Thư gửi bố

Đã 37 năm kể từ ngày con ra đời và gọi bố là bố. Vậy mà, thật đáng tiếc, con không có mấy cơ hội để cảm phục cách sống của bố, tính cách và con người bố. Bởi vì, hình như bố không cho con những cơ hội ấy.

Cách đây 37 năm, từ những phút giây con cất tiếng khóc chào đời, bố đã không cho con những phút bình yên. Mẹ sinh con khi trời đất sắp đón một mùa xuân mới. Biết nhà có 5 quả trứng gà, mẹ bảo bố luộc cả 5 để mẹ ăn lấy sữa cho con bú. Vậy mà bố chỉ luộc 2, 1 cho mẹ, 1 cho chị lúc ấy mới 27 tháng. Bố bảo “Thì ăn tạm, rồi về nhà ăn sau”. Ngày ấy, phụ nữ sinh con xong phải ở trong viện chừng một tuần mới được về nhà. Nhưng vì đó là đêm 30, bác sỹ cho mẹ con về sớm. Đêm tối mịt mùng. Gió mùa thổi lạnh buốt xương sống. Mẹ bảo bố ra gọi cái xích lô để mẹ đưa con về. Chỉ vì tiếc tiền mà bố bảo “Thôi đi bộ”. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ bế con đi trong từng đợt gió mùa đông ấy. Nếu không có bạn anh Hải vô tình đi ngang qua lúc đó và thương tình chở 2 mẹ con con trên chiếc xe đạp, chắc con đã cùng mẹ vượt qua thử thách đầu tiên của đời mình rồi bố nhỉ?

Tuổi ấu thơ rồi cũng trôi qua, nhưng nó không êm đềm chút nào cả. Mấy cô bạn đồng nghiệp cứ hỏi vì sao con có thể nhớ quá khứ của mình đến như thế. Con biết là vì bố không cho con tuổi thơ êm đềm đến dễ quên. Khổ vì cái đói không phải là điều con nhớ nhất. Mà đó là những trận đánh mà người con riêng của bố trút xuống đầu mẹ con, những trận đánh có khi đã suýt cướp đi sinh mạng của mẹ, mà bố không một lần phân giải đàng hoàng. Dù có thế nào, mẹ là người cùng bố nuôi anh chị ấy khôn lớn, là người hỗ trợ để anh được đi học, là người giúp giải quyết những hậu quả mang người bất hợp pháp từ Cambodia của anh sau khi đi bộ đội, là người mướt mải lo tổ chức đám cưới cho 2 anh chị. Vậy mà, sau khi anh cầm dao giết mẹ, đánh mẹ thương tật tai vĩnh viễn, bố vẫn để anh em con cháu họ hàng của bố họp gia đình và tuyên bố “Tôi không cần biết thím là ai trong nhà này, sau chú Nhân, thằng Hải là người có quyền quyết định”, hay “Bố bỏ bà ý đi, 2 đứa em để con nuôi cho”, hay “Cháu biếu chú mấy cây vàng để chú bỏ bà ý đi”. Những lời nói ấy, dẫu là con nghe lại, hay trực tiếp nghe thấy, ở cái tuổi trẻ thơ, cũng đủ sốc để con ghi nhớ suốt đời, bố ạ. Những người phát ngôn như thế, chắc có lẽ bố không kể họ nghe khi con 2 tuổi, bố đã về hưu theo chế độ mất sức, một mình mẹ vừa làm công việc nhà nước, vừa bươn chải kiếm sống để nuôi được 3 miệng ăn không đói. Ban ngày, mẹ là cô thủ thư nhẫn nại. Chiều về, mẹ thành con buôn chuyên tuyến Cầu Giấy – Khâm Thiên. Tối đến, mẹ thành bà bán quán nước bổ bưởi thiện nghệ. Rồi bố ốm liên miên, mổ ruột thừa, một mình mẹ vừa chăm bố ở viện vừa chăm 2 đứa con nhỏ gầy guộc và ốm đau liên miên chả kém ở nhà. Những người anh em của bố thành danh khi đó còn chỉ nghĩ đến việc biếu bố mấy cái bánh bột mỳ cứng ngắc, trong khi mẹ phải tìm cách ra chợ đổi cái đống bánh ấy thành thứ thức ăn gì mềm để người mổ ruột thừa có thể tiêu hoá được. Có lẽ đúng là họ không biết việc đấy bố ạ. Họ thậm chí còn không biết giây phút thập tử nhất sinh mà mẹ con phải trải qua khi sốt 41 độ còn phải đứng nấu cơm cho bố đãi khách, và sau đó là toàn bộ cơ thể cứng ngắc vì co cơ, mồm không mở được, tay bắt chuồn chuồn. Ký ức về cái chết trong gang tấc ấy, có thể bố không mấy để ý, nhưng sẽ đi theo con đến hết cuộc đời. Khi mẹ quyết định mang theo 2 chị em con bỏ đi, chỉ nói bố phải hỗ trợ một số tiền nhỏ để mẹ con tìm chỗ chui ra chui vào, bố và anh đã bàn bạc để rút số tiền đó xuống, để rồi sau khi chiếm được toàn bộ căn phòng tập thể đó, anh tuyên bố “Người ta trả gấp 10 lần không bán”. Nếu bố là con, bố có thấy cay đắng không?

