Bầu cử

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy người ta tuyên truyền bầu cử một cách nồng nhiệt hiếm thấy. Nhà nhà nhận được danh sách ứng cử viên. Người người nhận được bản tóm tắt quy định của pháp luật về bầu cử và hướng dẫn chi tiết cử tri. Có mỗi góc đường đê La Thành bé tý mà hai dàn loa 2 bên, vì thuộc 2 quận khác nhau, cùng nhau đọc tiểu sử cử tri của 2 quận. Đó thực sự là bản hòa tấu kinh khủng nhất trên thế giới mà mình từng được thưởng. Mình cam đoan không ai hiểu gì, vì mình đã cố gắng lắng nghe nhưng không thể nghe rõ điều gì. Không biết có phải Đảng chỉ đạo giương cao sức mạnh loa đài không, hay các đầy tớ của dân khủng bố dân chúng và làm nhiễu loạn khát khao đi bầu cử của dân chúng. Ngày trước bầu cử, đi qua địa điểm nào, mình cũng thấy loa đài ầm ý, nhạc nhẽo rung bần bật. Thậm chí, đến tối còn có cả các chương trình nhạc sống, đèn nhấp nháy lấp lánh cả một vùng. Thằng cu cháu mình bảo "Có phải karaoke không dì"?

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy không khí ảm đạm tại nơi bầu cử. Nhiều người tỏ thái độ thực tế không tham gia bầu cử. Cũng có nhiều người đến, đọc đọc, ghi ghi, gạch gạch, nhưng không thấy vẻ mặt hân hoan, hay không khí tranh cử như những đợt trước. Có bác già rồi còn bảo "Bác đi bầu cho xong cháu ạ. Không đi người ta lại réo. Mình bầu thế này nhưng có ảnh hưởng gì đến kết quả đâu. Kết quả được biết trước hết rồi mà". Ơ sao bác biết hay thế? Hình như lần đầu tiên, niềm tin bị rạn nứt được thể hiện rõ ràng hơn, bắt đầu có hệ thống hơn.

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy nhiều ứng cử viên tự do là những người đã có chút tiếng tăm, như bác Trần Đăng Tuấn, Nguyễn Văn A, ... Các bác này may mắn lắm thì trượt ở vòng hiệp thương 3, hơn chán anh bạn mình, vô danh tiểu tốt, trượt từ vòng 2. Có bác điềm tĩnh trước kết quả. Có bác có hẳn một bậu xậu đằng sau công kích. Cố nhiên, cá nhân mình rất ủng hộ các bác có nhận thức rộng, cái nhìn đa chiều về thời sự. Nhưng đúng là có thể các bác chưa có người chí tình giúp vạch ra con đường "ứng cử" dài hơi, cộng thêm với tình trạng "cả vú lấp miệng em" của chính quyền đương thời, nên thua cũng là điều dễ lý giải. Dẫu sao, việc nổi lên những ứng cử viên sáng giá như thế cũng là dấu hiệu cảnh báo "ngày càng lớn" cho một chế độ không được lòng dân. Hôm bầu cử, những bác như thế này đều được các cấp chính quyền quan tâm, săn sóc tận tình, trước cổng nhà luôn có vài ba người đứng canh gác, chắc là "không cho động thủ".

Năm nay, lần đầu tiên mình thấy công bố cho báo chí vào quan sát kết quả kiểm phiếu. Ừ thì sau đó cũng có thấy báo nói có đến vài chục % phiếu bầu không bầu đúng số người quy định, hoặc thấp hoặc cao hơn. Lẻ tẻ vài bài rồi thôi. Kết quả kiểm phiếu cũng được báo chí trung ương đăng tải tản mạn, mỗi ngày một vài bài nhỏ, bài thì "chỉ 2 ứng cử viên tự do trúng cử", bài thì "tất cả ứng cử viên ngành công an do trung ương tiến cử đều trúng". Hình như dân gõ máy tính đã không còn quá quan tâm đến kết quả nữa rồi. Dù sao, nó cũng chả có ý nghĩa gì mấy.

Năm nay, lần đầu tiên mình tranh luận gay gắt với một số anh nằm trong ban tổ chức bầu cử tại vùng núi xa xôi. Có anh kể, một chị giáo viên đi bầu cử còn selfie, anh mắng cho 1 trận, thu điện thoại, xóa hình ảnh, và dọa tố giác. Ấy thế mà dưới thủ đô ngàn năm văn hiến này, các anh công an "trực chiến" còn chụp ảnh giúp người đi bầu cử cơ. Xa trung ương mà "nghiêm túc" vãi. Rồi có anh bảo "7h30 hôm bầu cử, một công dân qua đời. Tổ chức báo cáo lên, xin ý kiến chỉ đạo. Do việc thay đổi danh sách, tổng số cử tri đi bầu cử và tỷ lệ trúng cử mất thời gian hơn nhiều, trên chỉ đạo xuống bắt công dân đó sống lại 30' để bầu cử cho xong trước khi lâm chung. Chuyện ấy tưởng rất lạ nhưng lại chẳng lạ tý nào ở đất nước độc đảng này. Ngay cả việc bầu cử tứ trụ triều đình cũng được lôi ra oánh nhau. Mình thì bảo đại biểu quốc hội khóa cũ bầu tứ trụ mới, xong rồi dân lại đi bầu đại biểu quốc hội khóa mới, rồi quốc hội khóa mới lại bầu tứ trụ mới, tất cả chỉ trong vài tháng, hơn cả chương trình hài. Tại sao không để tứ trụ khóa cũ trụ nốt cho tới khi có kết quả đại biểu quốc hội khóa mới, rồi quốc hội khóa mới bầu tứ trụ mới. Nhưng các anh thì đỏ mặt tía tai, nói mình chả hiểu gì về chính trị, rằng người ta phải bầu trước để có ứng cử viên. Vậy chẳng lẽ mỗi một vị trí chỉ có 1 ứng cử viên thôi à? Nếu thế (mà hình như thế thật) thì gần 4000 tỷ VNĐ ngân sách bỏ ra chỉ để diễn một trò hề. Nên nhớ, những người cầm chịch trong ban tổ chức như mấy anh trên chỉ học bổ túc và tại chức thôi.

Năm nay, lần đầu tiên, mình thấy rõ người dân Việt Nam đang bị dắt mũi bởi những con bò.

0 comments:

Post a Comment