Nhìn lại quá khứ

Bạn tôi, con cháu một nhà tư sản Hà Nội chính gốc mấy đời, sinh ra và lớn lên ở phố Tô Hiến Thành.
Tết năm nay, bạn tôi lần đầu tiên trong đời được nghe kể chuyện ngày xưa, dù các cụ trong nhà là địa chủ kháng chiến, hiến đất cho cách mạng đi tản cư, ba nhà ở Hà Nội thì hiến hai, để lại một cái, nên được gọi là tư sản yêu nước, thế nhưng vẫn không thoát khỏi sự đấu tố của những người bần cố nông làm việc trong nhà. May các cụ còn thoát chết.
Và bạn tôi hận, hận "cái lũ bần cố nông ngu dốt" đã khiến cho dòng tộc trải qua giai đoạn sóng gió và bi thương. Và bạn tôi ước, giá Việt Nam có Trumph làm tổng thống.
Và status đó của bạn tôi nhận được hơn 200 like cộng vô khối bình luận. Trong số đó, có người sẻ chia, có kẻ phê phán. Hai ngày sau, bạn tôi xoá sạch những người phản đối mình trong friendlist.
Hành động của bạn tôi có được coi là hợp lý không?
Bạn tôi, người phê phán chế độ cộng sản độc tài, mơ ước về một xã hội dân chủ, tự do, cũng tốt thôi. Nhưng bạn có thể dối mình rằng, trên thế giới, chả có nơi nào tự do thực sự, ngay kể cả Mỹ. Nước Mỹ, sau Chiến tranh lạnh với Nga, đã trở nên "độc tài" thống trị thế giới, dưới vỏ bọc nền dân chủ tự do. Mỹ xây dựng đồng minh ở Châu Âu nhưng là để thực thi các chính sách ngoại giao của Mỹ. Các tổ chức quốc tế được thành lập dưới mác tự do như IMF, WB, ..., đều do Mỹ nắm quyền chi phối, và trên thực tế, họ phục vụ mục tiêu chính trị của Mỹ chứ không thuần tuý là các tổ chức có tiếng nói độc lập. Đặc biệt với Trumph, ông ý theo chủ nghĩa dân tuý, không tự do. Ngay từ khi lên nắm quyền vào ngày 20/1/2017 vừa rồi, ông đã ký khoảng gần 20 sắc lệnh, quyết định, ..., thể hiện sự "bán độc tài" của mình. Nếu Trumph lãnh đạo Việt Nam vào thời kỳ cải cách ruộng đất khoảng đầu những năm 50s như thế, liệu Trumph có là một Hítle thứ hai? Trumph có nhiều tài sản, dĩ nhiên Trumph luôn ủng hộ tư sản rồi. Vậy "cái lũ bần cố nông" liệu có chết cả loạt dưới tay Trumph, có khi còn hơn cả nạn đói năm 45.
Bạn tôi đã qua nửa đời người, tôi có thể tạm gọi như vậy. Nửa đời người liệu đã đủ cho bạn chiêm nghiệm về cuộc sống vô thường chưa? Liệu đã đủ để bạn ngộ ra rằng việc gì trên đời cũng có thể xảy ra? Liệu đã đủ để bạn thấy cái sự ấu trĩ, thối nát đó xuất phát từ chính quyền, chứ không hẳn là từ chế độ? Việt Nam vẫn duy trì chế độ đó cho đến nay, nhưng cuộc sống đã thay đổi quá nhiều từ những năm 50s ấy. Việt Nam học tập Trung Quốc trên từng bước đi, và cái lỗi mà "một thời bi thương" phải gánh chịu là cái lỗi hệ thống xuất thân từ nước lớn như Trung Quốc mà ra.
Bạn tôi làm nghề tự do. Cụ thể là nhiếp ảnh, là sáng tác nhạc. Làm ra sản phẩm thì phải bán. Muốn bán phải có khách hàng. Muốn có khách hàng phải có mạng lưới. Và cái friendlist đấy chính là mạng lưới mà bạn tôi cần để kiếm cơm. Liệu ý kiến đa chiều về một sự việc nào đó có đáng để bạn tôi phải tự chặt mất nguồn kiếm cơm của mình không? Đấy là chưa kể chấp nhận ý kiến trái chiều là một đặc điểm cố hữu của nền dân chủ tự do mà bạn tôi đang mơ tới.


