Cai but




Chả hiểu sao hôm nay tôi lại nhớ về cái bút. Bút thì ai mà chẳng có. Kể từ khi tôi biết cầm bút viết những chữ cái đầu tiên, tôi đã làm bạn với biết bao nhiêu cái bút. Nhưng, có lẽ những cái bút mà tôi nhớ nhất là những cái bút gắn với thời gian khó của tôi, và một cái nữa là kỷ niệm của một người bạn.

Tôi vẫn nhớ thời tôi đi học, trẻ con toàn phải dùng mực. Dĩ nhiên cái bút kèm theo nó cũng là cái bút mực, hoặc cái bút máy (nếu sang). Dĩ nhiên là lúc đầu chị em tôi không có nổi một cái bút máy. Trong hộp bút nhà tôi bao nhiêu là bút mực. Có những cái thân bút rất đẹp, thuôn dài và nhỏ, ngòi cũng đẹp lắm cơ, nhưng bố tôi để dành để viết những điều quan trọng. Chúng tôi được dùng những cái, dĩ nhiên là không đẹp lắm, nhưng bố tôi biết làm thế nào để nó không gai. Mỗi lần thấy chúng tôi kêu ca, bố tôi lại lấy cái banh xa lam cứa cứa vào giữa ngòi bút, cái đường để thông mực ra ấy, rồi quẹo bên trái, quẹo bên phải, lần lần một lúc là cái ngòi lại “ngon” ngay. Hoặc là lúc ấy, cái đầu thước kẻ gỗ (hình vuông) được tận dụng, đập đập xuống mặt bàn một lúc, để hai nửa của ngòi bút bằng nhau, là lại có thể dùng được. Cũng chả hiểu sao có lúc một cái ngòi nào đó bị gai, bố tôi không vứt đi mà giữ lại, rồi một thời gian sau bỏ ra dùng nó lại trơn như thường. Nhưng cho dù gai hay không, bố tôi bảo, cái quan trọng là chị em tôi phải viết sao cho chữ đẹp. Chữ đẹp hay không là do người cầm bút. Hễ thấy chị em tôi cầm bút không đúng cách, là bố tôi quật ngay. Bố tôi bảo, tay phải cầm bút ở vị trí cách ngòi bút khoảng 1-1,5cm, ngón tay trỏ phải đặt lên phía trên, để sao cho khi viết, mắt ta có thể quan sát một khoảng không gian nhất định quanh chữ viết. Nếu cầm cận quá, thứ nhất, không thể biết mình còn bao nhiêu chỗ trống, có đủ để viết chữ tiếp theo hay không, thứ hai, cả bàn tay sẽ di trên giấy trắng và khó viết, thứ ba, điều này có thể làm giây mực ra và bẩn vở. Bố tôi dạy chị em tôi rất kỹ những điều này. Nét chữ là nét người, nếu ngay từ những bước đi đầu tiên mà cẩu thả, thì sau này khó sửa chữa lắm. Tuy chị em tôi chẳng thể có được một cái bút đẹp như bao bạn bè, nhưng với chúng tôi, những cái bút đơn sơ đầu tiên ấy đã dạy cho chị em tôi biết bao điều. Bố tôi còn nói, có thể bút không đẹp, nhưng nếu các con biết giữ vở sạch, không làm giây mực ra, thì vở các con vẫn đẹp. Lỡ làm rớt mực ra 1 vài lần thì không sao, nhưng nếu chuyện đó xảy ra thường xuyên, thế nào chúng tôi cũng bị ăn mắng hoặc đánh đòn. Có lẽ vì sợ đòn, (và cả vì biết bố mẹ không có nhiều tiền để mua thật nhiều mực), chị em tôi hết sức cẩn thận vì những điều nhỏ nhặt như thế…

