Thời chống Mỹ, quê tôi chưa có điện để thắp sáng. Mỗi chập tối, anh em tôi phải đổ dầu và lau sạch bóng đèn. Nhiều khi không có dầu hỏa nên đành dùng dầu ma dút, ánh sáng vừa tối vừa vàng lại nhiều muội đèn. Vì mẹ kèm rất chặt nên anh em tôi phải làm xong bài mới được đi chơi nếu không quá khuya. Mỗi khi làm xong các công việc trong ngày thì mẹ tôi hay vừa đan len vừa đọc sách trong cái ánh sáng đèn dầu ấy. Mẹ tôi đan áo len rất đẹp nên có nhiều người mang len đến nhờ đan áo. Mẹ không nhận thù lao nhưng không thể từ chối được những món quà vườn nhà như quả mít, nải chuối. Nhà tôi có rất nhiều sách mà phần lớn là do bố tôi mang về hoặc gửi các chú trong đơn vị về phép qua nhà tôi. Đây cũng là một cách thể hiện tình yêu của bố đối với mẹ vì mẹ tôi rất ham đọc sách. Những ngày mùa bận rộn, khi đám trẻ con hàng xóm phải ra đồng giúp đỡ gia đình thì mẹ cấm anh em tôi chạy long nhong ngoài đường (vì nhà tôi không làm nông nghiệp). Những khi ấy thì anh em tôi đành mang truyện ra đọc. Thế rồi những trang sách ấy cuốn hút tôi đến mức tôi luôn mang chúng theo và đọc trộm trong lớp ở những giờ học mà tôi không thích.
Trước cuộc cải tạo công thương ở miền Bắc thì gia đình ông ngoại tôi rất khá giả. Mẹ tôi là con cả nên được ăn học và giáo dục khá toàn diện. Ở nông thôn nhưng mẹ tôi rất giỏi nữ công gia chánh và biết cách ứng xử khéo léo với mọi người. Thủa bé anh em tôi rất thích những ngày chủ nhậ . Ngày thường thì anh em tôi phải nấu cơm nhưng chủ nhật thì mẹ ở nhà và tự tay nấu nướng. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Cá cua đồng nội, rau quả củ trong vườn khi qua tay mẹ thì đều trở thành những món ăn ngon tuyệt. Mẹ chỉ bảo rất cặn kẽ nhưng chỉ có anh cả và cô em út của tôi là học được. Tôi thì thích ăn ngon nhưng nấu ăn thì rất dở.
Một trong những việc cả nhà rất thích làm vào ngày chủ nhật là nấu nước gội đầu. Mẹ bắc lên bếp một xoong nước to và anh em tôi lăng xăng hái bạc hà, hương nhu, lá chanh, lá xả và nướng bồ kết. Mẹ gội đầu cho từng đứa chúng tôi. Nhiều năm sau, hương bồ kết, hương chanh, hương xả vẫn phảng phất theo tôi qua những chặng đường đời. Và tôi vẫn còn có thể rưng rưng mỗi khi nhớ lại những ngày chủ nhật của cái thời thơ bé ấy.
Trong những ngày lang bạt nơi xa, có đôi lúc tôi tự so sánh mình với đám bạn bè cùng quê, cùng lứa. Và tôi thầm biết ơn mẹ, biết ơn những trang sách xưa đã giúp cho sự hiểu biết của tôi vượt qua lũy tre làng.
Tôi đã từng có lần rất xấu hổ khi một người bạn đồng hương cố tình giới thiệu tôi và nó là người thành phố. Tại làm sao mà phải làm như vậy? Có ai có thể chọn cha mẹ và nơi mình được sinh ra? Nếu xét về mặt con người thì lẽ nào những người dân quê tôi lại thua kém đồng bào mình ở nơi thành phố?
0 comments:
Post a Comment