này, một hy vọng nhỏ nhoi, le lói của tất cả giới chính trị, giới học thuật và giới phi giới (dân chúng) chỉ là "Trung Quốc sẽ kiềm chế, không tiếp tục cải tạo các bãi đã, ngồi vào bàn đàm phán với cán cân đỡ chênh lệch hơn..."


Để đỡ nhàm chán, mình đưa lại nguyên văn status của blogger Kyo York, một bạn người Mỹ đã ở Việt Nam chừng hơn chục năm, nói về cái lưỡi bò của Trung Quốc :
Lưỡi Bò, 

Cái lưỡi được nhắc đến nhiều nhất và là đề tài nóng hổi trong mấy ngày nay. Tôi tự nghĩ tại sao phải là Bò, khi xem hình vẽ phác thảo để chứng minh, tôi mới biết thì ra họ cho rằng diện tích Trung Quốc là cái đầu Bò và cả vùng biển Đông là cái lưỡi của con bò thè ra. Con bò mệt, bò khát, bò điên... nên cái lưỡi nó dài ngoằn liếm sang các địa phận chẳng phải quốc gia mình. Đúng là bò điên !

Mà thắc mắc mãi Tại sao là biểu tượng con bò, Trung Quốc không ví mình như con Trâu (khỏe như seagame) hay Con Nghê (con ngao) gì đó cho nó dũng mạnh, thần thánh... à thì ra con bò là "con ngu như bò", cãi cùn, lưỡi dài để la liếm. So sánh vậy thấy tội nghiệp con bò! Bởi mọi người xem lại cái hình và so sánh với cái lưỡi Phô Mai Con Bò cười nó thân thiện dễ cưng và tỉnh táo làm sao, lưỡi nó dài đâu như con bò điên của Trung Quốc !!! Gruuuu!
Khi đường lưỡi bò bị thế giới và Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế cắt xào nhậu thì mấy nghệ sĩ mà được fan Việt yêu mến hàng năm qua đã lên tiếng gào thét: “Trung Quốc không thể thiếu một tấc đất: Chủ quyền lãnh thổ và biển Trung Quốc không cần kẻ khác làm trọng tài. Trung Quốc không thể thiếu một chút gì, một tấc cũng không thể rời”. " 这才是中国,一点不能少“ (Đó mới là Trung Quốc, Một chút cũng không thể thiếu) - Nhằm xác định đường lưỡi bò là của Trung Quốc, của những tên tuổi lớn từng được khán giả Việt Nam sùng bái như: Lục Tiểu Linh Đồng, Phạm Băng Băng, dàn soái ca ... bla bla ...

Thật sự nghệ thuật và chính trị có thể không liên quan, nhưng khi những con người làm nghệ thuật đã lên tiếng xấc xược về chủ quyền thì việc ngưỡng mộ thần tượng của các bạn cũng nên xem lại. Vì chúng ta phải sống và giữ gìn bờ cõi chứ không thể sống để ca ngợi những nghệ sĩ Trung Quốc đang có tư duy muốn xăm hại chính lãnh thổ của dân tộc mình. Dẫu biết rằng các bạn cũng sẽ buồn vì có nhiều nghệ sĩ gắn liền với tuổi thơ mình. 
Tôi là một nghệ sĩ người Mỹ - hiện hoạt động và đồng hành cùng Việt Nam, nên tinh thần và trách nhiệm bảo vệ, yêu mến và giữ gìn mọi giá trị của Việt Nam cũng là một phần trách nhiệm. Có thể chịu nhiều phán xét nhưng suy cho cùng tôi thấy mình cần chia sẻ điều lẽ phải.
Tôi cũng từng từ chối làm đại diện hình ảnh cho một hãng hàng không và công ty du lịch để quảng bá các tour outbound sang Trung Quốc cho người Việt. Bởi với tôi việc quảng bá Du Lịch Việt Nam cũng đã đủ cho mình niềm hứng khởi với hành trình khám phá bản thân. Có nhiều tên tuổi lớn thế giới họ cũng từng bị cấm sang Trung Quốc, nhưng sự nghiệp họ vẫn phơi phới đấy thôi.
Chẳng hà cớ gì mình im lặng !
Kyo York

Thả vào mưa



Mưa một ngày vội vã không em 

Như mong chờ từng vệt nắng 

Sưởi ấm con tim lạnh căm 

Giờ người ra đi mất rồi 

Chỉ còn mưa rớt giữa trời 

Lặng lẽ, lần tìm ra tiếng mưa rơi 

Âm thanh của ngày xưa cũ 

Dần khuất sau nơi màn mưa 

Vội vàng chạy theo cơn gió 

Chớp mắt chỉ còn lại những kỷ niệm 

Nụ hôn tan theo bóng mưa 

Đường quen không ai đón đưa. 



