Tranh chấp biển Đông

Hai hôm nay báo chí tha hồ buôn bán về quyết định của Tòa án trọng tài quốc tế (PCA) về tranh chấp vùng biển nam Trung Quốc (South China Sea), cái tên chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới và trong ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu, mà ta vẫn quen gọi là Biển Đông ao nhà. Không bàn đến khía cạnh marketing của sự kiện, mình chỉ nói đôi chút về những gì vừa được học trên lớp liên quan đến vấn đề này.

Công ước Liên hiệp quốc về luật biển (United Nations Convention of the Law of the Sea, gọi tắt là UNCLOS), mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia, quy định thế này:
- Với điều kiện nào 1 quốc gia được coi là có đường bờ biển cơ sở (để lấy đó làm cơ sở tìm các vùng chủ quyền đề cập sau đây)? Câu trả lời là phải hội tụ đủ 3 điểm này:
+ Phải là đảo (chứ không phải là đá);
+ Đảo phải được giữ ở thể trạng tự nhiên (chứ không nhân tạo);
+ Phải sống được trên đảo.
- Kể từ đường bờ biển cơ sở ra 12 hải lý, khu vực này được gọi là lãnh hải (territorial sea - TS) của 1 quốc gia. Quốc gia có đầy đủ chủ quyền đối với khu vực này. Vì thế, bất kỳ một tàu nước ngoài nào thản nhiên lượn vào khu vực này đều bị coi là bất hợp pháp, đều có thể bị bắt giữ, trục xuât. Tuy nhiên, trong trường hợp tàu nước ngoài, trong hành trình của mình, đi qua liên tục (không dừng, trừ theo lịch phải dừng tạm thời cho mục đích kỹ thuật đối với bản thân con tàu hoặc do trường hợp bất khả kháng) và không gây tổn hại gì cho quốc gia chủ nhà thì không bị bắt giữ. Quyền của tàu này gọi là quyền đi qua vô hại (innocent passage). Ngoài chủ quyền đối với mặt biển, đáy biển, trong vùng này, quốc gia chủ nhà còn có chủ quyền đối với vùng trời bên trên nữa. Bất kể máy bay nào tiếp cân khu vực này đều bị hỏi và phải trả lời về việc đi từ đâu, đến đâu, làm gì cho không lưu trước khi thực hiện hành trình bay, nếu không, sẽ bị yêu cầu trục xuất, hoặc tệ nhất, là bắn bòm.
- Kể từ đường bờ biển ra 24 hải lý, khu vực này được gọi là vùng biển tiếp giáp (contiguous zone - CZ). Quốc gia chủ quyền có quyền hạn chế, bắt giữ, trục xuất và xử lý đối với tàu ngoại quốc đi vào khu vực này nếu thuộc một trong bốn lĩnh vực sau đây:
+ vì lý do hải quan (buôn lậu)
+ vì lý do di cư
+ vì lý do vệ sinh (ô nhiễm môi trường)
+ vì lý do tài chính
Như vậy, ở khu vực này, quyền của quốc gia chủ quyền đã bị hạn chế rất nhiều, chỉ còn 4 điều trên. Ngoài ra, kể từ khu vực này trở ra, quốc gia không còn có chủ quyền đối với vùng bay bên trên nữa.
- Kể từ đường  bờ biển ra 200 hải lý, khu vực này gọi là khu đặc quyền kinh tế (Exclusive Economic Zone - EEZ), trong đó, quốc gia chủ quyền có quyền khai thác các quyền lợi kinh tế cho riêng mình, phổ biến nhất là nghề cá, tiềm năng nhất là khai thác dầu mỏ. Ngoài quyền này ra, quốc gia chủ quyền không được bắt giữ, trục xuất tàu bè của các nước khác đi qua khu vực này, trừ phi đi qua để khai thác các quyền lợi kinh tế giống như nước chủ nhà.
Một vấn đề mới nổi ở khu vực EEZ này là việc xuất hiện thuật ngữ Khu vực nhận diện phòng thủ phòng không (Air Defense Identification Zone - ADIZ), chưa được luật quốc tế công nhận, nhưng đã được Bộ Quốc phòng Mỹ cho sử dụng. KHu vực này được Mỹ kỳ vọng sẽ được mở rộng 200 hải lý như khu vực EEZ để tăng cường an ninh cho khu vực đang sinh sống. Sự phê chuẩn của Mỹ cũng nhanh chóng đẩy một số nước trong cùng hoàn cảnh phê chuẩn theo. Nhưng nhớ là, điều này chưa được luật quốc tế quy định và vạch ra. Tranh chấp hoàn toàn có thể xảy ra nếu vùng trời này bị chồng lấn giữa các quốc gia. Và nếu điều đó xảy ra, chẳng có tòa án quốc tế nào nghe các quốc gia trình bày. Chỉ có thể ngồi đàm phán song phương, hoặc ... bùm bùm... một thằng chết, một thằng què.
- Ngoài đường biên của khu vực EEZ này là vùng biển khơi quốc tế, nơi là mái nhà chung của tất cả các quốc gia và cá nhân. Không một ai có quyền bắt giữ, khám xét tàu bè nào qua lại, trừ người bị bắt là cướp biển hoặc tội phạm quốc tế. Hai kiểu này hoàn toàn bị bắt ở bất kỳ đâu trên trái đất này.

