Dân chủ hay chuyên chế? Người cộng sản hay vua?

"... Một người cộng sản có thể có khuynh hướng chuyên chế. Một nhà vua có thể có khuynh hướng dân chủ.... Nhận thức của một người cộng sản chưa chắc đã cao hơn nhận thức của một vị vua..."
Tôi thích câu nói này của tác giả Zhou You Guang (Châu Hữu Quang) (1906-2017) [1]. Để thấy rằng, suy cho đến tận cùng, không thể đổ lỗi cho chế độ. Mà con người mới là thủ phạm của mọi vinh quang hay sai lầm.
Bài viết nói về Bhutan, đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới, trong phạm vi so sánh với Trung Quốc. Lãnh đạo Việt Nam thường hành động dưới sự chỉ đạo của Trung Quốc. Vì thế, tôi thấy nó đúng với cả đất nước mình. Mời các bạn đón đọc.


Bhutan[2] là một nước nhỏ diện tích chỉ có 47 nghìn kilômet vuông nằm giữa Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ, là nước láng giềng của TQ. Trước khi thực hành chế độ dân chủ, Bhutan là một “vương quốc” từ hình thức cho tới nội dung. Nhưng vương quốc nhỏ bé ấy khi đã nói thực hành dân chủ là thực hành dân chủ ngay. Thế mà có những nước tuy nhân dân phấn đấu vì dân chủ cả thế kỷ, các thế hệ phấn đấu đã lần lượt rời khỏi thế giới này rồi mà thế hệ sau của họ cho tới nay vẫn còn sống trong một xã hội trên thực tế là vương quốc, chuyên chế.
Xã hội loài người phô bày sự “kỳ diệu” của mình như thế đấy.
Đọc lại lịch sử gần nửa thế kỷ của Bhutan, chúng ta không thể không thèm muốn, không hâm mộ họ có một vị quốc vương tốt như thế,[3] hơn nữa lại ngày càng dân chủ hơn trước, thậm chí có người TQ cho rằng vị vua ấy là nhân vật kiểu Washington.
Năm 1952 Bhutan bắt đầu thực hiện dân chủ.
Năm 1953 thành lập Quốc hội. Đây là cơ quan lập pháp đầu tiên trong lịch sử vương quốc Bhutan.
Đối chiếu một chút: trước khi giành được chính quyền vào năm 1949 chúng ta cũng luôn miệng nói phản đối chuyên chế, yêu cầu thực hành dân chủ.
Nhưng sau khi giành được chính quyền thì [chúng ta] đã quên sạch  “mục tiêu” của mình, và ngược lại, bóp chết mọi lời nói việc làm đòi dân chủ, áp chế mọi nhân sĩ đòi dân chủ. Về mặt chế độ lại càng trở về [thời kỳ] “trước giải phóng”, hơn nữa còn chuyên chế hơn, tàn khốc hơn.
Làm như thế kết quả là chỉ khiến cho mọi người có thái độ nghi ngờ đối với “mục tiêu” trước đây họ từng phấn đấu: cái gọi là yêu cầu thực hành dân chủ của một số người chẳng qua là một chiêu bài, một âm mưu, chỉ nhằm một mục đích là trăm phương nghìn kế giành được chính quyền mà thôi.
Chỉ cần có thể giành chính quyền thì [họ] bằng lòng nói bất cứ lời nào, chịu làm bất cứ việc gì, có thể dùng bất cứ thủ đoạn nào.
Và một khi đã thành công rồi thì dân chủ hay không dân chủ – ông đây [nguyên văn lão tử] nói thế nào thì cứ thế mà làm nhé!
Lại xem một chuyện khác. Năm 1968, Bhutan thực hành tam quyền phân lập, nhà vua trịnh trọng tuyên bố Bhutan là nước quân chủ lập hiến. Quốc hội (tiếng Bhutan gọi là Tshogdu) chẳng những có quyền bổ nhiệm các vị đại thần [tương đương Bộ trưởng các bộ], mà nếu nhà vua vi phạm lợi ích của nhân dân và của quốc gia thì Quốc hội có quyền bãi miễn vua; nếu hai phần ba Quốc hội bỏ phiếu không tín nhiệm thì nhà vua phải nhường ngôi cho người kế thừa.
Đây thực ra đã là chế độ dân chủ trên ý nghĩa hiện đại.
