Trước khi học lớp 1, trẻ được học xé dán, cứ nhìn vào hình mà xé thôi chứ không có định lượng gì. Với lại, cô giáo bảo học sinh phải xé bằng đầu ngón tay. Chấm hết. Ừ thế nên trẻ, khi được bảo xé, là xé tung trời. Nhất là với những đứa trẻ tâm hồn treo ngược cành cây như cô cháu mình.
Lên lớp 1, trò xé dán này phải khoa học hơn 1 tý. Đầu tiên họ hướng dẫn trẻ xé 1 hình vuông hoặc hình chữ nhật. Nhưng phải dùng thước kẻ và bút chì để tô đậm hình, rồi thì xé. Đấy là sách bảo. Còn cô nói gì thì mình không biết. Nhưng mình thấy để trẻ xé và dán khoa học hơn, người lớn phải hướng dẫn chúng những thứ như thế này:
- Bắt đầu đánh dấu hình để vẽ từ một trong bốn góc giấy. Thường thì chiều ngang hay chiều dọc của giấy cũng phải bớt đi ô ngoài cùng. Nhưng nếu hàng ngoài cùng ấy mà đủ diện tích như các ô khác, nên nói trẻ tận dụng không gian đó, vừa tiết kiệm giấy, vừa tiết kiệm công xé (ít nhất là 1 cạnh), vừa tránh cho trẻ không phải xé từ cạnh nhỏ, vì cạnh nhỏ thường khó xé hơn nhiều so với cạnh to.
- Sau khi đánh dấu hình, trẻ sẽ gập 4 cạnh của hình để chuẩn bị xé. Hãy hướng dẫn trẻ bắt đầu với 1 điểm đầu của cạnh, nhẹ nhàng vuốt cho thẳng hàng rồi cuối cùng mới vuốt thật sắc nét cạnh đó. Càng sắc nét sau xé càng chuẩn. Nhưng, chỉ vuốt phần trẻ định xé thôi, chứ không phải vuốt thẳng 4 cạnh cho đến tận cùng của cả tờ giấy to, vì như thế sau không dùng được phần giấy còn lại nữa, rất lãng phí. Đồng thời, nên hướng dẫn trẻ xé cạnh nào trước/sau để có thể tách được mẩu giấy cần xé ra khỏi cả tờ giấy màu to càng sớm càng tốt. Điều dở hơi này mà quan trọng phết, vì trẻ chưa có ý thức giữ giấy màu cho lần sau, nên thường thì chúng làm nhàu nát ngay phần giấy còn chưa dùng.
- Từ hình vuông hay hình chữ nhật đó, thường là trẻ sẽ phải xé hình tròn, hoặc bầu dục. Đoạn này mới khó. Sách dạy bắt đầu bằng việc xé chéo 4 cạnh, tùy ý chứ không cần bằng nhau, và xé uốn 8 góc tù đó sao cho tròn. Nhưng trẻ, nói thật, chả biết làm đâu, nếu cứ đọc theo hướng dẫn ấy, nhất là với những góc vô cùng bé thế, chỉ sểnh ra là thay vì tròn, nó sẽ lẹm hẳn vào trong. Mà tròn thì ai gấp lại được. Cho nên, theo mình, bạn nên dạy trẻ dùng bút chì để vẽ các đường vòng cung ở 8 góc đó, mà là những đường vòng cung lồi. Sau đó, dạy trẻ cách xé sao cho ít lẹm nhất.
- Xé thế nào thì ít lẹm nhất? Xin thưa, trước hết nên để dành cho trẻ ít móng tay. Bố mẹ hay cắt tịt móng tay của trẻ đi, vì trẻ đi ra ngoài hay nghịch bẩn, sợ cho vào mồm sẽ mang mấy bạn giun vào theo. Nhưng đó là thời ngày xưa, khi xà phòng diệt khuẩn cũng là 1 thứ xa xỉ. Giờ thì lifebouy đó, diệt tới tận 99% vết bẩn, lo gì, mà rẻ như bèo. Lại còn có cả Fugacar "Giờ thì mình biết cách diệt trừ giun như thế nào rồi". Chưa kể các công cụ khác để diệt khuẩn cho con cũng vô khối. Đành rằng không nên để con có móng tay quá dài, trẻ con chơi với nhau, cáu quá xược vào mặt bạn cũng khổ, nhưng ít nhất, nên để cho chúng 1 ít (rất ít cũng được) móng tay ở ngón cái và ngón trỏ cả 2 bàn tay. Có cái này rồi, việc xé những khúc quanh cực nhỏ vẫn có thể xử lý được. Nguyên tắc ở đây là, 2 ngón cái tiếp xúc nhau ở mặt trên, 2 ngón trỏ tiếp xúc nhau ở mặt dưới. Càng sát nhau càng tốt. Và tiếp xúc bằng móng, không bằng phần thịt tay. Cứ thế, 1 tay lên, 1 tay xuống tại vị trí cần xé, nhích từng tý một, đảm bảo không bao giờ bị lẹm vào trong. Chẳng may mà vẫn lẹm, nhanh chóng đặt móng tay đè lên chỗ lẹm mà xé tiếp theo vòng cung đã vẽ. Mình đã để cô cháu làm thử và thấy kết quả thật mỹ mãn.
(Bài này bắt đầu viết từ 19/11 mà hôm nay mới hoàn thành, khổ)
----------------------------------
0 comments:
Post a Comment