2011: Những kỷ lục mới và ‘choáng’, ‘sốc’, ‘giật mình’

Tác giả: Hoàng Hường Những ngày cuối cùng của năm 2011 đang đi qua, đây là thời điểm các cơ quan ban ngành bận rộn với những cuộc tổng kết, báo cáo cuối năm. Tuần Việt Nam xin cùng nhìn lại những hỉ nộ ái ố suốt một năm qua trên các phương tiện truyền thông nhìn từ lĩnh vực văn hóa.

Cơn choáng của bà bộ trưởng và sự hào phóng của đại gia yêu cái đẹp
Trong khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến vẫn chưa hết 'choáng', 'sốc' trước tình trạng quá tải ở các bệnh viện, nơi bà đã có thâm niên mấy chục năm, và vẫn chưa tìm ra giải pháp gì thấu đáo, thì may thay, những người yêu cái đẹp đã kịp thời giúp dân xoa dịu hay chí ít là tạm quên những đau đớn, stress  vì ốm đau bệnh tật, vì kinh tế khó khăn ... khi liên tiếp tổ chức những cuộc thi người đẹp, hoa hậu.
Những năm gần đây, Việt Nam luôn vinh dự là quốc gia đăng cai những cuộc thi sắc đẹp quốc tế, và gần như cứ mỗi cuộc thi lại có thêm một nhà hát, trung tâm văn hóa 'xứng tầm' được xây dựng.
Năm 2008, để chuẩn bị cho việc tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 (Miss Universe) tại Nha Trang, Khánh Hòa, công ty Hoàn Cầu đã đứng ra xây dựng nhà hát Crown Convention Center có quy mô 8.000 chỗ ngồi với tổng kinh phí 9,8 triệu USD.
Với tiến độ xây dựng gấp gáp đáng ngạc nhiên, và quy mô hoành tráng, nhiều người nghi ngại về chất lượng công trình, nhưng đã 3 năm trôi qua nhà hát Crown Convention Center vẫn... còn nguyên chờ hoa hậu, thì một công trình 'xứng tầm' khác, Nhà hát San Hô có kinh phí 10 triệu USD chuẩn bị được mọc lên tại Ninh Thuận chờ đón các thí sinh Miss Earth.

Mô hình Nhà hát San Hô mới được khởi công ở Ninh Thuận
Còn nhớ năm 2010, cuộc thi Hoa hậu Thế giới cũng 'suýt' được tổ chức tại Việt Nam. Sau những tuyên bố tài trợ đao to búa lớn của đại gia Hoàng Kiều và những kế hoạch của ông ở Vịnh Nha Trang bất thành, 'đại gia yêu cái đẹp' lại rầm rộ chuyển dự án đến Tiền Giang, nhưng một lần nữa tâm huyết với cái đẹp của vị đại gia phải dừng lại.
Chẳng biết vui hay buồn, nếu Hoa hậu Thế giới 2010 được tổ chức suôn sẻ, người dân Thới Sơn, Tiền Giang đã có một công trình văn hóa 'xứng tầm', được ngắm người đẹp thế giới, dù cho sau đó những nông dân mất ruộng có thể căng mùng màn ngủ ở sảnh nhà hát.
Tại sao trong khi những công trình phúc lợi công cộng như bệnh viện - trường học ngày càng gây 'đau đớn' từ người dân đến những lãnh đạo đầu ngành, thì những công trình nhiều tỷ mọc lên chỉ để dùng một lần rồi bỏ đấy lại liên tiếp được xây dựng, kèm theo những dự án đất đai đắc địa nhất; chắc chỉ các... hoa hậu trả lời được.
Hoặc nói cách khác, Việt Nam rất yêu cái đẹp và các đại gia Việt đặc biệt hào phóng với sắc đẹp.