Lan man thế để trở lại câu chuyện chính của Biển Đông. Trung Quốc yêu sách 3 điểm như sau:
(1) Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với khu vực đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò;
(2) Khu vực tranh chấp là đảo của Trung Quốc và chủ quyền được xác định từ đây;
(3) Tòa án trọng tài quốc tế không có quyền giải quyết vấn đề sở hữu của các quốc gia.
Và đây là câu trả lời.
(1) Trung Quốc là 1 bên tham gia Công ước này, vì thế, phải tuân thủ quy định của Công ước. Công ước về luật biển quy định mọi thứ bắt đầu xuất phát từ đường bờ biển, không liên quan gì đến yếu tố lịch sử. Việc ngày xưa Trung Quốc có tàu cá đánh bắt ở đây không có nghĩa là Trung Quốc có quyền đối với khu vực mặt nước này.
(2) Trên thực tế, khu vực tranh chấp bản chất, thuộc tự nhiên, là một bãi đá. Bãi đá này không đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản để trở thành đảo: không tự nhiên, không sinh sống được. Dẫu gần đây Trung Quốc đã ngang nhiên biến nó thành sân bay quận sự, nhưng vẫn vi phạm nguyên tắc cơ bản là "tự nhiên". Với đá, quốc gia chủ quyền chỉ có quyền duy nhất tại khu vực này là ngăn cản tàu bè có thể qua lại tự do trong vòn 12 hải lý kể từ bờ biển,
(3) Tòa án quốc tế không giải quyết quyền sở hữu của mỗi quốc gia đối với bờ biển, nhưng hoàn toàn giải quyết được quyền hành xử của mỗi quốc gia trên khu vực biển tranh chấp quốc tế.

Vậy là phán quyết đã được đưa ra. Trên bình diện quốc tế, Trung Quốc hoàn toàn thua, mặc dù chưa cần đến PCA, người ta cũng có thể nói rằng ai vô lý, ai có lý.
Điều đáng nói là, Trung Quốc vẫn một mực phủ nhân phán quyết của Tòa, giễu cợt rằng "đó là một tờ giấy nhảm". Giới văn nghệ sỹ Trung Quốc đồng loạt đăng đàn khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với đường lưỡi bỏ. Quân đội thì trực chiến. Đến giờ phút này, một hy vọng nhỏ nhoi, le lói của tất cả giới chính trị, giới học thuật và giới phi giới (dân chúng) chỉ là "Trung Quốc sẽ kiềm chế, không tiếp tục cải tạo các bãi đã, ngồi vào bàn đàm phán với cán cân đỡ chênh lệch hơn..."


