???

"...Tôi biết có những người phụ nữ yêu tôi thật lòng, có tình cảm với tôi và bao giờ cũng hướng đến chuyện hôn nhân. Có trường hợp tôi trả lời, có trường hợp tôi phải lẩn tránh. Cũng có thể do tôi yêu chưa đủ đến mức độ sẵn sàng hy sinh mọi thứ. Nhưng cũng có người phụ nữ tôi rất yêu, dù vậy để dẫn đến một gia đình lại quá nhiều vật cản nên tôi không dám đánh đổi..."

"...Người ta phải làm gì sai thì mình mới cho mình quyền lựa chọn tha thứ hay không chứ? Nhưng tôi tự nhận cái sai đó về mình và thấy dễ dàng hơn. Tôi không dằn vặt theo kiểu tại sao người ta lại làm thế. Tôi cho rằng khi người đàn bà mình yêu ra đi thì lỗi đó là của mình..."

Đó là tâm sự của 1 người đàn ông đã ly dị.
Đó cũng có thể là ý nghĩ của 1 người đàn bà đang yêu người đàn ông đã ly dị.

(đang đọc 1 bài interview về chủ đề này, nghĩ lung tung rồi viết lung tung đấy, đọc làm gì keke)
----------------------------------
chi and cubi

1 ngày bắt đầu như thế đấy!





Quá nửa đêm mới được đi ngủ. Đó là vì cái máy giặt hết nước. Cứ đinh ninh lên lấy quần áo đi phơi thì nhận ra điều này. Lại phải đi bơm nước. Lúc lên phơi quần áo, nhìn đồng hồ đâu đó 12h hơn.

5h sáng. Giật mình vì tiếng chửi nhau, tiếng bẻ gãy vật dụng gì đó và tiếng ném 1 vật nặng. Thì ra anh em hàng xóm chửi nhau. Số là, anh cả của gia đình, không hiểu có phải lý do tranh giành nhà cửa hay lợi lộc gì không, mà luôn mượn rượu, giả say để chửi bới lung tung, từ hàng xóm cho đến người nhà. Từ giả thành thật. Mình thường gọi là anh Chí. Đêm qua lúc phơi quần áo, mình đã thấy anh này lảm nhảm rồi. Biết thế nào hàng xóm cũng bớt ngủ vì nghe tiếng anh "hát" cả đêm. 5h kém. Anh út dậy dọn hàng. Lại phải nói thêm tý về cái nhà. Nhà có 4 ông con giai. 1 ông không ở đó. Còn lại 3 ông. Với ông bà già. Thế là xây nhà 4 tầng. Cho mỗi thằng 1 tầng. Vì trừ ông bà đã nghỉ hưu, con cái toàn lao động chân tay nên không thể mua nhà riêng. Cứ theo thứ tự thì anh út ở cao nhất. Khi xuống đến tầng 1, bê được cái bàn ra, ông anh cả ném chiếc giày trúng đầu anh út. Điên. Anh quay lên thì bị cái tát. Anh ngã ra. 3 đứa con anh cả dựng chú dậy. Anh cả tiếp tục dùng dao chém anh út. Anh út né được. Thế rồi anh út chửi om sòm. Bà mẹ cũng la lối om sòm. Cả khu tập thể thức giấc lúc 5h.
Khoảng 15' sau, ông tổ trưởng gọi 113. Anh cả thấy công an đến ru rú trong nhà, mồm im như thóc. Mấy cậu công an thực tập không dám làm gì, quay về phường xin chỉ thị. Lãnh đạo phường lại cho 2 chú gạo cội vào lôi ông anh đi. Yên bình trở lại.
Nhưng mình không thể ngủ được nữa.

Vừa lên đến văn phòng đã bị dội gáo nước lạnh. Chán chả buồn giải thích, lý sự. Lại nhớ kỹ năng lãnh đạo mà mình từng được học. Lại nghĩ "tại sao không...?", "giá mà...". Nghĩ cũng chỉ để nghĩ thôi. Nhớ anh bảo "Lãnh đạo bảo làm gì, em làm nấy. Cứ lương em trả đủ là được". Thôi thì quay về bàn, làm theo chỉ thị. Mà khổ. Lúc trước cũng là làm theo chỉ thị. Chỉ có điều, chỉ thị giờ nó xoay 18 độ so với chỉ thị trước. Mà vẫn là lỗi thằng làm. Không phải là bó tay, mà có gì bó tất luôn.