Từ thiện 'ăn chực' và 1001 chiêu trò 'nhân ái'
Đẹp là vẻ đẹp từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ hình dáng đến tâm hồn, điều đó ai chả biết, cô nào đi thi hoa hậu mà chẳng nằm lòng mấy câu trả lời cho trước ấy; và người đẹp thì phải năng nổ làm từ thiện - đương nhiên - chứ không lấy lý do gì mà xuất hiện trên báo, doanh nghiệp - nhà tổ chức làm gì với những nguồn tiền tài trợ, và cớ nào để hô hào lòng trắc ẩn của các nhà hảo tâm rủng rẻng?
Thôi thì dù làm nền để các cô xúng xính lên báo, để các doanh nghiệp rộng cửa làm ăn, thêm nhiệt huyết tổ chức nhiều cuộc vui khác, thì người nghèo cũng đã được hưởng lợi, và phải cảm ơn các người đẹp rất nhiều, dù một gói mỳ tôm cũng là giúp đỡ.
Nhưng chuyện kéo cả mấy chục người đến ăn chầu cơm của các trẻ mồ côi, rồi chìa cho người ta hơn triệu bạc, chưa đủ tiền đi chợ, thì quá lắm thưa các doanh nhân yêu cái đẹp.
Khi hoa hậu đi thăm trại trẻ mồ côi..
... và ca sĩ đi làm từ thiện.
Cái gì cũng có giới hạn thôi, cả sự tính toán lẫn giả tạo.
Tội nghiệp mấy người đẹp mặt hoa da phấn, dù cười tươi lắm choán hết cả phần chụp ảnh các em bé, thì vẫn phải giơ mặt ra cho thiên hạ ném đá.
Cũng giống anh ca sĩ Lương Bằng Quang hùng dũng thuê cả đoàn vệ sĩ khênh mỳ tôm theo anh đi làm việc thiện thôi!.
Đến con trẻ cũng biết không nên cười đùa nơi đám ma, thì anh và người đẹp cũng phải biết làm trò tùy nơi,  thay vì múa may xát muối thêm vào sự bất hạnh của người!

Đại sứ du lịch và 'chơi trội như bộ trưởng'
Sau sự kiện 'đóng phim cùng Củng Lợi' ầm ĩ báo chí, rồi màn khoe ngực rổn rảng trong vở kịch về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, kiều nữ Lý Nhã Kỳ lại một phen nữa làm thiên hạ lác mắt với việc trở thành đại sứ du lịch, đột ngột không kém cách danh xưng này sinh ra.
Cách người đẹp phân trần "với vòng 1 tự nhiên không chỉnh sửa như của Kỳ thì mặc áo nào cũng hở", một blogger đã bình luận "bom đạn như thế, ăn nói như vậy làm Đại sứ du lịch là đúng rồi".
Chưa biết những đóng góp của Lý đại sứ cho ngành du lịch có tác động đến đâu, nhưng ít nhất giới truyền thông được dịp reo hò ầm ĩ.
'Người trẻ tuổi nhất bình chọn cho Vịnh Hạ Long' và Đại sứ Du lịch Lý Nhã Kỳ
Cùng Đại sứ Lý Nhã Kỳ, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao - Du lịch Hoàng Tuấn Anh cũng được xuất hiện thường xuyên trên phương tiện thông tin, đặc biệt với chiến dịch quảng bá cho Vịnh Hạ Long, trong đó cháu gái 5 tháng tuổi của ông là 'người trẻ tuổi nhất bình chọn cho Vịnh Hạ Long"
Vịnh Hạ Long đã tạm được vào danh sách 7 kỳ quan thế giới, từ nay đến lúc danh hiệu được công bố chính thức còn nhiều câu chuyện liên quan đến bản quyền, tiền phí, cách thức... hứa hẹn sự đóng góp của Bộ trưởng và Lý đại sứ nhiều hơn nữa.