ĐK: 

Thả thật nhẹ nỗi nhớ vào trong tiếng mưa đang rơi 

Nhờ mưa, gửi em nơi cuối chân trời 

Có nghe từng giọt yêu thương tuôn rơi 

Người đừng bước đi vội 

Hãy ở yên đấy để anh chạy đến ôm em vào lòng 

Hãy thật thà để nói rằng ta vẫn yêu thương nhau 

Nụ hôn vẹn nguyên buổi chiều hôm ấy 

Thế giới như đang vội vàng trôi mau 

Chỉ có đôi ta dừng lại bên nhau 

Anh muốn hét lên 

Anh đang muốn hét lên 

Rằng anh yêu em! 


Coda : 

Tìm những yêu thương vô tình vụt trôi 

Tìm đâu khi một mai thức giấc 

Anh chạy đến khoảng trời năm ấy 

Nơi góc phố mình hẹn hò nhau 

Ước thầm người sẽ đến 

Lại mỉm cười bên anh.....



Nhật ký đi học (Phần 3): Bà Gloria

Hôm nay đã là ngày thứ 11 mình ở nơi đất khách quê người, là ngày thứ 8 ở với gia đình bà Gloria. Đã từng đi học xa nhà, nhưng lần này, cảm giác với mình thật khác.
Mình đã thất vọng nhường nào khi phải ở trong căn nhà của bà Gloria, lúc đó tặc lưỡi vì không thể tìm được chỗ nào tiện nghi hơn. Thực ra là có mà quá đắt đỏ. Ở rồi mới thấy bí bách thế nào. Phòng ngủ của mình có khóa cửa, nhưng thực ra, không hoàn toàn riêng tư. Nó được ngăn ra từ phòng khách bởi 1 cái tủ cao gần đến trần. Phòng chỉ rộng tầm 7m2, trừ cái giường tầng và cái bàn học to tướng, còn được lại mỗi cái lối đi. Thật không bằng cái phòng ngủ của mình ở nhà. Tuy nhiên, đấy chưa phải là điều đáng nói. Đêm đầu tiên đang ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc, vì tiếng người xuống gác đi vệ sinh, ánh đèn bật sáng choang bên ngoài lọt qua ô cửa sổ bên trên vào đúng chỗ ngủ. Cứ tối đến, người nhà ngồi xem ti vi là mình lãnh đủ, vì cái tủ chắn vốn có 1 khoang rộng để đặt ti vi. Cái buồng tắm phía sau phòng bé như cái hũ nút, đáng chú ý nhất là cái toilet chỉ có 1 nửa dưới, không có nắp mà cũng không có chỗ đặt chân, mình không biết ngồi thế nào mới phải. Trong phòng chỉ có một cái xô duy nhất, vừa đựng nước đổ toilet vừa đựng nước tắm. Lại dùng chung cho cả 3 người, trong đó có 2 người thuê và một người là anh bà Gloria. Đồ tắm của mình thì nhiều, ngại nhất cứ phải mang ra mang vào mỗi lần tắm. Giời ạ, lại còn không có nước nóng. Đã bao lâu rồi mình mới lấy lại được cảm giác tắm hoàn toàn bằng nước lạnh.
Ở thì thế, ăn thì sao? Do bà Gloria tiết kiệm điện (chi phí điện ở Philippines đắt gần nhất thế giới), lúc đầu bà phản đối kịch liệt mình dùng nồi cơm điện, mặc dù theo mình hiểu, nồi cơm đó chẳng tiêu thụ bao nhiêu điện. Dưới tầng 1 bên ngoài phòng mình cũng có bàn bếp, nhưng nếu mình nấu ở đó, mình phải mua bếp, mua đồ dùng, mà bếp gas ở đây là loại có kiềng ngay trên bình gas, đun trực tiếp trên đó luôn. Khả năng lửa bén xuống dưới và nổ bình gas dễ xảy ra hơn rất nhiều loại bình gas nối với bếp thông thường. Thế nên mình sợ run. Nếu không chọn phương án này, mình buộc phải dùng chung bếp với ông bà chủ trên tầng 3. Thức ăn cũng phải trữ trong tủ lạnh nhà ông bà, loại tủ rất cũ và khá không vệ sinh. Lại nói đến tủ lạnh, ông bà này rất chăm vệ sinh, đến tủ lạnh cũng