Thế nào là bạn thân?

Đó là câu hỏi không phải ai cũng hiểu, không phải ai cũng trả lời được một cách thấu đáo. Kể cả tôi.
Cuộc sống cho ta hoặc là bạn, hoặc là thù. Người xưa có câu "thêm bạn, bớt thù" chắc cũng hợp với định nghĩa đó. Nhưng có thể coi "bạn" vừa là danh từ rất chung, vừa là danh từ rất riêng. Chung là bởi vì cứ không phải thù đã có thể được gọi là bạn. Nhưng riêng là bởi vì không phải ai (không phải là thù) cũng đều là bạn.
Bạn có nhiều cấp độ. Bạn có thể là người bạn nói dăm ba câu chuyện tào lao. Bạn có thể là người đi cùng với bạn trên 1 chuyến đò. Bạn có thể là người bạn nhờ một số việc. Bạn có thể là người bạn nhờ giữ hộ một số đồ đạc. Bạn có thể là người bạn hỏi xin một số lời khuyên. Bạn có thể là người bạn hét lên gọi tên mỗi lần bạn đạt được thành công nào đó. Bạn có thể là người bạn gục đầu vào và khóc ngon lành mỗi khi gặp trắc trở trong cuộc sống. Bạn có thể là người sẵn sàng nhịn đói để nhường bạn miếng cơm. Bạn có thể là người dám hy sinh cả mạng sống của mình để chở che và bảo vệ bạn.
Trong số ấy, ai là bạn thân của bạn? Ai là người bạn coi là bạn thân? Và khi coi là bạn thân, bạn sẽ làm gì?
Tôi nghĩ rằng, bạn sẽ đến thăm bạn ý luôn, kể cả khi bạn ý bị bệnh truyền nhiễm. Bạn sẽ nhận chép bài hộ bạn ý, khi bạn ý không thể đi học trong 1 tuần. Bạn sẽ bảo "Mày mệt rồi, nghỉ đi, để tao trông bà cho". Bạn sẽ không ngần ngại đưa tiền cho bạn ý lúc bạn ý gặp khó khăn, cho dù ít ỏi. Bạn sẽ lên kế hoạch tặng quà ngay khi biết tin bạn ý sẽ cưới, cho dù bạn ý có mời hay không. Bạn sẽ không ngại dậy sớm, cùng gia đình bạn ý chuẩn bị cho lễ tang bố bạn ý. Bạn sẽ không trách cứ bạn ý khi bạn ý quên không thông báo với bạn khi con bạn ý ra đời. Bạn sẽ không thất vọng vì bạn ý không có mặt bên bạn khi bạn thấy đau khổ tột cùng. Bạn sẽ không trách vì bạn ý không cùng quan điểm với bạn. Bạn sẽ không dùng những lời lẽ hiềm khích hay ghen tỵ khi bạn thấy mình thiệt thòi hơn bạn ý. Bạn sẽ tìm hộ bạn ý những phương án giải quyết vấn đề, thay vì chỉ vỗ về an ủi "nín đi, mọi việc sẽ tốt đẹp hơn". Và, bạn sẽ nghĩ đến bạn ý đầu tiên, sau gia đình, mỗi khi muốn sẻ chia. Bạn sẽ đón bạn ý trong vòng tay khi bạn ý trở về, dù bất kỳ lý do gì.
Bởi vì rằng, khi bạn vẫn còn niềm tin, bạn sẽ sống và hành động, vì niềm tin đó.
********************
Tôi còn nhớ, ngày mẹ xây nhà, nhà khó khăn đủ đường. Một chiều, có 1 bác thủ trưởng cũ của mẹ tới chơi. Nghe mẹ kể, bác bảo "Anh không có nhiều tiền cho em vay. Hôm nay anh vừa lĩnh lương, em cầm lấy mà dùng. Số tiền không nhiều, nhưng coi đây là tấm lòng của anh hỗ trợ em những lúc này". Tôi và mẹ đã cùng khóc.
Một ngày nọ, mẹ tôi đi khám và phát hiện ra căn bệnh lạ. Tìm hiểu trên mạng, đây là căn bệnh hiếm gặp trên thế giới và chưa mấy ai chữa khỏi. Tâm sự với đứa em học cùng lớp cao học, nó nói "Nếu bác cần tiền, bác cứ bảo em nhé". Dẫu không biết sẽ phải đi chữa thế nào, bao nhiêu tiền, tôi có khả năng trả nợ hay không, lời nói của cậu đã làm tôi lặng đi. Và tôi trân trọng điều đó. Đến suốt đời.
Đó chỉ là 2 trong số rất nhiều việc mà tôi cho rằng chỉ có những người bạn thân mới làm được cho nhau như vậy.