Để đỡ nhàm chán, mình đưa lại nguyên văn status của blogger Kyo York, một bạn người Mỹ đã ở Việt Nam chừng hơn chục năm, nói về cái lưỡi bò của Trung Quốc :
Lưỡi Bò, 

Cái lưỡi được nhắc đến nhiều nhất và là đề tài nóng hổi trong mấy ngày nay. Tôi tự nghĩ tại sao phải là Bò, khi xem hình vẽ phác thảo để chứng minh, tôi mới biết thì ra họ cho rằng diện tích Trung Quốc là cái đầu Bò và cả vùng biển Đông là cái lưỡi của con bò thè ra. Con bò mệt, bò khát, bò điên... nên cái lưỡi nó dài ngoằn liếm sang các địa phận chẳng phải quốc gia mình. Đúng là bò điên !

Mà thắc mắc mãi Tại sao là biểu tượng con bò, Trung Quốc không ví mình như con Trâu (khỏe như seagame) hay Con Nghê (con ngao) gì đó cho nó dũng mạnh, thần thánh... à thì ra con bò là "con ngu như bò", cãi cùn, lưỡi dài để la liếm. So sánh vậy thấy tội nghiệp con bò! Bởi mọi người xem lại cái hình và so sánh với cái lưỡi Phô Mai Con Bò cười nó thân thiện dễ cưng và tỉnh táo làm sao, lưỡi nó dài đâu như con bò điên của Trung Quốc !!! Gruuuu!
Khi đường lưỡi bò bị thế giới và Tòa Án Trọng Tài Quốc Tế cắt xào nhậu thì mấy nghệ sĩ mà được fan Việt yêu mến hàng năm qua đã lên tiếng gào thét: “Trung Quốc không thể thiếu một tấc đất: Chủ quyền lãnh thổ và biển Trung Quốc không cần kẻ khác làm trọng tài. Trung Quốc không thể thiếu một chút gì, một tấc cũng không thể rời”. " 这才是中国,一点不能少“ (Đó mới là Trung Quốc, Một chút cũng không thể thiếu) - Nhằm xác định đường lưỡi bò là của Trung Quốc, của những tên tuổi lớn từng được khán giả Việt Nam sùng bái như: Lục Tiểu Linh Đồng, Phạm Băng Băng, dàn soái ca ... bla bla ...

Thật sự nghệ thuật và chính trị có thể không liên quan, nhưng khi những con người làm nghệ thuật đã lên tiếng xấc xược về chủ quyền thì việc ngưỡng mộ thần tượng của các bạn cũng nên xem lại. Vì chúng ta phải sống và giữ gìn bờ cõi chứ không thể sống để ca ngợi những nghệ sĩ Trung Quốc đang có tư duy muốn xăm hại chính lãnh thổ của dân tộc mình. Dẫu biết rằng các bạn cũng sẽ buồn vì có nhiều nghệ sĩ gắn liền với tuổi thơ mình. 
Tôi là một nghệ sĩ người Mỹ - hiện hoạt động và đồng hành cùng Việt Nam, nên tinh thần và trách nhiệm bảo vệ, yêu mến và giữ gìn mọi giá trị của Việt Nam cũng là một phần trách nhiệm. Có thể chịu nhiều phán xét nhưng suy cho cùng tôi thấy mình cần chia sẻ điều lẽ phải.
Tôi cũng từng từ chối làm đại diện hình ảnh cho một hãng hàng không và công ty du lịch để quảng bá các tour outbound sang Trung Quốc cho người Việt. Bởi với tôi việc quảng bá Du Lịch Việt Nam cũng đã đủ cho mình niềm hứng khởi với hành trình khám phá bản thân. Có nhiều tên tuổi lớn thế giới họ cũng từng bị cấm sang Trung Quốc, nhưng sự nghiệp họ vẫn phơi phới đấy thôi.
Chẳng hà cớ gì mình im lặng !
Kyo York

0 comments:

Post a Comment