vệ sinh tuần một lần, chẳng may đúng lúc mình trữ sữa đặc trong đó, đến lúc cầm ra thì ôi thôi, toàn bộ hộp sữa đã biến thành nước sữa loảng. May mà mình dùng hộp nhỏ, cũng đã xài được vài bữa rồi. Giờ thì quay lại khung cảnh ban đầu: tầng 3. Thực ra đó vốn là cái sân thượng của ngôi nhà. Ông bà, chắc là vì muốn kiếm thêm thu nhập, nên dời lên sân thượng, lớp mái tôn 1 phần, xây gạch xung quanh làm nơi ở, phía bên ngoài chỉ lợp mái tôn, làm nơi nấu nướng. Đây cũng là nơi nuôi gà của nhà. Vì thế, lần đầu tiên lên đây, mình suýt sặc vì mùi hôi. Nấu nướng kiểu bán-ngoài-trời thế này cũng là một thử thách mới với mình. Thực phẩm không dám mua vì không muốn để chung, lại không trữ được. Cơm không dám nấu (mà ăn luôn cơm của ông bà chủ nấu bằng nồi gang trên bếp gas, sượng và cháy là chuyện bình thường). Thỉnh thoảng, mình lại mua ít đồ, chủ yếu rau và thịt bò, về làm vài món cho họ thưởng thức, coi như góp gạo thổi cơm chung. Ăn sáng thì mình phải chọn bánh mỳ và lúa mạch cho giản tiện. Mình cứ tạm bợ như thế cho đến giờ.
Quần áo thì phải giặt tay. Nhưng chỗ giặt là trên nóc tầng 3, phải đi lên bằng một cầu thang làm phụ, dốc ngược và hẹp, khi mưa úp mái nhựa lên trên cho khỏi dột. Trên đó có một mái che nhỏ, không đủ che nắng, cũng chẳng đủ che mưa. Giặt giũ trên đó thì đổ nước thoải mái, nhưng sẽ không làm được nếu thời tiết không trở nên thân thiện tý nào.
Mình không hiểu vì lý do gì mà bà Gloria rất sốt sắng tìm cho mình một chỗ thuê mới. Sau hôm đầu tiên, mình đã đề nghị đi tìm nhà mới, nếu tìm được sẽ chuyển đi ngay, nhưng nếu không tìm được sẽ tiếp tục ở đây. Tìm hoài chả được, mình đã nản chí. Nhưng bà Gloria thì chưa. Bà đi nói chuyện với bà Marge rằng mình không ở được. Rồi bà tự đi tìm cho mình một chỗ khác. Hoặc bà ý thấy mình không thoải mái nên giúp mình, hoặc bà ý muốn dành chỗ này cho một người thuê mới, mình giả định thế. Rồi cuối cùng bà ý tìm được thật. Một căn phòng còn bé hơn thế này một chút, nhưng có cửa sổ thoáng hơn, có bếp điện, có máy sấy quần áo, có nồi cơm điện to, có toilet mới hơn, hiện đại hơn và có cả bình nước nóng. Giá vẫn vậy. Và, ngày mai chắc mình chuyển sang đó. Bà Gloria có vẻ rất hào hứng với việc này. Bà ngày nào cũng giục mình chuyển đi. Rồi hôm nay bà sang tận đó, xem người ta sửa cửa, rồi về bảo mình "Mai mày chuyển đi", "mày ở đó thì tao lại suốt ngày sang đó mất thôi". Nếu hiểu tích cực, bà thực sự là một người tốt.
Bà từng nói với mình hai câu:
- Gia đình tao sẽ không bao giờ quên mày, vì những món ăn ngon mày làm cho chúng tao ăn.
- Mai mày chuyển đi rồi. Gia đình tao sẽ rất nhớ mày, nhất là lũ trẻ con. Chúng nó đứa nào cũng hỏi "Giang đâu rồi?'
Mình thấy nghèn nghẹn nơi cổ họng. Cũng thấy có chút tự hào, vì mình đã làm được điều gì đó, dù là nhỏ nhoi, mà trong mắt người nước ngoài, là điều tốt đẹp.
Tạm biệt bà Gloria. Cảm ơn bà đã bao bọc mình trong những ngày qua. Mình vẫn nhớ lời hứa làm nem cho gia đình bà thưởng thức. Nhưng chưa phải là lúc này.