Ăn cắp

Hôm nay mình bị ăn cắp cái ví. Ở bệnh viện của quân đội, nơi có cảnh vệ canh gác khắp nơi. Không hẳn là không cảnh giác, nhưng kẻ ngay chả bao giờ bằng kẻ gian. Kiểu ai làm việc gì quen thì nghiệp vụ nhất định phải hơn thằng khác.
Mình đeo balo, nhưng khoác bên hông, tay vẫn giữ. Chỉ có duy nhất vài chục giây mình không giữ là lúc mình phải cúi người xuống khai tên tuổi với bạn đăng ký khám bệnh. Đó là lúc bạn trộm kéo khóa, móc cái ví mình để tận phía trong cùng của balo. Từ vị trí đăng ký này, mình bước 2 bước sang quầy nộp tiền, và phát hiện ra balo mở, ví không cánh mà bay. Việc đầu tiên mình làm là báo với cảnh vệ đứng sau khu đăng ký, nhưng cậu đó đã di chuyển đến vị trí khác. Mình báo với Trực ban để họ "lưu hồ sơ". Rồi mình đi quanh đó để tìm. Nói thực, đi để tự an lòng mình chứ hiếm khi bạn trộm còn đó để mình thấy được. May mà anh đã ở đó để đưa mình tiền. Sau cả nửa ngày chiếu chụp đủ thứ, mình ra về với đủ kế hoạch làm lại toàn bộ giấy tờ, từ chứng minh thư đến bằng lái xe, đến thẻ tín dụng hay thẻ ghi nợ, đến các loại thẻ khách hàng khác... Tính nhẩm ra, nhanh cũng phải mất đến 5-6 tháng mới có thể hoàn thành việc đổi mới này. Thế rồi, một cú điện thoại đã trả cho mình niềm vui. Bạn trộm sau khi móc toàn bộ tiền (để lại duy nhất tờ 500 đồng có hình đại bàng, là quà tặng của bạn mình và không thể tiêu), bạn ý mang cái ví của mình để vào trong cái mũ bảo hiểm rách, nhét ở khe cầu thang tầng 2 một khu chữa bệnh nội trú, cách nơi bạn ý ăn cắp chừng vài trăm mét. Người nhà bệnh nhân ở đó ra vào nhìn thấy hết, nhưng nghĩ là của bệnh nhân nào đó nên không sờ vào. Dù mình đã đi tìm khắp nơi, xông cả vào bãi rác, thùng rác y tế, toilet, ..., mình cũng không thể ngờ bạn trộm có thể vất lên trên đấy. Thế rồi, 1 bạn y sỹ tốt bụng thấy nghi ngờ đã cầm lấy, giở hết giấy tờ bên trong ra, (và rất may, có số điện thoại của mình trong đó), và gọi cho mình để nhận lại.
Mình thấy như trút được 1 gánh nặng, dù số tiền mất đi cũng khoảng nửa tháng lương. Mọi người an ủi rằng "Của đi thay người". Nhưng mình thấy đây cũng có thể là trải nghiệm để mình thấy biết trân trọng hơn những tình cảm của mọi người dành cho mình: là anh, người đã kịp thời đưa mình tiền để chữa bệnh và loan tin để mọi người tìm cách giúp mình tìm lại vật đã mất, là anh bác sỹ, sau khi nghe mình báo tin còn thấy thất thần, thậm chí còn viết sai cả chỉ định làm xét nghiệm, là anh supervisor, người còn bảo cả đồng nghiệp đến bệnh viện để hỗ trợ mình, là bác trông xe, cô nhân viên vệ sinh đã tận tình chỉ bảo mình những nơi có thể tìm đồ, là cô y sỹ đã tìm ra số điện thoại của mình và liên lạc lại với mình nhận đồ. Những tình cảm ấy, mình chẳng thể nào quên. Cám ơn bên đời vẫn còn nhiều người yêu thương mình đến thế.
Cũng là 1 bài học nhỏ cho những ai còn đi khám bệnh ở những bệnh viện công của Việt Nam.

