Dạy học lớp 1 (2)

Như đã hứa, hôm nay mình lại lẩn thẩn viết mấy dòng về chương trình giáo dục cho học sinh lớp 1. Mình yêu thích toán học, nên mình sẽ nói về toán trước.
Nhưng trước khi "nhặt sạn" trong các sách vở lớp 1 mà cô cháu có được và vẫn thực tập hàng ngày, mình lăn tăn 2 điểm.
Điểm thứ nhất là, giáo viên nên dạy học sinh những phép tính đầu tiên như thế nào. Ví dụ như, 1 + 2 = 3. Ngày xưa, cô giáo dạy mình theo 2 cách: (1) là giơ ngón tay, nghĩa là, đầu tiên giơ 1 ngón, sau giơ thêm 2 ngón nữa, tổng cộng là 3 ngón, cứ thế học đến tận số 10, còn (2) là dùng bàn tính gẩy (hay còn gọi là bàn tính gỗ, tiếng anh là abacus). Nhưng ngày nay, hình như các cô giáo không dạy thế. Mình thấy cô cháu về nhà cứ lẩm nhẩm đọc "một cộng hai bằng ba" và "hai cộng một bằng ba" nhưng khi được hỏi thì không biết 2 số ba ấy giống nhau. Mình đem chuyện này hỏi cô giáo, thắc mắc rằng cô đã dạy cháu như thế nào, trên cơ sở khoa học gì, thì cô bảo "Chúng nó học thuộc lòng đã là may lắm rồi". Mình ớ người, chuồn thẳng. Và mình đã hiểu vì sao cháu mình, nếu không học thuộc lòng "hai cộng ba bằng năm" thì nhất định không thể làm được bài. Và mình mạn phép cô giáo dạy cháu bằng cách giơ ngón tay. Rồi cũng ổn, vì ngoài phép tính 2+3 nó còn biết tất cả các phép tính khác trong phạm vi 10. Thế nhưng, lại nhưng, rất khổ, cô cháu mang thói quen tính tay lên trên lớp, và bị cô mắng "Ai cho giơ tay. Phải đọc thuộc nhẩm trong đầu cơ mà". Sặc. Trẻ con mới vào lớp 1, trong đầu nó còn chưa có ý tưởng gì về chuyện học hành, những thứ sờ sờ trước mặt nó nó còn chả nhớ, lại bảo nó tự hình dung trong đầu các con số và phép tính rồi nhớ. Chắc thế hệ mình ngày xưa ngu hơn nên giáo viên không dám đặt cược vào trí nhớ của học sinh. Hoặc là ngày nay các cô giáo đặt niềm tin "quá đà" vào tỷ lệ DHA có trong sữa mà trẻ con uống hằng ngày.
Điểm thứ hai là, giáo viên phân biệt thế nào là dấu nhỏ hơn, thế nào là dấu lớn hơn cho học sinh lớp 1. Lẽ thường, ta sẽ nói, < là dấu nhỏ hơn, > là dấu lớn hơn. Đúng. Vì sao? Vì ta mặc định nói phép toán đó từ trái qua phải. Ví dụ như, với phép toán 2 < 5, ta sẽ nói "hai nhỏ hơn năm" chứ chẳng ai nói "năm lớn hơn hai". Nhưng đúng ra ta nên dạy trẻ cả hai phía, nghĩa là, "năm lớn hơn hai" cũng đúng. Nghe thì có vẻ dở hơi, nhưng mình đã gặp trường hợp phép toán này:
Điền dấu <, > vào ô trống, và cụ thể là 2 (...) 5. Cháu mình lẩm nhẩm "hai nhỏ hơn năm" và điền dấu < vào. Tuyệt. Nhưng đến phép toán này, 5 (...) 2, cháu mình vẫn lẩm nhẩm "hai nhỏ hơn năm" và điền dấu < vào. Sai toét.
Vì thế, mình đã dạy nó rằng "dấu < hay > đều có 2 phía, phía bên nào có số bé hơn thì bên đó có 1 điểm, phía bên nào có số lớn hơn thì bên đó có 2 điểm, và chúng ta bao giờ cũng bắt đầu viết dấu </> ở bên có số lớn hơn. Và rằng, a<b nghĩa là b>a.
Mình cũng chả biết thế có được gọi là cơ sở khoa học để trẻ suy luận toán hay không. Ít nhất thì cô cháu mình, khi nhớ được logic đó, cũng làm đúng được mấy phép tính trên.

Lại phải để đến lần sau mới đề cập được mấy bài toán lớp 1 vì khuya rồi. Nhưng nghĩ đến chuyện giơ ngón tay để học, mình lại nhớ đến cách giơ ngón tay. Cái này hay ra phết. Ông thày mình có nói "Người VN bọn mày bao giờ cũng giơ ngón trỏ lên đầu tiên, rồi ngón giữa, áp út, út và sau cùng là ngón cái. Thế nhưng, đến khi giơ ngón giữa lên, ngón cái phải cố chòi ra để giữ ngón áp út và út, vì có lỗ hổng ở ngón trỏ và giữa. Nếu ngón cái không đủ dài thì rất có thể ngón út cũng sẽ nhảy dựng lên cùng với ngón áp út. Bọn tao luôn giơ ngón út lên đầu tiên, lần lượt về ngón cái. Như thế, ngón cái sẽ giữ dần những ngón gần với mình nhất, đảm bảo giữ chắc hơn". Mình làm thử và thấy thế thật. Thế là mình áp dụng cho cô cháu gái. Không biết có phải như thế là không yêu nước không, nhưng nếu có bạn nào thử mà cũng thấy thế thật thì hoàn toàn có thể mang về nhà dạy cho con cháu nhé, freeware, mình chả phàn nàn gì đâu.

----------------------------------
chi and cubi

1 comments:

Anonymous said...

Quá hay. chị dua may bài này lên webtretho thì tuyệt cú mèo

Post a Comment