Xin hãy ôm em đi

Trúc và Quốc ngày càng xa cách vì những hiểu nhầm chồng chất. Cả đời yêu Trúc, nhưng Quốc không thể gạt bỏ những hoài nghi khi Trúc vẫn luôn muốn hợp tác với Hào, một doanh nhân có tiếng trên thương trường và cũng say mê, ngưỡng mộ Trúc không kém anh. Tự tin rằng mình có thể giải quyết món nợ "từ hôn" với Giang ngày trước, Quốc không thể ngờ Giang cũng chấp nhận đổ thuốc kích dục vào chính cốc của mình, bởi vì Giang tiên đoán thế nào Quốc cũng tráo cốc. Điều gì đến rồi cũng đến. Cuộc ân ái ngoài ý muốn ấy đẩy lên cao trào trong trạng thái mê man của thuốc, và trong cơn mê sảng cô bé Mai Trúc kia chính là cô Thanh Trúc cả đời anh yêu. Bị quay lén, bị cưỡng bức phải bỏ vợ, Quốc đã "vờ" dứt tình vợ. Nhưng anh không đủ can đảm, dũng khí và tỉnh táo để cho vợ biết âm mưu của Giang. Đàn ông sỹ diện là thế. Anh chỉ quyết đi chứ không nói một lời. Khoảng cách ấy giữa anh và Trúc cứ ngày càng xa mãi, xa đến nỗi đứt phựt ngay khi cô bé Mai Trúc có bầu, không có chỗ nương thân và về ở chung nhà với Quốc, còn cô Trúc vợ Quốc thì đến thăm vì tưởng anh bị ốm. Bao nỗ lực níu kéo, bao khát khao không thành, bao ngỡ ngàng đến thất vọng, Trúc đã van xin Hào "Hãy ôm em đi. Anh hãy ôm em đi. Ôm thật chặt vào". Đau đớn thay khi người đàn bà phải cầu xin sự ôm ấp từ người đàn ông vì người đàn ông mà cô ấy yêu cả đời đã bỏ cô ấy mà đi.

