Chùa, sư, Phật giáo và niềm tin

Câu chuyện 11 đứa trẻ và cậu bé Cù Nguyên Công bị mất tích khỏi Chùa Bồ Đề hơn tuần này còn đang nóng lên từng ngày trong lòng dân chúng, lại gợi mình nhớ đến ngôi chùa này với việc nhận nuôi dưỡng các cháu bé bị bỏ rơi, cũng như những ngôi chùa khác, những người được cho là tu hành, những người được cho là ăn lộc nơi cửa phật, đến cả giáo lý nhà Phật và đức tin nơi cửa Phật.
Phật giáo, tôi cho rằng cũng như các tôn giáo khác, đều có những nguyên lý sống chân thật, có đạo đức, từ tâm. Niềm tin tôn giáo ấy khiến cho những con chiên thấy cần phải sống tốt, không tham lam, sân si, không chà đạp lên sự tồn vong của người khác để gói lộc cho mình. Tôi là một người không theo đạo Phật, cũng chả theo tôn giáo nào, và tôi nể phục những người xuất gia tu hành, người từ bỏ bụi trần để sống cho một thế giới khác, một thế giới hướng đến ánh hào quang của lòng vị tha, sự yêu thương và dòng chảy liên tục của sự sống qua những kiếp người. Tôi nghĩ rằng mình không đủ niềm tin như họ để đi theo ánh hào quang đó.
Nhưng có lẽ hình như tôi cũng nhầm. Phật giáo không sai, nhưng người truyền đạo hình như không tuân thủ giáo lý nhà Phật. Đôi lúc, tôi cứ tự hỏi họ có còn niềm tin tuyệt đối vào giáo lý nhà Phật hay không, họ có còn kết nối được với vầng hào quang đó hay không, để họ mang ánh hào quang đến với những tâm hồn mong manh hơn như tôi…
Nếu họ còn giữ đức tin, vì sao họ phải làm thịt gà, cá, lợn, … trong những bữa ăn của mình, dù rằng họ làm bằng nguyên liệu không phải là thịt? Người thường có thể chế biến những món ăn đấy để giúp họ cải thiện sức khỏe. Nhưng nhà chùa mà phải làm thế trong những mâm cỗ ngày lễ, liệu có phải từ tâm họ vẫn nghĩ đến thịt không?
Nếu họ còn giữ đức tin, vì sao họ tự cho phép mình ăn thịt chó trong những ngày không phải mồng một hay ngày rằm? Vì sao họ phải đút lót tiền để được vào trong chùa “làm việc”? Ngày xưa, chỉ những ai không còn tin vào trần thế, mới nương nhờ cửa Phật. Nhưng giờ khái niệm đó dường như chỉ còn tồn tại trên lý thuyết. Thay vào đó, họ học để vào chùa làm việc. Họ đóng tiền để được vào chùa quét sân… Đã đầu tư thì phải thu được lợi nhuận chứ? Tôi còn nhớ những nhà sư tôi gặp bên Thái Lan. Cứ sáng sớm, họ cầm bát đi bộ xin ăn qua từng góc phố. Cho gì ăn nấy. Họ có thể phải đi bộ hàng cây số. Vì họ tin rằng họ có nghĩa vụ phải khổ luyện để bước được vào vòng hào quang của Bồ tát quan âm. Ở Việt Nam giờ hiếm nhìn thấy cảnh tượng như thế. Nhà sư một bước lên xe máy, một bước lên ô tô. Xe máy còn phải chọn biển số đẹp. Mũ bảo hiểm dùng loại thời trang.
Nếu họ còn giữ đức tin, vì sao khi có người đến thiện nguyện mà dâng chùa bằng hiện vật (mà không phải là tiền mặt), trụ trì lại không nhận? Câu chuyện chùa Bồ Đề tôi đã nghe từ lâu, trước khi tôi quyết định mình đến đó làm thiện nguyện. Và tôi đã ngăn cản bản thân mình đến đó làm những việc “vô ích”.