Khi 3 mẹ con con đã ổn định được chỗ ở, và vay mượn khắp nơi xây được căn nhà, bố khoe khắp nơi. Con cháu họ hàng nhà bố tò mò tìm đến, và khẳng định chắc nịch “Chú Nhân giỏi quá, đã có nhà cũ, còn xây được cả căn nhà này”. Bố có biết lúc xây nhà xong là lúc mẹ bắt đầu về hưu, lo sợ vì khoản tiền không trả được, mẹ đã rao bán căn nhà cả đời mình mơ uớc ấy để chui về máng lợn nhà tập thể không? Không hiểu trời thương hay tiếp tục thử thách mà căn nhà ấy không ai mua, vì người ta đòi hỏi những thứ mà mẹ con không thể đáp ứng được. Và mẹ đã lạy lục khắp nơi để đảo nợ. Trời thương vì vẫn có người cho mẹ con vay lúc ấy, để chưa bao giờ mẹ rơi vào tình trạng bị đòi nợ ráo riết. Nuôi 2 chị em ăn học đại học lúc ấy với mẹ là một sự nỗ lực phi thường, vậy mà, bố có thản nhiên nói rằng “Thi không đưọc thì thôi, về bán quán nước”. Có những lần chứng kiến những người bạn của mẹ con, khi thấy mẹ xây nhà, đã không ngần ngại rút tiền trong túi ra và bảo “Đây là tiền lương của anh tháng này. Anh không có nhiều cho cô khi cô làm việc lớn này, vì thế, cô cầm lấy tháng lương này của anh đi”, hay “Chị cầm số tiền này đi, nó không là gì cả so với chi phí xây cái nhà”, con lại ứa nước mắt. Những tấm lòng như thế, con sẽ cũng mãi mãi chẳng bao giờ quên. Con còn nhớ rõ lắm, đã khá nhiều lần mẹ bảo với 2 chị em, các con học giỏi, mẹ sẽ tiết kiệm tiền mua ti vi. Nhưng hai chị em cũng chưa bao giờ hỏi mẹ khi nào thì mẹ thực hiện lời hứa ấy, vì chúng con biết, tiền mua ti vi hay bất kỳ đồ đạc khác đáng giá nào, cũng là để đổi lấy căn nhà xây ấy. Vậy là, đã 18 năm rồi, nhà mình vẫn ở trong ngôi nhà thân thương ấy, vẫn giữ được nó như một bằng chứng về sự khốn khổ vượt bão trong cuộc đời. Cho đến sau này, khi về già, bố lên đây sống, bố vẫn tin rằng trong số tiền xây nhà ấy có phần lớn đóng góp của bố, và đã nhiều lần đập đồ trong nhà vì mấy mẹ con không công nhận. Nhưng thôi, cái gì đúng sẽ vẫn không thể sai được, đúng không bố?

