Tôn giáo: niềm tin hay vị thế?

Đã mấy năm rồi, có chị bạn thuyết phục tôi theo đạo Thiên Chúa, nhưng tôi từ chối. Tôi bảo "Chị chưa đủ thuyết phục em". Ngày ấy, đã ngồi viết đôi lời về tôn giáo, nhưng lại xóa đi. Đêm qua, ngồi nghe thằng bạn truyền giáo cũng về đạo Thiên Chúa, mà cụ thể là Tin lành, suốt gần 4 tiếng đồng hồ, tôi mới hiểu thêm vì sao những lời truyền giáo không đủ mang niềm tin đến cho mình.
Churlsoon, một chàng công tử bột suốt ngày chỉ biết tàn phá tiền bạc của bố mẹ, đã phải nhờ đến Chúa để cứu rỗi, phụng sự Chúa để sống tốt hơn, có bản lĩnh hơn. Với nó, Chúa là đấng tối cao, đủ yêu thương để chở che nó trong cuộc đời này. Nhưng cái cách nó tôn thờ Chúa, tôn thờ tôn giáo ấy, cũng như bà chị bạn kia, đã để lại nhiều lỗ hổng mà tôi thấy chưa phục. Ví dụ thế này:
1. Để thuyết phục rằng Thiên chúa giáo mới là đúng, cả hai người không ngân ngại so sánh, chê bai các tôn giáo khác, cụ thể là đạo Phật (vì mình nói nhiều người Việt Nam không theo tôn giáo nào chính thức, nhưng tuân thủ một số nguyên tắc cơ bản của đạo Phật). Mình nhớ bà chị kia trước đây nói với mình "Phật không có thật. Phật là nhân vật tưởng tượng. Nhưng Chúa thì có thật". Thằng bạn mình thì nói "Phật là con người. Còn Chúa là quyền năng siêu nhiên, từ thiên nhiên. Con người không thể có quyền năng siêu nhiên. Con người mãi chỉ là con người, và không thể chỉ dẫn cho con người. Nhưng Chúa thì có, vì Chúa có quyền năng ấy. Chúa đã tạo ta Edam và Eva, và đó là điểm bắt đầu của loài người". Như vậy, bản thân 2 lời nói đã không thống nhất. Hơn nữa, các con chiên của Chúa đều tin rằng Đấng tối cao (là Chúa, không nhìn thấy được, không sờ thấy được, không hiện hữu) sinh ra con người, và trải qua thời gian, con người vẫn thế, không phát triển gì cả. Họ phản bác Thuyết tiến hóa của loài người, rằng con người tiến hóa từ loài vượn. Họ nói "Tại sao vượn biến một lúc thành người ngay, mà không có hình thái nào nằm giữa loài vượn và loài người? Tại sao từ bấy đến nay không còn con vượn nào biến thành con người nữa?". Theo mình nhớ mang máng những gì đã học, loài vượn tiến hóa thành loài người phải trải qua thời gian khá dài, và có sự tiến hóa dần, từ 4 chân thành 2 chân, lông rậm rạp ngắn lại, cơ mặt thay đổi, ngôn ngữ thay đổi. Đương nhiên, cũng có lý thuyết cho rằng sự tiến hóa của loài người không phải bắt đầu từ loài vượn, hình như nổi lên đâu đó hơn chục năm, nhưng cho đến giờ vẫn chưa đủ thuyết phục giới khoa học. Như vậy, có thể nói, các con tin của Chúa đã cố gắng dùng lý luận để phản bác khoa học, nhưng lại tin vào sự tồn tại một đấng siêu nhân không dựa trên lý luận nào. Ngay bản thân hình ảnh Edam và Eva cũng không ai nhìn thấy, chỉ nằm trong trí tưởng tượng mà thôi.

