Buôn biển xe không?

Sáng nay, ku em vừa phàn nàn với mình về việc 2 cái biển xe máy bị "bắt cóc" từ chiều qua. Cái ngõ ngách nhỏ bé ấy ở ngõ chợ Khâm Thiên hóa ra lại không an toàn. Chỉ với cái tua-vit trong tay, trộm đã nhanh chóng "mượn tạm bác 2 cái biển" ra chợ trời (Phố Huế) chơi tý.
Muốn lai dắt cái biển về nhà, có 2 cách:
(1) Ra chợ trời, vào bất kỳ 1 cửa hàng nào, hỏi xin lại cái biển xe máy. Nếu cửa hàng đấy không có, cứ yên tâm, chờ khoảng 10', điện thoại sẽ kêu reng reng ở mọi địa chỉ "tin cậy" trong hệ thống, hỏi xem từ chiều qua có ai nhận cái biển mang số 123456789 hay không. Chắc có đến 95% là có. Quan trọng là bạn trả bao nhiêu để lấy lại cái biển thôi. Như thằng ku em đây, 850 khìn cho 2 cái biển. Cứ độ chục lần thế này là mua được con tàu khựa rồi đấy.
(2) Mang đăng ký xe, giấy tờ mua bán xe và hộ khẩu ra nhờ các bác công an làm hộ, phí đâu đó mất 200 khìn, chờ 7-10 ngày. Ai thong thả, đi xe cũng được mà đi bộ cũng được, thì có thể chọn cách này. Có thể bị các anh công an trợn mắt hành 1 tý. Đong đưa tình tứ có khi lại chả sao. Mình chỉ băn khoăn nếu làm theo cách này, các anh công an làm thế nào để thu hồi biển chợ trời, vì đó cũng là biển thật, không phải biển giả.
Mà đọc đến đây, có ai nghĩ gì không?
Mình nghĩ là nếu thất nghiệp, mình sẽ chỉ cần 1 cái tua-vit và có thể bắt đầu 1 nghề mới.

----------------------------------
chi and cubi

Chồng, vợ, bồ nhí

Chồng
Leo mãi đồi xưa thấy chán phèo
Bờ khe suối cụt lại cạn queo
Nhìn sang đồi mới xanh tươi tốt
Lòng chợt lâng lâng lại muốn trèo

Vợ
Hai quả chôm chôm thấy chán phèo
Lại thêm quả chuối bé tẻo teo
Nhớ xưa chín đỏ tràn nhựa sống
Sao giờ dòm lại thấy héo queo …..!!!!

Bồ nhí
Muốn trèo thì cứ việc leo đèo
Nói nhiều mà sao chẳng dám leo ??
Ngày xưa chắc nó trèo nhiều quá
Nên giờ nó chỉ thích nằm khèo !!!!!!!

Chồng
Thằng bé giờ đây thích nằm khèo !
Mình muốn mà sao nó chẳng theo
Đồi xanh suối mát không chăm sóc
Coi chừng có đứa nó đòi trèo ……….!!!

Xin họa theo bài này:

Chồng
Tối ăn cơm nguội thấy nhạt phèo
Đã vừa khô quắt lại héo queo
Nhìn sang thấy phở bay thơm phức
Rào thấp, dậu thưa ắt phải trèo

Vợ
Súng ống gì đâu thấy chán phèo
Đạn thì vừa lép lại vừa teo
Mã tử xì hơi kêu nhỏ xíu
Nòng vừa rỉ sét lại cong queo

Bồ nhí
Gối lỏng mà sao thích leo đèo
Coi chừng tắt thở giữa lúc leo
Bỏ tật tham lam, ham của lạ
Kiệt sức quay lơ, ngã nằm khèo

Chồng
Lực bất tòng tâm phải nằm khèo
Thằng em bất trị chẳng nghe theo
Dỗ dành, năn nỉ rồi ve vuốt
Nó cứ ì ra chẳng chịu trèo