Cách đây 5 năm, bố được nhận huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Bố đã giao anh Hải làm bữa tiệc lớn để chúc mừng, mời anh chị em họ đằng nội. Và, anh Hải có gửi mẹ con con tờ giấy mời, trong đó nói “Mời bà đến dự tiệc với gia đình chúng tôi”. Mẹ con con uất hận đến nghẹn lòng. Bố đang sống cùng mẹ và các con, vậy mà, bố để anh Hải mời mẹ con con như những người ngoài, trong khi bố không một lời giải thích cũng như xin lỗi. Và hôm nay, bố lại tiếp tục nhận huy hiệu 65 năm tuổi Đảng. Bố nói với anh Hải rằng “Bố đã giao cho mẹ con bà ý làm bữa tiệc, và mẹ con bà ấy tỏ ra vui lắm”. Bố có biết con đã muốn buông xuôi khi nghe câu nói đó không, dù trước đó con đã xoa dịu mẹ con bằng cách nói “Không cần để ý, coi như không biết”. Những tưởng bố đã nhận ra sai lầm của mình 5 năm về trước, nhưng con nhầm, con nhầm thật bố ạ, bố không hề tôn trọng mẹ con con, bố không hề nghĩ sống với nhau thì phải yêu thương nhau. Có lẽ, bố nghĩ mẹ con con sống là để phục vụ bố. Có lẽ thế. Giá mà bố hiểu rằng cái danh vị ấy chẳng đáng để gì để chúc mừng, mà đơn giản, mẹ và con thấy sức khoẻ bố đã yếu đi nhiều, cơ hội tiếp tục nhận huy hiệu sau 5 năm nữa là điều xa vời, nên tổ chức để cho bố vui, vì chỉ có bố chứ không phải ai khác trong nhà mình sùng ái cái danh vị Đảng trao tặng, thì có lẽ bố đã không đánh giá bản thân mình quá cao đến như vậy.


Chắc cũng khó để con thay đổi quan điểm của mình. Con vẫn luôn biết ơn rằng bố góp phần sinh ra trong cõi đời này, cho con được trải nghiệm những hỉ nộ ái ố của cuộc đời, cho con được trải nghiệm những điều mà nếu được làm lại, con đã ước rằng không. Tình thương con dành cho bố vẫn không thay đổi qua tháng năm. Chỉ có tình yêu, mà nền tảng của nó được xây dựng nên từ tình thương và sự tôn trọng, là khó. Con vẫn luôn ở bên bố, và vẫn là người đầu tiên giúp bố những lúc bố cần, bố nhé.

Con của bố.