Nếu họ còn giữ đức tin, vì sao họ nỡ tâm kinh doanh trên số phận trẻ thơ? Hoặc chí ít cũng “lờ đi” để cho đối tác “hoạt động”. Sự chối quanh, sự bất nhất trong lời nói của trụ trì Thích Đàm Lan rõ ràng đã cho chúng ta nghi ngờ về đức tin thật sự của nhà sư đối với giáo lý nhà Phật. Nghi ngờ ấy càng tăng cao khi kết luận bước đầu của công an rằng ni sư Thích Đàm Lan không liên quan đến việc mua bán trẻ em tại chùa Bồ Đề.
Nếu họ còn giữ đức tin, họ nỡ lòng nào nhổ đi ngay que hương phật tử vừa cắm vào lư hương, trước khi khói hương đưa họ đến gần hơn với đức Phật? Khi “được nhắc nhở”, họ còn khùng lên, hẳn là chỉ chờ người ta trong tầm với để có thể “nói cho mà biết cái mặt”. Đã có lần tôi nói “các bác nương nhờ cửa Phật, càng phải tu tâm tích đức chứ”. Lời nói ấy là của đức Phật, nhưng có lẽ, nó đã rơi vào thinh không.
Nếu họ không còn giữ được đức tin ấy, liệu dân thường có còn niềm tin vào đức Phật, tin vào những người được coi là đại diện cho nhà Phật và quan trọng hơn, tin rằng giáo lý nhà Phật sẽ đưa họ đến một chân trời mới của sự sống?
Câu hỏi này đến giờ tôi vẫn chưa biết có ai, và khi nào, trả lời được không…

Còn đi Mỹ làm gì nữa?

Bài này mình nhớ đã đọc lâu lâu rồi. Giờ vô tình thấy lại. Post vào đây chia sẻ với mọi người và thỉnh thoảng gặm nhấm...

Op-Economica, 29-3-2013 — Xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Sina Weibo (Trung Quốc), bài viết này đã nhận được hàng chục ngàn chia sẻ và bình luận. Nội dung tưởng như châm chích cười cợt nước Mỹ như một quốc gia ngu ngốc, sơ khai và ngây ngô, nhưng thực ra lại là lời phê phán sắc sảo, sâu cay, trào phúng về chính Trung Quốc!
Trang Tea Leaf Nation đã trích dịch, biên tập lại những phần đinh nhất của bài viết nói trên. Sau đây là bản chuyển ngữ của Nguyễn Đại Hoàng:
Tôi có thời gian qua Mỹ khá lâu. Và nói thật đến giờ này tôi vẫn còn thấy hối hận vì sự lựa chọn đó! Truyền thông phương Tây đã khiến chúng ta mê muội rằng Hoa Kỳ là một xứ sở hiện đại! Tôi đã từng ôm giấc mộng được học tập ở đó, đã tìm mọi cách tới được cái xứ sở siêu cường đó.
Nhưng than ôi những gì tôi chứng kiến là rất đáng thất vọng!
1. Công nghiệp
Nước Mỹ thật ra chỉ là một làng quê khổng lồ chậm phát triển!
Hồi trung học, chúng ta đã được dạy rằng, công nghiệp càng phát triển bao nhiêu thì môi trường càng bị xâm hại bấy nhiêu.
Chúng ta biết rằng một thành phố công nghiệp tất phải có nhiều ống khói, nhiều nhà máy và khói bụi khắp nơi. Đó là biểu tượng của sự công nghiệp hóa! Thế mà ở tại xứ Cờ Hoa này, tịnh không có một cái ống khói nào! Họa hoằn lắm mới thấy một vài cái nhỏ tí ti để trang trí nhà cửa thôi!
Và ở Mỹ bạn cũng chỉ thấy toàn sông hồ trong sạch thôi. Chả tìm đâu ra những nhà máy giấy, nhà máy luyện thép bên bờ sông! Không khí trong lành thanh khiết này là dấu hiệu của một xã hội sơ khai chứ gì nữa! Chả có dấu vết gì của công nghiệp hóa cả!