(ST)
----------------------------------
 chi and cubi

Jazz



Lần đâu tiên đi nghe nhạc Jazz hình như cách đây 7 năm, cũng tầm cuối năm như thế này. Ở Melia. Do Đại sứ quán Arap tổ chức thì phải. Lại còn bày vẽ kiểm tra an ninh. Mình tưởng chỉ có các bạn Arap đem bom ném người khác thôi chứ, làm gì có ai chủ động ném bom các bạn Arap. Thế mà balo đi học của mình cũng bị lật tung ra. May mà chả có gì hình trái bom. Lần đấy, mình thực sự ngạc nhiên vì sao jazz hay đến thế. Các cô gái Arap trông bình thường thì ủ rũ trong cả mớ quần áo bùng nhùng chỉ hở mỗi đôi mắt, ấy thế mà hôm ấy diễn hay đến lạ. Những tiết tấu vui nhộn khiến ai trong khán phòng cũng muốn nhảy theo. Những vũ điệu dân gian tươi vui làm khán giả vỗ tay không ngớt. Mình thích jazz từ đó.
Mình bị cái tật lười tìm hiểu, cũng có thể là vì thích nửa vời đâm ra không có động lực. Mình chỉ cảm nhận jazz là những giai điệu tươi vui. Nghe jazz, mình nhớ đến những bước xoay bebop ở gót chân, thân người nghiêng theo chân xoay, đầu lắc tứ phía.
Thế rồi mình đâm ra thích Trần Mạnh Tuấn với cây saxophone. Anh chuyên chơi nhạc jazz với những bài hát dân gian, những bài đồng quê, và cả Trịnh Công Sơn nữa. Tiếng kèn ở anh vừa vui nhộn vừa da diết. Những vũ khúc đồng quê lúc lả lướt với những cánh đồng mênh mông lúc lại tươi vui nhộn nhịp với những phiên chợ đầu làng. Nhưng, jazz của anh còn da diết trong tình yêu ẩn chứa trong từng bài hát của Trịnh Công Sơn, về tình người, tình quê hương đất nước. Anh đã cho mình thấy jazz không chỉ là những điệu nhảy blues.
Đôi khi mình thấy khó hiểu vì jazz rất lạ, nhất là nghe những bản nhạc jazz của các nghệ sỹ lớn tuổi châu âu.
Hôm nay, lại nghe jazz sau 7 năm. 2 nghệ sỹ người Pháp, 2 nghệ sỹ người Việt. 1 bác già kéo Contrabass, trầm như chính bác vậy. 1 anh béo với những ngón tay như nhảy trên piano. Cậu chơi trống nhẹ nhàng, còn anh accordion thì nói cả 3 thứ tiếng, anh-pháp-việt, tất nhiên là với tiếng việt chỉ dừng lại ở “cám ơn” thôi. 4 nhạc cụ đặc trưng của dòng nhạc jazz. Lại khiến mình đung đưa theo swing. Dù là dân ca việt hay pháp, ban nhạc cũng đưa mình đến với những bước nhảy tươi vui. Lại cho mình cảm giác như 7 năm về trước.
Jazz là thế đấy. Jazz cần để cân bằng cuộc sống. Jazz cần để ai cũng thấy yêu đời hơn. Jazz cho người ta quên đi nhọc nhằn của cuộc sống.
Có lẽ đĩa jazz mình mua từ bên kia để dành sẽ được bóc tem vào ngày mai.
*****************
Dành tặng cho bạn nào, "nhỡ" đọc qua bài này, mà lại thấy thích nghe jazz:
http://www.surfmusic.de/format/jazz.html (nghe 24/24 các thể loại jazz, covering các radio trên thế giới)

----------------------------------
chi and cubi

Dạy học lớp 1 (2)