Đảo Rayon

Với tôi, đảo Rayon là nơi đáng giá để khám phá và nghỉ dưỡng, nhưng không phải là nơi lý tưởng để tắm biển.
Rayon cách Bangkok chừng hơn 300 cây số, và mất chừng hơn 3 tiếng đồng hồ xe ô tô. Nhưng, ô tô dừng chưa phải là lúc đảo Rayon chào đón bạn. Bạn còn phải mất nửa tiếng đi tàu thường, hoặc 15' đi tàu nhanh, chưa kể thời gian chờ đủ khách (20 người trung bình).
Đảo Rayon chào đón bạn với tượng một người đàn bà giơ tay ra như muốn kéo vào lòng mình. Truyền thuyết rằng nơi đây từ vô vàn xa xưa, có 1 người đàn ông sống trên đảo vô cùng đẹp trai và tài giỏi. Ông đem lòng yêu 1 cô gái xinh đẹp vô cùng. Thế nhưng, một người phụ nữ khác lại thích chiếm hữu ông. Bà ta tìm đủ mọi cách để bắt cóc ông về với mình, cùng nhau sinh được 1 cậu con trai. Rồi người đàn ông ấy chết. Bà ta được coi là nỗi ám ảnh của người dân trên đảo, có thể bắt tiếp đi những người đàn ông của họ. Có lẽ vì vậy người ta dựng tượng bà để thờ, mong đổi lại sự bình yên.
Đến nơi, việc đầu tiên bạn cần làm là thuê 1 chiếc xe máy hoặc xe kiểu như xe jeep để làm phương tiện đi lại. Sẽ có 2 đường đi bên ngoài và bên trong. Bên ngoài số lượng nhà nghỉ, khách sạn ít hơn, nhưng biển hiền hòa hơn, và tàu cá đậu gần hơn. Đường bên trong có rất nhiều bãi biển. Càng đi sâu bãi biển càng đẹp, càng thô sơ, và càng không để tắm. Có chừng 12-15 bãi biển cả thảy trên hòn đảo này. Nước biển đục, sâu và sóng khá mạnh. Có những lúc tôi tưởng mình đã đi đến cuối con đường, hẹp và dốc, nhưng rồi sau đó mở ra trước mắt tôi là cả bãi biển mênh mông, với những bậc đá cao vút, đùa chơi với sóng qua hàng trăm năm, để lại những vệt lõm lớn mà khách du lịch giờ đây có thể ngồi ngắm biển, ngắm sóng cả ngày. Nếu quá phấn khích, tôi tin rằng bạn còn có thể coi nơi đây như Mũi Hảo Vọng của Châu Á.
Người dân sống trên đảo không nhiều, chủ yếu để phục vụ khách du lịch. Đường sá còn thô ơ, nhiều đoạn đường đất trơn tuột, nhưng chính quyền đảo đang làm dần. Nhưng, đèn đường thì đã tới tận hang cùng ngõ hẻm của con đường, một việc mà tôi nghĩ chính quyền Việt nam chưa chắc đã làm được.
Càng vào sâu bên trong, khách sạn được xây càng đẹp. Tôi đoán là bạn sẽ vô cùng bất ngờ khi được ngắm nhìn những vẻ đẹp ấy. Thế mới thấy sự nhìn nhận và đầu tư nghiêm túc của chính quyền địa phương cho tiềm năng du lịch nuôi sống cuộc đời họ. Điều quan trọng là, đối với họ, đây là sự đầu tư chứ không phải là sự bỏ chi phí. Đôi lúc tôi cứ nghĩ đến từ giá như, giá như Việt Nam học được chút gì nghiêm túc từ những nước khai thác du lịch như Thái Lan... Có lẽ nỗ lực tìm kiếm và bình chọn Đại sứ du lịch sẽ chẳng mang lại ích lợi gì nếu như chúng ta không đầu tư đúng chỗ và có tầm nhìn dài hạn cho ngành du lịch nước nhà.

----------------------------------
 chi and cubi

Phật giáo ở Thái Lan

Chuyến thăm quan chính thức những ngôi chùa nổi tiếng của Bangkok đã khiến tôi hiểu hơn về Phật giáo và hình tượng Đức Phật trong các ngôi chùa ở Thái Lan.
Tượng Phật ở Thái Lan mà tôi thăm thường có 3 tư thế:
(1) Đức Phật ngồi thiền với tay phải đặt trên cẳng chân phải, bàn tay nằm sấp, ý chạm vào Trái Đất, tay trái cũng để xuôi, lòng bàn tay hướng lên trên. Tư thế này được gọi là tư thế Đức Phật điều phục Ma vương (còn gọi là Mara). Đây là tư thế phổ biến nhất của Đức Phật.

(2) Đức Phật đang đi xuống, 2 bàn tay giơ ra phía trước, ngang với thân người, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay giơ lên trên. Tư thế này thể hiện Đức Phật đang đi xuống nhân gian, ngăn con người xung đột. Đôi tay giơ ra tựa như lời khuyên "Hãy dừng đánh nhau. Hãy sống chan hòa". Đọc thêm tài liệu về Phật giáo, lại có cách giải thích khác, rằng tư thế này thể hiện Đức Phật không hề sợ hãi trước kẻ thù hay nghịch cảnh.

(3) Đức Phật nằm, đầu gối lên bàn tay phải. Đây được coi là tư thế Đức Phật tiếp xúc với các đệ tử trước khi tạ thế.