2. Churlsoon nói đúng ra, không được phép goi Thiên Chúa giáo. Nó nằm trên tôn giáo. Và Kinh thánh luôn đúng. Vì nó được viết từ ngày ra đời, cách đây xa rất xa, và không thay đổi. Còn những tôn giáo khác đều do con người tự sáng tạo ra, và có nhiều phiên bản thay đổi theo thời gian. Như vậy, chỉ có Kinh thánh mới có gốc rễ. Khi mình hỏi "Thế ai viết Kinh thánh?", nó bảo "Con người, nhưng không phải tự thân con người viết, không phải họ viết dựa trên trí óc của họ. Mà con người chỉ cầm bút viết ra những gì Chúa ban phước cho họ quyền được viết". Với mình, vì Chúa không nhìn thấy được, nên Kinh thánh chỉ dừng lại ở chỗ con người viết mà thôi. Thế thì, Phật pháp cũng do Thích Ca viết (cũng là con người). Kinh Coran của đạo Hồi cũng do Allah viết (cũng là con người). Vậy thì có gì khác nhau về giá trị của mỗi khung giá trị ấy? Hơn nữa, Cơ đốc giáo (Christian) cũng sản sinh ra nhiều phiên bản khác nhau, chủ yếu là Thiên Chúa giáo (hay Công giáo, hay Catholic) và Đạo Tin lành (Protestant). Bản thân đạo Tin lành cũng sinh ra một số nhánh nhỏ hơn (chắc Thiên Chúa cũng thế, nhưng mình không nắm rõ). Vậy thì, rõ ràng Kinh thánh viết cho Thiên Chúa giáo hay Tin lành phải có sự khác nhau, hay giữa những nhánh nhỏ của Tin lành cũng phải có sự khác nhau. Điều đó chứng tỏ, còn đâu nguyên bản khung giá trị mà (cứ cho là) những người đầu tiên được Chúa ban phước viết Kinh thánh? Bản thân Churlsoon cũng theo đạo Tin lành, được tách ra từ Thiên Chúa giáo, mà khung giá trị có một cơ số điểm khác với Thiên Chúa.
3. Churlsoon bảo, nó tin vào Chúa, vì chỉ có trong Kinh thánh mới nói đến thiên đàng và địa ngục. Và Chúa chở che các con chiên sống sao cho tốt để khi cuộc đời này kết thúc sẽ được lên thiên đàng. Như vậy, mỗi con chiên đều nhìn thấy trước cuộc đời tiếp theo mà họ đang sống. Các tôn giáo khác không làm được điều này. Churlsoon nghe nói với đạo Phật, sau khi chết đi, con người sẽ hóa thành con vật. Vậy chả lẽ con người lại muốn hóa thành con vật sau khi chết đi? Hay như với đạo Hồi, nếu phụng sự thánh Allah và sống tốt, sau khi chết, con người được hưởng cuộc sống vĩnh hằng với đầy đủ vật chất và tinh thần (đoạn này mình nghe không rõ lắm, và cũng không mất công tìm hiểu thêm qua sách vở). Churlsoon nhận định, với các tôn giáo ngoài Thiên chúa, con người không biết trước được tương lai, điều đó không tạo nên sức mạnh của tôn giáo. Và, quan trọng hơn, chỉ có người Thiên chúa, khi chết, mới được lên thiên đàng. Tất cả những người không thuộc Thiên chúa, khi chết, đều xuống địa ngục. Phật giáo có nói đến địa ngục và thiên đàng không, mình không rõ (và đang hỏi một bạn nghiên cứu sâu về Phật pháp, sẽ bổ sung khi có câu trả lời). Nhưng mình biết, theo đạo Phật, con người cố gắng sống tốt (tự bản thân mình, chứ không phải