Nếu nói những điều đó còn chưa đủ để chúng ta ngợi khen và ca tụng, thế thì kể từ năm 1968, bốn mươi năm sau, vào hạ tuần tháng ba năm 2008, Bhutan lại cho ra đời một chính phủ chế độ dân chủ nghị viện khóa đầu tiên. Đây phải coi là tin tức đặc biệt lớn trên toàn thế giới. Báo đài toàn thế giới đều đưa tin này. Châu Hữu Quang nói đây là “Tin lớn của nước nhỏ!”
Theo quan điểm của cụ Châu, dân chủ hóa Bhutan là xu thế lớn trong phát triển nhân loại, “Ngày nay là thời đại toàn cầu hóa, mà dân chủ hóa là dòng chính về chính trị trong thời kỳ toàn cầu hóa”, “Loài người đang phá vỡ lề thói cũ. Nền văn minh của nước nhỏ đi trước nước lớn”.
Văn minh là gì? Đối với chuyên chế thì dân chủ tức là văn minh; ngược lại, đối với dân chủ thì chuyên chế là không văn minh. Một xã hội hiện đại nếu trên mặt chế độ chuyên chế, dân chủ mà không thể chọn lấy chế độ đại diện cho văn minh thì mọi thứ gọi là “văn minh” còn lại đều chẳng qua là để che giấu cái không văn minh lớn hơn của mình.
Điều làm người ta xúc động hơn nữa là nền dân chủ của quốc gia này [Bhutan] không phải là do nhân dân họ giành được sau bao nhiêu đấu tranh, mà là do quốc vương chủ động biếu tặng, cũng tức là nói vua Bhutan lại chủ động tiến hành các cải cách dân chủ hóa hạn chế quyền lực của nhà vua. Điều này cực kỳ hiếm thấy trong lịch sử thế giới.
Về vấn đề đó, khi trả lời phỏng vấn của nhà báo, ông Vương Chiêm Dương, Chủ nhiệm Phòng nghiên cứu giáo dục chính trị Học viện Chủ nghĩa xã hội Trung ương TQ cho rằng: Quốc vương Bhutan là một nhân vật kiểu Washington – khi có cơ hội làm vua, Washington đã không làm, còn quốc vương Bhutan đang làm vua lại tự động rời bỏ vương quyền.
Chẳng những thế, vị vua ấy còn đề xuất một khái niệm trên thực tế loài người phải coi là một quan niệm giá trị cực kỳ tiên tiến – “Tổng giá trị Hạnh phúc của Quốc dân” [Gross National Happiness – GNH – do vua Jigme Singye Wangchuck đề xuất năm 1979, thay cho GNP]. Nhà vua cho rằng những người giàu có không phải bao giờ cũng hạnh phúc, mà trong mối quan hệ giữa tài sản với hạnh phúc thì hạnh phúc cao hơn tài sản. Nhà vua lại nói: “Cho dù một nước quân chủ tốt cũng sẽ bị coi là một chính quyền chuyên chế”, mà quốc vương tiếp tục thực thi chính quyền chuyên chế đó sẽ là người đau khổ về tinh thần. Bởi vậy nhà vua phải theo đuổi dân chủ, làm cho nguyên tắc “Lợi người và lợi ta” đạt được sự thống nhất cao. Vương Chiêm Dương cho rằng đây là một trình độ hết sức cao. Nếu không hiểu được rằng hãy còn có thứ quan trọng hơn tài sản và quyền lực thì sẽ không hiểu được Bhutan.
Nói đến đây không nhịn được thêm một câu: Vương Chiêm Dương nghiên cứu “chính trị XHCN”. Chúng ta biết trên ý nghĩa thông thường, các quan chức lớn nhỏ của nhà nước XHCN phải là quần thể có trình độ cao nhất trong xã hội này. Nhưng Vương Chiêm Dương cho rằng cử chỉ của quốc vương Bhutan “ở một trình độ cực kỳ cao”, thế thì tôi muốn hỏi, phải chăng có thể nói trình độ ấy còn cao hơn trình độ của “những người cộng sản” chúng ta ?
Nếu không, vì sao cho tới nay [chúng ta] vẫn khó thực hành dân chủ? Hoặc là nói trình độ dân chủ của chúng ta vì sao lại không được như Bhutan?
