Ngay xua....




Hôm nay ngồi nói chuyện với một người bạn, tự dưng lại nhớ về cái thuở ngày xưa, cái thuở nghèo đói quẩn lấy chân bố mẹ, leo bám vào từng ngách nhỏ của 2 đứa trẻ. Ngày ấy, bố bị bệnh phải nghỉ mất sức, đứa con nhỏ mới 2 tuổi, một mình mẹ lam lũ trên chiếc xe nam, sáng đi làm sớm, chiều về nhà muộn, trên xe lủng lẳng vài quả mít cố bán cho hết. Mẹ kể, mít người ta mang từ Hà Tây ra nhiểu lắm. Trưa nào mẹ cũng mua vài quả, chiều trên đường về nhà qua ngõ chợ Khâm Thiên bán bằng hết. Hôm nào xui mà không bán được, về nhà cố "gạ" ông Lang Bảng mua nốt. Chả là ông cũng giống mẹ, rất thích ăn mít mà...

Mẹ làm thư viện, nên chiều nào cũng mang được báo mới về nhà đọc. Chả hiểu có phải vì vậy mà con bé mới 4 tuổi đã biết đọc rồi không. Ngày ấy mỗi lần các cô chú cùng làm với mẹ đến nhà chơi, ai cũng bắt nó mang báo Nhân dân ra đọc. Mới đọc hết "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Độc lập, tự do, hạnh phúc" đã được vỗ tay ầm trời... Nó sướng. Nó may hơn chị nó, học nhanh hơn nên ít bị bố cốc đầu. Bố có cái roi mây, để ở ngăn chạn bát, mỗi lần bố nó giơ cái roi đó lên là nó đã sợ run người... Nó nhớ bố rất cục tính, bảo chị học bài một tý mà chị không hiểu là bị ăn cốc ngay. Nhìn thấy chị rơi nước mắt nó thương lắm. Có phải vì thế mà chị đã chậm hiểu càng chậm hiểu hơn??? Sau này có con, nhất định không bao giờ nó làm thế...

Ngày ấy trẻ con học không khổ sở như bây giờ. Thường nó học đến 8 rưỡi hoặc 9h là xong. Công việc quen thuộc tiếp theo của nó là ra bán hàng nước với mẹ, và đọc truyện cho mẹ nghe. Những câu chuyện từ Tạp chí Văn nghệ quân đội gắn bó với nó từ những ngày ấu thơ ấy, cho đến tận bây giờ, và mãi về sau... Những câu chuyện về chiến tranh, tình người đã làm rơi nước mắt trẻ thơ của nó. Có phải vì thế mà nó thấy mình "mong manh" hơn, mà bạn bè nó sau này gọi nó là "bà già"? Nhưng có một điều nó thấy, nó dễ tha thứ hơn, dễ thông cảm hơn. Cuộc sống vốn đã nhiều gai góc, và nó biết nó còn nhiều điều chưa hoặc không thể làm được...

0 comments:

Post a Comment