Hồi ức về một thời bé dại


17 năm tôi gặp lại bọn cấp 2. Đúng ra là có 1 đứa trong lớp được phân công tìm những đứa "thất lạc" như tôi và cho vào rọ. Hôm ấy tôi và nó nói chuyện rất lâu. Tất nhiên những chuyện củ tỉ từ 17 năm về trước, trong 17 năm ấy và bây giờ đã làm cho câu chuyện có lúc tưởng chừng không dứt. Cảm động vì cái sự "không quản ngại khó khăn ấy", tôi đã nhủ thầm chắc chắn sẽ kết nối lại với những người mà một thời tôi gọi là bạn. Trong ấy có cả những mong ước nho nhỏ như gặp lại những đứa mà tôi cho là, và tin là, những đứa đối xử chân thành với mình, không phân biệt đối xử.

Tôi nhớ hội cái Nguyệt, Ngọc, Linh, Hằng là những đứa "cày sâu cuốc bẫm" trên con đường học hành như tôi. Dù không phải là suốt mấy năm học ấy chúng tôi chả cãi nhau bao giờ, nhưng tôi vẫn luôn coi chúng nó là những đứa "bạn thật". Hết lớp 9, tôi "di chuyển" lên Cầu Giấy, và thật ngạc nhiên là hội chúng nó vẫn đến thăm tôi nhân dịp sinh nhật đầu tiên của cấp 3. Tự mò lên mới giỏi. Ngày ấy tôi thấy ấm áp lắm. Hội chúng tôi đi mua bún ngoài chợ, làm mấy món ăn gì đấy đến giờ tôi chả nhớ nữa, đánh chén nhiệt tình và tíu tít về lại Kim Liên.

Tôi nhớ hội cái Vân, Mai Lan và Huyền, hiền lành và nhũn nhặn. Tôi chơi với bọn nó từ hồi lớp 9 thì phải, rất hay đến nhà cái Vân làm mấy món linh tinh, mặc dù chủ định đến để học nhóm. Mai Lan và Huyền thì đặc biệt nhớ, vì tụi nó ở trên làng Kim Liên, hàng ngày đi về, thay vì chúng nó đi thẳng trường, qua B1, sang bên đường để lên trên đê La Thành, thì tôi lại bắt bọn nó đi qua nhà tôi, dừng lại ở nhà tôi để đá cầu với tôi. Tôi mê đá cầu khủng khiếp. Mà 2 đứa chúng nó thì chiều tôi. Thỉnh thoảng tôi xin bố được gói lạc hay cái gì nho nhỏ để “đãi” chúng nó thay lời cảm tạ. Có khi phải hơn 12h30 trưa chúng nó mới từ nhà tôi trở về.

Ngoài đấy ra, hình như trong tôi không còn ký ức nào gọi là đẹp về cái thời bé dại ấy nữa.

Chