Giải trí có nên đè bẹp giá trị văn hoá?

Việt Nam chạy đua với các nước trong việc tăng tần suất các chương trình giải trí. Cũng tốt thôi. Dân được xem nhiều chương trình khác nhau tuỳ sở thích. Từng nhóm đối tượng trong xã hội tìm thấy cơ hội quảng bá cho chính bản thân mình để đăng ký tham gia. Doanh nghiệp giải trí có việc làm. Cơ quan quản lý truyền hình nhà nước có cơ hội tăng kênh, đa dạng hoá nội dung, và có thêm thu nhập.
Tôi hoàn toàn đồng ý. Chỉ với một điều kiện: đừng lấy tính giải trí đè bẹp giá trị văn hoá, đừng phỉ nhổ vào thú vui giải trí mang tính văn hoá, và đừng tiêm nhiễm vào đầu thế hệ trẻ sự vô văn hoá.
Chương trình "Vietnam's Next Top Model 2017" đang vi phạm cả 3 điều trên. Mà vi phạm một cách trắng trợn và tởm lợm.
Tôi còn nhớ như in Chương trình "Germany's Next Top Model" đã ấn tượng với mình thế nào cách đây 11 năm, khi còn đang học và chả biết làm gì ngoài việc xem các chương trình TV của Đức. Lần đầu tiên tôi biết và cảm thấy thích thú với một chương trình truyền hình tương tác thực tế. Hỉ nộ ái ố đều được bày ra trước bàn dân thiên hạ, cũng là một cách để thiên hạ đánh giá cô này hay cô kia có đáng được vote không, bên cạnh khả năng làm mẫu còn là khả năng ứng xử trong cuộc sống chung với những người xa lạ. Tuy nhiên, các thí sinh phải được huấn luyện và hiểu biết một cách cơ bản về sự xuất hiện và hành vi của mình trước ống kính. Bởi vì, không chỉ có bố mẹ hay anh chị em trong nhà, mà có hàng triệu con người nhìn vào cô mỗi khi cô mở mồm, hay cô ngoáy đít. Tính chất thực tế của chương trình cho phép các cô "diễn tự nhiên trong khuôn khổ" chứ không phải là xó nhà các cô để nếu các cô có muốn "đánh rắm" cũng cứ để thuận theo tự nhiên.
Hình như chưa bao giờ tôi xem trọn vẹn một mùa Vietnam's Next Top Model nào, nhưng thỉnh thoảng cũng có ngó các cô shooting. Tuyệt nhiên nói không với hậu trường. Nếu báo chí không râm ran câu chuyện thí sinh tát nhau, ném đồ, giám khảo chửi bới, tôi cũng không "vô tình" tăng rating của chương trình trên báo thế này đâu. Song, xem rồi thì mới thấy thế này:
  • Các cô gái trẻ tham gia chương trình này đã ảo tưởng một cách điên rồ. Mới chỉ tham gia cuộc thi thôi, mà các cô đã tưởng mình là quan trọng, nhiều người biết đến. Cho nên, các cô mới "diễn quá". Thắng một vòng diễn là được làm chủ ngôi nhà chung, không có nghĩa là cô quắc mắt lên, cấm mọi người nói. Cô cũng chẳng có quyền gì quát thẳng vào mặt người khác. Hay cô tự cho mình cái quyền ném đồ của người khác ra ngoài. Nhiệm vụ của người dẫn đầu là nâng cao sức mạnh của từng người để cả một tập thể lớn mạnh, là nỗ lực để nâng cao tình đoàn kết.
  • Các cô cứ tưởng rằng mình phải phô diễn sức mạnh cá nhân như thế thì mới chứng tỏ mình có cá tính. Nhưng người ta chỉ thấy cô nổi lên rặt một từ "NGU". Có ngu mới không biết rằng hôm nay  mình bắt nó dọn cứt, lần sau nó thắng, nó bắt mình ăn cứt. Dẫu rằng các cô còn quá trẻ, trải nghiệm chưa nhiều, nhưng những bài học đạo đức và hành vi ứng xử cơ bản ấy đã có khắp mọi nơi, nhất là trong thời đại số hoá hiện đại như bây giờ. Tôi e là các cô đã được học, nhưng không học được những nguyên tắc cơ bản ấy.