Ước sao bình yên

Giở lại đống email cũ, lòng thấy trùng hẳn xuống. Đã có một thời mình bình yên đến thế. Đã có một thời hạnh phúc sao quá đỗi gần. Chỉ là những lời hỏi thăm. Chỉ là những câu chuyện kể vu vơ. Chỉ là những mẩu tâm sự, sẻ chia. Nhưng chất chứa trong đó biết bao nhiêu tâm tình. Mình vẫn còn giữ kỷ vật anh để lại, một thứ nhỏ nhoi, bình thường nhưng chứa đựng cả tình thương, sự quan tâm sâu sắc. Thế mà, cuộc đời đã bắt mình phải lựa chọn, để rồi đánh mất anh, mãi mãi.
Lựa chọn không bao giờ nói cho mình biết mình đúng hay sai, cho tới khi nó thể hiện ra như thế. Mình đã từng tin rằng lựa chọn ấy sẽ mang đến cho mình những điều tốt đẹp hơn. Nhưng cuộc sống không phải lúc nào cũng đúng như phân tích và dự đoán. Chỉ biết rằng, mình đã để tuột khỏi tay một điều vô cùng quý giá, một niềm tin khó có thể lấy lại được.
Nếu được nói một lần, hãy cho em xin lỗi anh, dù lời xin lỗi ấy đã quá muộn màng, dù lời xin lỗi ấy cũng có những nỗi niềm của nó.
Đôi khi, em chỉ ước mình ngồi lại bên nhau, trong những phút giây bình yên của cuộc đời...
Bình yên một thoáng cho tim mềm
Bình yên ta vào đêm
Bình yên để đóa hoa ra chào
Bình yên để trăng cao
Bình yên để sóng nâng niu bờ
Bình yên không ngờ
Lòng ta se sẽ câu kinh bình yên
Bình yên để gió đưa em về
Bình yên ta chờ nghe
Chờ nghe tình vỗ lên tim mình
Chờ nghe tình lung linh
Bình yên để nắng soi môi thơm
Bình yên ta mừng
Mừng em đã hết đau thương về đây ấm cúng
Mừng em đã biết xót thương tình yêu
Như từ bao la ta ra đời một kiếp nữa
Như từ trong nhau lớn lên khôn lên cùng nhau
Như một câu hát ứa ra từ tim
Tặng nhau nhé tiếng nghe hồn nhiên
Để quên hết khó khăn chia lìa

Tháng tư về. Hoa loa kèn nở. Màu trắng của sự bình yên.

Giao thừa

Hình như chưa bao giờ mình viết note vào đêm giao thừa như thế này. Cuộc sống quá bận rộn và nhiều lo toan khiến con người ta trở nên chai lì, ít bày tỏ cảm xúc thì phải. Đã bao lần muốn dừng lại một nhịp, tĩnh tâm và viết một điều gì đó, nhưng không được, hoặc không kịp.
Mình vẫn có thói quen bốc thẻ đầu năm, không hẳn là vì tin vào sự dự đoán của bàn tay, mà vì dường như muốn biết trước mình may hay hoạ thế nào. Đã mấy năm rồi, mình đều bốc được những quẻ tốt, hoặc rất tốt. Nhưng mọi thứ đều không tốt như mình nghĩ. Thậm chí còn tệ hơn.
Có phải mình đã già mà sức ỳ lớn đến thế không? Có phải cái sự đời trớ trêu khiến lòng tin của mình sụt giảm đến thế không? Cái điều cuối cùng khiến một con người sống được, ấy là còn niềm tin. Mà nếu đúng vậy, thì mình hoài nghi lắm. Niềm tin của mình còn không? Còn được bao nhiêu? Hình như nó không đủ lớn để mình nhận ra. Hình như nó không đủ mạnh để cho mình năng lượng.
Liệu mình có đủ sức mạnh để thoát ra khỏi thế giới chật hẹp và mịt mù này không? Quyết tâm nửa vời chắc chẳng đủ để mình làm điều gì. Biết vậy mà oải kinh...
Có cần phải chúc bản thân mình thêm nghị lực để làm những điều có ích cho cuộc đời mình không nhỉ?
Còn chưa đầy 1 tiếng nữa là giao thừa. Năm mới đến thật rồi. Có thể cho mình niềm vui mới được không?

