Bụi mịn ở Việt Nam và cách chống

Bụi mịn là hạt dạng lỏng hoặc rắn trôi nổi ngoài không khí, được ký hiệu là PM (Particulate Matter). Thế giới đã ghi nhận có những loại bụi mịn sau: PM1.0, PM2.5, PM10. Các con số 1.0, 2.5, 10 thể hiện đường kính của bụi mịn, ví dụ, PM2.5 là bụi mịn có đường kính nhỏ hơn hoặc bẳng 2.5µm(2.5 phần triệu mét, hay 2.5 micromet).
Để dễ hình dung, mình so bụi mịn với hạt cát. Hạt cát có nhiều kích thước khác nhau, nhưng mình lấy đường kính nhỏ nhất là 0.05mm, hay 5*10-5m. PM2.5 có đường kính 2.5*10-6m. Tức là 1 hạt cát có kích thước bằng 20 hạt PM2.5.
Bụi mịn có nhiều tác hại, như nhiều bài báo khoa học chỉ ra. Ngoài việc nó ảnh hưởng trực tiếp đến đường hô hấp (như tất cả các hạt bụi khác), nó còn có thể ảnh hưởng đến bệnh nhồi máu cơ tim, giảm trí nhớ hay tệ hơn là cấu trúc DNA. Khoan hãy bàn tới những tác động lâu dài đó, chỉ nói tới ảnh hưởng tới đường hô hấp, chúng ta đã cần đánh giá vấn đề nghiêm trọng hơn chúng ta tưởng.
Việt Nam ô nhiễm bụi cao, điều này không phải bàn cãi. Người dân Việt Nam ra đường hầu như đều phải đeo khẩu trang, điều này cũng không phải bàn cãi. Đeo khẩu trang để chống bụi, những loại bụi thông thường mà chúng ta có thể cảm nhận được khi đi trên đường phố. Tôi còn nhớ chừng năm 2002-2003 gì đó, ông Lê Vân Trình, lúc ấy là Viện trưởng Viện NCKH Kỹ thuật bảo hộ lao động, có nói với chúng tôi rằng “… nghiên cứu của Viện chỉ ra rằng khẩu trang mà chúng ta sử dụng hàng ngày chẳng có tác dụng chống bụi đâu, chỉ để cho đẹp…”. Tất nhiên, lúc ấy chưa có khái niệm bụi mịn. Đến giờ, sau 16-17 năm, Việt Nam cũng chẳng có một sản phẩm khẩu trang nào được chứng nhận (một cách nghiêm túc) bởi các cơ quan có trách nhiệm bảo vệ sức khoẻ con người, hay cao hơn là những tiêu chuẩn quốc tế được công nhận như NIOSH của Mỹ.
Đến bụi thường còn chẳng chống được, nói gì đến bụi mịn. Bụi mịn lại còn không nhìn thấy được bằng mắt thường vì nó quá nhỏ.
Nhiều người (trong đó có cả tôi, vì không tìm được giải pháp nào tốt hơn) sử dụng khẩu trang y tế với niềm tin rằng bác sỹ dùng được để phòng chống sự lây nhiễm một số vi khuẩn qua đường hô hấp thì mình cũng có thể sử dụng ra đường để chống bụi. Nhưng đó thực sự là một niềm tin ngây thơ. Khẩu trang y tế không được thiết kế để chống bụi mịn ở ngoài đường.
Để chống bụi mịn, chúng ta phải đeo khẩu trang riêng biệt. Hiện trên thế giới có một số loại được ký hiệu N, R, KF.
N là loại khẩu trang chống bụi mịn dạng rắn, được phân loại dựa theo số lượng các loại bụi mịn được lọc thông qua khẩu trang (nghĩa là, không thể đi qua khẩu trang để vào cơ thể con người). N95+ lọc được 95% các loại bụi mịn. N99 lọc được 99% các loại bụi mịn.
R là loại khẩu trang được thiết kế chống các loại bụi lỏng và khí, ví dụ như khói xe, dầu. R95+ là loại phổ biến trên thị trường.
KF là tiêu chuẩn do Bộ an toàn thực phẩm và dược phẩm (MFDS) của Chính phủ Hàn quốc đưa ra, tương đương với N, và cho đến nay chỉ sử dụng ở Hàn quốc. Tuy nhiên, nếu NIOSH chỉ cấp chứng chỉ cho loại khẩu trang có thể chống được ít nhất 95% bụi mịn, Hàn quốc đặt mức thấp nhất là 80%. Vậy là, họ có KF80 và KF94.
Với tình trạng ô nhiễm bụi mịn của Việt Nam, người Việt nên đeo khẩu trang nào cho hiệu quả?
Điều này phụ thuộc vào loại bụi mịn tại nơi mà bạn sinh sống. Nếu môi trường có nhiều bụi mịn dạng rắn, hãy sử dụng khẩu trang loại N hoặc KF. Nếu bạn hoạt động trong môi trường đầy dầu, khói, bạn nên sử dụng loại khẩu trang R. Điều đáng buồn là, ở Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn và những thành phố ‘tự hào vì có nhiều khu công nghiệp’, chúng ta có cả loại bụi rắn, lỏng và khí. Tuy nhiên, bụi rắn là phổ biến.
Khẩu trang tốt nhất được công nhận trên thế giới là N99.
Chúng ta cũng có thể dùng loại N95 hoặc KF94.
Riêng loại KF80, tôi không khuyến cáo sử dụng.
Vậy, chúng ta có thể dùng khẩu trang này trong bao lâu? Đây đều là khẩu trang dùng một lần, và theo NIOSH, chúng ta dùng đến khi thấy thở khó khăn, nghĩa là, khẩu trang đã đến tới hạn ngăn chặn bụi mà vẫn thoát được khí (hô hấp), thì bỏ. Theo kinh nghiệm sử dụng thông thường, nó có thể là 3-7 ngày tuỳ thuộc số thời gian bạn đi ngoài đường và số lượng bụi trong không khí. Độ ẩm cao và khói xe chắc chắn sẽ làm giảm thời gian sử dụng khẩu trang. Để biết được số lượng bụi mịn trong không khí, người ta có chỉ số AQI (không khí được cho là tốt nếu AQI<50, 50-100 là trung bình, 100-150 là ô nhiễm đối với nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ con, người bệnh, 150-200 là ô nhiễm với tất cả các nhóm người, 200-250 là rất ô nhiễm, >250 là nguy hiểm). Một lưu ý nhỏ nữa là, chúng ta phải cất khẩu trang ở những nơi hợp vệ sinh, không hút bụi, nếu không, việc chúng ta tiếp tục đeo khẩu trang sẽ tạo hậu quả cho chính mình.
Các bạn ở Việt Nam, hãy dùng khẩu trang phù hợp để chống bụi mịn, đừng phí tiền mua những loại khẩu trang không được chứng nhận bằng niềm tin ngây thơ.
Nguồn: Bài viết sử dụng phần lớn tư liệu của Ethan Brooke, NIOSH, MFDS, waqi và một số bài báo tại Việt Nam.