Tôi đã từng đi thăm nhiều nhà thờ của Châu Âu nhưng chưa ở đâu tôi được biết nhiều như ở Speyer. May mắn vì chúng tôi có được người thày giáo dạy tiếng đi cùng. Ông rất hài hước, nhưng ông hiểu biết rất nhiều về lịch sử, và ông đã kể cho chúng tôi nghe…
Kaiserdom là nhà thờ lớn nhất ở đây. Nó được xây dựng từ thời đế chế La Mã cổ đại. Thời đó giám mục là những người cực kỳ có quyền thế, có ảnh hưởng tới toàn bộ vùng và luôn là lực lượng đối kháng với nhà vua. Nhà thờ này không chỉ là nơi cầu nguyện mà còn là nơi sống và nơi an nghỉ của các thời giám mục ở đây. Kiến trúc của nhà thờ cũng mang nét đặc trưng của thời La Mã, tuy đơn sơ nhưng thời ấy lại rất có ý nghĩa với mọi người. Thày kể, thời đó nhà nào cũng kín, không có cửa sổ, và vì thế, họ muốn đến nhà thờ, vì nhà thờ rất cao, và bên trên có rất nhiều cửa sổ, ánh sáng tràn vào từng góc của nhà thờ mang đến sinh lực mới cho con người. Cũng có lẽ vì thế đức tin của người dân vào nhà thờ là rất lớn. May mắn thay chúng tôi được chụp ảnh, vì thế bạn có thể thấy hơn một nửa bức ảnh tôi chụp là về nhà thờ này. Cái khác của nhà thờ này là, chúng tôi được đi thăm toàn bộ khu an táng của các thời giám mục. Người quan trọng nhất, cũng là người đã xây nên cái nhà thờ này, có mộ được đặt chính giữa, còn lại các thời giám mục khác được đặt bên cạnh. Trong các hốc tường cũng là các mộ, tôi cũng không chắc là mộ của ai, nhưng nhỏ hơn khu vực trung tâm. Kiến trúc ở đây cũng giản dị như thế, tường gạch nâu đỏ, song sắt đen, lối đi trần, nhuốm một màu cổ kính…
Đối diện với khu hầm mộ là nơi cầu nguyện, phía trước là một cái giếng, giờ thì cạn nước rồi, nhưng thày bảo cái giếng đó để nước thánh, tắm cho những đứa trẻ mới ra đời. Tôi không hiểu nhiều về tín ngưỡng, nhưng vào những nơi thiêng liêng như thế, tôi thấy mình cần phải cẩn trọng…
Sau Kaiserdom, chúng tôi được đi thăm khu nhà dành riêng cho những người Do Thái. Khu này được gọi là Jedenshof. Thày tôi kể, ngày ấy, người Do Thái đã bị phân biệt đối xử rồi. Họ không được phép ở trong thành phố, mà phải ra ở một khu riêng biệt. Kiến trúc nơi đây tôi thấy na ná Việt Nam, với những bức tường gạch đơn sơ trần trụi… Di tích không còn được nguyên vẹn, hầu như đã bị phá hủy hết rồi, chỉ còn lại vài mảng gạch, bức tường ngăn khu vực của người phụ nữ, và căn hầm xuống nơi sinh hoạt tinh thần của người Do Thái. Bây giờ trông nó như cái bể nước ở quê tôi, nhưng nếu bạn xuống dưới đấy, nó là cả một khu nhà lớn. Đặc biệt ở tận cùng là Mikveh – the Ritual Jewish Bath, dịch ra tiếng Việt là bể tắm hành lễ của người Do Thái. Theo quan niệm tín ngưỡng, bể tắm này được dùng để rửa sạch mọi tội lỗi của các con chiên. Mỗi người sẽ ngâm mình trong dòng nước thiên nhiên ấy. Lượng nước quy định trong bồn tắm là 1000 lít. Và, nước sẽ tự luân chuyển (ra sông) để đảm bảo lượng nước thiên nhiên ấy là trong sạch nhất.
Cám ơn thày đã cho tôi hiểu nhiều hơn về vùng đất bé xíu này của nước Đức, về những đạo luật khắt khe đối với người Do Thái, và một thời trị vì của đế chế La Mã.
p.s. Nếu bạn muốn xem ảnh về Kaiserdom và Jedenshof, bạn có thể ghé trang web của tôi: http://giangpt.multiply.com
0 comments:
Post a Comment