Như đã hứa, hôm nay mình lại lẩn thẩn viết mấy dòng về chương trình giáo dục cho học sinh lớp 1. Mình yêu thích toán học, nên mình sẽ nói về toán trước.
Nhưng trước khi "nhặt sạn" trong các sách vở lớp 1 mà cô cháu có được và vẫn thực tập hàng ngày, mình lăn tăn 2 điểm.
Điểm thứ nhất là, giáo viên nên dạy học sinh những phép tính đầu tiên như thế nào. Ví dụ như, 1 + 2 = 3. Ngày xưa, cô giáo dạy mình theo 2 cách: (1) là giơ ngón tay, nghĩa là, đầu tiên giơ 1 ngón, sau giơ thêm 2 ngón nữa, tổng cộng là 3 ngón, cứ thế học đến tận số 10, còn (2) là dùng bàn tính gẩy (hay còn gọi là bàn tính gỗ, tiếng anh là abacus). Nhưng ngày nay, hình như các cô giáo không dạy thế. Mình thấy cô cháu về nhà cứ lẩm nhẩm đọc "một cộng hai bằng ba" và "hai cộng một bằng ba" nhưng khi được hỏi thì không biết 2 số ba ấy giống nhau. Mình đem chuyện này hỏi cô giáo, thắc mắc rằng cô đã dạy cháu như thế nào, trên cơ sở khoa học gì, thì cô bảo "Chúng nó học thuộc lòng đã là may lắm rồi". Mình ớ người, chuồn thẳng. Và mình đã hiểu vì sao cháu mình, nếu không học thuộc lòng "hai cộng ba bằng năm" thì nhất định không thể làm được bài. Và mình mạn phép cô giáo dạy cháu bằng cách giơ ngón tay. Rồi cũng ổn, vì ngoài phép tính 2+3 nó còn biết tất cả các phép tính khác trong phạm vi 10. Thế nhưng, lại nhưng, rất khổ, cô cháu mang thói quen tính tay lên trên lớp, và bị cô mắng "Ai cho giơ tay. Phải đọc thuộc nhẩm trong đầu cơ mà". Sặc. Trẻ con mới vào lớp 1, trong đầu nó còn chưa có ý tưởng gì về chuyện học hành, những thứ sờ sờ trước mặt nó nó còn chả nhớ, lại bảo nó tự hình dung trong đầu các con số và phép tính rồi nhớ. Chắc thế hệ mình ngày xưa ngu hơn nên giáo viên không dám đặt cược vào trí nhớ của học sinh. Hoặc là ngày nay các cô giáo đặt niềm tin "quá đà" vào tỷ lệ DHA có trong sữa mà trẻ con uống hằng ngày.
Điểm thứ hai là, giáo viên phân biệt thế nào là dấu nhỏ hơn, thế nào là dấu lớn hơn cho học sinh lớp 1. Lẽ thường, ta sẽ nói, < là dấu nhỏ hơn, > là dấu lớn hơn. Đúng. Vì sao? Vì ta mặc định nói phép toán đó từ trái qua phải. Ví dụ như, với phép toán 2 < 5, ta sẽ nói "hai nhỏ hơn năm" chứ chẳng ai nói "năm lớn hơn hai". Nhưng đúng ra ta nên dạy trẻ cả hai phía, nghĩa là, "năm lớn hơn hai" cũng đúng. Nghe thì có vẻ dở hơi, nhưng mình đã gặp trường hợp phép toán này:
Điền dấu <, > vào ô trống, và cụ thể là 2 (...) 5. Cháu mình lẩm nhẩm "hai nhỏ hơn năm" và điền dấu < vào. Tuyệt. Nhưng đến phép toán này, 5 (...) 2, cháu mình vẫn lẩm nhẩm "hai nhỏ hơn năm" và điền dấu < vào. Sai toét.
Vì thế, mình đã dạy nó rằng "dấu < hay > đều có 2 phía, phía bên nào có số bé hơn thì bên đó có 1 điểm, phía bên nào có số lớn hơn thì bên đó có 2 điểm, và chúng ta bao giờ cũng bắt đầu viết dấu </> ở bên có số lớn hơn. Và rằng, a<b nghĩa là b>a.
Mình cũng chả biết thế có được gọi là cơ sở khoa học để trẻ suy luận toán hay không. Ít nhất thì cô cháu mình, khi nhớ được logic đó, cũng làm đúng được mấy phép tính trên.