Thực ra tất cả những điều đó nói cho đến cùng vẫn là dựa vào con người chứ không dựa vào việc người đó là Đảng Cộng sản hay Đảng Quốc dân hay là một nhà vua.
Một người cộng sản có thể có khuynh hướng chuyên chế, còn một vị vua cũng có thể có khuynh hướng dân chủ.
Đương nhiên còn dựa vào nhận thức.
Nhận thức của một người cộng sản chưa chắc cao hơn nhận thức của một vị vua.
Đúng như câu nói của vị vua nước Bhutan mà hiện nay chúng ta đã biết rõ: “Tôi có thể cố gắng làm một quốc vương yêu dân, nhưng tôi không thể bảo đảm Bhutan đời đời kiếp kiếp có quốc vương tốt. Vì hạnh phúc lâu dài của nhân dân Bhutan, chúng ta tất phải thực hành dân chủ.
Không biết rằng năm xưa chúng ta có một số người khi đọc đến mấy câu trên thì họ có cảm tưởng gì, lẽ nào có mắt như mù, bịt tai không muốn nghe, hơn nữa còn có vẻ coi khinh? Có mấy câu ấy, tôi có thể nói: Anh có yêu dân thì anh hãy thực hành dân chủ đi.
Một quốc vương mà còn nhận thức được, nếu người cộng sản TQ không nhận thức được, thế thì tôi xin hỏi: Cái gọi là “tính tiên tiến” của anh thể hiện ở đâu? Tọa độ tham chiếu của tính tiên tiến của anh là gì?
Nếu cho phép vẽ rắn thêm chân, thì tôi nghĩ niềm hy vọng lớn nhất của nhân dân TQ e rằng là mong sao trong các nhân vật cấp lãnh tụ của TQ có thể xuất hiện vị quốc vương như thế của Bhutan. Nói ngược lại, các quan chức lớn nhỏ của chúng ta chắc cũng mong sao nếu người lãnh đạo của mình như vị vua ấy của Bhutan thì nhân dân sẽ yên ổn. Bởi lẽ mọi người trên Trái Đất này đều biết: thực ra nhân dân Bhutan rất vừa lòng với chế độ quân chủ. Nếu nhân dân TQ cũng như nhân dân Bhutan thì cảm giác của một số quan chức sẽ tốt như thế nào đây.
Song cũng vẫn có thể tưởng tượng, khi lãnh đạo nhân dân Bhutan là một nhóm quan chức như thế này của chúng ta, cho dù thực hành chế độ quân chủ hoặc thực hành “dân chủ XHCN” như của chúng ta thì nhân dân Bhutan chẳng những nhất định sẽ không đồng ý mà cũng nhất định không đáp ứng.
Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2017/07/20/dan-chu-hoa-o-vuong-quoc-bhutan/
—————–
[1] Zhou You Guang (1906-2017), nhà ngôn ngữ học số một TQ, được gọi là “Cha đẻ Phương án Hán ngữ Pinyin”, rất có uy tín ở TQ vì dám nói thẳng nói thật và vì tuổi cao (thọ 111 tuổi).
[2] Vương quốc Bhutan thành lập năm 1907, từ đó vương triều Wangchuck cai trị đất nước. Bắt đầu tiến hành cải cách hiện đại hóa từ đời vua thứ ba là Jigme Dorji Wangchuck (1929-1972, ở ngôi vua 1952-1972): 1953 thành lập Quốc hội, 1968 lập Nội các đứng đầu là Thủ tướng, 1971 vào Liên Hợp Quốc. Năm 2005 trưng cầu dân ý, toàn dân bỏ phiếu thông qua Hiến pháp đầu tiên. Từ 2005 thi hành chế độ hai đảng, đảng nào nắm đa số Quốc hội thì được lập chính phủ. 24/3/2008 bầu cử Quốc hội. Diện tích 38.394 km2, có 750 nghìn dân (2016), 75% theo đạo Phật. Thân Ấn Độ, không thân TQ (đóng cửa biên giới với Tây Tạng sau khi TQ chiếm vùng này 1951).
[3] Đó là Jigme Singye Wangchuck, vua thứ 4 của Bhutan, sinh 1955, từng học ở Ấn Độ và Anh; lên ngôi 7/1972. Năm 1998 thôi kiêm nhiệm đứng đầu chính phủ, nhường quyền cho Hội đồng đại thần. 14/12/2006 thoái vị, nhường ngôi cho con trai cả là Jigme Khesar Namgyel Wangchuck (sinh 1980, học ở Anh, Mỹ; lên ngôi 6/11/2008).