2. Kinh tế
Người Mỹ hầu như không biết làm kinh tế! Bạn biết đấy, nước họ có cơ man nào là xa lộ tỏa đi mọi hướng, vươn đến mọi làng mạc xa xôi, thế mà tịnh không thấy một trạm thu phí nào! Thế là mất toi cả núi vàng!
Ước gì tôi có thể xây dựng vài cái trạm thu phí nhỉ! Chắc chắn non tháng đã gom đủ tiền mua được cả tòa lâu đài trông ra Đại Tây Dương ấy chứ!
Hai bên xa lộ còn những cụm hồ hoang sơ tĩnh lặng. Thế mà chính quyền cứ để mặc cho lũ chim trời cá nước thỏa sức vẫy vùng, không nghĩ đến việc xây dựng vườn cảnh để thu lợi. Người Mỹ rõ ràng là không có đầu óc kinh tế tí tẹo nào!
3. Xây dựng
Trình độ xây dựng của người Mỹ còn sơ khai lắm. Ngoài một số ít tòa nhà chọc trời tại các thành phố lớn, tôi dám chắc bạn rất ít gặp những công trình bê tông ở nước Mỹ. Nhà của người Mỹ thường làm bằng gỗ và vài thứ vật liệu khác.
Thử nghĩ mà xem, đến giờ này mà gỗ vẫn còn được dùng để xây dựng nhà cửa, thì có thể nói là trình độ kiến trúc của ngoại bang này còn thua xa trình độ của triều đại nhà Thanh xưa kia ấy chứ!
4. Văn hóa
Người Mỹ có cách suy nghĩ thật là lạc hậu và khờ khạo.
Hồi mới tới Mỹ, tôi thuê một xe chở hành lý giá 3 đô la. Nhưng tôi lại không có tiền lẻ. Một người Mỹ liền trả dùm tôi 3 đô la đó, và thấy tôi lỉnh kỉnh đồ đạc nên còn giúp mang lên xe nữa! Người Mỹ cũng luôn sẵn sàng mở cửa giúp tôi và hỏi tôi có cần giúp đỡ gì không? Thế đấy!
Ở nước ta, mấy chuyện này chỉ có vào thời Lôi Phong tức là vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước thôi – còn bây giờ lối cư xử đó quá ư lạc hậu (Lôi Phong là một thanh niên mà thời Mao thường nhắc tới như một tấm gương về đạo đức).
Hồi đó người ta chuộng lối sống “đạo đức giả” nhưng bây giờ chúng ta không như vậy nữa. Bây giờ chúng ta nên sống thực dụng trần trụi, đó mới là hiện đại chứ! Tư duy của người Mỹ lạc hậu hơn chúng ta hàng mấy thập kỷ, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể bắt kịp chúng ta cả!
5. Ẩm thực
Người Mỹ làm như không biết thưởng thức thịt thú rừng.
Một đêm nọ, tôi cùng các bạn cùng lớp lái xe đi đến một thành phố khác, thình lình có mấy con nai nhảy xổ ra. Anh bạn tôi lập tức phanh lại và bẻ sang hướng khác để tránh. Ai cũng biết tai nạn loại này có thể làm hỏng cả chiếc xe. Thế mà chính quyền đành bó tay không biết phải xử lý tụi thú hoang này như thế nào cơ đấy!
Người Mỹ làm như cũng không biết ăn thịt thú rừng, thậm chí không có nhà hàng nào bán thịt thú rừng, họ chả thiết đến loại thịt thú rừng thơm ngon bổ như hươu nai, và cũng chả thiết lấy sừng bọn thú này để kiếm bộn tiền! Người Mỹ vẫn sống cùng những con thú hoang dã đó, thậm chí còn đưa ra những biện pháp để bảo vệ chúng. Quả thật đó là một xã hội còn quá sơ khai!