Ngoài ra, đền chùa Thái Lan và Phật giáo luôn gắn với hình tượng đầm sen. Lý giải cho việc này, Phật giáo quan niệm đầm sen có rất nhiều lớp, lớp dưới cùng là rễ (củ) sen nằm tít sâu dưới bùn lầy, lớp trên đó là những bông sen nằm trên mặt nước, lá sen có thể cũng ở đây có thể cao hơn, trên cao nữa vẫn còn có những nụ sen đang sắp nở. Đầm sen tượng trưng cho cuộc sống con người, với nhiều giai tầng khác nhau. Đức Phật coi mọi chúng sinh ấy là như nhau, và Đức Phật cần phải tới tận những nơi sâu thẳm mà dân chúng phải sống trong bùn lầy ấy.

Triết lý ấy thật nhân văn. Nhưng không phải ai theo Đạo Phật cũng hiểu điều ấy.

Cũng nhân tiện nói thêm chút ít về đền chùa Thái Lan.
Đa phần các ngôi chùa lớn đều được xây dựng từ rất lâu, khi mà những con tàu viễn dương còn chỉ biết chống lật tàu giữa đại dương bằng cách mua gốm sứ từ Trung Quốc để con tàu nặng hơn, có thể chịu được bão tố của biển cả. Ngày ấy, đền chùa mới chỉ được xây dựng bằng xi măng, bằng đất. Rồi, khi chở gốm sứ về rồi chẳng biết làm gì, đức vua mới nghĩ dùng những vật liệu đó để trang trí đền chùa. Chả thế mà đến giờ, những ngôi chùa cổ của Thái Lan đều phủ đầy gốm sứ Trung Hoa.

Nếu nhìn qua, bạn sẽ thấy họ trang trí sao mà cầu kỳ đến thế. Từng mảnh sứ nhỏ được ghép liên hoàn cho cả ngôi chùa có khi cao đến hàng chục mét. Nhưng nếu quan sát từng khung hình, bạn sẽ thấy thực ra chúng rất đơn giản. Không rồng bay phượng múa như Trung Quốc hay Việt Nam, không chạm khắc cầu kỳ nhức mắt, đó chỉ là những hình khối vô cùng đơn giản được xếp vào nhau. Không biết đó có phải là sự thể hiện đơn giản trong tâm trí người Thái. Nghe người Thái nói, bạn sẽ thấy các âm trầm được họ dùng chủ yếu, mặc dù họ có tới 5 dấu đi cùng với chữ (giống như 6 dấu thanh, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng của tiếng Việt). Lời nói, hành vi của họ cũng rất nhẹ nhàng, tình cảm.

Tại những ngôi chùa này, bạn còn có thể thấy những tấm biển nhỏ như thế này được đắp, viết trên các cột. Đó là những lời dạy của Đức Phật tới chúng sinh về đời, về người, hay đơn giản là về cách chăm sóc sức khỏe, mà nhiều người ngày nay gọi là massage. Thậm chí, khi chưa có sách vở ghi chép lại những nguyên tắc ấy, trong chùa còn có cả 1 khu tiểu cảnh mà thực chất các tượng đúc ở đó thể hiện các tư thế massage khác nhau để mọi người đến học tập và thực hành.

Trong chùa, bạn còn thấy có rất nhiều tháp nhỏ được xây xung quanh gian thờ lớn. Đó là tháp chôn cất tro và linh hồn của những người đã khuất. Người Thái có tục luôn hỏa thiêu người đã khuất, và lựa chọn sau đó hoặc đem rải trên sông hoặc cho vào lọ và để tại chùa. Cho đến nay, tại các chùa lớn, chỉ có tro của gia đình dòng tộc mới được đặt trong tháp. Mỗi tháp có thể có một hoặc một vài bộ tro, và tiền xây tháp là do gia quyến tự nguyện đóng góp cho chùa. Những người khuất từ nay về sau, nếu có nhu cầu đặt tại chùa, sẽ được sắp xếp để xây những tòa tháp mới, tại những ngôi chùa mới.

Một nét kiến trúc thống nhất trong xây dựng chùa chiền ở Thái Lan là các đầu nhọn vút cao tại các điểm nút của mái chùa. Điều này xuất phát từ quan niệm rằng kiến trúc này thể hiện sự trọn vẹn của công trình, đó là đỉnh, là sự vươn cao, là khối thống nhất.

Đi trên đường, các băng rôn, biển hiệu nói chung của Thái Lan đều có màu chủ đạo là màu vàng, màu vàng của thỏi vàng. Màu vàng này xuất phát từ 2 nguyên nhân: một là màu của Đức Phật (màu hoa vô ưu nơi Đức Phật đản sinh) và hai là màu của nhà vua. Người Thái có quan niệm mỗi ngày trong tuần gắn với một màu nhất định. Và ngày nhà vua hiện tại sinh ra gắn với màu vàng. Vì thế, Thái Lan giờ đang là đất nước của màu vàng.

----------------------------------
 chi and cubi