Nước và sự minh bạch

MÌnh quay trở lại nhà đã thuê một năm trước đây để ở thêm nửa năm nữa. Lần này, bà chủ nhà ra vài điều kiện với mình (mà năm ngoái mình đương nhiên được hưởng):

  • Không được dùng buồng tắm có nước nóng;
  • Phải trả tiền cơm (chỉ cơm thôi, đồ ăn tôi tự mua tự nấu);
  • Phải tự mua nước để uống.
MÌnh chấp nhận, dù trong lòng có lăn tăn về chi phí mua nước uống. Nó quá nhỏ, vì sao bà ấy phải tính toán đến như vậy.
Rồi mình cũng có bình nước của riêng mình, đặt cạnh bình nước của một người thuê trọ khác. Bình bên kia có dấu hiệu riêng, nên mình chẳng ghi gì lên bình của mình hết. Vả lại, với mình, thứ nhỏ nhặt như vậy khỏi bận tâm cho mệt đầu.
Bỗng hôm kia, mình vô tình phát hiện ra bình nước của mình vơi đi 1/3. Mình uống đến đâu mình biết. Vì vậy, mình nhận ra ngay có sự bất thường ở đây. Ngoài mình, trong nhà chỉ có bà chủ nhà và cô bé thuê trọ bên cạnh. Bụng bảo dạ phải dán tên của mình lên bình, nhưng mình quên béng mất. Sáng nay, cô bé đó đi làm đêm về, dẫn theo bạn trai. Và mình vô tình nhìn thấy cậu ấy lấy nước từ bình của mình uống.
Chiều đi học về, mình đã dán tên của mình lên đó. Vừa lúc đó gặp bà chủ nhà, mình nói luôn để giải thích cho hành động của mình "Tao thấy có ai đó đã dùng nước của tao". Bà chủ nhà biết thừa nếu không là mình, chỉ có thể là bà ý hoặc cô bé kia. Và bà ý nói luôn "À, hôm qua Jen (tên cô bé thuê trọ) bảo tao gọi nước, nhưng bọn nó chưa đến, nên tao bảo nó cứ dùng nước trong bình của mày, rồi khi nào có nước sẽ bù lại cho mày". Mình trả lời ngay "Sáng nay, tao thấy thằng bạn trai nó uống nước trong bình của tao đấy". "-Vì nó không biết đấy mà. Khi nào có nước, mày cứ dùng nước trong bình của nó đi. Hoặc mày dùng nước của tao cũng được". Mình nhếch mép, lắc đầu và cười. Rồi mình bỏ đi. Nhưng, mình đọc vị ngay những điều phi lý:

