Entry for July 27, 2007 - Tag




Tưởng trò Tag phai nhạt trong giới giang hồ rồi, thế mà hôm nay lại bị cháu Tôm tag cho một phát. Thế là phải ngồi “tâm sự” với cháu Tôm một lúc rồi. Để cô nghĩ xem viết gì cho cháu nhé…

Một này, đấy là ngày xưa, khi cô học lớp 7, ở trường cô có một đoàn quốc tế nào đó đến thăm và làm việc, hình như về môi trường thì phải. Cả trường hồi đó toàn học tiếng Nga, mỗi mình lớp cô là học tiếng Anh thôi. Mà trong lớp, cô lại là người học “lâu” nhất, thế nên cô được giao trọng trách đọc một bài phát biểu bằng tiếng anh chung với 1 chú khác. Ngày ấy, cái thói e dè của trẻ con đã khiến cô chối đây đẩy. Đúng hôm có lễ mít tinh, nhìn thấy một cô khác hùng dũng đứng trên bục cao đọc bài phát biểu, cô thấy ân hận lắm, hix…. Cơ hội chỉ có một lần thôi, đúng không cháu? Không biết nắm lấy thì chỉ có thất bại mà thôi!

Hai là, từ hồi học cấp II, chẳng hiểu sao bạn bè trong lớp gọi cô là “Hoa hậu”. Chắc phải nói là “bị gọi” mới đúng, vì nó gây cho cô một số phiền toái mà đến giờ cô vẫn không quên. Từ “Hoa hậu”, mọi người chuyển thành “Hoa khôi” rồi thành “Hoa hôi”, đáng buồn nhỉ. Đó là một buổi chiều, hình như sau giờ học thêm, các bạn đi trước, cô đi sau. Thế rồi họ nói “Hoa hôi” rõ to, làm cô bực mình, sau đó tủi thân, và.. chạy ra ngoài gốc cây, ngồi thụp xuống và khóc… Trong đám ấy có cả cô lớp trưởng nữa. Sau đấy cô ấy phải thay mặt các bạn xin lỗi cô đấy! Hihi… Sau này, không ai gọi cô là “Hoa hôi” hay “Hoa khôi” nữa, chỉ chung thủy với “Hoa hậu” thôi (mà cô có xinh gì đâu nhỉ, lại còn thấp bé nhẹ cân nữa chứ). Trong cuốn nhật ký hồi cuối cấp, cái tên ấy lại được xuất hiện. Khi nào cô về, có thời gian, cô sẽ post những dòng ấy lên, để lưu lại những kỷ niệm của một thời đáng nhớ…