dựa vào sức mạnh của Chúa) để kiếp sau phần hồn được siêu thoát, cũng có nghĩa là, sẽ được đầu thai vào kiếp mới tốt đẹp hơn. Nếu phần hồn không siêu thoát, cứ níu lại với phần xác, thì sẽ loanh quanh bể khổ, bị hóa kiếp thành con vật, con người hay cái gì đó khác với cuộc sống tiếp theo đầy cam go. Như vậy, có thể không phân biệt rõ thiên đàng và địa ngục, nhưng đạo Phật cũng đưa đến những nguyên tắc tương tự, để thúc đẩy con người sống tốt ở cuộc đời hiện tại. Và, rõ ràng, đạo Phật đề cập đến kiếp luân hồi, đến sự tái tạo cuộc sống liên tục, chứ không phải chỉ hai kiếp người như ở Thiên chúa giáo (theo lời Churlsoon nói) hay đạo Hồi (cũng theo bạn này nói). Thêm một điều nữa, dù phụng sự tôn giáo nào, cũng có những con chiên tốt, và những con chiên xấu. Ngay bản thân anh chàng Churlsoon trước đây cũng là người nổi loạn, đi học thì trốn tiết, không tốt nghiệp được, ăn chơi sa đọa, sex vô lối. Tất nhiên theo anh, anh đã "hoàn lương" nhờ niềm tin và tình yêu của Chúa. Nhưng, rõ ràng (dù tôi không làm nghiên cứu bao giờ) cũng có những con chiên xấu đến cuối đời. Vậy là, có sự nghịch lý ở đây. Xấu thì làm sao mà lên thiên đàng được, trong khi Churlsoon khẳng định, chỉ có con chiên Thiên chúa giáo mới được lên thiên đàng. Còn ở đạo Phật, cũng có nhiều cuộc đời kết thúc với phần hồn được siêu thoát, trong số đó có vợ một người đồng nghiệp mà mình được chứng kiến. Về cơ bản, chị là người sống tốt. Mình nói về cơ bản vì dĩ nhiên không tiếp xúc nhiều, nhưng đồng nghiệp ở cơ quan kể lại thì cũng có thể hình dung ra đôi phần. Chị mất vì ung thư. Khi chị trút hơi thở cuối cùng, người chị lạnh và cứng. Thế nhưng, anh chồng (là đồng nghiệp của mình), đã cùng các con, sư thầy và họ hàng niệm "A mô di đà Phật" cho chị suốt 8 tiếng đồng hồ không nghỉ. Và người chị ấm trở lại, hồng trở lại. Dĩ nhiên chị không sống lại. Nhưng dường như hồn chị được siêu thoát. Tôi cũng không đồng ý với khẳng định của Churlsoon, rằng chỉ có con chiên của Thiên chúa mới nhìn thấy được tương lai sau khi cuộc đời này kết thúc. Theo tôi hiểu, liệu Churlsoon có chắc ngày mai, cậu ý làm được việc nào tốt, hay việc nào xấu. Liệu 10, hay 20 năm sau, hay những năm cuối đời, cậu ý có biết những thử thách mà Chúa ban cho cậu được hưởng. Và rồi, liệu cậu ấy có hoàn thành những thử thách ấy trước khi lìa cõi đời này? Nếu không, chắc có thể cậu ấy không được đánh giá là người tốt, và có thể không được lên thiên đàng. Dĩ nhiên, tôi không ám chỉ điều gì xấu, nhưng mọi thứ đều có thể xảy ra, và chẳng ai biết trước được nó. Nếu biết trước, tôi e rằng thế giới này luôn bình yên, đâu có chiến tranh, đâu có đổ máu, đâu cần nhà tù, đâu cần quân đội. Thậm chí, nếu Chúa yêu thương các con chiên của mình đủ lớn, có thể không còn phải cần đến chính quyền nữa ý chứ.