  • Nếu họ mới chỉ uống nước của mình từ ngày hôm qua, không thể hết nhiều đến thế (nhớ rằng mình uống bao nhiêu, mình đều áng chừng được);
  • Nếu bà chủ nhà bắt mình dùng nước riêng, tại sao bà có quyền cho người khác dùng nước của mình mà không nói với mình một tiếng? Trong trường hợp nước chưa đến, bà ấy chỉ có thể lấy nước của bà ấy cho người ta dùng, chứ không phải nghiễm nhiên lấy nước của mình. Có ai đong đếm được đã bao nhiêu lít nước được dùng đâu. Khi mình mới chuyển vào, và được thông báo về việc dùng nước riêng, lúc đó bản thân chưa có nước, mình đều phải bảo bà ý cho mình xin nước của bà ý để uống. Tại sao lúc đó bà ý không bảo mình cứ lấy nước của cô bé kia uống đi, sau này bù?
  • Mình gặp bà ý không biết bao nhiều lần trong ngày, vì thời gian sinh hoạt chung trong bếp là khá nhiều. Nếu mình không phát hiện ra, liệu bà ý có nói với mình không?
Lúc sau, dường như thấy thái độ của mình không hài lòng, bà ấy lại thanh minh lần nữa "Lúc tao bảo Jen, mày không có nhà. Lúc mày về, tao quên mất. Dù sao, nước cũng rất nhỏ mà".
Mình chỉ nói "Đúng, chi phí nước quá bé. Tao không quan tâm. Nhưng dùng đồ của tao thì phải bảo với tao một tiếng". Bà ý nói với "Mày nhìn bình của nó là thấy hết nước thật mà", mình nói luôn "Không phải là đồ của tao, tao không bao giờ quan tâm, cũng không bao giờ động đến. Việc tuy rất nhỏ, chi phí rất ít, tao không quan tâm đến việc uống bù nước của nó đâu. Hàng ngày tao đi học về, vẫn còn nước lấy từ trường, có dùng hết đâu. Nhưng chỉ cần nói với tao một tiếng để tao biết trước khi sự việc xảy ra".
Vì với mình, điều quan trọng hơn nhiều là sự minh bạch, là cách hành xử đàng hoàng. Bà chủ nhà không làm được thế đã đành. Cả cô bé dùng nước của mình cũng không nói với mình một tiếng, dù gặp nhau vài lần một ngày. Rõ ràng, nếu thật là cô ấy đang dùng nước của mình, cô ấy phải biết nói với mình. Thậm chí nếu mình là cô ấy, mình cũng không dùng dù bà chủ nhà cho phép. Đó là nguyên tắc hành xử đàng hoàng tối thiểu mà một người lớn có đủ nhận thức cơ bản phải biết.

Có thể đây lại là một lý do nữa khiến cho mình không thích con người ở Philippines. Mình nhớ đã có vài bài viết về điều này. Nhưng hình như thế vẫn chưa đủ. Bà chủ nhà yêu cầu mình quá nhiều thứ, soi xét mình quá nhiều thứ, nên mình tự mua đồ về dùng, khỏi dùng chung. Từ bấy đến giờ, lại thấy bà toàn dùng đồ của mình. Mình hở ra "Tao đói" là bà ý dụ ăn đồ của bà ý ngay, và tính tiền ngay. Trong khi mình nấu gì cũng cho bà ý nếm cùng. Mình biết người Philippines rất thích xin xỏ, nên mình không bao giờ nói "Mày cứ dùng thoải mái đi" như vẫn thường nói với người khác. Bởi vì, đã có lần mình nói, và những lần sau họ thoải mái dùng như thể của bản thân.
Muốn yêu thương nhưng thật không dễ!