1 ngày bắt đầu như thế đấy.
----------------------------------
chi and cubi

Sinh nhật bạn đấy bạn ơi!

Lần đầu tiên xuất ngoại.
Nó không quá bỡ ngỡ vì đã có nhiều lần đi công tác trong nước. Đến sân bay, nó gặp cả đội cùng đi học. Toàn những người lớn tuổi cả. Nó vui vẻ nhập cuộc.
Sang đến nước bạn, xuống đến sân bay là khoảng 9h30 tối. Thêm 1 người nữa nhập cuộc mà lúc đầu nó cứ nghĩ là tây. Nói tiếng Anh chán chê rồi mới phát hiện ra bác này cũng con cháu cụ Hồ. Trên đường về trường, mấy bạn ban tổ chức cho cả hội ăn đêm ở 1 quán ven đường. Nơi học là 1 nơi hẻo lánh, bọn nó vẫn thường bảo nhau "chỗ này toàn vàng với thổ phỉ thôi". Thì trước kia đúng là như vậy. Sau này, khi khu vực này được Chính phủ can thiệp và tái thiết, dân trong vùng thậm chí để xe máy còn không phải khóa. Bạn nó bảo "Ở đây ai ăn cắp bị phát hiện ngay, vì dân cư thưa thớt nên ai cũng quen thuộc hết".
Không khí trong lành, yên tĩnh, rất thích hợp cho việc học. Người Việt Nam quen ngủ trưa, nên "đề nghị" này cũng được chấp thuận. Nói vậy mà có mấy ai ngủ. Ai cũng tranh thủ giờ đó để vào mạng, chat với người nhà hay bạn bè. Cô giáo dạy thì thật là ấn tượng. Có lẽ đó là lần đầu tiên nó được dạy những kỹ năng như thế. Ăn uống thì hơi tệ 1 tý, vì nó là đứa không ăn được đồ cay. Mà ở đây "không cay" nghĩa là cay xè. No way.
Trong đội chủ nhà có 2 bạn rất quý nó. 1 bạn thường vẽ vào vở nó những hình con mèo, cô gái cao cổ, ..., và dành cho nó những lời yêu thương. Ngày chia tay, bạn ấy còn dành cho nó 1 cái post khá đặc biệt, sau này khi không còn gặp nhau nữa vẫn tiếp tục gửi thư. Vẫn những dòng chữ vuông thành sắc cạnh, vẫn những lời nồng nàn yêu thương, nó cảm động lắm. Sau này, nó mơ hồ nhận ra hình như bạn là lesbian, nó "giật mình" nhưng cũng thở phào vì không có gì đáng tiếc xảy ra cả.
Một người bạn nữa thì lại rất mềm mại. Bạn chăm sóc nó gần như đến tận "chân răng". Nhớ lần nó đau bụng muốn chết (chắc là vì thức ăn không hợp), bạn ý lo lắng không kém gì nó, gọi loạn để nhờ giúp đỡ. Và bạn đã "tâm sự" với nó rất nhiều. Nhớ tối đó, bạn năn nỉ thế nào, nó không để bạn ngủ cùng. Nó gọi 1 cô bé sang ngủ cùng nó, và bạn ngủ phòng cô bé kia. Nhưng bạn không chịu. Nó bảo bạn về chỗ ngủ của bạn đi (đội chủ nhà phải ở khu khác, không cùng khu của nó). Thế mà sáng hôm sau nó phát hiện ra bạn đã đi lang thang cả đêm, không ngủ.
Ngày Tết nguyên tiêu, nó muốn đi chùa thắp hương, vì dân đó cũng thờ Phật. 2 đứa chọn ngôi chùa khá to ở đó. Trên đường vào, bạn bảo "Nếu 2 đứa cùng vào chùa thắp hương thì sẽ nên vợ nên chồng đấy". Nó cười, dù trong lòng cũng hơi lo lo, không hiểu niềm tin phật tử ấy có đúng với cả người ngoại quốc hay không. Ngày cả lớp đi chơi, nó ở nhà vì lại là "đau bụng". Khi về, bạn mua cho nó 1 viên đá đen, mà đến giờ nó vẫn giữ bên mình. Đứa em cùng đi còn "ghen tỵ" "sao mày không mua cho tao?".
Mấy tuần học rồi cũng qua. Ngày chia tay, nó khóc. Ấm áp tình cô trò. Ấm áp tình bè bạn. Với những kỷ niệm chẳng thể nào quên.
Đã nhiều năm trôi qua kể từ ngày ấy. Nó quen với việc 10h30 tối nào đó nó nhận được điện thoại từ bạn, huyên thuyên đủ điều từ công việc đến bữa ăn hàng ngày. Nó cũng quen với việc những cuộc hội thoại ấy hầu như chưa bao giờ kết thúc, đơn giản chỉ là bởi vì "anh hết xu". Nó cũng quen với việc nhận những "món quà" nho nhỏ nhưng đầy ý nghĩa "mà không hiểu sao anh biết mình thích" mỗi ngày sinh nhật. Nó đã từng nhủ thầm rằng "một ngày nào đó, nó sẽ tổ chức cho anh 1 bữa sinh nhật thật ấm áp tại nhà anh".
Nhiều biến cố xảy ra mà nó cũng như bạn không thể lường trước được. Có đến nửa năm nó như hóa điên vì không thể liên lạc được với bạn. Bạn đã lên chùa ở. Tránh xa trần gian. Có lẽ bạn lên chùa hóa giải niềm tin mà bấy lâu bạn hy vọng.
Hôm nay là ngày sinh nhật bạn. Bạn và nó, cả 2 đứa giờ đều quen mỗi năm viết thư 1 lần để chúc sinh nhật của nhau. Và nhớ về những kỷ niệm của "một thời xa vắng". Không hơn.
Mãi trong trái tim của nhau là như thế.
Happy birthday người bạn đặc biệt của  nó!
----------------------------------
chi and cubi