Nhà và tượng đài của mẹ anh hùng
Khúc ruột Miền Trung nhiều bão tố, Miền Trung khó khăn và nghèo túng... những cụm từ quen thuộc đó dường như đã trở nên lỗi thời, giờ người ta biết nhiều hơn đến Miền Trung chơi sang, đặc biệt sau vụ xây tượng đài Mẹ anh hùng 420 tỷ đồng ở Quảng Nam.
Ở một nơi thường xuyên 'được' lên các bản tin thời tiết về những cơn bão khẩn cấp sắp đổ bộ, địa danh thường được nhắc đi nhắc lại trên các báo cáo thiệt hại về người và của sau sự giận dữ của thiên nhiên... mà  vẫn sẵn sàng chi vài trăm tỷ đồng để xây tượng đài thì không thể nói gì khác ngoài việc 'chơi sang'.
Theo lời của các lãnh đạo Quảng Nam trên báo chí, tượng đài được xây dựng từ hình tượng Mẹ Thứ, mẹ anh hùng đã hy sinh 9 người con cho cách mạng. Lúc sinh thời Mẹ Thứ đã rất cảm động khi dự án được xây, chỉ tiếc Mẹ đã không còn để được nhìn 'hình tượng' mình hoàn thiện.
Và để tường tận hơn đẳng cấp chơi sang của Quảng Nam, phóng viên một tờ báo đã tìm về với những Mẹ anh hùng còn sống làm cả một loạt phóng sự dài: Tượng mẹ đặt ở đâu?
Câu trả lời đây: mẹ Trần Thị Sua ở ấp Thạnh Trị 2, xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre phải ở trong bụi tre vì căn nhà tình nghĩa của mẹ được xây hơn 15 năm đã xập xệ, sắp đổ, mẹ phải căng tấm bạt ở bụi tre ở vì 'ở đó an toàn hơn'.

Tượng của mẹ...
... và nhà của mẹ
Mẹ Nguyễn Thị Sơn, xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre mù lòa phải dò dẫm trong căn nhà tình nghĩa đã dột nát xập xệ, phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người cháu họ.
Mẹ Võ Thị Thuận, xã Mỹ Lâm, huyện Hòn Đất, Kiên Giang có chồng, hai con (một cháu hy sinh), cả tuổi thanh xuân của mẹ cũng dành cho cách mạng, mà những ngày cuối đời mẹ vẫn đang phiền não, canh cánh tấm giấy chủ quyền nhà 'để lúc nằm xuống có chỗ thờ cúng' mà vẫn chưa biết khi nào được.
Đã hơn một lần, Tuần Việt Nam đã đặt lại câu hỏi này: Tượng mẹ nên để ở đâu?