4. Churlsoon kể, ở đất nước nó, một đất nước với truyền thống đạo Phật, chỉ trong một gian ngắn, một lượng người vô cùng lớn đã chuyển đạo sang Thiên Chúa (hoặc Tin lành). Nó cho rằng, có lẽ, đó là bởi vì do trước đây, họ u mê trong bóng đêm của đạo Phật. Khi được tiếp xúc với Thiên chúa giáo, họ được mở mắt, được nhìn thấy nhiều điều đúng đắn hơn. Điều này hình như có vẻ báng bổ các tôn giáo khác quá. Tôi có người bạn, vẫn là con chiên của Chúa, nhưng hiếm khi đi nhà thờ. Anh bảo "Tao chả tin lắm". Hay một thằng bạn khác chuyển từ Thiên chúa giáo sang đạo Hồi, "vì tao thấy khung giá trị của đạo Hồi tốt hơn". Phải chăng, hai trong số hàng (trăm, vạn, ...) người chuyển đạo ấy đang tự nhắm mắt mình lại? Tôi hơi hoài nghi. Đa phần người Việt Nam không theo đạo. Vậy mắt họ đang nhắm, đang mở, hay bị mù? Cá nhân tôi cho rằng, về cơ bản, tôn giáo nào cũng dạy con người sống tốt đời đẹp đạo. Chỉ có con người không đủ quyết tâm để thực hiện đúng những lời răn dạy đó. Bất kể tôn giáo nào cũng có người tốt, kẻ xấu, cũng có những người lợi dụng tôn giáo để hành động vì lợi ích của bản thân mình. Với đạo Phật, tu tại tâm là điều quan trọng nhất. Tu là răn dạy bản thân mình, kiểm soát bản thân để làm những điều tốt, để kiếp sau được đầu thai một kiếp mới tốt đẹp. Phật không dạy các Phật tử nương nhờ Phật chở che, mà dạy họ tự tu thân tích đức. Luật nhân - quả tồn tại trong đạo Phật, cũng là cách Phật tử có thể nhìn thấy trước tương lai của mình, dựa trên hành vi và ứng xử của bản thân mình ở cuộc sống hiện tại. Điều này dường như khác với niềm tin mà Churlsoon (hay các con chiên khác) đặt vào Chúa. Theo anh chàng, mọi hành vi của con chiên đều do Chúa quyết định. Nếu là điều không tốt, hẳn là do Chúa muốn thử thách con chiên. Nếu ngược lại, hẳn là do Chúa ban phước lành. Và, dù trong hoàn cảnh nào, tốt hay xấu, cũng đều thể hiện tình yêu bao la của Chúa. Vì thế, trước mỗi sự lựa chọn, Churlsoon lại cầu nguyện hỏi Chúa, bằng cách tự đặt ra những điều kiện, nếu thỏa mãn các điều kiện đó, tức là Chúa ban phước lành, và anh chàng nên chấp nhận. Điều này có khiên cưỡng không, khi việc đặt ra các điều kiện cũng là từ anh, việc thực hiện các điều kiện cũng là anh, và việc kết luận các điều kiện có hoàn thành không cũng là anh. Đành rằng có thể Chúa ở đâu đó đang dõi theo anh, nhưng toàn bộ quá trình ấy là do trí óc của anh phát ra, biến thành hành động. Nhưng anh bảo, anh làm được như vậy (hoặc không làm được như vậy) là do Chúa, không phải do bản thân anh. Lấy một điều mơ hồ để phủ lên một điều rõ ràng, liệu có logic không? Anh chàng đưa ra nhiều ví dụ. Trước đây, anh bị một loại bệnh da liễu mà nếu cào nhẹ lên da, phần da đó sẽ đỏ ửng dễ đến nửa tiếng không hết. Bác sỹ bảo đây là loại bệnh cực hiếm, anh có thể phải chung sống vài năm, chục năm hoặc nhiều hơn thế với nó. Anh thất vọng. Rồi anh bỏ mặc. Khoảng một năm trở lại đây, hiện tượng đó không còn. Anh tin rằng Chúa yêu anh đủ nhiều để mang bệnh tật khỏi cơ thể anh. Giờ đây, anh đang bị tê ngón tay út, mất cảm giác. Anh cũng đi khám, cũng được cho thuốc, được băng bó, nhưng vài ngày không khỏi. Rồi anh cũng bỏ mặc, với niềm tin sắt son rằng Chúa sẽ giúp anh bỏ được căn bệnh ấy. Cá nhân mình thì luôn tin vào khoa học. Việc bệnh da liễu của anh tan biến hoàn toàn có thể do cơ địa anh thay đổi phù hợp, giúp quá trình lưu thông khí huyết, tái tạo tế bào phù hợp để làm mất đi triệu chứng đó. Còn cái ngón tay tê của anh đơn giản là vì hệ thống thần kinh bị ảnh hưởng, giờ chỉ đơn giản là ngâm nước muối để phục hồi tế bào thần kinh là được. Nhưng, dễ ai mà làm lung lay niềm tin của anh vào Chúa. Mình vẫn nhớ trong môn học Khí công, con người tồn tại được là do khí và huyết. Bào thai trong bụng mẹ sống nhờ khí và huyết của người mẹ. Khi ra đời, khí và huyết tự cân bằng, giúp cơ thể lớn lên. Khi một người bị ngã gãy xương tay, họ bó bột, không phải bột làm liền xương của họ (vì bột ở ngoài mà xương thì ở trong), nhưng bột cứng lại để cố định xương, còn khí và huyết của cơ thể ấy giúp tái tạo tế bào xương và giúp xương liên lại. Tôi tin vào logic đó, thay vì tin vào một đấng tối cao.
