Ối giồi ôi mẹ bị lừa rồi...

Mẹ tôi, người đàn bà thông minh, sắc sảo là thế mà vẫn bị lừa bởi một thằng cha ất ơ.
Mồng 6 Tết. Mẹ tôi đang hoá vàng, bỗng thấy có ông mặc quần áo cà sa đến hỏi thăm nhà một người hàng xóm. Mẹ tôi nhận ra ngay vì đó chính là ông thày làm lễ cho bà hàng xóm khi bà ấy mất. Nhưng nhà hàng xóm không có ai ở nhà. Ông nằng nặc xin mẹ tôi cho vào nhà. Từ chối rằng đang bận việc, ông chờ đến tận khi mẹ tôi xong việc rồi xin vào nhà. Ừ thì vào. Rồi ông khen ban thờ nhà tôi đẹp, nhưng đặt trực tiếp lên tủ nên động. Ông bảo để ông làm lễ rồi cho lên cái xích đu, như vậy tốt hơn. Miễn phí. Con cà con kê, thế nào mà mẹ tôi lại nói chuyện nhà có cô con gái vẫn chưa lập gia đình. Thế là ông ấy khăng khăng để ông ý cắt tiền duyên. Vẫn chưa hết, mẹ tôi tiện mồm bảo nhà có con cháu nhưng tính không thuần, ông thấy mồi ngon ôm cả thể. Tiền duyên thì phải tiền rồi, triệu. Cúng bái cho cháu thêm triệu nữa. Rồi thêm khoản mục gì nữa đó 300 ngàn. Rồi ông bảo ông sang Gia Lâm làm lễ đây, rủ mẹ tôi đi cùng. Dù mẹ tôi từ chối nhưng ông cứ tiện mồm kéo đi. Mẹ tôi đưa thêm cho trăm ngàn, để ông ý đi đường. Tổng cộng cụ đã chi ra 2,4 triệu. Ông thày hẹn 3 ngày sau quay lại làm lễ.
Thế nhưng, mồng 9 qua rồi mà ông ta bặt vô âm tín. Lúc này, nhà mới tá hoả khi biết câu chuyện của bà. Ai cũng mắng, ai cũng trách. Bà lại nhất định không chịu nhận lỗi về mình, cứ khăng khăng bảo vì bát hương hoá đêm 30 nên mới mời ông ta vào nhà vì quá lo lắng. Chả là, đêm 30, bát hương nhà tôi, dù không còn mấy chân nhang, dù không thắp nhiều đến nỗi nhiệt độ quá cao, nhưng hoá âm, nghĩa là, cháy âm ỉ bên dưới lớp tro. Mẹ tôi đi hỏi nhiều người, ai cũng bảo hoá chân hương là điềm lành. Đến tôi cũng nghĩ như vậy. Nhưng thực ra, hoá âm báo điềm gở, hoặc mồ mả động, hoặc bị lừa tiền.
Thêm nữa, mẹ tôi sang nhà hàng xóm hỏi rõ ngọn ngành. Thì ra là, không phải nhà đó mời ông ý về, mà ông ý lân la ở Nhà hoá thân Hoàn Vũ đòi về làm lễ cho.
Xâu chuỗi sự kiện để hiểu ngay rằng mẹ tôi đã bị lừa một cách quá dễ dàng. Người đàn bà thông minh, sâu sắc cả đời mà bị lừa đảo ngoạn mục quá.
Tôi không rành về Phật pháp. Nhưng tôi cố suy diễn một cách đơn giản nhất thế này. Người tu hành, trừ trường hợp khẩn thiết, không bao giờ xin vào nhà dân thường, không chủ động mời gia chủ thực hiện các nghi lễ cúng bái vì bất kỳ lý do gì. Ông này đã phạm cả hai nguyên tắc cơ bản ấy.
Rồi tôi an ủi, dù bị lừa thật, nhưng của đi thay người thôi thế cũng xong. Giả sử ông đó dụ được mẹ tôi đi cùng, không biết còn chuyện gì nữa sẽ xảy ra tới sự an nguy của bà, cũng như tài sản mà bà có, dù trên người không có gì quý giá, nhưng tôi đã chứng kiến một số trường hợp bị ngửi thuốc mê, thậm chí còn về nhà lấy tài sản đưa cho bọn lừa đảo. Rõ ràng mẹ tôi đã từ chối, nhưng ông ta tìm mọi cách dụ mẹ tôi đi cùng, lại còn đi khá xa, thì không thể không có âm mưu.
Rồi, giả sử ông đó đến vào ngày mồng 9 Tết thật, thì mẹ tôi sẽ được dịp tin rằng những gì bà làm là đúng. Đúng thì phải theo. Theo nghĩa là mất thêm tiền bạc. Nhà chỉ có hai ông bà già. Sự an nguy cũng có thể trở nên mong manh khi ông đó có thêm dịp khám phá đường đi lối lại trong nhà tôi.
Đúng là, người tính không bằng trời tính. Những người đóng vai nhà Phật để lừa những người tin vào Phật pháp như mẹ tôi thì quả thật là cao tay. Chỉ mong mẹ đủ tỉnh táo để nhận ra đó là trò lừa đảo.
Tôi vẫn thường ngưỡng mộ những người tu hành, vì họ dũng cảm gột rửa sân si trần thế, một lòng hướng Phật, tu thân tích đức. Nhưng tôi không thể hiểu được có một số người lại lấy đó làm phương tiện để kiếm sống, như vụ ông thày rởm lừa mẹ tôi. Một số khác coi những nguyên tắc nhà Phật như trò chơi để đùa với Phật tử, như vụ phát lộc tại Chùa Hương hôm rồi. Biết rằng cuộc sống là vô thường, gieo nhân nào thì gặp quả nấy, nhưng sao vẫn thấy lòng lo lắng khôn nguôi...


0 comments:

Post a Comment