Bất lực

Hôm nay mình cảm thấy bất lực vì không thể giúp đỡ thằng bạn. Đã 6 tháng rồi mà nó vẫn loay hoay tìm việc. Nó là đứa học rất khá, tiếng Anh rất trôi chảy, kinh nghiệm kinh doanh cho gia đình mười mấy năm thuần thục. Phỏng vấn đâu cũng được khen ngợi. Nhưng luôn đứt đoạn giữa chừng mà chẳng hiểu lý do tại sao. Mình với nó cũng thử ngồi phân tích đủ kiểu. Có nơi, người ta khen nó hết lời. Người ta cũng không giấu diếm khi nói thật may vì có nó, bởi họ đã tìm kiếm ứng cử viên bản địa mãi mà chẳng được. Thế nhưng, người ta lại chỉ trả nó số tiền lương ít ỏi. Có nơi khác, chỉ sau có hai ngày nộp đơn xin việc, nó được gọi phỏng vấn ngay. Tiền lương không phải là vấn đề. Người ta thích vì hồ sơ của nó đẹp, nó có kinh nghiệm làm việc nước ngoài và với khối phi chính phủ. Nhưng trong khi phỏng vấn nó là những người cùng ngôn ngữ với nó, họ lại hỏi nó muốn sử dụng ngôn ngữ nào, và nó chọn tiếng Anh. Sau đó, không một lời hồi âm. Nó còn xin vào lĩnh vực truyền hình, vì nó giỏi viết lách. Quá trình tuyển dụng cũng diễn ra nhanh hơn nó tưởng tượng. Suôn sẻ. Nó đã từng bảo với mình "Chắc từ tuần sau tao sẽ bận lắm đây", nhưng rồi, nó không nhận được một thông báo nào. Có lần, phỏng vấn nó là một cô bé còn ít tuổi mà nó mô tả là "Phỏng vấn gì mà chỉ dành thời gian ba hoa xích tốc về tổ chức". Họ nói sẽ trao đổi nội bộ trước khi thông báo chính thức với nó. Nhưng rồi họ cũng bặt tin. Hai lần mình bàn với nó về việc tham gia dự án của mình, nó cũng đều háo hức. Nhưng một dự án xịt ngay tại trận vì nhóm mình không đủ điều kiện. Một dự án khác thì mình không kiểm soát được, và người nộp không biết vô tình hay cố ý đã để phần ngân sách vượt quá giới hạn cho phép, vì thế, cũng tan theo mây khói.

Từ khi về nước, hai đứa lúc nào cũng dành thời gian nói chuyện với nhau, nhất là khi cả hai còn đang loay hoay tìm việc. Đứa thất nghiệp này an ủi đứa thất nghiệp kia. Ít nhất để đứa kia thấy mình chưa hẳn cô đơn trên con đường chông gai ấy. Kể từ lúc chỉ còn mình nó chưa nhận được việc, nó thu mình lại hơn. Nó không còn luôn luôn chủ động gọi cho mình. Có lần bận quá, mình dễ đến cả tuần không gọi cho nó. Nó thậm chí còn deactivate account, làm mình lo muốn chết. Từ đó, mình phải luôn ý thức không bỏ nó, chủ động gọi cho nó để nó không cô đơn. Mình than phiền với nó về công việc của mình, như là một cách nó thấy có việc chưa hẳn đã bước sang trang mới, và để nó thấy sự đồng cảm vẫn ở đó, giữa chúng mình. Nó thậm chí còn phải an ủi mình để mình thấy mình xứng đáng. Lời nhắn của nó thực sự đã làm mình xúc động.

Nhưng rồi, số phận thật trớ trêu mà đến tận giờ, nó vẫn không đạt được bất kỳ điều gì nó muốn. Xin học cũng trượt. Xin việc cũng trượt. Nó dọn ra ở riêng, dù bố mẹ không đồng ý. Thói quen uống whiskey cũng phải giảm dần vì không còn tiền. Đi cà phê không còn là thói quen thường nhật. Tệ hơn, nó bắt đầu thấy mệt mỏi với chính bản thân mình. Nó thấy mình thật vô ích. Nó trầm cảm. Mình đã cố gắng hướng nó theo cách chia nhỏ miếng bánh để phân tích, nhưng nó không muốn. Nó thấy thất vọng. Và nó không muốn nghĩ. Nó chỉ thấy nó không còn sức sống. Thậm chí qua nhà thằng em, nó cũng thấy lạc lõng. Nó thấy cô đơn ngay trong mối quan hệ với chính những người thân yêu. Anh em nó nói chuyện với nhau dễ có đến vài tháng một lần, và nó bảo mình nó chả hiểu em nó thế nào. Nó thấy nhà em nó như cái nhà chứa, và nó không thuộc về nơi ấy. 3 tiếng đi, 3 tiếng về, nó thấy không còn ai bên cạnh, không ai thủ thỉ và không ai hiểu nó. Mình không biết làm thế nào để khuyên nhủ nó, để vực tinh thần nó dậy. Mình vốn hầu như lúc nào cũng tìm được cách để an ủi, sẻ chia, nhưng lần này, mình thấy mình thất bại. Mình cảm nhận sự tuyệt vọng bắt đầu nhen nhóm trong nó, nhưng mình không thể nghĩ ra cách gì. Nó không xứng đáng bị đối xử như thế. Nó đáng nhận được những điều tốt đẹp hơn. Mình ước gì mình có thể làm điều gì cho nó, nhưng mình không thể, lúc này.
Mấy hôm trước, nhà thiết kế thời trang Kate Spade chết. Anthony Bourdain, đầu bếp nổi tiếng nước Mỹ và là chủ nhân của chương trình Parts Unknown, ra đi vào hôm qua. Cả hai đều tự tử vì tuyệt vọng. Tỷ lệ tự tử ở Mỹ cũng tăng đến 25% trong vài thập niên gần đây. Và tự nhiên, mình thấy lo sợ cho thằng bạn mình. Tất nhiên, nó không phải nổi tiếng, nó cũng từng nói với mình nó tâm sự thế chứ vẫn quyết tâm và kiên trì xin việc, nhưng mình thấy buồn và lo lắng cho nó. Thật lòng, mình không chắc những điều nó nói có phải là những điều nó suy nghĩ trong đầu không, hay chỉ để mình yên tâm. Nó biết nó giỏi, và nó có thể làm được nhiều việc, chứ không phải chỉ ngồi chầu chực chờ nhận được cái gật đầu của các nhà tuyển dụng.
Giá mà mình có thể làm được gì cho nó lúc này...

0 comments:

Post a Comment