6. Phong cách
Người Mỹ làm như không biết tự trọng!
Các giáo sư Mỹ không quan tâm nhiều đến bề ngoài, họ không hề có cái gọi là phong thái bác học. Giáo sư D chẳng hạn, là một giáo sư tâm lý học cực kỳ nổi tiếng thế mà giờ nghỉ ông ấy cũng thường ăn bánh bích quy với sinh viên trong văn phòng của mình, và bàn tán xôm tụ với họ về bộ phim 21, hay về minh tinh Trung Quốc Chương Tử Di! Ông cũng không có phong cách uy nghi của một nhà bác học, và điều đó làm tôi thất vọng ghê gớm!
Các nghiên cứu sinh sau tiến sĩ cũng không bao giờ ghi hai chữ Ph.D. lên danh thiếp của mình. Họ thậm chí cũng không biết cách thể hiện vị thế của mình. Thành ra những người học những ông thầy như vậy nếu trở thành những quan chức thì làm sao biết cách đi đứng nói năng cho đúng bộ lệ đây!
Còn ở Trung Quốc, giờ đây các công chức dường như rất biết cách để thu hút sự kính trọng của dân chúng, thậm chí đến cả vị giám đốc của một cơ quan tầm tầm ở Trung Quốc có khi còn uy thế hơn cả Tổng Thống Mỹ cơ đấy! Một công dân hạng ba của Trung Quốc có khi còn xa một công dân hạng nhất của Mỹ là vậy!
7. Học đường
Học sinh tiểu học Mỹ chả có lý tưởng cao xa gì sất.
Chúng không hề có ý định đi học để trở thành ông này bà nọ trong chính quyền! Không hề có học đường nào dành cho chủ tịch, bí thư, ủy viên tương lai, như tôi đã từng thấy hồi còn nhỏ ở quê nhà. Các em không có bài tập về nhà. Bài tập về nhà kiểu như các học sinh Trung Quốc là khá xa lạ ở Mỹ.
Trường học ở Mỹ chú trọng đến đạo đức, trước hết để giúp cho các đứa trẻ trở nên những công dân có đủ tư cách, sau đó mới tính đến chuyện lý tưởng lâu dài. Trở thành công dân có đủ tư cách ư? Một quan niệm nghe mới cổ hủ làm sao !
8. Y tế
Người Mỹ làm lớn chuyện một cách kỳ cục khi có bệnh.
Đầu tiên họ đi bác sĩ khám bệnh, rồi bác sĩ kê toa. Rồi cầm toa đó đi mua thuốc, mua xong còn phải nghe dược sĩ hướng dẫn sử dụng… ôi chao mọi việc chẳng thể nhanh gọn như ở Trung Quốc… Tôi chả hiểu tại sao ở Mỹ lại phân biệt việc khám bệnh với việc bán thuốc… Mà lẽ ra nên tách rời lợi nhuận với trách nhiệm!
Rõ ràng là các bệnh viện ở Hoa Kỳ không biết kiếm tiền mà! Sao lại phải nói tên thuốc cho bệnh nhân biết chứ?… chỉ có như vậy họ mới độc quyền bán thuốc với giá cao gấp cả chục lần cơ mà! Có quá nhiều cơ hội làm ăn béo bở thế mà họ không biết khai thác, rõ ràng kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa ở Mỹ chết rồi!
9. Báo chí
Ý kiến của công chúng Mỹ thật chả ra làm sao!
Đôi khi tôi hoàn toàn mất kiên nhẫn với sự ngu dốt và khờ khạo của người Mỹ. Chẳng hạn khi họ biết Trung Quốc có đài truyền hình và báo chí, họ đã hỏi tôi một câu ngu dốt như thế này: Hóa ra Trung Quốc cũng có báo chí à? Nghe mà bực!