Ba là, vẫn dính dáng đến thời cấp II. Ngày ấy, trẻ con trong cùng một khu thường là học cùng một trường, thế nên đứa nào cũng biết nhau hết, kể cả học khác lớp. Tóc cô ngày đấy dài lắm, thường thì cô vẫn tết hai bên. Nhưng có một hôm, cô buộc lên. Đến trường, cái bọn lớp B cứ chạy ra chạy vào, nhìn cô và cười. Lúc đầu cô cũng chẳng hiểu sao chúng nó cười, sau mới biết chúng nó giễu mình vì mình buộc tóc hai bên. Thật đúng là trẻ con, cháu nhỉ? Người ta làm gì thì kệ chứ, có ảnh hưởng gì đến hòa bình thế giới đâu. Nhưng đấy là bây giờ cô nói với cháu thế thôi, chứ ngày ấy, cô cũng “sợ”, thế là cô đành phải bỏ tóc ra đấy. Hình như đấy là mở màn cho một chuỗi các hành động “trêu chọc” cô của họ. Cao trào là một buổi trưa, họ tụ tập khoảng 6-7 đứa con gái, đuổi theo cô lúc tan học về, trêu chọc và cả “đánh” cô nữa, mà chả có lý do gì cả… Lúc ra khỏi cổng trường, cô đã thấy hình như bọn này có “mưu mô” gì, nhưng lúc ấy dại, chả nghĩ ra phương cách nào để đề phòng chúng nó. Cô đi về cùng một người bạn, nhưng thay vì đi cùng bạn ấy suốt cả quãng đường và nhờ bạn ấy đưa mình về tận nhà, cô đã chia tay bạn ý sớm, đi theo một lối khác, với hy vọng không phải đường của chúng nó nên chúng nó không theo. Nhưng đó là một suy nghĩ vô cùng sai lầm, vì khi cô có một mình thì chúng nó càng dễ hành động hơn. Chỉ cách nhà hai chục bước chân nữa, cô bị chúng nó quây thành vòng tròn, trêu chọc và “tấn công”. Lúc ấy vừa tức, vừa ức, cô cầm cái cặp đi học, quăng ra và xoay người vòng tròn để “phản công” lại tất cả bọn nó. Gọi là “Một mình một mặt trận” đấy cháu ạ. Cô cũng chả nhớ những đứa nào đá đánh cô và cô đã đánh lại được những đứa nào, nhưng khi chúng nó thấy cô khóc, chúng nó tản ra luôn. Với lại, chỗ cô đứng cũng có một nhà đang bán quán, chắc chúng nó cũng chả dám làm gì, vì thế nào người lớn cũng chạy ra can ngăn. Tối đó về, cô tức tưởi kể với bà ngoại của bạn Cún, thế là bà sang tận nhà từng đứa, mách với bố mẹ chúng nó…

Bốn là, cô tập đi xe đạp lâu… kỷ lục. Hình như ba năm. Đấy là tính tổng thể thôi. Vì ngày ấy, ông bà bạn Cún chỉ có 2 cái xe thời kỳ phân phối, và thay nhau … hỏng. Cái nào tốt thì bà ngoại lấy đi làm, cái nào hỏng để nhà. Hỏng thì chỉ tập tành được chút đỉnh thôi, rồi lại để đấy chờ ông ngoại sửa. Cô nhớ có một chiều, Hà nội mưa như trút nước. Nơi cô ở chỉ chốc lát là ngập hết, đến gần đầu gối của trẻ con ý. Mưa tạnh, trẻ con lôi nhau ra nghịch nước. Bác Quỳnh và cô cũng … đú theo. Trốn ông ngoại bạn Cún, bác Quỳnh và cô lôi cái xe đạp ra đi, tất nhiên là bác Quỳnh đèo cô rồi. Sang đến B7, đang đi trơn vu bỗng nhiên “Bụp”, bánh trước của cái xe lăn xuống hố. May mà không ai bị ngã xuống đấy. Đấy là cái nắp cống mà người ta đang làm dở, nhưng không hề có biển báo “Warning” gì hết trơn. Không ngã, nhưng một cái dép của bác Quỳnh bị “chui tọt” xuống hố, không thể nào vớt lên được. Đó là đôi dép bà ngoại bạn Cún vừa mua cho. Bác Quỳnh và cô hoảng hốt, và sợ nữa, không biết về nhà ăn nói ra sao. Thế rồi không biết ai nói với ông ngoại bạn Cún. Ông ra và vác xe về. Bác Quỳnh bị ăn một cái tát rõ mạnh. Đến tối về, bà ngoại bạn Cún, sau khi xong việc, gọi hai đứa con ra mắng té tát. Bà ngoại còn bảo ông ngoại “Ông như thế là không công bằng. Tại sao con Quỳnh bị tát mà con Giang không bị tát? Cả hai chị em chúng nó có đứa nào hơn đứa nào đâu!”. Cô chưa kịp nghe hết câu thì “Bốp!”, một cái tát như trời giáng của ông ngoại “dành” cho cô. Để cho công bằng mà! Ối giời ơi… Cô khóc hết nước mắt luôn…