Một lần sinh nhật tôi, mẹ tôi mua cho tôi một cái bút máy Hồng Hà. Thời đó có được một cái bút như vậy là tôi sướng lắm rồi. Đó là một cái bút màu xanh nước biển, tươi rói, sáng long lanh như mắt tôi ngày ấy vậy. Với bút máy, không chỉ có vấn đề về ngòi mà còn có cả vấn đề về ruột bút nữa. Thường thì sau một thời gian dùng, ruột bút thường bị lỏng ra và làm chảy mực ra ngoài. Bố tôi dạy chúng tôi biết thay ruột bút, biết buộc nó lại bằng những sợi chỉ nhỏ, và biết cách bơm mực sao cho hiệu quả. Ngày ấy tôi bơm mực thành thần. Không những thế, tôi còn biết cách, sau khi sửa ngòi bút, đặt ngòi vào đúng vị trí ở đầu bút. Nếu ai đã dùng cả 2 loại bút này rồi thì biết, ngòi bút mực thì được găm vào đầu thân bút, nhưng chỉ đứng chỏng trơ một mình thôi. Nhưng bút máy thì phức tạp hơn một tý, ấy là bởi vì cái ngòi bút phải được đặt trên một cái đầu nhựa thông mực. Tôi cũng chả biết gọi nó là cái gì cho chính xác, nhưng nó có hình giống cái ngòi bút, vì thế, việc đặt ngòi bút thế nào là rất quan trọng, sao cho đến khi ta quay hết vòng thì 2 form đó phải trùng với nhau. Rất nhiều đứa lớp tôi không làm được điều đó, nếu chúng nó trót tháo ra. Và tôi thường là người mà chúng nó nhờ để làm việc đó.

Chính vì những điều đó, mà chị em tôi có thể dùng bút được rất lâu. Và dẫu có thể nào, chúng tôi cũng tự tìm cách sửa nó, thay vì đòi bố mẹ mua cho cái mới. Bởi tôi hiểu rằng, nếu có thể, bố mẹ đã mua rồi…

Cứ thế những cái bút cũ theo tôi đến trường, viết lên trong tôi bao ước mơ hoài bão của con trẻ. Những cái bút in đậm dấu ấn của một thời gian khó, nhưng lại cho tôi biết bao điều về cuộc sống làm người… Những nét thanh, nét đậm của những cái bút máy, bút mực đã hình thành nên tính cách trong con người chúng tôi.

Cái bút thứ hai là cái bút mà một người bạn Cambodia tặng tôi khi chúng tôi học cùng nhau. Đó không phải là một cái bút mới. Bút đang dùng. Tôi còn nhớ, lúc ấy chúng tôi đang trên xe từ nơi học về nhà. Đang nói chuyện vui vẻ, anh chợt rút cái bút ra và nói tặng tôi. Anh nói đó là cái bút anh đi họp và được tặng, và giờ anh tặng lại cho tôi. Cái bút bốn màu, đẹp và rất thuận tiện. Ngạc nhiên, và thoáng chút xúc động, tôi nhận món quà từ tay anh. Lúc đó tôi nghĩ hay là bởi vì sắp chia tay nhau nên anh tặng tôi làm kỷ niệm. Tôi cầm bút và dùng rất lâu. Tôi không dùng bút đó để viết những điều linh tinh thường nhật. Chỉ khi nào viết về những điều quan trọng, tôi mới dùng đến nó. Với tôi, cái bút không chỉ đơn thuần là cái bút, mà nó chứa trong đó cả tình cảm chân thành mà người anh đó dành cho tôi. Mãi sau này cũng vậy, thỉnh thoảng chúng tôi có trao đổi thư từ và anh luôn là người động viên tôi trong cuộc sống. Anh hy vọng nhiều vào tôi và anh thực sự mong tôi tiến xa hơn nữa. Dẫu rằng tôi nghĩ có lẽ anh đã quá tự tin khi nói những điều này, nhưng tôi mãi luôn cảm ơn anh vì tình cảm và những lời nói đó. Cho đến khi không còn dùng được chiếc bút đó nữa, tôi dùng dằng chẳng muốn vứt đi. Cái ngày tôi đi Trung quốc, tôi tìm được một cái y hệt, và tôi đã mua nó, như để kéo dài kỷ niệm với người bạn, người anh mà tôi từng gặp. Cái bút ấy, cho đến giờ, vẫn luôn ở trong tay tôi.

****

Trong cuộc sống, có những điều tưởng chừng rất nhỏ nhặt nhưng lại làm ta nhớ suốt đời. Nhưng tôi biết, đó là bởi vì, những điều nhỏ nhặt đã làm được những việc thật lớn lao…

0 comments:

Post a Comment