Giải trí có nên đè bẹp giá trị văn hoá?

Việt Nam chạy đua với các nước trong việc tăng tần suất các chương trình giải trí. Cũng tốt thôi. Dân được xem nhiều chương trình khác nhau tuỳ sở thích. Từng nhóm đối tượng trong xã hội tìm thấy cơ hội quảng bá cho chính bản thân mình để đăng ký tham gia. Doanh nghiệp giải trí có việc làm. Cơ quan quản lý truyền hình nhà nước có cơ hội tăng kênh, đa dạng hoá nội dung, và có thêm thu nhập.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ với một điều kiện: đừng lấy tính giải trí đè bẹp giá trị văn hoá, đừng phỉ nhổ vào thú vui giải trí mang tính văn hoá, và đừng tiêm nhiễm vào đầu thế hệ trẻ sự vô văn hoá.
Chương trình "Vietnam's Next Top Model 2017" đang vi phạm cả 3 điều trên. Mà vi phạm một cách trắng trợn và tởm lợm.
Tôi còn nhớ như in Chương trình "Germany's Next Top Model" đã ấn tượng với mình thế nào cách đây 11 năm, khi còn đang học và chả biết làm gì ngoài việc xem các chương trình TV của Đức. Lần đầu tiên tôi biết và cảm thấy thích thú với một chương trình truyền hình tương tác thực tế. Hỉ nộ ái ố đều được bày ra trước bàn dân thiên hạ, cũng là một cách để thiên hạ đánh giá cô này hay cô kia có đáng được vote không, bên cạnh khả năng làm mẫu còn là khả năng ứng xử trong cuộc sống chung với những người xa lạ. Tuy nhiên, các thí sinh phải được huấn luyện và hiểu biết một cách cơ bản về sự xuất hiện và hành vi của mình trước ống kính. Bởi vì, không chỉ có bố mẹ hay anh chị em trong nhà, mà có hàng triệu con người nhìn vào cô mỗi khi cô mở mồm, hay cô ngoáy đít. Tính chất thực tế của chương trình cho phép các cô "diễn tự nhiên trong khuôn khổ" chứ không phải là xó nhà các cô để nếu các cô có muốn "đánh rắm" cũng cứ để thuận theo tự nhiên.
Hình như chưa bao giờ tôi xem trọn vẹn một mùa Vietnam's Next Top Model nào, nhưng thỉnh thoảng cũng có ngó các cô shooting. Tuyệt nhiên nói không với hậu trường. Nếu báo chí không râm ran câu chuyện thí sinh tát nhau, ném đồ, giám khảo chửi bới, tôi cũng không "vô tình" tăng rating của chương trình trên báo thế này đâu. Song, xem rồi thì mới thấy thế này:
  • Các cô gái trẻ tham gia chương trình này đã ảo tưởng một cách điên rồ. Mới chỉ tham gia cuộc thi thôi, mà các cô đã tưởng mình là quan trọng, nhiều người biết đến. Cho nên, các cô mới "diễn quá". Thắng một vòng diễn là được làm chủ ngôi nhà chung, không có nghĩa là cô quắc mắt lên, cấm mọi người nói. Cô cũng chẳng có quyền gì quát thẳng vào mặt người khác. Hay cô tự cho mình cái quyền ném đồ của người khác ra ngoài. Nhiệm vụ của người dẫn đầu là nâng cao sức mạnh của từng người để cả một tập thể lớn mạnh, là nỗ lực để nâng cao tình đoàn kết.
  • Các cô cứ tưởng rằng mình phải phô diễn sức mạnh cá nhân như thế thì mới chứng tỏ mình có cá tính. Nhưng người ta chỉ thấy cô nổi lên rặt một từ "NGU". Có ngu mới không biết rằng hôm nay  mình bắt nó dọn cứt, lần sau nó thắng, nó bắt mình ăn cứt. Dẫu rằng các cô còn quá trẻ, trải nghiệm chưa nhiều, nhưng những bài học đạo đức và hành vi ứng xử cơ bản ấy đã có khắp mọi nơi, nhất là trong thời đại số hoá hiện đại như bây giờ. Tôi e là các cô đã được học, nhưng không học được những nguyên tắc cơ bản ấy.
