Dạy học lớp 1 (4)

Giờ thì cuộc sống dạy cho mình hiểu điểm chấm trong nhà trường chả có ý nghĩa mấy, tiểu học càng không ý nghĩa, lớp 1 càng không ý nghĩa nữa. Mà lớp 1 ở Việt Nam thì coi như hẳn là vô nghĩa.
Ví dụ thế này nhé:
  1. Cô cháu thi giữa kỳ 1. Sau buổi thi Toán, cô giáo chủ nhiệm phàn nàn rằng "Cả lớp có mỗi nó không làm được bài. Nói mẹ đến gặp cô". Cả nhà giật mình. Và lo ngay ngáy. Không phải lo vì có thể con bị điểm kém. Mà lo vì câu nói của cô. Con bé hàng ngày học tại nhà môn Toán cũng không đến nỗi nào. Nó bị áp lực gì mà thi lại không làm được bài. Thắc mắc không biết hỏi ai. Cho đến tận ngày hôm sau, mẹ ra trường gặp cô. Thì ra cháu được 7 điểm. Cô bảo, lớp có 1 bạn hơi đao nên "bị" điểm 6. 7 điểm thì có vài bạn. Còn đâu toàn 8-9-10. Mình nghe xong thở phào nhẹ nhõm. 7 điểm mà bảo dốt nhất lớp thì mình cũng bái phục cô.
  2.  Mà đúng là mình bái phục thật. Mình thiếu nước trải báo trước mặt cô mà quỳ sụp xuống lạy như Thần. Vì khi cô đưa trả hồ sơ học sinh thì mình thấy cháu nhà mình được 9 điểm Toán. Chắc cả lớp đều chỉ có 9 hoặc 10. Thế mình mới nghĩ, cứ nghe các bố các mẹ khoe nhau con học lớp 1 được học sinh giỏi mà mình cười trừ là rất có lý. Lớp 1 cứ giỏi hết, lớp 2 cứ giỏi hết, nhưng đến lớp 5 không đánh vần nổi chữ cái. Học thế mới gọi là học chứ. Xã hội chủ nghĩa muôn năm!
  3. Hết thi rồi, quay trở lại học bình thường. Hôm rồi, cháu thắc mắc "Cháu viết đẹp thế mà cô chỉ cho cháu 9 điểm là sao?" hoặc "Cháu làm đúng hết toán mà cô cũng chỉ cho cháu 9 điểm là sao?". Mình đành phải nói "Chắc là vì con viết chưa sạch sẽ". Khổ lắm. Ngày xưa, mình học lớp 1 phải viết bút chì nguyên kỳ học đầu tiên. Sau đó mới tập viết bút mực. Nay, không biết có phải là quy định của Bộ đối với lớp chuẩn cấp quốc gia loại I không, mà cháu mình sau 2 tháng viết bút chì đã phải viết bút mực rồi. Bút chì sai còn tẩy. Bút mực tẩy bằng mắt à? Tư thế cầm bút còn chưa thạo. Nhoe nhoét là chuyện thường ngày ở huyện. Nét thanh nét đậm chưa rõ là điều hết sức bình thường. Cô cũng có cầm tay được từng đứa để luyện cho nó cầm bút đúng cách đâu. Thế nên, bạn hãy đừng phiền lòng nếu con bạn chỉ được 7 điểm môn tập viết. Đến cả 4 cũng chẳng nên sợ. Bạn hãy mắng nó nếu nó không  viết tý nào. Đấy là còn chưa kể, ngoài việc trừ điểm bẩn, cô còn trừ điểm nói chuyện trong các bài tập viết, hay thậm chí bài toán, nữa kia. Một quan điểm hoàn toàn mới!
  4. Cách đây hơn tuần, cháu "khoe" hôm nay được điểm 2 môn Toán. Giật mình xem vở. Cháu mới chỉ viết đề bài, chứ chưa hề làm tý nào. 2 điểm là đúng rồi. Chắc là mải chơi. Mình giận tím mặt. Hỏi đi hỏi lại, cháu chỉ bảo "Các bạn ý học thuộc lòng nên làm nhanh, cháu đếm tay nên  làm lâu hơn". Rồi lai hỏi chuyện vì sao lúc cuối giờ các bạn nhắc lại lời gì đó của cô mà con chỉ chăm chăm mặc áo ra khỏi lớp, cháu  lại bảo "Các bạn đọc phép tính trong phạm vi 8". Thế là băn khoăn của mình được giải đáp. Hóa ra là, cô đã phát cho từng học sinh một cái bảng các phép tính +/- trong phạm vi 10 và bắt các cháu học thuộc lòng hết. Cháu mang về nhà nhưng mẹ cháu chả hiểu ý của cô là gì nên mang cất đi. Lại nhớ ngày xưa khi mình học bảng cửu chương. Mình nhớ rất rõ mình học bảng cửu chương từ năm học lớp 3. Nghĩa là tới lúc đó, mình đã có ý thức rất rõ về học hành. Mình cũng đã quen mặt các con số. Mình cũng đã thuộc lòng các phép tính +/- và nguyên tắc giải các bài toán. Chưa kế bảng cửu chương được in khắp các bìa 4 của mỗi cuốn vở, mở ra là thấy, nhìn suốt ngày nên học thuộc lòng thuận tiện hơn. Đằng này, các cháu mới vào lớp 1 được hơn 2 tháng. Các cháu còn chưa có ý thức học hành, còn chưa biết nguyên tắc hay thuật toán là gì. Thế mà cô bắt các cháu học bảng cửu chương +/-. Mà số lượng các phép +/- tăng lên theo phạm vi. Tối