Nghịch lý trong cuộc sống

Sáng nay đi ăn phở. Cửa hàng phở khá đẹp, rộng rãi, yên tĩnh, view tây, thực phẩm nhìn bày biện sạch sẽ. Nhân viên phục vụ cũng nhẹ nhàng. Bát phở mang ra trên 1 cái đĩa trắng lớn, kèm 1 đôi đũa ăn liền và 1 cái thìa khô ráo, sạch sẽ. Gia vị được đựng trong những lọ thủy tinh nhỏ, tất cả nằm trong 1 cái khay tre. Không rớt nước linh tinh. Không bụi bặm trên các lọ gia vị. Nào còn mong muốn gì hơn? Ấy thế mà còn. Vì mình chủ ý gọi bát không mỳ chính. Không mỳ chính, nước phở là nước hầm xương loảng toẹt, hầu như không có tý vị ngọt nào. 30 ngàn/bát là đắt hơn 1/3 so với các cửa hàng phở "bụi" rồi, chẳng lẽ phần chính của phở lại không khác biệt được hơn ư? Phần decor có ý nghĩa gì thì cái bản chất của nó không thay đổi?
Cũng tại cửa hàng phở, 1 cô bé xách vali ra, chào mọi người về quê. Ra là 1 cô bé giúp việc. Được mời "rơi" "ăn bát phở rồi hẵng đi", cô từ chối và cười ngượng bước đi. Chưa kịp nghĩ và phán đoán xem cô bé rời khỏi nơi này vì sao, thì xuất chị chủ nhà. Với vẻ hơi nhẹ nhõm, chị hắt ra rằng "Mình thuê nó để nó làm việc, chứ có phải để suốt ngày nó ngồi chơi, nhắn tin với buôn điện thoại đâu. Cứ để nó lại đây có mà điên". Nếu đúng như lời chị này nói thì có lý. Mới thấy rằng các cô bé cậu bé từ nông thôn đi lên thành phố kiếm việc làm, học hành thì hạn chế, văn hóa đô thị thì chưa kịp ngấm, tuổi thì còn lỡ nhỡ, kinh nghiệm sống thì thiếu, nhiều khi không biết mình là ai, không biết mình cần phải làm thế nào để xứng đáng với thu nhập và quyền lợi mà mình nhận được, đã thế, phương tiện truyền thông giờ đa dạng quá, "phổ biến" nhiều thứ quá, nhiều mặt hàng và dịch vụ "rẻ" quá, đâm ra họ "thoải mái" sống hơn, hưởng thụ hơn, hơn là sức lao động mà mình cần chính đáng bỏ ra.
Tối qua, nghe cô hàng xóm kể chuyện đi thăm con gái đang học nước ngoài. Có lẽ vì đã hứa với con không kể cho người "đáng được nghe", mà không kể thì bức xúc không chịu nổi, "trút" cho mình là thích hợp nhất. Chả là, cô bé đó được ở KTX với mức giá rất mềm là 300e/tháng, được nhà trường tiếp tục hỗ trợ hơn một nửa, chỉ phải nộp có 130 đồng thôi. Nguyên tắc là 1 thằng/phòng chừng hơn 10m2. Nhưng vừa vặn khi cô đến ở, 1 cô khác vừa "hết hạn được ở" xin ở