Năm là, vẫn ngày nhỏ, cô hay cùng một đứa bạn, tạm gọi là A nhé, sang nhà một đứa bạn khác, tạm gọi là B, để học nhóm. Nếu phân chia theo sự giàu sang thì A là giàu nhất, rồi đến B. Nhà cô thì chẳng có của nả gì. Nhưng A lại là người ít thông minh nhất trong 3 đứa. Ấy thế nhưng, mỗi lần sang nhà B học nhóm, mẹ B luôn là người khen A hết lời, và chê trách cô đủ điều, nói rằng cô sang đấy là để ăn bám A và B, học mót B, lợi dụng B. Mẹ B luôn tìm cách đuổi cô về. Bố B thì ngược lại, chú rất quý cô, khen cô học giỏi. Lúc ấy chưa hiểu nhiều, nên cô vẫn sang đó chơi, khi nào thấy tức vì mẹ B thì cô mới về. Sau này, cô không còn liên lạc với B nhiều nữa, vì cô chuyển nhà đi nơi khác. Nhưng cô nhớ, khi vào cấp III, cô và B cùng thi vào Chuyên ngữ, nhưng B trượt, còn cô điểm lại khá cao. Mẹ B biết điều đó. Đến khi thi đại học, vô tình cô gặp mẹ B dưới sân trường Ngoại thương. Mẹ B nói “B không đủ điểm, xin phúc tra thì lên được, bây giờ đang đi tìm lớp”. Cô cũng giúp B và mẹ B tìm được lớp học của mình. Cô biết mẹ B đã nghĩ khác về cô. Một điều cô thấy vui vì mẹ B đã nhìn con người dưới một nét giá trị khác chứ không phải là sự giàu sang…

Sáu là, cô rất thích nghe đàn ghi ta nhưng không biết chơi. Lúc còn năm 4, cô có đi học ông thày Thi mù, được một tháng thì … dừng vì không muốn cắt móng tay. Cô được một người bạn cho một cái đàn (đúng ra là cho mượn nhưng không đòi lại nữa!), bác Quỳnh đặt hẳn một cái bao da thật đẹp để đựng, nhưng tất cả chỉ dừng ở đấy thôi. Mỗi lần sinh nhật, cô lại vác đàn ra để cho bạn chơi và mình … thưởng thức. Mọi người bảo, bộ dây lởm rồi. Chắc là cô sẽ mua bộ dây xịn, thay vào đấy để bạn bè đến… đánh cho nghe vậy… Từ niềm yêu thích này, cô đã tham gia vào câu lạc bộ ghi ta, và hoàn cảnh nào đó đã khiến cô “giả vờ” sinh năm 1985. Tất nhiên là chả ai nghi ngờ gì rồi. Mọi người thay nhau gọi cô bằng “em”, add nick chat tứ tung… Có một hôm cô đọc được một thống kê rằng “I-love-flamenco” khi vào đăng ký đã cuốn hút được nhiều anh nhất”. Từ ngữ thì không chính xác lắm, nhưng đại loại như thế. Ngoại trừ tuổi nhé, còn đâu cô toàn nói thật thôi, làm bạn cũng rất thật, thế nên đến giờ cô vẫn còn rất nhiều người bạn từ câu lạc bộ này đấy. Đến khi bí mật “theo gió” lan đi, ai cũng bất ngờ, có người sau những phút ấy, thì vui vẻ trở lại, nhưng cũng có những người “giận” cô đấy, có những người thì cười sặc sụa, vì chưa bị dính “chưởng” của cô bao giờ… Đến giờ vẫn có người không chịu gọi cô bằng “chị” mà vẫn nhất quyết “bạn” thôi… Nghĩ lại thấy đó là một kỷ niệm đẹp. May mắn thay đến giờ cô vẫn còn chơi được với nhiều người trong câu lạc bộ ấy.