5. Dù Churlsoon không đồng tình, tôi cho rằng điều quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người là NIỀM TIN. Đó có thể là niềm tin vào năng lượng siêu nhiên. Đó có thể là niềm tin vào bản thân mỗi con người. Còn niềm tin, con người còn chỗ dựa để phấn đấu. Như trong tôn giáo, mỗi con chiên (hay Phật tử), nếu đủ tin vào năng lượng siêu nhiên mà mình thờ phụng, sẽ tự giác tuân thủ những khung giá trị của tôn giáo đó, mà như đã nói ở trên, tôn giáo nào cũng dạy con người ta sống tốt. Bỏ ngoài yếu tố tôn giáo, nếu mỗi người tin vào chính quyền đang phụng sự, thì họ chắc chắn sẽ làm theo những gì được chỉ bảo, sẽ cống hiến cho cái xã hội mà họ đang sống. Còn niềm tin là còn hy vọng. Còn hy vọng là còn phấn đấu. Còn phấn đấu là còn phát triển. Vũ trụ biến đổi không ngừng, đứng lại đồng nghĩa với kết thúc. Vì thế, niềm tin mới là điều quan trọng nhất.
6. Tôi bảo với Churlsoon, trái với những gì mà Churlsoon (hay bà chị bạn kia) so sánh để thấy Thiên chúa giáo mới là đúng, tôi thấy đạo Phật hình như chưa bao giờ đem nó ra so sánh với các tôn giáo khác (hoặc chí ít tôi chưa nghe thấy bao giờ). Đạo Phật hướng vào tâm mỗi con người, răn dạy mỗi con người phải lấy mình làm tâm vũ trụ, điều chỉnh sao cho luôn đạt điểm cân bằng. Bản thân tôi, dù tiếp xúc với nhiều bạn bè từ các tôn giáo khác nhau, cũng chưa bao giờ so sánh các tôn giáo với nhau. Đơn giản, bởi vì, với tôi, dù xuất phát từ tôn giáo hay không, con người cũng đều cần sống tốt. Nếu ai cũng xác định được điều đó, thì có phụng sự tôn giáo nào hay không cũng không hề quan trọng. Tôi tôn trọng mọi tôn giáo. Tôi tôn trọng mọi cá thể. Tôi tôn trọng sự khác biệt. Tôi lắng nghe, quan sát để học hỏi để hoàn thiện bản thân. Bởi vì, tôi chỉ cần sống tốt. Và tôi không cần khẳng định VỊ THẾ của bản thân mình, cũng như của bất kỳ tôn giáo nào.

Chí ít, tôi vui vì nhờ có niềm tin vào Chúa (hay tôn giáo), anh bạn Churlsoon đã trở thành một người tốt. Tôi cũng vui vì Churlsoon nói, vì quý tôi, nên Churlsoon không muốn cuộc sống kiếp sau của tôi lại ở dưới địa ngục (theo Kinh thánh, vì tôi không phải con chiên Thiên chúa), và vì thế, anh chàng mới cố gắng sẻ chia để tôi tin vào Chúa, để cuộc sống mới của tôi được tốt hơn. Dù gì đi chăng nữa, tôi đã có thể nói mình đúng là có thêm một người bạn, biết nghĩ cho mình bên cạnh bản thân anh ấy.

Nhật ký đi học (Phần 4)

Quá nhiều lần định viết tiếp, mà không đủ thôi thúc để dành tâm trí cho nó. Nhưng hôm nay thì khác. Dù còn rất nhiều bài đọc và 2 bài viết quan trọng, mình quyết tâm mở nó ra, ...và viết.
