Xương người và tôn giáo

- Bà nghĩ tôi mất bao lâu thời gian tham quan Nhà thờ nghĩa trang này?
- Tuỳ. Có người chỉ vào 1' rồi ra luôn. Có người có thể ở cả tiếng.
Thực ra, lời nói ấy không làm tôi sợ. Tôi đã từng đi thăm một nhà thờ nghĩa trang ở Peru, với hai tầng hầm chứa đầy hài cốt, lộ thiên. Nói lộ thiên cũng không hẳn, vì nó thấp hơn mặt đất. Nhưng khách hoàn toàn có thể sờ vào (tất nhiên bị cấm). Không sợ, nhưng tôi tò mò. Và tôi tới.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về nhà thờ là ... quá đẹp. Đẹp không ở kiến trúc bên ngoài, vì đây chỉ là một nhà nguyện nhỏ ở Bohemia. Nó được bao quanh bởi các khu mộ trên thảm cỏ xanh rì. Nhưng đẹp ở cách trang trí bên trong toàn bộ bằng xương người. Và dĩ nhiên, nó nằm dưới mặt đất.

Thời Trung cổ (khoảng thế kỷ XIV), cuộc chiến tranh tôn giáo do giáo hội Hussite (tôn giáo của người Bohemia do John Huss lãnh đạo) gây ra cùng với bệnh dịch đã giết chết hàng chục ngàn người ờ Kutna Hora. Họ được chôn tập thể. Nhưng phần lớn nghĩa trang này đã bị sập vào thế kỷ XV. Người ta buộc phải đưa những hài cốt còn lại (khoảng 40.000 bộ) về nhà nguyện nhỏ dưới hầm này. Năm 1511, một thày tu (thị lực kém) đã quyết định chất chồng những bộ xương người này thành tháp. Tháp xương nào cũng rất cao, toạ lạc tại bốn góc của nhà thờ, bao bên ngoài bởi đầu lâu và xương ống chân, ống tay, tạo thành nhiều lỗ rỗng bên trong, chắc để thoát khí.


Đến thế kỷ thứ XVIII, nhà thờ được một cá nhân mua lại, và họ quyết định dùng một phần những bộ hài cốt này để trang trí nhà thờ theo phong cách Baroque. Việc trang trí được hoàn tất vào năm 1870 bởi nhà chạm khắc gỗ Frantisek Rint.






Đằng sau tất cả những vật thể được dựng lên bởi những bộ hài cốt này là ánh sáng tràn qua khung cửa hình bầu dục. Người ta tin rằng đó là sự hiện thân của Chúa, rằng trước Chúa, mọi linh hồn đều bình đẳng.

Việc sắp xếp ngẫu nhiên những mảnh xương để tạo thành những tuyệt tác ấy đã thể hiện sự khác nhau trong tư tưởng của từng tôn giáo. Với đạo Phật, hài cốt của người chết luôn được cố giữ gìn nguyên bản, nếu có thể. Không có sự sắp xếp tuỳ tiện phần của người này vào người kia, vì Phật giáo cho rằng sau khi chết, con người được đầu thai vào kiếp khác, và để được như thế, hình hài (của xương cốt) phải nguyên vẹn.

Người chết ở cõi âm, không phải dương gian trần thế. Vì thế, với đạo Phật, không thể có chuyện đưa hài cốt lên cùng ánh sáng như người Thiên Chúa. Vả lại, việc can thiệp vào hài cốt (như khoan, vít, đục lỗ, buộc dây) là điều cấm kỵ. Bởi làm thế, họ sẽ đau lắm, vì linh hồn luôn sống. Với người Thiên Chúa, dường như đó không phải là điều họ quan tâm.

Tôi không hiểu biết về đạo Thiên Chúa. Những gì nói trên đây chỉ là những suy đoán cá nhân dựa trên những hiểu biết hạn hẹp. Và cuối cùng, tôi đã dành khoảng 40' ở đây để chiêm ngưỡng những tuyệt tác nghệ thuật Baroque mà tôi vô cùng yêu thích, và hiểu thêm chút gì đó về tôn giáo thịnh hành ở Châu Âu.

0 comments:

Post a Comment