cùng. Ở dấm dúi đấy, bảo vệ biết nó đuổi thẳng cổ. Đến tháng 7 này là hết hạn 2 năm cô bé thứ 2 được ở KTX. Thế mà cô bé 1 vẫn ở nhờ cùng, không một lần chia tiền nhà. Thậm chí, khi cô bé 2 hết hạn visa và về nhà thăm gia đình, cô bé 1 toàn quyền ở 3 tháng, trả cô bé 2 mỗi tháng 100 đồng. Nhưng cả 2 không biết, hoặc ít nhất cô bé 2 không biết, rằng hết hạn visa thì không được nhà trường hỗ trợ tiền nhà. Cô bé 2 cun cút trả đủ 900, thậm thụt nói điều đó với cô bé 1 nhưng không được "hỗ trợ" thêm đồng nào. Nói thêm về cô bé 1 một tý. Cô đó đã sang học được 4 năm, đang đi làm. Nghĩa là số tiền kiếm được nhiều hơn cô bé 2. Lại không ai thấy cô bé này ăn uống bao giờ, trừ khi có tiệc tùng. Nhà ở thì xin ở nhờ hết người này đến người kia, trong khi trung bình bên ngoài thuê 1 căn phòng hơn 10m2 hết khoảng 600e/tháng. Khi xin ở nhờ cô bé 2, nhờ có tính "phóng khoáng" của cô 2 mà cô 1 cũng thoải mái vứt đồ dùng cá nhân khắp phòng, ngủ chung với cô bé 1 trên 1 chiếc giường cá nhân 1m. Những đồ dùng chung trong căn hộ này, duy nhất có lọ nước gội đầu là của cô bé 1. Đó là cuộc sống giữa Paris. Kể câu chuyện trên để thấy rằng thực có một số người kỳ cục, kỳ cục đến nỗi chả biết phải mô tả thế nào.
Sáng nay tham dự 1 buổi báo cáo của tư vấn trước lãnh đạo. Lãnh đạo cảnh báo tư vấn trình bày ít thôi, để tiết kiệm thời gian, nhưng cuối cùng lãnh đạo nói nhiều đến nỗi cuộc họp dự kiến 1 tiếng kéo dài hơn 2 tiếng. Tư vấn nói về kỹ thuật truyền thông gián tiếp thì lãnh đạo say sưa với các công trình trực tiếp. Tư vấn xin lãnh đạo lựa chọn và phê duyệt 1 phương án thì lãnh đạo quan tâm đến tầm vĩ mô, "không đề cập chi tiết". Không chi tiết thì tư vấn không biết đi đường nào, không hoàn thành báo cáo và không lấy được tiền. Còn doanh nghiệp thì không biết đường nào để triển khai. Thật là khó nếu nhận thức không bắt đầu từ bên trong.
***************
Cuộc sống có vô vàn nghịch lý, nhưng hầu như tất cả những nghịch lý ấy đều xuất phát từ con người, nhiều cái mình biết có thể cười khẩy, nhiều cái khóc trong lòng. Có phải bởi vì ai cũng muốn người khác hoàn hảo như mình mong muốn không, nhưng bản thân lại chỉ thích sống như mình đã từng?

----------------------------------
chi and cubi