  • Người ta bảo, các cô diễn theo kịch bản để câu view. Tôi không biết. Nhưng điều tôi biết chắc chắn là, các cô đang biến mình thành một thể loại lố bịch và tởm lợm không giống ai. Tôi không thể đem các cô so sánh với những chú hề, hay những con rối, những người hay vật thể gây cười cho người xem. Chú hề hay con rối đều có những giá trị của riêng họ, tôn vinh những giá trị văn hoá cơ bản của  loài người và những giá trị riêng biệt của con người Việt Nam. Tôi không so sánh các cô với họ vì như thế, tôi vô tình làm bẩn hình ảnh của họ. Nhưng còn các cô, tôi chỉ thấy hiện lên những vết bẩn dơ dáy. Các cô không khiến cho người xem cười, mà khiến cho họ thấy buồn nôn. Các cô chà đạp lên giá trị văn hoá được dán dưới cái mác "thực tế". Và, nếu những đứa trẻ lên 10 cứ xem chương trình mà các cô diễn, chúng nó sẽ học được gì? Thoải mái chửi bới? Thoải mái thoá mạ? Thoải mái sửng cồ? Thoải mái đánh nhau? Bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn của xã hội từ lâu. Giờ nó lại được cộng hưởng từ những hành vi vô văn hoá của các cô nữa. Thử hỏi nó sẽ còn tuột dốc đến đâu?
  • Không chỉ các cô, giám khảo của các cô cũng tởm lợm không kém. Một anh có kỹ năng về trang điểm và một chị có kỹ năng catwalk cũng thích chửi bới nhau ngay trước ống kính, thì có khác gì các cô đâu. Dù anh ta có giỏi trang điểm đến đâu, anh ta cũng không thể khuyến khích thí sinh mắng thẳng vào mặt một người giám khảo khác. Nếu muốn, anh ta có thể mang cái mặt mình ra để hứng nước bọt, chứ không phải lấy mặt người khác ra hứng cho mình rồi lấy đó làm thành công. Dù chị ta có giỏi catwalk đến đâu nhưng đã là giám khảo, phải biết tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng thí sinh, chứ không phải muốn quát ai thì quát, muốn nguẩy đít bỏ đi thì nguẩy. Đây không phải chuồng xí nhà các anh chị để các anh chị muốn để nó thối thế nào cũng được. Hàng triệu khán giả không ai muốn ngửi thấy cái mùi thối ấy hết, nhất là khi nó được phát ra từ những cái mồm trạt son phấn và nước hoa.
  • Còn nữa, có lẽ với tôi, người đáng trách nhất là nhà đài. Hẳn là VTV3 cơ đấy. Kênh truyền hình quốc gia. Cho dù các anh chị có muốn giữ hợp đồng với công ty sản xuất chương trình, tôi e là phải có những điều khoản nhất định về giá trị văn hoá trong hợp đồng giữa hai bên. Vì ngoài VTV, công ty media (và những người có liên quan đến ngành), không ai biết chương trình này là do ai sản xuất. Hoặc họ chả quan tâm. Phát trên VTV3 tức là của VTV. Và vì thế, với khán giả, VTV3 phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng chương trình phát sóng. Tất cả những điều giải trí đè bẹp giá trị văn hoá như thế, cần phải có sự kiểm soát cẩn trọng. Để khán giả xem những điêu vô văn hoá như thế, VTV có vai trò gì trong việc cổ xuý những lối sống bản năng và ngu si cho thế hệ trẻ?

