Phật giáo ở Thái Lan

Chuyến thăm quan chính thức những ngôi chùa nổi tiếng của Bangkok đã khiến tôi hiểu hơn về Phật giáo và hình tượng Đức Phật trong các ngôi chùa ở Thái Lan.
Tượng Phật ở Thái Lan mà tôi thăm thường có 3 tư thế:
(1) Đức Phật ngồi thiền với tay phải đặt trên cẳng chân phải, bàn tay nằm sấp, ý chạm vào Trái Đất, tay trái cũng để xuôi, lòng bàn tay hướng lên trên. Tư thế này được gọi là tư thế Đức Phật điều phục Ma vương (còn gọi là Mara). Đây là tư thế phổ biến nhất của Đức Phật.

(2) Đức Phật đang đi xuống, 2 bàn tay giơ ra phía trước, ngang với thân người, lòng bàn tay hướng ra ngoài, ngón tay giơ lên trên. Tư thế này thể hiện Đức Phật đang đi xuống nhân gian, ngăn con người xung đột. Đôi tay giơ ra tựa như lời khuyên "Hãy dừng đánh nhau. Hãy sống chan hòa". Đọc thêm tài liệu về Phật giáo, lại có cách giải thích khác, rằng tư thế này thể hiện Đức Phật không hề sợ hãi trước kẻ thù hay nghịch cảnh.

(3) Đức Phật nằm, đầu gối lên bàn tay phải. Đây được coi là tư thế Đức Phật tiếp xúc với các đệ tử trước khi tạ thế.

Ngoài ra, đền chùa Thái Lan và Phật giáo luôn gắn với hình tượng đầm sen. Lý giải cho việc này, Phật giáo quan niệm đầm sen có rất nhiều lớp, lớp dưới cùng là rễ (củ) sen nằm tít sâu dưới bùn lầy, lớp trên đó là những bông sen nằm trên mặt nước, lá sen có thể cũng ở đây có thể cao hơn, trên cao nữa vẫn còn có những nụ sen đang sắp nở. Đầm sen tượng trưng cho cuộc sống con người, với nhiều giai tầng khác nhau. Đức Phật coi mọi chúng sinh ấy là như nhau, và Đức Phật cần phải tới tận những nơi sâu thẳm mà dân chúng phải sống trong bùn lầy ấy.

Triết lý ấy thật nhân văn. Nhưng không phải ai theo Đạo Phật cũng hiểu điều ấy.

Cũng nhân tiện nói thêm chút ít về đền chùa Thái Lan.
Đa phần các ngôi chùa lớn đều được xây dựng từ rất lâu, khi mà những con tàu viễn dương còn chỉ biết chống lật tàu giữa đại dương bằng cách mua gốm sứ từ Trung Quốc để con tàu nặng hơn, có thể chịu được bão tố của biển cả. Ngày ấy, đền chùa mới chỉ được xây dựng bằng xi măng, bằng đất. Rồi, khi chở gốm sứ về rồi chẳng biết làm gì, đức vua mới nghĩ dùng những vật liệu đó để trang trí đền chùa. Chả thế mà đến giờ, những ngôi chùa cổ của Thái Lan đều phủ đầy gốm sứ Trung Hoa.

Nếu nhìn qua, bạn sẽ thấy họ trang trí sao mà cầu kỳ đến thế. Từng mảnh sứ nhỏ được ghép liên hoàn cho cả ngôi chùa có khi cao đến hàng chục mét. Nhưng nếu quan sát từng khung hình, bạn sẽ thấy thực ra chúng rất đơn giản. Không rồng bay phượng múa như Trung Quốc hay Việt Nam, không chạm khắc cầu kỳ nhức mắt, đó chỉ là những hình khối vô cùng đơn giản được xếp vào nhau. Không biết đó có phải là sự thể hiện đơn giản trong tâm trí người Thái. Nghe người Thái nói, bạn sẽ thấy các âm trầm được họ dùng chủ yếu, mặc dù họ có tới 5 dấu đi cùng với chữ (giống như 6 dấu thanh, huyền, sắc, hỏi, ngã, nặng của tiếng Việt). Lời nói, hành vi của họ cũng rất nhẹ nhàng, tình cảm.

Tại những ngôi chùa này, bạn còn có thể thấy những tấm biển nhỏ như thế này được đắp, viết trên các cột. Đó là những lời dạy của Đức Phật tới chúng sinh về đời, về người, hay đơn giản là về cách chăm sóc sức khỏe, mà nhiều người ngày nay gọi là massage. Thậm chí, khi chưa có sách vở ghi chép lại những nguyên tắc ấy, trong chùa còn có cả 1 khu tiểu cảnh mà thực chất các tượng đúc ở đó thể hiện các tư thế massage khác nhau để mọi người đến học tập và thực hành.

Trong chùa, bạn còn thấy có rất nhiều tháp nhỏ được xây xung quanh gian thờ lớn. Đó là tháp chôn cất tro và linh hồn của những người đã khuất. Người Thái có tục luôn hỏa thiêu người đã khuất, và lựa chọn sau đó hoặc đem rải trên sông hoặc cho vào lọ và để tại chùa. Cho đến nay, tại các chùa lớn, chỉ có tro của gia đình dòng tộc mới được đặt trong tháp. Mỗi tháp có thể có một hoặc một vài bộ tro, và tiền xây tháp là do gia quyến tự nguyện đóng góp cho chùa. Những người khuất từ nay về sau, nếu có nhu cầu đặt tại chùa, sẽ được sắp xếp để xây những tòa tháp mới, tại những ngôi chùa mới.

Một nét kiến trúc thống nhất trong xây dựng chùa chiền ở Thái Lan là các đầu nhọn vút cao tại các điểm nút của mái chùa. Điều này xuất phát từ quan niệm rằng kiến trúc này thể hiện sự trọn vẹn của công trình, đó là đỉnh, là sự vươn cao, là khối thống nhất.

Đi trên đường, các băng rôn, biển hiệu nói chung của Thái Lan đều có màu chủ đạo là màu vàng, màu vàng của thỏi vàng. Màu vàng này xuất phát từ 2 nguyên nhân: một là màu của Đức Phật (màu hoa vô ưu nơi Đức Phật đản sinh) và hai là màu của nhà vua. Người Thái có quan niệm mỗi ngày trong tuần gắn với một màu nhất định. Và ngày nhà vua hiện tại sinh ra gắn với màu vàng. Vì thế, Thái Lan giờ đang là đất nước của màu vàng.

----------------------------------
 chi and cubi

1 comments:

Anonymous said...

Rất thích bài này của chị, Hôm nay phải vào đọc lại để chuẩn bị đi Tlan

Post a Comment