Chúng ta có những tờ báo tiếng Trung được Bộ Truyền Thông cho phép ấn hành sau khi đã rà soát một cách cẩn mật đấy chứ. Báo của chúng ta toàn là những bài ca tụng lên mây cả, có đâu như báo Mỹ, công chúng đóng góp phê bình loạn cả lên, thậm chí còn dám “chửi” cả tổng thống nữa cơ đấy!
Báo chí chúng ta đâu có chuyện công khai mấy vụ bê bối của quan chức, bởi nếu cứ tung hê lên thì sau này ai mà muốn làm lãnh đạo nữa chứ!
10. Tâm linh
Người Mỹ có đời sống tinh thần hết sức vô vị nhạt nhẽo.
Tôi chả hiểu tại sao trước mỗi bữa ăn họ lại lẩm bẩm mấy câu thánh nghe hết sức khờ khạo: Cầu Chúa phù hộ nước Mỹ.
Thật là buồn cười quá đi: Nếu Chúa phù hộ nước Mỹ thì làm sao lại để nước Mỹ lạc hậu, sơ khai, đơn giản đến thế này? Cầu Chúa có ich lợi gì chứ? Thực tế nhất là bạn nên dành thời gian đó để đi lễ thủ trưởng!
Đó mới đúng là hiện đại chứ lỵ!
11. Lối sống
Người Mỹ chả có khái niệm về thời gian .
Bất luận chuyện lớn chuyện nhỏ, người Mỹ đều ngoan ngoãn đứng vào hàng chờ đợi … Còn người Trung Quốc chúng ta – như bạn biết đấy – khôn hơn nhiều!
Bất kể đám đông như thế nào, chúng ta vẫn có kỹ năng chen lấn, điều này giúp tiết kiệm thời gian, và tránh được sự mệt mỏi khi đứng chờ !
Nếu ai đó biết đi cổng sau thì kết quả tiết kiệm thời gian còn tuyệt hơn nữa.
Thế mà những người Mỹ lẩm cẩm lại không biết đến những điều hay ho đó cơ chứ!
12. Mua bán
Những cửa hàng ở Mỹ có một phong cách buôn bán hết sức vô lý: bạn có thể trả lại hàng vài tuần sau khi mua về mà thậm chí cũng không cần nêu lý do. Ở ta thì làm gì có chuyện cho đổi hàng mà không hò hét quát tháo nhau ra trò chứ!
13. An toàn
Nước Mỹ không an toàn! Tôi nói điều này bởi có tới 95% nhà dân không cần tới lưới chống trộm, và điều kỳ lạ này nữa là: chả biết mấy tên trộm đi đâu hết rồi nhỉ?
14. Giao thông
Người Mỹ sao mà nhút nhát và yếu đuối quá vậy không biết!
Tôi nói điều này cũng bởi có tới 95% tài xế không dám vượt đèn đỏ!
Và mặc dầu 99% dân Mỹ có xe hơi, vậy mà cách lái xe của họ thật lạ: bao nhiêu là xe cộ lưu thông nhưng không mấy khi nghe tiếng còi xe, phố xá vì thế vắng lặng đến nỗi cứ ngỡ không phải là phố xá nữa, làm sao mà bì được phố xá ồn ào náo nhiệt ở Trung Quốc cơ chứ!
15. Tình cảm
Người Mỹ rất là thiếu cảm xúc.
Có tới 95% nhân viên không nghĩ tới việc phải làm gì cho tiệc cưới của sếp, họ chẳng bao giờ phải vắt óc tìm ra lý do để chăm sóc sếp của mình. Ở Trung Quốc liệu có ai điên đến mức bỏ qua cơ hội chăm sóc sếp của mình không? Nói cách khác, có ai dám làm điều đó không? Hãy xem, người Trung Quốc chúng ta có biết bao nhiêu là tình thương mến thương với lãnh đạo!
16. Nhạy bén
Người Mỹ không nhạy bén chút nào!
99% người Mỹ đi học, đi làm, thăng quan tiến chức, mà không hề biết sự cần thiết của “phong bì” để có thể mở ra một cánh cửa … sau!