Lại phải để đến lần sau mới đề cập được mấy bài toán lớp 1 vì khuya rồi. Nhưng nghĩ đến chuyện giơ ngón tay để học, mình lại nhớ đến cách giơ ngón tay. Cái này hay ra phết. Ông thày mình có nói "Người VN bọn mày bao giờ cũng giơ ngón trỏ lên đầu tiên, rồi ngón giữa, áp út, út và sau cùng là ngón cái. Thế nhưng, đến khi giơ ngón giữa lên, ngón cái phải cố chòi ra để giữ ngón áp út và út, vì có lỗ hổng ở ngón trỏ và giữa. Nếu ngón cái không đủ dài thì rất có thể ngón út cũng sẽ nhảy dựng lên cùng với ngón áp út. Bọn tao luôn giơ ngón út lên đầu tiên, lần lượt về ngón cái. Như thế, ngón cái sẽ giữ dần những ngón gần với mình nhất, đảm bảo giữ chắc hơn". Mình làm thử và thấy thế thật. Thế là mình áp dụng cho cô cháu gái. Không biết có phải như thế là không yêu nước không, nhưng nếu có bạn nào thử mà cũng thấy thế thật thì hoàn toàn có thể mang về nhà dạy cho con cháu nhé, freeware, mình chả phàn nàn gì đâu.

----------------------------------
chi and cubi

Dạy học lớp 1 (1)




Mình có cô cháu gái năm nay vào lớp 1. Cái sự vào lớp 1 thì thôi rồi là chuyện. Nhưng mình tạm gác cái đó sang 1 bên, có thể là 1 dịp khác sẽ nói. Cô cháu gái đã học được 2 tháng rồi. Và mình thấy có rất nhiều thứ phải dạy cháu.