Tôi cũng đã có một người đàn ông như thế. Và hôm nay là sinh nhật anh ấy. Kỷ niệm ùa về khiến tôi thấy tim mình nhói đau. Nỗi đau đã giày vò tôi biết bao năm qua. Đôi khi, tôi chỉ cần một người đàn ông ôm mình thật chặt vào lòng, để tôi quên đi nỗi trống trải không có người đàn ông của tôi bên cạnh.

Nhật ký đi học (Phần 2)

Sau 3.5h, cộng thêm 1 tiếng thay đổi múi giờ, khoảng 5h40, máy bay hạ cánh xuống sân bay Manila Terminal 3. Nhưng, để lăn bánh được vào đến chỗ đậu mất chừng thêm nửa tiếng nữa. Để hoàn thành thủ tục hải quan, lấy hành lý, tìm được quầy xe chuyên chở mình mất thêm gần 1 tiếng nữa. Yên tâm ngồi lên xe, tán phét với cô tài xế, mình thấy mệt mỏi thực sự. Tự dưng thấy sao mình cô đơn thế này. Và ngủ gục trên túi đồ. Chỉ mới đi được chừng 3km, xe hỏng. Trời bên ngoài nóng ran. Cô tài xế bảo mình cứ ngủ đi, cô gọi về trung tâm thay xe khác cho mình. Cũng phải nửa tiếng sau, sau 1 chập ngủ lơ mơ, mình được đổi xe khác. Rồi cũng tới được nơi cần tới. Đó là tổ chức Phiddrrah (không nhớ chính xác), ở đó có vài căn cho thuê. Anh quản lý bảo “Giờ chỉ còn phòng có giường KTX thôi, mày định ở một mình hay ở chung với người khác?”. Sau khi lên đến nơi, mình chỉ muốn ở một mình. Thế là chấp nhận mức giá 950p/đêm, tương đương khoảng 500k. Còn nhớ khách sạn 3* ở SG cũng giá 500k/đêm, mình được phục vụ đủ thứ. Giờ 500k mà thấy đúng là sinh viên.
Chỉ kịp gục trên giường (tầng) chừng mươi phút, mình tới trường. Hỏi mấy bà ngồi đó, bà hỏi “Mày định đi bộ đến trường á?” làm cho mình chùn bước. Mình nhớ cậu hành chính bảo chỉ khoảng 15’ đi bộ thôi, nhưng để cho chắc, mình chọn phương án gọi xe ôm. Thực chất là xe ôm, nhưng ở đây, người ta gọi là xe ba bánh (tricycle), vì họ tự chế thêm bộ phận như xích lô gắn vào bên hông mô tô, có thể chở tối đa 3 người (nhưng mình thấy 1 mình ngồi là đủ). Để cho chắc, mình hỏi ông già trông coi nhà thờ, ông bảo mất chừng 15p. Nhưng đến lúc hỏi, mấy cậu tài hét 25p. Mình không đi, quyết đi bộ. Ra đến cổng sau của khu nhà, lại hỏi cậu bảo vệ. Cậu lại gọi cho mình xe ba bánh. Lần này họ hét những 30p nhưng vì nể tình tốt của cậu bảo vệ, mình đành ngồi lên, coi như “mày dạy chị bài học”. Thực sự từ đó, xe chỉ qua đường là tới ngay cổng trường, đi thêm chừng 800m nữa là vào đến nơi. Đúng là đồng tiền bỏ ra để học … hơi đắt.
Đến nơi, sau khi ôm xã giao cậu hành chính tên Wesley, mình bắt đầu đưa cho cậu ý toàn bộ giấy tờ. Rồi cô Karen, điều phối viên chương trình, thủng thẳng nói “Còn 1 bạn nữa đến muộn, chừng giữa tháng 7, nên mày phải chờ bạn ý để học”. Mình ngã ngửa. Chả lẽ lại chửi chúng mày đúng là đồ điên, giục tao đi thật nhanh, rồi đến đây bắt tao chờ 3 tuần. Nhưng quá mệt, nên thôi, về. Trên đường về còn cố ghé KFC ăn hamburger. Và ngủ một mạch đến chiều, dẫu giấc ngủ không trọn vẹn. Thế là gần hết 1 ngày. Trong khi phải tìm được nhà trọ trong 2 ngày. Mình bắt đầu rối. Phải bắt đầu từ đâu không biết nữa. Không biết một bạn Việt Nam nào. Không biết một bạn nào trong lớp. Mọi thông tin đều là con số 0. Cậu làm hành chính thật là không chuyên nghiệp. Bắt đầu từ những bác bảo vệ của nhà trọ, rồi cả khu nhà, mình lang thang vài tiếng trên đường lớn (Katipunan) mà không tìm được cái nào. Mệt và mỏi, mình về nhà trọ. Có wifi, mình gọi điện về nhà. Cũng nói chuyện được với cả nhà, nhưng hầu như không có thông tin nào mới.
Một điểm hết sức không thích ở đây là cái sự muỗi. Muỗi và ruồi nhiều không thể tưởng tượng được. Chứng tỏ an toàn vệ sinh đất nước này rất kém. Ngày còn ở nhà, mình có về quê cũng không bị muỗi đốt nhiều thế này. Đợt trước lên Sơn La, muỗi cũng nhiều, mà mình bôi tinh dầu xả, muỗi té hết. Thế mà ở đây, chỗ nào có tinh dầu thì muỗi tha. Tưởng như lỗ chân lông nào không có tinh dầu là muỗi xông đến liền. Muỗi ở đây nhỏ, trông cứ tưởng muỗi đực, nhưng đốt liên tục, đốt ngay cả khi mình đang chuyển động không ngừng. Có lẽ mình sụt cân ở đây vì ăn thì vớ vẩn, còn muỗi thì đốt thật.
Buổi tối kết thúc với món mỳ xốt spaghetti. May mà mượn được cái bát của nhà ăn, được thể lấn tới xin tiếp nước nóng úp mỳ. Kể ra họ cũng tốt, muốn gì cũng được đáp ứng. Mỗi tội giá trọ hơi đắt. May nước cũng hơi ấm.