Siêu kế toán của Cục điện ảnh và văn hóa từ chức
Nhà báo Cát Khuê, một người cũ của làng điện ảnh đưa ra hình ảnh so sánh vừa ngồ ngộ, vừa cay cay giữa một người đàn bà trung tuổi bị hiếp dâm, nhưng cả ba lần bị hiếp chị đều... đưa bao cao su cho hung thủ; với Phạm Thanh Hải, người được công luận đặt biệt danh "siêu kế toán".
Với thành tích thụt két 42 tỷ đồng, Phạm Thanh Hải (được cho là) đã qua mặt cả Cục điện ảnh để tự tung tự tác với số tiền lớn gấp 10 lần kinh phí được cấp cho một dự án phim (phim Tâm hồn mẹ của đạo diễn Nhuệ Giang gần đây có kinh phí 4 tỷ từ nguồn vốn Nhà nước).
Hai vị cựu Trưởng, Phó Cục điện ảnh và 'siêu kế toán' Phạm Thanh Hải (giữa)
Chuyện vì sao một mình Thanh Hải có thể làm xiếc với bao nhiêu chứng từ và các thủ tục khắt khe của ngân hàng để nhiều lần rút tiền công quỹ vào túi riêng của mình, mà các sếp ở Cục điện ảnh của anh 'không hề hay biết', vẫn là câu hỏi còn để ngỏ.
Cũng như chuyện dù vụ thụt két này đã lộ ra từ nhiều tháng vẫn chưa ai tìm ra "siêu kế toán" này đang ở đâu, để các sếp của anh thổn thức ở bao cuộc họp báo; "chúng tôi bị lừa" "chúng tôi vô can"...
Chỉ đến khi 'tài năng' của "siêu kế toán" được báo chí lẫn cả người trong ngành điện ảnh và tài chính mổ xẻ ghê quá; khi Liên hoan phim vốn càng ngày càng thiếu muối với cung cách cũ nhưng kiểu tốn tiền không mới sắp diễn ra; khi các sếp Cục trưởng, Cục phó của anh sắp đường hoàng ngồi vào ghế BTC, đẩy sự ngạc nhiên và bức xúc của dư luận đến cực điểm, để họ không thể nhẫn nhịn được nữa mà lên tiếng quyết liệt, thì hai sếp anh mới bùi ngùi từ chức, khi chỉ còn cách quyết định cách chức vài bước chân.
Mới thấy tội nghiệp cho hai từ "từ chức" quá.
"Dù sao mất chức mà không phải đi tù cũng là tốt lắm rồi", một blogger chia sẻ với hai vị cựu trưởng, phó Cục điện ảnh.
Thưa "siêu kế toán" Phạm Thanh Hải, giờ này anh ở đâu, để lại nỗi niềm này biết tỏ cùng ai cho hai vị (cựu) sếp?

Luật nhà văn và xì xụp giải thưởng
Nhà văn, nhà thơ và những nghệ sĩ làm công việc sáng tác nói chung thường được 'mặc định' là  những người chuyên 'cưỡi mây đón gió', sống đời phóng khoáng, thơ  mộng và lãng mạn; không nặng lòng những bon chen trần tục. Ấy thế mà cứ đến mỗi kỳ giải thưởng, họ lại đáp từ ngọn cây xuống, phang nhau linh đình với những giải thưởng danh hiệu.
Chẳng thế mà năm vừa rồi, kỳ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, thiên hạ lại được dịp mắt tròn mắt dẹt khi các tài nhân thể hiện "các ông bà đây" giỏi giang thế nào, giải thưởng không vào tay ông, thì toàn thiên hạ dù có mắt cũng đều là hạng mù lòa cả.
ĐBQH Nguyễn Minh Hồng
Dù sao cũng phải cảm ơn họ, nhờ có mấy vụ inh ỏi đó, thiên hạ có trò hay để xem; và được biết thêm một góc trần tục của những chuyên gia cưỡi mây đạp gió, để khỏi rơi vào tình huống của một cô bé thiếu nhi năm nào: cô bé viết thư đến tòa soạn báo Nhi Đồng xin lời khuyên khẩn cấp để cứu bạn thân của cô, một cô bé khác đang suy sụp sau khi bắt gặp thần tượng ngồi vỉa hè ăn ốc luộc và chửi bậy.
Thêm nữa, thiên hạ cũng phải cảm ơn đại biểu quốc hội Nguyễn Minh Hồng, nếu không có đề xuất Luật nhà văn gây sóng gió của ông, thì sao các nhà văn được nhắc đến nhiều như thế trong thời gian qua; trong khi những nhà giáo dục và xã hội học đang kêu ời ời rằng văn hóa đọc đang bị mai một.
Dù sau đó ông Hồng có kết lại: "Tôi đề xuất thế thôi, chứ thực lòng cũng chả biết vì sao cần Luật nhà văn", thì người dân vẫn cảm ơn ông lắm lắm, vì không có bác, ai biết xã hội cần nhà văn, và ai biết đến sự tồn tại của đại biểu quốc hội?

----------------------------------
chi and cubi

0 comments:

Post a Comment