đó, mình vừa dạy cháu học thuộc lòng các phép tính, trong lòng vừa căm phẫn mà không biết tỏ cùng ai. Nó học 1 hồi rồi tẩu hỏa nhập ma. Nói thật, có cho mình học mình cũng tẩu hỏa nhập ma chứ nói gì đến đứa 6 tuổi. Tính đến hôm nay đã khoảng gần 10 ngày, hầu như ngày nào mình cũng bắt nó đọc "phép cộng trong phạm vi 8", rồi "phép trừ trong phạm vi 5", rồi v.v..., nhưng ngày nào nó cũng không thuộc được hết. Đọc một hồi, nó tuyên bố "2+4=8". Mình lại phải tìm thuật toán trong cách học thuộc lòng ấy, nhưng cũng không ăn thua. Nó vẫn lẫn lộn như thường. Mà vì như thế, nên mỗi khi làm toán ở nhà, nó lại không chịu nhớ, mà giở ngón tay ra đếm. Đếm ngón tay là phương pháp mình dạy nó từ trước, giống như ngày xưa mình học. Hò hét mãi rồi mình cũng tặc lưỡi "nó dùng phương pháp đếm tay là khoa học, không cần phải nhớ mà kiểu gì cũng làm được". Thế là tối nay, bỏ qua cái phương pháp "lởm" của cô, mình dạy nó thêm 1 chiêu nữa: đổi vế và đổi dấu của số để tìm được số trong ô trống. Nghe thì có vẻ phức tạp, nhưng sơ qua thì nó cũng hiểu. Số là thế này nhé. Khi nó gặp phải con toán "2+3+???=9", nó có thể tính "2+3=5, rồi 5+???=9" và từ bảng cửu chương hoặc từ tay nó có thể tìm được đáp án. Nhưng nếu là con toán "2+???+3=9" thì nó chả biết làm thế nào, mặc dù cách làm y hệt như trên, nhưng nó không thuận vì ??? lại đứng giữa. Khó hơn nữa là con toán "2+???-5=1". Nếu ở trên, mình có thể dạy nó mặc dù ??? ở giữa, ta vẫn có thể lấy 2+3 trước, rồi lấy số đó +???=9, thì ở dưới mình không thể áp dụng quy tắc đó được. Nó sẽ lấy 2-5, mà ở lớp 1, phép trừ này không thể thực hiện được. Mình đành phải dạy nó thế này "nếu có dấu trừ đằng trước số cuối cùng" thì con phải bắt đầu từ số bên phải dấu =, nghĩa là số 1. Giờ 1 ngón tay lên. Vậy số mấy -5=1? Khi -5, 5 ngón tay giơ lên của con phải cụp xuống. Vậy trước khi -5, 5 ngón tay ấy phải được giơ lên. Thế tức là có 6 ngón tay được giơ lên. Vậy 2+???=6? Ta tìm số trong ô trống bằng cách này. Có ai đọc xong phần giải thích của mình mà hiểu ngay thì mình chết liền. Sau 2  buổi hì hục với cháu như thế, tối nay mình đã quyết định thay bằng nguyên tắc mới. Nghĩa là, rất khoa học, mình dùng cách đổi vế và đổi dấu của số. Mình chỉ cần chia ra làm 2 loại: đằng trước ô trống (???) là dấu + hoặc -. Nếu là dấu + (có hẳn dấu + trước số hoặc không có dấu gì), đổi hết các số còn lại từ vế trái sang vế phải và đổi dấu cho các số đó (dấu + thành - và ngược lại). Nếu là dấu -, đổi vế của ô trống sang vế phải, đổi dấu của ô trống để dấu - biến thành dấu +, đổi các số vế phải sang vế trái và đổi dấu cho các số đó. Như thế trong mọi tình huống đều có thể tìm ra đáp án. Quay lại 3 ví dụ trên. 2+3+???=9. Đằng trước ô trống là dấu +. Vì thế, đổi vế và dấu của 2 và 3. Như vậy, ô trống = 9-2-3. Thế là dùng tay đếm ra luôn. Đến con 2+???+3=9 cũng vậy. Áp dụng quy tắc như trên. Đến con 2+???-5=1 cũng áp dụng quy tắc trên, vì đằng trước ô trống vẫn là dấu +. Ví dụ mới, 2-???+4=5. Đằng trước ô trống  là dấu -. Áp dụng nguyên tắc đổi ô trống sang vế phải, đổi số 5 sang vế trái. Đổi dấu của 2 số này. Như vậy, ô trống = 2+4-5. Tự bản thân mình cảm thấy cách này là ổn. Mới dạy qua cho cháu, nó vẫn còn đang hơi lẫn lộn vì dấu + hay - trước ô trống. Nhưng mình tin, qua vài buổi, nó sẽ áp dụng công thức này cực ngon để giải các thể loại điền số vào ô trống. Mới đó mà nó đã tự tin nói với mình "Mai cháu sẽ làm theo cách này để giải các bài toán".
Thôi, dài quá rồi nhỉ? Mình chỉ định bụng khoe hệ thống điểm của VN thôi, mà dài dòng sang cả cách dạy con. Nhưng mà thế cũng được, cho hợp với tiêu đề. Ai đọc đến đây mà thấy dài quá rồi thì thôi không phải đọc những từ sau nữa nhé! Hé hé.

----------------------------------
chi and cubi

0 comments:

Post a Comment