Ngủ thôi nhỉ.

Nhật ký đi học (Phần 1)

Đêm ...

Sau khi sắp xếp xong đồ đạc, tiễn nhà chị Nhàn ra về, cả nhà leo lên xe 7 chỗ thuê của anh Thịnh ra sân bay. Chi và Bi háo hức vì được đi sân bay tiễn dì. Nhưng đến giữa đường, chàng bắt đầu có những khoảng im lặng kéo dài, gục đầu vào vai dì.
Đến sân bay, mình gọi cho anh Khanh, bạn của anh Tâm, nhờ xin hộ 10kg hành lý và 3kg xách tay. Những tưởng được rồi, cả nhà hăm hở bước vào khu check in. Cả dãy dài đang chờ đợi. Tranh thủ chụp ảnh. Cũng được vài kiểu, nhưng không có mặt bố và anh Cảnh. Rồi cũng đến lượt  mình. Chìa vé ra, cậu thanh niên hỏi “Chị đi du lịch hay đi học?”. Tưởng anh Khanh đã giúp và đưa vào hệ thống, mình tự tin nói “Chị đi học”, rồi lại “Chị đi du lịch”. “Thế vé ra khỏi của chị đâu?” “Đây”, rồi mình chìa ra chiếc vé exit thứ 2, nghĩ là hải quan Philippines hỏi thì mới quan tâm, nên chủ quan không tra khu vực Kota Kinabalu là gì. Cậu ta hỏi tiếp “Kota Kinabalu ở đâu?” “Ở Philippines”. “Thế thì chị không đủ điều kiện đi rồi”. Hơi hốt, mình xin lại điện thoại để gọi cho người thân. Cậu ta tiếp “Chị có người quen ở sân bay à? Định nhờ vả à? Hôm nay không ai giúp được chị đâu, có audit đang làm việc kia kìa”. Lúc gọi lại cho anh Khanh, anh ý mới biết mình đang check in, vội chạy ra đàm phán cụ thể. Xin 10kg. Duyệt. Vé đưa cho bạn khác làm. Cô bé hỏi “Chị là người nhà của ai”? “Của anh Khanh, vừa gọi cho chị Thủy”. “Sao chị lại đặt chỗ ngồi đuôi máy bay thế này, chị thích ngồi đó à”? “Không em ạ, chị không biết gì hết”. “Em đổi cho chị lên ghế trên nhé…. Cho em xin chỗ 5F anh nhé… Của chị được rồi ạ”. Cám ơn rối rít, lúc đó còn tưởng bọn trường đặt cho mình chỗ ngồi, sau nghĩ lại hóa ra cái thằng ku làm lúc đầu cho mình mà vặn vẹo đủ cả. Thằng mất dạy.
Qua được cửa check-in, cả nhà ngồi lại tý. Rồi chạy vào hàng café ngồi uống nước. Thấy Bi ngồi buồn không ăn uống, không nói năng, mình gặng hỏi, tưởng cậu dỗi vì lúc trước mình không đồng ý mua đồ ăn. Thế rồi sau vài giây, cậu òa lên khóc, hai tay ôm chặt lấy người dì. Mẹ Quỳnh nước mắt lã chã. Dì cũng không kìm lòng được, ôm con mà nước mắt chảy dài. Những ngày đầu tiên nói về việc đi xa, cu cậu chả động tĩnh gì. Mình vẫn nói với mọi người rằng ku cậu chưa nhận thức được vấn đề gì. Càng gần đến ngày đi, cu cậu càng nhắc nhiều hơn đến cụm từ “Thôi ở với dì, dì sắp đi xa rồi”, hay “Dì đừng đi nữa, dì ở nhà chơi với con đi”. Nhưng đúng là mình không ngờ cu cậu tình cảm thế, cứ ôm chặt lấy người dì mà nức nở. Dỗ một lúc cũng nín, mình cho cậu uống sữa. Lúc gần 12.30 đêm, cả nhà đưa nốt ra chỗ hải quan, hồi hộp theo dõi hành lý xách tay có bị khám không. Chia tay nhau ở cổng hải quan, cậu lại ôm chặt dì rồi òa khóc, khóc to nữa là đằng khác, không tài nào dỗ được. Lúc ấy mình chỉ ước gì cuộc đời đừng bắt mình phải có lựa chọn này. Ôm chặt con trong tay, mình cố ghìm không cho nước mắt chảy ra. Chị Chi lúc này cũng bắt đầu nghẹn giọng “Dì ơi, dì đi nhanh rồi về nhé” và ôm chặt dì. Không để tình cảnh này kéo dài, và cũng không muốn vào cuối cùng dễ bị để ý, mình chuyển Bi cho mẹ Quỳnh, tạm biệt cả nhà và bước vào trong. Trong lúc xếp hàng chờ thông quan, mình vẫn ngó ra ngoài, cả nhà vẫn từ ngoài ngó vào trong, chỉ có Bi vẫn gục trên vai mẹ khóc. Thông quan an toàn, mình vẫy tay chào từ biệt làn cuối trước khi bước hẳn vào trong. Ngồi chờ boarding rồi, vẫn hoàn toàn bị ám ảnh bởi hình ảnh Bi, nước mắt lại từng dòng chảy. Sao thấy mình cô đơn thế. Cuộc đời quá đen bạc nên mình phải ra đi lần nữa. Biết chắc lần này ra đi sẽ khổ hơn lần trước, cô đơn hơn lần trước, nhưng không có gì đủ để níu kéo mình ở lại. 2 đứa trẻ con làm mình lo nhất, nhưng chúng nó rốt cuộc không phải là con mình, mình không quyết định được. Đành phải xa các con một thời gian, thử tìm cho mình một lối thoát mới.
Đang định nhắn tin cho anh Tâm kể về thành công của vụ quá cân, thì một cô bé ra hỏi “Chị bay Cebu à”, rồi nhấc vali của mình lên “Ôi nặng thế”. Mình phát hoảng. Giờ này mà bắt bỏ ra thì toi, không ai có thể cầm về nữa rồi. Cô ấy báo cho cậu trưởng. May cậu đó lúc đầu anh Khanh nhờ nên biết mình, lờ tịt đi. Thôi thì cuối cùng cũng thoát.
Khoảng 1.30 sáng, máy bay bắt đầu lăn bánh.

Tạm biệt gia đình thân yêu.

Bầu cử

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy người ta tuyên truyền bầu cử một cách nồng nhiệt hiếm thấy. Nhà nhà nhận được danh sách ứng cử viên. Người người nhận được bản tóm tắt quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn chi tiết cử tri. Có mỗi góc đường đê La Thành bé tý mà hai dàn loa 2 bên, vì thuộc 2 quận khác nhau, cùng nhau đọc tiểu sử cử tri của 2 quận. Đó thực sự là bản hòa tấu kinh khủng nhất trên thế giới mà mình từng được thưởng. Mình cam đoan không ai hiểu gì, vì mình đã cố gắng lắng nghe nhưng không thể nghe rõ điều gì. Không biết có phải Đảng chỉ đạo giương cao sức mạnh loa đài không, hay các đầy tớ của dân khủng bố dân chúng và làm nhiễu loạn khát khao đi bầu cử của dân chúng. Ngày trước bầu cử, đi qua địa điểm nào, mình cũng thấy loa đài ầm ý, nhạc nhẽo rung bần bật. Thậm chí, đến tối còn có cả các chương trình nhạc sống, đèn nhấp nháy lấp lánh cả một vùng. Thằng cu cháu mình bảo "Có phải karaoke không dì"?

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy không khí ảm đạm tại nơi bầu cử. Nhiều người tỏ thái độ thực tế không tham gia bầu cử. Cũng có nhiều người đến, đọc đọc, ghi ghi, gạch gạch, nhưng không thấy vẻ mặt hân hoan, hay không khí tranh cử như những đợt trước. Có bác già rồi còn bảo "Bác đi bầu cho xong cháu ạ. Không đi người ta lại réo. Mình bầu thế này nhưng có ảnh hưởng gì đến kết quả đâu. Kết quả được biết trước hết rồi mà". Ơ sao bác biết hay thế? Hình như lần đầu tiên, niềm tin bị rạn nứt được thể hiện rõ ràng hơn, bắt đầu có hệ thống hơn.

