Dạy học lớp 1 (1)




Mình có cô cháu gái năm nay vào lớp 1. Cái sự vào lớp 1 thì thôi rồi là chuyện. Nhưng mình tạm gác cái đó sang 1 bên, có thể là 1 dịp khác sẽ nói. Cô cháu gái đã học được 2 tháng rồi. Và mình thấy có rất nhiều thứ phải dạy cháu.

Đầu tiên là phải dạy cháu thế nào là đi học lớp 1. Đi học lớp 1 khác đi mẫu giáo nhiều  lắm. Không phải lúc nào thích đến là đến, thích về là về. Không phải thích ăn là ăn, thích chơi là chơi. Không phải thích mách cô giáo lúc nào là mách. Đi học lớp 1, cháu phải biết đến trường không sau tiếng trống, phải biết xếp hàng ôn bài trước giờ vào lớp, phải biết đứng lên chào cô hay hát theo bạn quản ca, phải biết làm bài không quá giờ, phải biết giữ trật tự khi còn trong giờ học. Và, cái lớn nhất cần dạy, đó là phải biết kiên trì.
Cô cháu mình tuyệt nhiên không có tính kiên trì. Hồi đầu chỉ cầm bút 5' là cháu kêu mỏi, cháu nhìn trước ngó sau, chực đứng lên, thích là viết, chả thích là thôi. Những bài tập viết đầu tiên, 2-3 dòng rồi nâng lên gần chục dòng, ngày nào cũng như ngày nào, đã luyện cho cháu biết điều này. Tuy nhiên, để cháu thực sự biết rằng mình đã đi học lớp 1, mình nghĩ phải cả năm.
Điều thứ 2 phải dạy cháu là cách cầm bút và dùng tẩy. Người lớn như mình mà bắt đầu viết một ngôn ngữ lạ, chữ không giống gà bới mình đi đầu xuống đất. Nữa là trẻ con. Người lớn phải xác định rằng khi trẻ con cầm bút, nó sẽ nhanh chóng mỏi tay và viết rất mờ. Nhưng vì bị mắng, chúng lại cố ấn để nét chữ thật đậm. Vì thế, hãy nhẹ nhàng xem chúng viết từng nét một, thấy thanh quá thì nhắc ấn đầu bút hơn, thấy đậm quá phải nhắc nâng ngòi bút lên một tẹo. Có thể phải hàng giờ bạn ngồi bên cạnh chúng và theo dõi từng nét bút. Thậm chí lúc nào cần phải thay đổi độ ấn, bạn cần có cái bút tương tự để viết ra, để chúng nhìn thấy được đậm đến thế nào là vừa. Dạy chúng tẩy cũng vậy. Không chỉ đơn giản là cầm cái tẩy lên và tẩy xoay 4 hướng. Với mỗi một nét bút viết sai, bạn cần phải chỉ ra cho chúng nét sai đấy là nét gì, là nét thẳng ngang, thẳng dọc, hay là đường cong. Và cầm tẩy nhẹ nhàng đưa theo đường của nét đó. Chúng có thể tẩy đi tẩy lại, nhưng vẫn phải theo những nét đó. Có như vậy, nét bút chì mới được xóa mờ hẳn, không làm sờn giấy, và tiết kiệm tẩy. Trẻ con cũng không mỏi tay vì phải ấn tẩy liên tục. Một điều nữa mình quan sát được, khi tẩy xong, trẻ thường vẩy phần rác tẩy (được tạo thành từ bột cao su làm tẩy, bột giấy và bột chì) vào người chúng, làm bẩn quần áo đang mặc trên người. Hãy nhắc trẻ vừa tẩy vừa thổi nhẹ rác tẩy ra ngoài, như thế người không bị bẩn, mà rác tẩy không tiếp tục quấn vào tẩy và tiếp tục chà xát trên mặt giấy, làm bản thân chỗ tẩy đen đi. Tốt nhất bạn nên nói điều này với trẻ ngay từ những ngày đầu tiên chúng dùng tẩy. Chứ để như mình bây giờ, sau 2 tháng mới phổ biến, thì không đem lại hiệu quả nhanh chóng, vì trẻ thường chưa ý thức được việc làm thế nào cho tốt mà chỉ biết làm theo thói quen từ trước.