Xương người và tôn giáo

- Bà nghĩ tôi mất bao lâu thời gian tham quan Nhà thờ nghĩa trang này?
- Tuỳ. Có người chỉ vào 1' rồi ra luôn. Có người có thể ở cả tiếng.
Thực ra, lời nói ấy không làm tôi sợ. Tôi đã từng đi thăm một nhà thờ nghĩa trang ở Peru, với hai tầng hầm chứa đầy hài cốt, lộ thiên. Nói lộ thiên cũng không hẳn, vì nó thấp hơn mặt đất. Nhưng khách hoàn toàn có thể sờ vào (tất nhiên bị cấm). Không sợ, nhưng tôi tò mò. Và tôi tới.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà thờ là ... quá đẹp. Đẹp không ở kiến trúc bên ngoài, vì đây chỉ là một nhà nguyện nhỏ ở Bohemia. Nó được bao quanh bởi các khu mộ trên thảm cỏ xanh rì. Nhưng đẹp ở cách trang trí bên trong toàn bộ bằng xương người. Và dĩ nhiên, nó nằm dưới mặt đất.

Thời Trung cổ (khoảng thế kỷ XIV), cuộc chiến tranh tôn giáo do giáo hội Hussite (tôn giáo của người Bohemia do John Huss lãnh đạo) gây ra cùng với bệnh dịch đã giết chết hàng chục ngàn người ờ Kutna Hora. Họ được chôn tập thể. Nhưng phần lớn nghĩa trang này đã bị sập vào thế kỷ XV. Người ta buộc phải đưa những hài cốt còn lại (khoảng 40.000 bộ) về nhà nguyện nhỏ dưới hầm này. Năm 1511, một thày tu (thị lực kém) đã quyết định chất chồng những bộ xương người này thành tháp. Tháp xương nào cũng rất cao, toạ lạc tại bốn góc của nhà thờ, bao bên ngoài bởi đầu lâu và xương ống chân, ống tay, tạo thành nhiều lỗ rỗng bên trong, chắc để thoát khí.


Đến thế kỷ thứ XVIII, nhà thờ được một cá nhân mua lại, và họ quyết định dùng một phần những bộ hài cốt này để trang trí nhà thờ theo phong cách Baroque. Việc trang trí được hoàn tất vào năm 1870 bởi nhà chạm khắc gỗ Frantisek Rint.






Đằng sau tất cả những vật thể được dựng lên bởi những bộ hài cốt này là ánh sáng tràn qua khung cửa hình bầu dục. Người ta tin rằng đó là sự hiện thân của Chúa, rằng trước Chúa, mọi linh hồn đều bình đẳng.

Việc sắp xếp ngẫu nhiên những mảnh xương để tạo thành những tuyệt tác ấy đã thể hiện sự khác nhau trong tư tưởng của từng tôn giáo. Với đạo Phật, hài cốt của người chết luôn được cố giữ gìn nguyên bản, nếu có thể. Không có sự sắp xếp tuỳ tiện phần của người này vào người kia, vì Phật giáo cho rằng sau khi chết, con người được đầu thai vào kiếp khác, và để được như thế, hình hài (của xương cốt) phải nguyên vẹn.

Người chết ở cõi âm, không phải dương gian trần thế. Vì thế, với đạo Phật, không thể có chuyện đưa hài cốt lên cùng ánh sáng như người Thiên Chúa. Vả lại, việc can thiệp vào hài cốt (như khoan, vít, đục lỗ, buộc dây) là điều cấm kỵ. Bởi làm thế, họ sẽ đau lắm, vì linh hồn luôn sống. Với người Thiên Chúa, dường như đó không phải là điều họ quan tâm.

Tôi không hiểu biết về đạo Thiên Chúa. Những gì nói trên đây chỉ là những suy đoán cá nhân dựa trên những hiểu biết hạn hẹp. Và cuối cùng, tôi đã dành khoảng 40' ở đây để chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật Baroque mà tôi vô cùng yêu thích, và hiểu thêm chút gì đó về tôn giáo thịnh hành ở Châu Âu.