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy nhiều ứng cử viên tự do là những người đã có chút tiếng tăm, như bác Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Văn A, ... Các bác này may mắn lắm thì trượt ở vòng hiệp thương 3, hơn chán anh bạn mình, vô danh tiểu tốt, trượt từ vòng 2. Có bác điềm tĩnh trước kết quả. Có bác có hẳn một bậu xậu đằng sau công kích. Cố nhiên, cá nhân mình rất ủng hộ các bác có nhận thức rộng, cái nhìn đa chiều về thời sự. Nhưng đúng là có thể các bác chưa có người chí tình giúp vạch ra con đường "ứng cử" dài hơi, cộng thêm với tình trạng "cả vú lấp miệng em" của chính quyền đương thời, nên thua cũng là điều dễ lý giải. Dẫu sao, việc nổi lên những ứng cử viên sáng giá như thế cũng là dấu hiệu cảnh báo "ngày càng lớn" cho một chế độ không được lòng dân. Hôm bầu cử, những bác như thế này đều được các cấp chính quyền quan tâm, săn sóc tận tình, trước cổng nhà luôn có vài ba người đứng canh gác, chắc là "không cho động thủ".

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy công bố cho báo chí vào quan sát kết quả kiểm phiếu. Ừ thì sau đó cũng có thấy báo nói có đến vài chục % phiếu bầu không bầu đúng số người quy định, hoặc thấp hoặc cao hơn. Lẻ tẻ vài bài rồi thôi. Kết quả kiểm phiếu cũng được báo chí trung ương đăng tải tản mạn, mỗi ngày một vài bài nhỏ, bài thì "chỉ 2 ứng cử viên tự do trúng cử", bài thì "tất cả ứng cử viên ngành công an do trung ương tiến cử đều trúng". Hình như dân gõ máy tính đã không còn quá quan tâm đến kết quả nữa rồi. Dù sao, nó cũng chả có ý nghĩa gì mấy.

Năm nay, lần đầu tiên mình tranh luận gay gắt với một số anh nằm trong ban tổ chức bầu cử tại vùng núi xa xôi. Có anh kể, một chị giáo viên đi bầu cử còn selfie, anh mắng cho 1 trận, thu điện thoại, xóa hình ảnh, và dọa tố giác. Ấy thế mà dưới thủ đô ngàn năm văn hiến này, các anh công an "trực chiến" còn chụp ảnh giúp người đi bầu cử cơ. Xa trung ương mà "nghiêm túc" vãi. Rồi có anh bảo "7h30 hôm bầu cử, một công dân qua đời. Tổ chức báo cáo lên, xin ý kiến chỉ đạo. Do việc thay đổi danh sách, tổng số cử tri đi bầu cử và tỷ lệ trúng cử mất thời gian hơn nhiều, trên chỉ đạo xuống bắt công dân đó sống lại 30' để bầu cử cho xong trước khi lâm chung. Chuyện ấy tưởng rất lạ nhưng lại chẳng lạ tý nào ở đất nước độc đảng này. Ngay cả việc bầu cử tứ trụ triều đình cũng được lôi ra oánh nhau. Mình thì bảo đại biểu quốc hội khóa cũ bầu tứ trụ mới, xong rồi dân lại đi bầu đại biểu quốc hội khóa mới, rồi quốc hội khóa mới lại bầu tứ trụ mới, tất cả chỉ trong vài tháng, hơn cả chương trình hài. Tại sao không để tứ trụ khóa cũ trụ nốt cho tới khi có kết quả đại biểu quốc hội khóa mới, rồi quốc hội khóa mới bầu tứ trụ mới. Nhưng các anh thì đỏ mặt tía tai, nói mình chả hiểu gì về chính trị, rằng người ta phải bầu trước để có ứng cử viên. Vậy chẳng lẽ mỗi một vị trí chỉ có 1 ứng cử viên thôi à? Nếu thế (mà hình như thế thật) thì gần 4000 tỷ VNĐ ngân sách bỏ ra chỉ để diễn một trò hề. Nên nhớ, những người cầm chịch trong ban tổ chức như mấy anh trên chỉ học bổ túc và tại chức thôi.

Năm nay, lần đầu tiên, mình thấy rõ người dân Việt Nam đang bị dắt mũi bởi những con bò.