Điều thứ ba bạn nên dạy trẻ là việc giữ gìn đồ dùng học tập của mình. Ở các trường tiểu học bây giờ, để tránh học sinh phải mang vác cặp nặng về nhà, các cô giáo thường để cho học sinh để (gần) hết sách vở ở lớp, dưới ngăn bàn mình học. Cho nên, học sinh không có thói quen sau khi hết tiết học cần phải bỏ hết sách vở vào cặp của mình và khóa lại. Chúng thường để ngay trên bàn. Chúng trêu đùa nhau, giấu sách vở của nhau đi, và như thế đương nhiên là mất. Chúng chưa có ý thức đó chỉ là trêu, và sách vở không phải là "nàng thơ". Sách vở rất có thể không bao giờ được nhìn thấy nữa. Cháu mình đã bị mất 2 cuốn vở, bị bạn dùng giấy màu dán lên hết cả một cuốn vở khác. Cái thời mình đi học xa xưa quá rồi nên mình không thể tưởng tượng các cô giáo quản lý lớp thế nào, do đó không nhắc cháu về việc giữ gìn đồ dùng cá nhân. Sách vở là nạn nhân. Đồ dùng học tập khác còn là nạn nhân hơn. Nào là mất bút. Nào là mất tẩy. Nào là gãy bút. Nào là mất giấy màu, mất phấn, mất bảng, vân vân và không bao giờ kể hết. Dù gì thì chúng cũng là tiền. Nếu cứ vài ba ngày chúng lại mất ít nhất một thứ đồ thì mình tin rằng bà mẹ vĩ đại đến mấy cũng trở thành sư tử với con.
Nhân thể nói đến chuyện này, có một việc mà mình rất nên nói với trẻ con, đó là việc xin lại cô giáo những đồ dùng học tập bị cô thu. Nếu trẻ mang đồ dùng học tập ra chơi đùa trong giờ học, khả năng cô giáo tịch thu những đồ dùng đấy là trên 90%. Bất kể lầ đồ dùng của chính em đó hay là em đó "mượn" của em khác. Sau giờ học, nếu trẻ không có thói quen lên xin lại cô giáo, khả năng mất vĩnh viễn đồ dùng đó là 100,1%. Đó là trường hợp của cháu mình. Nó bị bạn "mượn" cục tẩy. Nó ngố đến mức không dám đòi lại. Và thế là nó nhìn cô "tịch thu" cục tẩy ngay trước mắt. Vẫn không dám nói gì. Cô đút túi quần. Về nhà nó than vãn với mình để mình không phải "trừng phạt" nó. Mình bảo mai đến lớp xin lại cô cục tẩy, nói "bạn A bị cô tịch thu tẩy, nhưng đó là tẩy của em bạn ý cầm ra chơi, cô cho em xin lại". Nhưng nó nhận được một câu trả lời gọn lỏn "Cô không còn cục tẩy đó nữa". Cục tẩy đó giá 3000. Trong nhiều thứ đã mất, có 2 cái tẩy. Mà lớp nó có đến 40 học sinh. Mình nghĩ, nếu mình làm cô giáo lớp 1 được 5 năm, khéo có lẽ mình đã được cả 1 cửa hàng văn phòng phẩm.
Giờ thì mình tạm khép lại những "kỹ năng sống" nên dạy trẻ lớp 1 tại đây. Số sau sẽ là những "hạt sạn" của chương trình giáo dục lớp 1 mà cho mình đi từ ngạc nhiên này đến sửng sốt kia.

----------------------------------
chi and cubi

1 comments:

Anonymous said...

Bai nay hay và bổ quá. Em kê dép ngồi đợi đọc... hồi sau

Post a Comment