Bảy là, hồi lớp 9, cô đi thi học sinh giỏi môn tiếng Anh, đạt giải ba quận, sau đấy tham gia lớp học bồi dưỡng ở quận để đi thi thành phố. Vào học mới thấy kiến thức của mình chả là gì, và mình hoàn toàn bỡ ngỡ với những khái niệm như thời hiện tại hoàn thành tiếp diễn, hay các cấu trúc câu phức tạp. Cũng phải thôi, vì thời cấp II có ai học tiếng Anh ở trường đâu. Ngày ấy, vì cô giáo dạy tiếng Nga của lớp cô cứ bắt học sinh đi học thêm tại nhà, nên lớp cô tức quá viết thư cho Ban Giám hiệu đòi đổi sang môn tiếng Anh. Cũng chả biết ngày ấy bức thư có chữ ký của tất cả học sinh trong lớp có tác động sâu sắc như thế nào, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường đồng ý, và mời một cô giáo ở vùng ven sông Hồng về dạy. Cô chắc cô ấy cũng không biết nhiều lắm (chưa kể đến chuyện nói ngọng nhé!), nên đến khi cô vác vở học bồi dưỡng về hỏi “Cô ơi, sao em đi học người ta có nói đến thì hiện tại hoàn thành tiếp diễn. Thì ấy dùng như thế nào ạ, mà em thấy cấu trúc cũng lạ.”. Cô giáo xem một hồi rồi bảo cô “Thì nó cũng tương tự như hiện tại hoàn thành thôi. Em cứ dùng như hiện tại hoàn thành cho cô.” Đến nước này thì chịu. Hồi ấy, sách vở tiếng anh còn hiếm, mà cô cũng chẳng có tiền mà mua. Hình như cũng chưa có khái niệm gì về việc mua sách học thêm cho mình cả. Và thế là, lớp bồi dưỡng thi để chọn người vào thi thành phố. Cô trượt toét. Cô biết mình trượt ngay từ khi chưa làm bài, vì đi học có hiểu gì đâu, nói gì đến thi kia chứ! Nhưng cái đáng buồn hơn là cái giải ba quận của cô không được công nhận. Người ta bỏ sót cô, vì cô không có mặt trong cuộc thi thành phố. Sau này, khi hỏi lại, người ta biện minh rằng đó là vì cô không trúng để thi thành phố. Kỳ lạ thật, cái nào ra cái đấy chứ nhỉ? Bạn cô cũng trong trường hợp tương tự như cô, chỉ khác nó thi môn Văn. Nó vẫn được công nhận đấy thôi. Cho đến giờ thì cô chả còn thắc mắc gì nữa, cũng chả coi điều ấy là quan trọng. Có điều, buồn vì cung cách làm việc hành chính của Việt Nam.

Tám là, ô hết rồi nhỉ. Cô đã bảo với chú Tuấn, bạn cô, rằng cô có 7*vân2 điều để nói cơ, nhưng Tag chỉ cho phép 7 thôi, biết làm thế nào? Thôi khi nào có dịp cô sẽ kể tiếp cho cháu nghe vậy. Giờ đến một việc quan trọng là chuyển trách nhiệm “Tag” cho ai. Để cô nghĩ xem nhé:

  1. Cô Phương Anh, vợ yêu quý của chú Nam
  2. Cô Trang, lethutranghp
  3. À, bé Pỉm nhà chú Thành
  4. Bác vohinhlangtu với thế giới origami nhé
  5. Ai nữa nhỉ? Bác HươngHT ở NEU nhá
  6. Cô beiperfume, người sắp hân hoan lên xe hoa, và
  7. Cô Hệu già

À quên, còn một điều nói nhỏ với Tôm nhá, mẹ Hạnh lạc hậu lắm, chú Khôi tag từ lâu roài, hí hí… Thế mà giờ còn mời. Đúng là chỉ chăm viết cho Tôm thôi nhỉ, chả biết thế giới xung quanh ra sao…

1 comments:

vohinhlangtu said...

Ối giời em Phờ na men kô ơi :D, lại túm tóc anh à. Sao lắm người khoái trò TAG này thế nhảy :D. Vừa Mới đi công tác 2 tuần ở Thanh Hóa về, mệt phờ :D. Để thư thả rồi anh sẽ viết dần :D

Post a Comment