Thoi bao cap....




Trưa nay ăn cơm, thế nào mà mọi người lại kể chuyện ngày xưa.... cái thời bao cấp....


Sinh ra vào cái thời đất nước đang bước vào thời kỳ xây dựng lại sau chiến tranh, hiểu biết chút ít vào cái thời đất nước đổi mới, tôi hiểu rõ hơn những đứa bạn cùng lứa về cái thời bao cấp, dẫu cái trí nhớ nhỏ nhoi cũng chẳng đọng lại bao nhiêu... Có lẽ cái nghèo đã làm cho tôi thức tỉnh hơn về chế độ bao cấp đó...


Nhà tôi nghèo lắm, mang tiếng là công chức nhà nước mà bố mẹ tôi luôn sống thiếu thốn, lại phải nuôi 2 đứa con nhỏ là chị em tôi trong chật vật. Tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm chỉ có rau và nước mắm, hay những bát cơm trộn với đường mà không hiểu sao ngày đó lại là niềm đam mê của chúng tôi. Tôi vẫn nhớ như in những bữa cơm độn sắn và ngô và những câu nói cửa miệng như "Ngô bổ hơn gạo!?!". Nhớ mỗi lần đãi gạo nấu cơm, mẹ tôi thường dặn không được xát kỹ, không được vò kỹ, không được ngâm lâu, không được đãi nhiều, .... bởi vì nếu bạn làm tất cả những việc đó thì rút cục sẽ không còn gì cho bạn ăn. Khi cho gạo xuống nước, tỷ lệ các hạt nổi lềnh phềnh nhiều hơn những hạt ở dưới, hạt bổi, vỏ trấu, thóc, hạt sạn thì nhiều vô biên. Ngày đó, chị em tôi được giao nhiệm vụ hàng ngày sau mỗi buổi chiều học là ngồi nhặt sạn thóc. Mà sao nhiều thế chứ! Con bé cứ ngồi trước một cái mẹt thật to đặt trên 1 cái ghế đẩu nằm ngang ... vài tiếng là chuyện bình thường. Được cái, ngày xưa học ít nên chị em tôi có nhiều thời gian để chơi, để làm việc nhà như vậy. Sau này tôi ngẫm, âu đó cũng là cách luyện tập cho chúng tôi chăm chỉ và kiên nhẫn hơn. Có lẽ tôi phải cám ơn mẹ vì điều đó!


Tết đến, nhà nhà náo nức chuẩn bị sắm đồ. Chẳng hiểu sao tôi xem mãi cái phiếu mua hàng (tem phiếu ý mà) của bố mẹ mà chẳng hiểu gì cả... Nhưng tôi biết, cái đó để giúp bố mẹ tôi có thể mua hàng, tất tần tật các loại hàng, từ đồ ăn, thức uống đến vật dụng hàng ngày như cái săm, cái lốp đến mảnh vải may áo cho tôi, may quần cho chị.... và .... ngay lúc đó là thực phẩm, bánh kẹo cho ngày Tết. Thức dậy từ sáng sớm, hai chị em tôi tung tăng theo bố mẹ ra bách hóa. Cơ man nào là hàng! Cơ man nào là người! Nào làn, nào nón, nào người, nào gạch, ... tất cả là để xếp hàng mua quà Tết! Chúng tôi đứng từ sáng đến tận 5-6h chiều gì đó mới đến lượt mua.... Hai chị em tôi được ưu tiên.... đi chơi loanh quanh. Thật là sặc sỡ! Mọi thứ đều ở trước mắt, đầy ăm ắp, trông gì cũng ngon vô cùng... Lúc đó tôi chỉ ước sao bố mẹ tôi có thể mang hết được những thứ này về. Nhưng hỡi ôi, trời đâu phải lúc nào cũng chiều lòng người...


Mẹ tôi kể, ngày đó, để có thức ăn cho các con và gia đình mà lại không mất nhiều thời gian, mẹ tôi phải làm quen với các cô bán hàng bách hóa, càng nhiều càng tốt... Mẹ tôi còn ... tự nguyện ... mua hàng hộ cho các bác lãnh đạo trong đơn vị nữa. Không phải nịnh nọt đâu nhá! Mục đích của mẹ rất rõ ràng. Vì các bác bao giờ cũng được hưởng Phiếu C (loại VIP bây giờ đấy!), nên khi cầm đi mua hàng bao giờ cũng được ưu tiên. Ưu tiên cả về lượt xếp hàng, ưu tiên cả chất lượng hàng hóa.... Giơ Phiếu C của các bác ra cùng lúc với Phiếu hạng thường (Phiếu E thì phải) của mình, mẹ tôi bao giờ cũng mua được thức ăn ngon mỗi chiều đi làm về.... Học cách nấu ăn của cụ nội và bà ngoại tôi, mẹ tôi nấu ăn rất khéo, và người hưởng lợi chính là chị em tôi. Bố tôi, và cả mẹ nữa, bao giờ cũng là những người ăn xương cá tẩm bột rán, xác cua tẩm bột rán và những "món ăn" đại loại như thế.... Như để "đền đáp" công ơn của mẹ, chị em tôi, thành thói quen, cứ thấy mẹ về là chạy ngay xuống bếp, vò cái khăn mặt của mẹ, vắt đi cho khô, và lên nhà đưa mẹ lau mặt. Cũng phải luôn nhớ rằng khi mẹ tôi về, nhà cửa đã phải lau sạch sẽ, gạo đã phải nhặt sạch, nước phải cố gắng xách đầy, 2 chị em phải tự tắm rửa... Có thế nói, đấy là những ranh giới giữa việc bị mắng và không bị mắng... Cũng thành thói quen thôi, với chị em tôi, những việc như thế đều trở nên rất bình thường...


Cho đến tận bây giờ và mãi mãi sau này, tôi không bao giờ có thể quên được những ngày tháng khó khăn ấy. Dấu ấn về một thời bao cấp của cả nước cũng là dấu ấn về tuổi thơ của chị em tôi....

2 comments:

Le Anh Duc said...

Dang co' trien lam~ ve cai' thoi bao cap day o Bao tang Dan toc hoc den giua thang 9 :D

I-love-flamenco said...

Chị trải qua rồi mà, hehe, triển lãm không thể nói nhiều điều được, vả lại, nó không sinh động và không thể làm ta hồi tưởng đến cả một quá trình.... Nhưng sao cậu không đi xem nhỉ?
Cuối tuần này về quê trẩy nhãn được thì hay quá, vậy mà chị lại bận quá, lại còn dặt dẹo nữa chứ, hix... Không biết cuối tuần sau có bố trí về được không?

Post a Comment