ANDY
Andy là người được chương trình gọi muộn như mình. Nhưng nó may mắn là người Philippines, nên được ưu tiên vào học luôn, được đánh giá cao về tiếng anh (vốn là ngôn ngữ chính thức của Philippines). Trông nó xương xẩu, thậm chí còn bị gọi là "hãm". Nó là tín đồ trung thành của Thiên Chúa giáo, đến nỗi lúc mới kết bạn trên facebook, mình từng phì cười khi thấy hầu như ngày nào nó cũng buông vài lời cầu nguyện trên đó. Riết rồi mình cũng không mấy khi đọc status của nó. Nhưng nó là đứa rất mở lòng với mình. Hôm đầu tiên gặp nó trên lớp, nó chủ động gợi ý giúp đỡ mình, chỉ cho mình những người mình có thể nhờ giúp đỡ. Nó rất chia sẻ, cảm thông với mình khi mình gặp nhiều điều không như ý ở Philippines. Chỉ thiếu điều mình nói với nó "Tao ghét Philippines" vì mình thấy nó khá tốt bụng. Thằng bé động viên mình rất nhiều, và luôn nói "Hãy gọi tao nếu mày cần". Với mình, nhiêu đó cũng đủ để mình thấy "có thể tin được".
Nhưng Andy cũng là thằng rất tính toán, và nó đôi khi khá gay gắt trong tài chính. Nhớ lần đi chơi cùng nó, 4 đứa phải trả 50$ cho taxi, nhưng có đứa trả $, có đứa trả colones (tiền Costa Rica). Andy thì cho rằng bác tài đã "móc" của nó 10$, còn con bé Rayan thì khó chịu vì Andy tính sai mà lại cứ đứng cãi nhau với bác tài. Đôi bên giằng co đến 15', rồi thì vì ngôn ngữ bất đồng, nên Andy bỏ, nhưng trên đường về, nó vẫn ấm ức mãi. Đó cũng là một đức tính mà nhiều đứa không thích Andy.
Andy là đứa mê selfie. Nó hơi có thiên hướng feminine (nữ tính). Mỗi lần chụp, hình như nó đều không an tâm nếu máy chụp là của người khác, hoặc chỉ chụp một kiểu. Lần nào nó cũng nằng nặc phải back up bằng máy của nó nữa. Và tự chụp các tư thế khác nhau. Và dĩ nhiên, nó rất tự hào với những bức ảnh bản thân chụp. Nhưng nó không thấy thoải mái, thậm chí tỏ ra khó chịu, với những đứa lấy ảnh nó chụp rồi tự post lên facebook. Nghe nó than phiền thế này mà mình thấy buồn cười "Tao không thích đứa khác lấy ảnh tao chụp để post lên facebook của nó đâu nhé. Đó rõ ràng là ảnh của tao. Nhưng nó post lên như thể là ảnh của nó. Rồi người ta khen nó chụp đẹp, trong khi thực chất người chụp là tao. Như ảnh này (ví dụ 1 ảnh chụp Andy) chẳng hạn, tao thích lắm ý, dĩ nhiên là do JR chụp tao, nhưng ý tưởng của tao, thế mà nó post lên trang của nó, như thể là ảnh của nó vậy". Mà nó không chỉ nói thế với mình. Sau đó khi tham dự sinh nhật một đứa cùng lớp, nó cũng phải cố tình nói điều ấy ra với mọi người. Với mình, Andy không sai khi nói điều đó, nhưng hơi quá. Mình luôn tôn trọng người khác. Khi mình chụp cho người khác, mình luôn gửi ảnh cho họ, để họ tự quyết định có "khoe" ảnh hay không. Nếu mình sử dụng ảnh do người khác chụp, mình cũng luôn muốn họ biết trước. Nhưng mình cũng không quá quan tâm nếu họ sử dụng ảnh do mình chụp (tất nhiên, trừ phi đó là ảnh về mình, và nhạy cảm). Hay mình có tuổi rồi nên nghĩ "thoáng hơn" thì phải.
