Ăn mày kiếm 50 triệu đồng/tháng

Nhân được bạn Tèo gửi cho tin Ăn mày kiếm tới 50 triệu đồng/tháng, mình phải xem ngay. Xem thì thấy đúng là ăn xin ở Anh kiếm được nhiều tiền thật, thậm chí nhiều hơn cả công chức mới đi làm. Thế nên không ngạc nhiên khi 1 cơ số công chức, sau giờ làm, vẫn thay bộ đồ ăn xin ngồi cạnh ga hoặc ATM booth để kiếm thêm thu nhập. Chỉ khi cảnh sát ra đợt càn quét, họ mới bị lộ nguyên hình là công chức, có nhà cửa đàng hoàng và thu nhập ổn định. Họ chỉ muốn kiếm thêm để "xây nốt cái bếp".
Cái này thì giống ăn xin Việt Nam. Ngày mình còn bé, cứ mỗi lần ăn xin đến, mình đều cho 1 bơ gạo. Nhà mình còn thiếu gạo, phải ăn độn mỳ, thì việc cho 1 bơ gạo đã là tốt lắm rồi. Ăn xin cũng cảm ơn rối rít. Sau rồi, có lần không có người lớn ở nhà. Lại ăn xin đến. Mình lại lấy gạo cho. Ăn xin bảo "Tôi không cần gạo. Cho tôi tiền đi". Hoang đường! Mình còn chả có tiền, ăn xin lại đòi cho tiền.
Rồi sau này, rất nhiều loại ăn xin đi qua, xin, nhưng mình không cho nữa. Như bố mẹ nói, họ rất khỏe mạnh. Họ hoàn toàn có thể lao động kiếm sống chứ không phải lúc nào cũng vác gây và cái nón rách đi ăn xin. Nhà mình cũng nghèo, bố mẹ và mình cũng phải lao động kiếm sống. Vậy chẳng có lý do nào mình cho họ tiền hoặc những thứ tương tự.
Nói như thế không có nghĩa là mình chẳng cho ai cái gì. Nhưng, cái sự tốt ấy đôi khi cũng bị lên án, bị cho là "ngu". Sự thể là thế này. Một hôm đi đổ xăng xe máy. Lúc đổ xong, mình rời cây xăng. Mình thấy 1 bác cao, phải cao đến 1.8m ý, dắt bộ cái xe future. Mặt đối mặt. Bác bảo "Cháu ơi, cháu có tiền không, cho bác xin 5.000 đổ xăng, xe bác hết xăng mất rồi, bác phải dắt bộ mấy cây số". Mình băn khoăn, vì chưa từng gặp ai như thế. Nhủ thầm rằng hoặc là bác này hết xăng thật, hoặc bác ý lừa mình, nhưng trông bác ý cũng ăn mặc tử tế, chắc không phải đi lừa đảo, mà nếu mình cứ nghĩ mãi thế chắc bác ý cũng chán. Nếu bác ý lừa mình thì sau này bác ý bị quả báo. Và thế là mình hảo tâm rút ra 10.000 cho bác. Mình vẫn đinh ninh rằng mình đã làm đúng. Nhưng chỉ 1 thời gian ngắn sau, mình gặp lại bác này 2 lần, vẫn cái xe future đấy, dắt bộ, loanh quanh tại cây xăng.
Có 1 dạng ăn xin khác, theo mình, là lợi dụng tôn giáo. Ông cha mình, dẫu không chính thức theo đạo nào, nhưng sống và hành động theo tư tưởng của Phật giáo. Vì thế mà nếu gặp những vị sư hành khất trên đường, hoặc bán hương, hoặc xin tu tạo chùa, chẳng ai nỡ lòng nào không cho, không mua. Nhưng, hình như dần dần những ý định tốt đẹp đó của nhà chùa cũng bị lạm dụng. Bạn sẽ thấy có những người mặc áo nâu, có thể cạo đầu hoặc không, đi bán hương khắp nơi, nói là để lấy tiền tu tạo lại chùa, và nếu ai mua, họ sẽ ghi tên vào 1 cuốn sổ. Cuốn sổ khá dầy, cũ nát và thường đã ghi rất nhiều. Có vẻ ai cũng nghĩ, mình mua hương, tên mình được ghi vào đó, nghĩa là mình đã làm việc công đức. Nhưng có ai biết chùa đó ở đâu, những vị đi bán hương là ai, quyển sổ mà họ ghi tên người mua vào đó sau để làm gì, số tiền ấy có được dùng để tu tạo chùa chiền, hay không? Đành rằng ai cũng nghĩ thôi thì mình làm phúc. Nhưng nếu số tiền ấy không thực sự để làm phúc, thì cũng chẳng ai chứng giám cho lòng thành của mình.
Mình có bà chị dâu họ, quê ở Thanh Hóa. Mình phải xin lỗi các bạn Thanh Hóa mà mình quen biết nhé. Nhưng chị mình bảo thế này: cả làng chị đi ăn xin. Cái nhà hàng xóm cách chị mấy nhà, hôm tết đến chơi, thấy nhà cửa còn thơm mùi vôi mới, chị mừng, còn họ thì bảo ăn tết xong, họ lên Hà Nội ăn xin để về xây nốt cái bếp.
Như vậy, mình cho rằng chắc cái nghề ăn xin cũng cần sự khéo léo giả tạo hơn. Hoặc là ăn xin ở Anh khéo léo hơn, nên dân chúng không biết để dừng việc làm từ thiện (họ cho rằng họ thấy tội lỗi nếu đi qua 1 người ăn xin mà không cho họ tý nào) mà phải chờ đến khi cảnh sát truy quét mới "lòi cái chân sự việc", hoặc là người Việt Nam (không phải ăn xin) khôn hơn người Anh nên dễ dàng nhận ra chân tướng sự việc mà chưa cần đến sự can thiệp của cảnh sát.
Ôi cuộc đời!
----------------------------------
chi and cubi

0 comments:

Post a Comment