Đầu tiên là phải dạy cháu thế nào là đi học lớp 1. Đi học lớp 1 khác đi mẫu giáo nhiều  lắm. Không phải lúc nào thích đến là đến, thích về là về. Không phải thích ăn là ăn, thích chơi là chơi. Không phải thích mách cô giáo lúc nào là mách. Đi học lớp 1, cháu phải biết đến trường không sau tiếng trống, phải biết xếp hàng ôn bài trước giờ vào lớp, phải biết đứng lên chào cô hay hát theo bạn quản ca, phải biết làm bài không quá giờ, phải biết giữ trật tự khi còn trong giờ học. Và, cái lớn nhất cần dạy, đó là phải biết kiên trì.
Cô cháu mình tuyệt nhiên không có tính kiên trì. Hồi đầu chỉ cầm bút 5' là cháu kêu mỏi, cháu nhìn trước ngó sau, chực đứng lên, thích là viết, chả thích là thôi. Những bài tập viết đầu tiên, 2-3 dòng rồi nâng lên gần chục dòng, ngày nào cũng như ngày nào, đã luyện cho cháu biết điều này. Tuy nhiên, để cháu thực sự biết rằng mình đã đi học lớp 1, mình nghĩ phải cả năm.
Điều thứ 2 phải dạy cháu là cách cầm bút và dùng tẩy. Người lớn như mình mà bắt đầu viết một ngôn ngữ lạ, chữ không giống gà bới mình đi đầu xuống đất. Nữa là trẻ con. Người lớn phải xác định rằng khi trẻ con cầm bút, nó sẽ nhanh chóng mỏi tay và viết rất mờ. Nhưng vì bị mắng, chúng lại cố ấn để nét chữ thật đậm. Vì thế, hãy nhẹ nhàng xem chúng viết từng nét một, thấy thanh quá thì nhắc ấn đầu bút hơn, thấy đậm quá phải nhắc nâng ngòi bút lên một tẹo. Có thể phải hàng giờ bạn ngồi bên cạnh chúng và theo dõi từng nét bút. Thậm chí lúc nào cần phải thay đổi độ ấn, bạn cần có cái bút tương tự để viết ra, để chúng nhìn thấy được đậm đến thế nào là vừa. Dạy chúng tẩy cũng vậy. Không chỉ đơn giản là cầm cái tẩy lên và tẩy xoay 4 hướng. Với mỗi một nét bút viết sai, bạn cần phải chỉ ra cho chúng nét sai đấy là nét gì, là nét thẳng ngang, thẳng dọc, hay là đường cong. Và cầm tẩy nhẹ nhàng đưa theo đường của nét đó. Chúng có thể tẩy đi tẩy lại, nhưng vẫn phải theo những nét đó. Có như vậy, nét bút chì mới được xóa mờ hẳn, không làm sờn giấy, và tiết kiệm tẩy. Trẻ con cũng không mỏi tay vì phải ấn tẩy liên tục. Một điều nữa mình quan sát được, khi tẩy xong, trẻ thường vẩy phần rác tẩy (được tạo thành từ bột cao su làm tẩy, bột giấy và bột chì) vào người chúng, làm bẩn quần áo đang mặc trên người. Hãy nhắc trẻ vừa tẩy vừa thổi nhẹ rác tẩy ra ngoài, như thế người không bị bẩn, mà rác tẩy không tiếp tục quấn vào tẩy và tiếp tục chà xát trên mặt giấy, làm bản thân chỗ tẩy đen đi. Tốt nhất bạn nên nói điều này với trẻ ngay từ những ngày đầu tiên chúng dùng tẩy. Chứ để như mình bây giờ, sau 2 tháng mới phổ biến, thì không đem lại hiệu quả nhanh chóng, vì trẻ thường chưa ý thức được việc làm thế nào cho tốt mà chỉ biết làm theo thói quen từ trước.
Điều thứ ba bạn nên dạy trẻ là việc giữ gìn đồ dùng học tập của mình. Ở các trường tiểu học bây giờ, để tránh học sinh phải mang vác cặp nặng về nhà, các cô giáo thường để cho học sinh để (gần) hết sách vở ở lớp, dưới ngăn bàn mình học. Cho nên, học sinh không có thói quen sau khi hết tiết học cần phải bỏ hết sách vở vào cặp của mình và khóa lại. Chúng thường để ngay trên bàn. Chúng trêu đùa nhau, giấu sách vở của nhau đi, và như thế đương nhiên là mất. Chúng chưa có ý thức đó chỉ là trêu, và sách vở không phải là "nàng thơ". Sách vở rất có thể không bao giờ được nhìn thấy nữa. Cháu mình đã bị mất 2 cuốn vở, bị bạn dùng giấy màu dán lên hết cả một cuốn vở khác. Cái thời mình đi học xa xưa quá rồi nên mình không thể tưởng tượng các cô giáo quản lý lớp thế nào, do đó không nhắc cháu về việc giữ gìn đồ dùng cá nhân. Sách vở là nạn nhân. Đồ dùng học tập khác còn là nạn nhân hơn. Nào là mất bút. Nào là mất tẩy. Nào là gãy bút. Nào là mất giấy màu, mất phấn, mất bảng, vân vân và không bao giờ kể hết. Dù gì thì chúng cũng là tiền. Nếu cứ vài ba ngày chúng lại mất ít nhất một thứ đồ thì mình tin rằng bà mẹ vĩ đại đến mấy cũng trở thành sư tử với con.
Nhân thể nói đến chuyện này, có một việc mà mình rất nên nói với trẻ con, đó là việc xin lại cô giáo những đồ dùng học tập bị cô thu. Nếu trẻ mang đồ dùng học tập ra chơi đùa trong giờ học, khả năng cô giáo tịch thu những đồ dùng đấy là trên 90%. Bất kể lầ đồ dùng của chính em đó hay là em đó "mượn" của em khác. Sau giờ học, nếu trẻ không có thói quen lên xin lại cô giáo, khả năng mất vĩnh viễn đồ dùng đó là 100,1%. Đó là trường hợp của cháu mình. Nó bị bạn "mượn" cục tẩy. Nó ngố đến mức không dám đòi lại. Và thế là nó nhìn cô "tịch thu" cục tẩy ngay trước mắt. Vẫn không dám nói gì. Cô đút túi quần. Về nhà nó than vãn với mình để mình không phải "trừng phạt" nó. Mình bảo mai đến lớp xin lại cô cục tẩy, nói "bạn A bị cô tịch thu tẩy, nhưng đó là tẩy của em bạn ý cầm ra chơi, cô cho em xin lại". Nhưng nó nhận được một câu trả lời gọn lỏn "Cô không còn cục tẩy đó nữa". Cục tẩy đó giá 3000. Trong nhiều thứ đã mất, có 2 cái tẩy. Mà lớp nó có đến 40 học sinh. Mình nghĩ, nếu mình làm cô giáo lớp 1 được 5 năm, khéo có lẽ mình đã được cả 1 cửa hàng văn phòng phẩm.
Giờ thì mình tạm khép lại những "kỹ năng sống" nên dạy trẻ lớp 1 tại đây. Số sau sẽ là những "hạt sạn" của chương trình giáo dục lớp 1 mà cho mình đi từ ngạc nhiên này đến sửng sốt kia.

----------------------------------
chi and cubi