Mua Chung




Thời buổi khó khăn thế này, mấy bạn bán hàng theo nhóm phất lên như diều. Nào là Mua Chung, nào là Nhóm Mua, nào là Dealsoc, Hot Deal, vân vân và vân vân. Trong số này, Mua Chung và Nhóm Mua tỏ ra là hàng đầu hơn cả.

Mấy ngày đầu mới dùng dịch vụ này, các bạn này còn gửi bản đánh giá chất lượng sản phẩm/dịch vụ. Rồi thì được cộng điểm vào ví (để sau này đủ thì dùng chính ví đó trả, 1 dạng chiết khấu). Hàng hóa bán thì ghi rõ xuất xứ. Chất lượng hàng thì (có vẻ) được đảm bảo, dù không phải 100%. Nhưng cái thói của người Việt (học của bạn Tàu khựa, hoặc Châu Á nói chung, mình chả biết) là cứ nhu cầu càng cao y như rằng chất lượng càng giảm. Sau hơn 1 năm dùng hình thức mua này (tạm gọi tất cả là Mua Chung), một số kết luận tạm thời được rút ra:
  1.  Mua Chung chả bao giờ kiểm tra chất lượng sản phẩm/dịch vụ mà doanh nghiệp quảng cáo trước khi tung lên website, chả bao giờ đối chiếu xem chất lượng thực tế có đúng với quảng cáo hay không.
  2. Mua Chung trước đây có yêu cầu doanh nghiệp phải nói rõ xuất xứ hàng hóa nhưng giờ thì không.
  3. Mua Chung không kiểm tra giá trên Mua Chung và giá của hàng hóa bán trên thị trường, nên khi giá giảm 50%, có khi thực ra vẫn là 100% hoặc chỉ giảm 20%.
  4. Chế độ cộng điểm của Mua Chung không ai hiểu, và cũng chả ai theo dõi. Ví dụ như, tài khoản ở Nhóm Mua của mình, sau rất nhiều lần mua, mà cũng chỉ dừng lại ở vài điểm, từ rất lâu rồi không thấy cộng thêm đồng nào.
  5. Mua Chung giờ chả thấy gửi khách hàng đánh giá chất lượng sản phẩm/dịch vụ nữa. Cũng chưa ai nói đến việc doanh nghiệp nào bị Mua Chung tẩy chay, hoặc khuyến cáo người tiêu dùng tẩy chay hay xử lý gì.
  6. Doanh nghiệp bán hàng không theo đúng những gì quảng cáo trên Mua Chung, nhưng Mua Chung không biết, và không ràng buộc trách nhiệm gì của doanh nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Vụ gần đây làm mình bức xúc là sau khi mua gói hàng ăn, đọc quảng cáo thì là con cá lăng 4kg làm mấy món đấy, đến nơi thấy lèo tèo, ăn hết mà như chưa ăn gì (còn chưa kể là không biết có đúng cá lăng hay không), phải gọi thêm bao nhiêu, hôm sau thằng bạn đi ăn, trả tiền trực tiếp (cũng bằng giá trên Mua Chung) thì mọi thứ đầy đặn hơn hẳn, ngon hơn hẳn, nghe mà ức. Rồi còn cái vụ túi hút chân không, quảng cáo hàng Nhật, mình đến nơi lấy hàng thì là Tàu khựa. Mới dùng mà đã thủng. Chán chả buồn chết. Định bụng nhờ bạn đi Nhật về cầm hộ mà chưa làm được, phần vì cũng tiếc cái tiền đã mua. Biện pháp tạm thời là phải lấy băng dính quấn hết vào, trông cứ như thương binh.