Tôi có đọc một comment được bạn tôi giữ lại "Ý kiến của anh cũng hợp lý thôi, nhưng hiếm". Vì sao hiếm?
Gia đình ông bà nội tôi là địa chủ. Trong kháng chiến, ông bà cũng nuôi cách mạng. Nhưng rồi, ông bà cũng bị bần cố nông đấu tố. Bị mất hết sạch nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, ông bà và các bác bị đuổi ra đê ở. Đó là những ngày tháng khổ nhục không kể xiết của ông bà tôi. Bố tôi ngày ấy còn xung phong đi bộ đội, nhưng gia đình vẫn không thoát khỏi cảnh đấu tố.
Gia đình ông bà ngoại tôi làm kinh doanh nhà ăn thời Pháp. Quê tôi bị Pháp chiếm đóng. Nhà hàng của ông bà tôi là địa chỉ thường xuyên lui tới của lính Pháp. Ông ngoại tôi chuyên bốc thuốc cứu người. Khác với nhà nội, các bác nhà ngoại tôi đi kháng chiến gần hết. Một bác còn là liệt sỹ. Bà ngoại tôi giấu cán bộ nhiều lần. CÒn chuyện nuôi người làm thì vô khối. Ấy thế mà, những năm 50s ấy, ông bà tôi cũng bị quy địa chủ, bởi chính những người làm trong gia đình. Thực ra cũng may, vì người làm này tố thì người làm kia bênh. Nhưng nhà cửa, tài sản cũng mất sạch sẽ. Mẹ tôi kể rất nhiều lần, rằng ông bác tôi bị ra đê ở. Vốn được học hành, bác tôi vẫn sống. Bác làm nông nghiệp, chăn nuôi. Hàng ngày, gà vịt nhà bác đẻ trứng. Bác vẫn để toàn bộ sản phẩm đó trước hiên nhà, "mời các ông bà nông dân cứ lấy mà ăn". Nghĩ mà xem, mình là nông dân, mình đuổi nó ra đê ở, lấy nhà của nó ở, lấy đồ của nó xài, nhưng mình chả biết làm gì, nên hàng ngày vẫn phải ra đê lấy sản vật của nó để sinh sống. Nhưng, "các ông bà nông dân" không nhìn thấy chữ "nhục" bao giờ. Vì chính quyền ngu dốt, họ nghĩ rằng họ có quyền làm thế, vì bao năm họ đã bị áp bức bóc lột, giờ là lúc "lấy lại công bằng".


Sau này, cả nhà ông bà ngoại và ông bà nội tôi đều được chính quyền "xin lỗi", "trả lại tên cho em". Nhưng còn đúng cái tên thôi. Không còn gì ngoài nó nữa. Tôi vẫn thường nói đùa với bố mẹ mình "Giá như lúc bố mẹ lớn lên đã được hưởng phúc lộc của ông bà, thì giờ này nhà mình không đến nỗi nghèo như thế".
Vậy đó. Đúng là một thời bi tráng của dân tộc, một thời đau thương của dòng tộc nhà tôi. Nhưng tôi được nghe câu chuyện ấy trên dưới trăm lần. Và tôi nghĩ, mình đâu thay đổi được thời thế. Tố chất của người có học, dù trong hoàn cảnh sống nào, cũng vẫn là người có học. Người nông dân vẫn muôn đời chỉ là nông dân mà thôi.
Con quan thì lại làm quan
Con sãi ở chùa thì quét lá đa
Câu thơ phê phán xã hội phong kiến ngày xưa, nhưng ở góc độ nào đó, nó vẫn đúng, cho đến tận ngày nay.
Tôi nghĩ, cái nhìn của tôi về thời kỳ đau thương ấy cũng giống như của bao lớp lớp người con, cháu dòng tộc đã từng bị quy địa chủ như bạn tôi. Thế nhưng, vì sao bạn tôi lại nhìn nó với một thái độ căm hờn đến thế? Có phải là vì lần đầu được nghe? Hay vì tư duy cực đoan mà bạn tôi tự chọn cho mình cách thể hiện?

0 comments:

Post a Comment