Sự tôn trọng



Trên bàn ăn có nam có nữ, tất cả mọi người dùng ngữ khí vừa phải nói chuyện với nhau. Anh quay sang hỏi cô.
"Em no chưa"?
Cô cười gật đầu: "Em no rồi".
Đột nhiên điện thoại anh báo tin nhắn đến từ một dãy số lạ. Cô không nhìn mà quay đi nói chuyện với một người bạn.
Đột nhiên anh vỗ nhẹ lên mu bàn tay cô. Ngiêng đầu nhìn anh, anh đưa chiếc điện thoại cho cô. Hai người không ai nói một lời, cô đọc tin nhắn trên máy anh. Bấm tắt rồi mỉm cười với anh, nụ cười dịu dàng mà ấm áp.
Một lúc sau cô xin phép đi wc. Người bạn bên cạnh anh vỗ vai ạn hỏi.
"Khi nãy tao thấy mày đưa tin nhắn cho vợ xem, sao phải thế, mình là đàn ông mình phải có tự do của mình chứ".
Anh không vội đáp mà nhìn về phía wc. Chậm rãi trả lời.
"Nếu tao không đưa cô ấy xem cô ấy cũng sẽ không hỏi nhưng trong lòng sẽ nảy sinh loại cảm giác bất an. Điều ấy chỉ là xuất phát từ sự tôn trọng, cô ấy tin tưởng tao thì tao không muốn cô ấy bât an dù điều nhỏ nhất. Phải cho đi mới được nhận lại, là đàn ông hay đàn gì cũng không quan trọng bằng tao là chồng cô ấy, tao có trách nhiệm để cô ấy tin tưởng dựa dẫm".
Nói xong anh uống một ngụn rượu nhỏ, nói thêm vài lời.
"Phụ nữ, khi nghi ngờ mà nói ra thì không sao. Còn nghi ngờ mà im lặng thì rất nguy hiểm, nên thật thà và tôn trọng nhau là điều cần thiết trong một mối quan hệ".
Đấy, chỉ thế thôi, mà bao người đàn ông trên đời này hiểu được.
Chỉ là xuất phát từ sự tôn trọng. Thế thôi.
Mà đa số đến khi đàn ông thấu hiểu được điều này cũng đồng nghĩa với việc người phụ nữ ra khỏi cuộc đời họ. Vốn dĩ không ai có thể chờ đợi ai quá lâu, và không phải ai cũng kiên nhẫn đợi bạn trường thành và thấu hiểu.

Tại sao càng lớn, bạn bè càng xa nhau?

1. Sự ưu tiên không còn như trước nữa.
Nếu ngày xưa, dù bận đến đâu thì cũng cố gắng sắp xếp để được gặp mặt, đi chơi cùng nhau. Thì nay đã khác, khi ngày càng trưởng thành, sự nghiệp và công việc mới là sự ưu tiên trên tất cả mọi thứ. Tình bạn cứ thế phai nhạt dần khi thời gian dành cho công việc lấn át tất cả.
2. Chúng ta thường quên mất tình bạn cần được giữ gìn và nuôi dưỡng.
Kết bạn thì dễ nhưng duy trì tình bạn mới là điều khó. Cuộc sống có quá nhiều thứ để bận bịu, đôi khi chúng ta bỏ mặc thứ tình cảm đã cùng gắn bó suốt thời phổ thông, đại học.
3. Tình yêu chính là kẻ thù hủy hoại tình bạn.
Những buổi party cùng hội bạn thân cứ thế vơi dần đi, không còn những chiều la cà quán xá vì hầu hết thời gian rảnh bạn đều dành cho người yêu. Có thể bạn sẽ nhận ra mình sai vì quá hững hờ với tình bạn ấy nhưng quá muộn “Tình bạn 5 năm giữa tao với mày không bằng tình yêu 1 tháng sao?”
4. Người thành công, kẻ thất bại.
Dù cùng một xuất phát điểm nhưng lại có người may mắn tìm được công việc ổn định còn kẻ còn lại cứ mãi quẩn quanh không tìm được lối ra. Sao có thể duy trì tình bạn khi hướng đi quá khác nhau như thế?
5. Bạn có cảm giác rằng mình là người duy nhất cố gắng duy trì tình bạn.
Những lần đi chơi cùng nhau đều do bạn chủ động cả. Ngay cả những lúc tâm sự với nhau, bạn cũng có cảm giác rằng mình là người duy nhất nói thật lòng mình còn họ thì lại cố giấu giếm điều gì đó. Thật sự rất khó chịu khi tình bạn không còn như trước nữa.
6. Một vài người bạn lan tỏa sự tiêu cực.
Họ không ngừng than vãn về mọi thứ. Cứ phải an ủi rồi nghe họ tâm sự toàn những chuyện buồn thế này cũng khiến bạn thấy chán nản. Thế là bạn quyết định loại bỏ họ ra cuộc sống của mình.
7. “Bạn cũ có bạn mới”.
Do môi trường học tập, làm việc khác nhau nên việc giao du, kết bạn với những người mới là điều khó tránh khỏi. Họ ngày càng dành nhiều thời gian hơn cho những mối quan hệ mới này. Dù muốn dù không thì cả hai cũng khó trở lại như xưa.
8. Cuộc sống biến bạn thành con người khác.
Bạn ít nói, trầm tính hơn. Những sự thay đổi, dù là tích cực hay tiêu cực, cũng sẽ khiến bạn bè xa cách.