Đêm cô đơn

Chia tay nhau rồi mà lòng còn day dứt... Đã bao lần tự hỏi mình quyết định ấy là đúng hay sai, cái buông tay ấy là đúng hay sai...
Đêm nay cô đơn quá. Lại chỉ có thể nghĩ về anh và em và câu chuyện dở dang không có hồi kết. Trong không gian u tịch ở nơi chúng ta từng bên nhau, nhìn xuống thành phố hối hả phù hoa và cám dỗ, như vô thức anh gọi tên em.
Những tưởng em đã đang vui vẻ ở chốn kia, nhưng em đã nghe thấy tiếng gọi ấy, tiếng gọi kết nối hai trái tim từng chung một nhịp đập.
Anh lại thấy con tim mình đập trở lại. Em lại thấy mình vẫn thổn thức tiếng yêu thương. Dẫu biết vết ngăn ấy là rất sâu, anh có thể bỏ mặc tất cả để đến với em. Chỉ 5' thôi. Dẫu biết chúng ta không nên làm thế, nhưng em vẫn mặc kệ tất thảy.
Mình lại về với nhau anh nhé. Dù chỉ đứng gần nhau để cảm nhận hơi ấm của tình yêu. Dù chỉ để nhìn vào mắt nhau, để thấy rằng yêu thương còn chất chứa.
Dẫu biết rằng ai cũng sống vì lý trí, nhưng hỡi người tình của em, có bao giờ chàng nghe con tim mình thổn thức?


Đám cưới ở Quảng Ninh

Đám cưới ở Quảng Ninh có mấy điểm riêng biệt thế này.
Thông thường, họ nhà trai và họ nhà gái tổ chức riêng rẽ. Có khi họ nhà gái ăn tiệc trước những 1 tháng, ăn xong quên tiệt rồi mới đến ngày đón dâu. Khi đến ăn tiệc, người Quảng Ninh có thói quen ăn trước, mừng (phong bì) sau. Ban đầu, người nhà có chút lo lắng vì có thể cơm no rượu say xong, khách quên béng mất. Nhưng không, dù đỏ mặt tía tai, họ vẫn ra hỏi "Phong bì đâu?", "Bút đâu?" và lúi húi đếm tiền dưới ngăn bàn. Chuyện này có liên quan đến 1 chuyện cũng hay ho tại nhà hàng. Đó là trên thực đơn, nhà hàng ghi rất rõ mâm này bao người, và bao tiền. Kiểu này thật chắc ăn nha. Ăn xong thế nào cũng biết mỗi suất bao xèng, để ăn xong mừng "cho đủ". Ở một vài nơi khác mà mình được chứng kiến, thường trước và sau khi ăn, gia chủ có phục vụ khách bánh, kẹo và nước trà tại một số bàn trà bên ngoài. Nhưng người Quảng Ninh không làm vậy. Họ không làm gì cả. Họ chỉ tập trung vào các bàn ăn mà thôi. Được cái, tiệc rất ngon.
Trong lễ đón dâu, không có lễ mẹ chồng xin dâu như vẫn thường thấy. Nhà trai tiến vào cùng một lúc. Họ có một mâm lễ mặn (xôi+gà hoặc thủ lợn) để thắp hương bên nhà gái. Cùng với đó, họ trao cho nhà gái 1 cái tráp nhỏ, gọi là "Quả Kem", trong đó có ít tiền nhà trai cho cô dâu chú rể làm vốn. Đại diện nhà gái nhận quả kem, mở ra, giơ tiền lên cho mọi người nhìn và nói "Đây là ít tiền vốn nhà trai tặng cô dâu chú rể làm vốn. Nay nhà gái xin nhận. Đồng thời, các cô dì chú bác ở đây có lòng thì cho thêm các cháu ít tiền để làm vốn". Họ nhà gái cứ thế xúm xít vào, người vài chục, người dăm ba trăm. Nhiều ra phết. Có những đám mà trong quả kem có đến hàng trăm triệu chứ chả chơi. Rồi quả kem đó lại theo cô dâu chú rể về nhà trai. Lễ bên nhà trai thế nào thì không rõ, vì mình không đi cùng, nhưng hình như họ không câu nệ việc chụp ảnh. Chí ít mình thấy tiệc ăn của nhà cô dâu, lễ đón dâu đều không có ông thợ chụp ảnh nào. Cũng không cờ hoa vẫy chào, pháo nổ bùm bụp.
********
Không chụp hình nên không có hình nào làm tư liệu. Đành cho mẹt mình selfie lên vậy.