  7. Mua Chung chặt đẹp doanh nghiệp. Một vài người quen nói trước đây đưa hàng lên Mua Chung phải trả 30% doanh thu cho họ. Nhưng bây giờ tỷ lệ là 50%, hoặc hơn. Nói chung, doanh nghiệp cũng không có lãi. Rẻ hơn là đặt quảng cáo trực tiếp thôi. Có lẽ thế nên họ ăn bớt cũng là chuyện thường. Có điều, quyền lợi của người tiêu dùng rõ ràng bị đặt hàng cuối cùng.
Giờ lượn thử vào Mua Chung, xem tỷ lệ thật:giả lẫn lộn thế nào nhá: hồi 2h30 ngày 6/6/2012, có tất cả 171 deal, trong đó có 18 deal quán ăn, 21 deal spa và làm đẹp, 38 deal thời trang và mỹ phẩm, 17 deal trẻ em, 27 deal tiêu dùng, 14 deal thực phẩm, 8 deal sách truyện, 14 deal điện máy, 14 deal khóa học và đi chơi.
  • quán ăn thì như đã nói ở trên, rất có thể bạn sẽ được ăn ít đi, chất lượng không hoàn toàn như mong đợi.
  • spa và làm đẹp thì tạm được, nhưng hãy cẩn thận với dịch vụ spa, nhiều cơ sở làm quấy quá cho xong, đồng thời, tư vấn ngay lúc mình vào mấy trò dịch vụ thêm, bạn nào hớ hênh một chút là chết liền, bên cạnh đó, dịch vụ làm đầu thì hầu như không nên tin, vì là set nên nó làm, mình không được can thiệp, nhiều khi nhìn đầu mình không khác gì ca-ve.
  • thời trang và mỹ phẩm: loại này cần cẩn thận nhất, vì nhiều hãng tên tuổi, nhất là nước hoa và quần áo, đều là hàng giả.
  • trẻ em: nhiều đồ chơi trẻ em là đồ chơi trung quốc.
  • tiêu dùng: hàng này yên tâm hơn, tuy nhiên, như ví dụ ở trên, túi hút chân không của Nhật thật ra là của Trung Quốc, hay kéo cắt gà, nghe quảng cáo là cắt được cả xương, mà về nhà cắt hoài chỉ thấy đau tay mình, thịt gà không cẩn thận còn cắt dọc thớ.
  • thực phẩm: mình mới tiêu dùng đồ khô, nên tạm thời chưa có ý kiến gì, nhưng đôi lúc ngó qua chỗ bán trứng cũng thấy cứ lăn tăn, vì chả có cơ sở gì tin đó là trứng sạch, ít nhất cũng phải có chứng nhận gì đó được đưa ra, rồi người tiêu dùng phải nhìn thấy cái chứng nhận tận mắt, kiểu để đối chiếu, thì mới có niềm tin được chứ.
  • sách truyện: cái này tưởng ứ làm điêu được nhưng vưỡn. Thế mới lạ. Sách có thể là in lậu. Nên rẻ. Chất lượng dịch đôi khi cũng có vấn đề. Mình ít quan tâm đến người dịch nên không recommend được. Nhưng mình chỉ tin 1 vài cuốn từ 1 số công ty sách  như Alpha Book, Tri thức, Đông A.
  • đồ điện máy mình chưa xài bao giờ nên không có kinh nghiệm.
  • khóa học và đi chơi: phần này có nhiều cách luồn lách, không cẩn thận là ăn đạn như chơi, ví dụ như, mình thấy khóa học tiếng Anh của bạn Canada giảm 80%, thích quá mua liền. Khi đăng ký học thì té ngửa là đó là chi phí 1 tháng, còn toàn bộ khóa học là 3 tháng.
Tạm thế nhỉ. Mình tự nhiên cụt hết cả hứng với các bạn mua theo nhóm. Giờ cứ hở ra là bị lừa. Chả khác gì đang đi ô tô giữa đường phố mấy nước Mỹ La tinh cũng bị cướp.

----------------------------------
 chi and cubi

1 comments:

Anonymous said...

Thanks Flamenco. Điểm rất đầy đủ, có ích cho người đọc.

Post a Comment