  • Người ta bảo, các cô diễn theo kịch bản để câu view. Tôi không biết. Nhưng điều tôi biết chắc chắn là, các cô đang biến mình thành một thể loại lố bịch và tởm lợm không giống ai. Tôi không thể đem các cô so sánh với những chú hề, hay những con rối, những người hay vật thể gây cười cho người xem. Chú hề hay con rối đều có những giá trị của riêng họ, tôn vinh những giá trị văn hoá cơ bản của  loài người và những giá trị riêng biệt của con người Việt Nam. Tôi không so sánh các cô với họ vì như thế, tôi vô tình làm bẩn hình ảnh của họ. Nhưng còn các cô, tôi chỉ thấy hiện lên những vết bẩn dơ dáy. Các cô không khiến cho người xem cười, mà khiến cho họ thấy buồn nôn. Các cô chà đạp lên giá trị văn hoá được dán dưới cái mác "thực tế". Và, nếu những đứa trẻ lên 10 cứ xem chương trình mà các cô diễn, chúng nó sẽ học được gì? Thoải mái chửi bới? Thoải mái thoá mạ? Thoải mái sửng cồ? Thoải mái đánh nhau? Bạo lực học đường đã trở thành vấn nạn của xã hội từ lâu. Giờ nó lại được cộng hưởng từ những hành vi vô văn hoá của các cô nữa. Thử hỏi nó sẽ còn tuột dốc đến đâu?
  • Không chỉ các cô, giám khảo của các cô cũng tởm lợm không kém. Một anh có kỹ năng về trang điểm và một chị có kỹ năng catwalk cũng thích chửi bới nhau ngay trước ống kính, thì có khác gì các cô đâu. Dù anh ta có giỏi trang điểm đến đâu, anh ta cũng không thể khuyến khích thí sinh mắng thẳng vào mặt một người giám khảo khác. Nếu muốn, anh ta có thể mang cái mặt mình ra để hứng nước bọt, chứ không phải lấy mặt người khác ra hứng cho mình rồi lấy đó làm thành công. Dù chị ta có giỏi catwalk đến đâu nhưng đã là giám khảo, phải biết tôn trọng đồng nghiệp, tôn trọng thí sinh, chứ không phải muốn quát ai thì quát, muốn nguẩy đít bỏ đi thì nguẩy. Đây không phải chuồng xí nhà các anh chị để các anh chị muốn để nó thối thế nào cũng được. Hàng triệu khán giả không ai muốn ngửi thấy cái mùi thối ấy hết, nhất là khi nó được phát ra từ những cái mồm trạt son phấn và nước hoa.
  • Còn nữa, có lẽ với tôi, người đáng trách nhất là nhà đài. Hẳn là VTV3 cơ đấy. Kênh truyền hình quốc gia. Cho dù các anh chị có muốn giữ hợp đồng với công ty sản xuất chương trình, tôi e là phải có những điều khoản nhất định về giá trị văn hoá trong hợp đồng giữa hai bên. Vì ngoài VTV, công ty media (và những người có liên quan đến ngành), không ai biết chương trình này là do ai sản xuất. Hoặc họ chả quan tâm. Phát trên VTV3 tức là của VTV. Và vì thế, với khán giả, VTV3 phải chịu trách nhiệm chính về chất lượng chương trình phát sóng. Tất cả những điều giải trí đè bẹp giá trị văn hoá như thế, cần phải có sự kiểm soát cẩn trọng. Để khán giả xem những điêu vô văn hoá như thế, VTV có vai trò gì trong việc cổ xuý những lối sống bản năng và ngu si cho thế hệ trẻ?

0 comments:

Post a Comment