Andy cũng là một đứa thích "ghi điểm". Tuần trước nó mượn mình bộ áo dài cho một đứa đồng hương mà nó gặp ở Costa Rica mặc nhân ngày văn hóa (một ngày lễ truyền thống của Costa Rica mà mỗi người trong trường học được khuyến khích mặc trang phục truyền thống của một đất nước nào đó). Tuần này khi người đó trả, có kèm theo một món quà nhỏ tặng mình thay lời cám ơn, nhưng lại đưa qua một đứa khác ở chung với mình (mà đứa đó vẫn chưa đưa cho mình), nó đến nhà mình và rất thắc mắc vì sao đứa kia chưa trả mình. Mình cũng hơi ngạc nhiên, chỉ bảo "không sao, lúc nào nó trả tao cũng được". Nhưng rồi sau mới biết là có món quà kèm theo đó, và Andy muốn chụp ảnh mình nhận món quà đó để phản hồi cho đứa đồng hương của nó. Nó là đứa "đao to búa lớn", hay nó bị ảnh hưởng bởi tôn giáo, mình cũng không rõ nữa. Có một điều mình và mấy đứa Việt Nam đều nhận thấy rõ, những người theo Thiên Chúa giáo như Andy thường sùng đạo một cách "hơi quá". Họ luôn phải tỏ ra cho mọi người thấy với họ, Chúa quan trọng thế nào, Chúa mang cho họ cuộc sống tốt đẹp ra sao. Hôm nay, mình cũng nhân dịp nói chuyện với Andy mà nói với nó thế này "Người Việt Nam thường không theo tôn giáo nào, nhưng có một số nguyên tắc cơ bản của đạo Phật mà hầu hết mọi người đều theo. Người Việt thường nói "Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tại chợ, thứ ba tại chùa". Người Việt thường đi chùa, nhưng không nhất thiết phải đi chùa mới thể hiện lòng thành với Phật. Quan trọng nhất là trong tâm mình tin vào những lời răn dạy của đức Phật. Đó có thể là điều khác biệt cơ bản với đạo Thiên Chúa".
Andy thường rất tự hào những gì nó có hay thuộc về nó. Nó tự hào về đất nước Philippines (dù mình thấy có vô khối những điều mình thấy không yêu quý đất nước và con người nơi đây). Nó tự hào về tôn giáo mà nó theo đuổi. Nó nói với mình "Tao và Churlsoon tin vào những điều khác nhau. Tất nhiên tao tôn trọng nó. Nó theo đạo Tin lành. Nhưng đạo Thiên Chúa của tao mới là đạo gốc". Đương nhiên, mày không muốn tôn trọng cũng không được. Andy còn tự hào về chính bản thân của nó. Dù cho đánh giá của thày cô về nó cũng không phải là quá ấn tượng. Nó bảo mình "Điểm của tao khá thấp. Chắc là bởi vì lý lẽ của tao chưa chặt chẽ lắm. Nhưng tao vào muộn, tao phải đuổi theo chúng nó nên tao mới thế", hay "Tao không tham gia vào cuộc thi tìm kiếm luật sư vì tao được thông báo muộn hơn chúng nó, mà tao phải dành rất nhiều thời gian cho nó, trong khi đó, nếu trúng, tao có thể được miễn học một môn về nhân quyền, mà tao lại không hề muốn bỏ môn đó". Đại loại thế.
Hôm nay Andy hỏi "Mày chơi thân với ai trong lớp, trừ người Việt?". Mình bảo "Chả có ai". Nó hỏi "Sao mày không coi tao là người chơi thân?". Thì quả thực, nó là người rất mở lòng với mình. Nó cũng hay nói chuyện với mình. Nhưng với mình, "thân" cần nhiều hơn thế. Ngày xưa, mình sôi nổi bao nhiêu, giờ trầm bấy nhiêu. Mình dường như cũng không thấy mặn mà với việc kết thân với ai. Và với mình, điều này hơi xa xỉ. Có lẽ, cuộc đời đã cho mình nhiều trải nghiệm về bạn bè, về khái niệm thế nào là "bạn thân". Và, mình không vội vàng tìm bạn thân bằng mọi giá.
Có thể Andy còn nhiều điều mà mình chưa biết. Nhưng những gì đã biết cho thấy Andy có thể là tuýp người Philippines đặc trưng. Dù sao, cũng cảm ơn nó vì đã coi mình là bạn, và luôn sẵn lòng giúp đỡ nếu mình cần. Thêm một người bạn, chẳng phải tốt hơn sao?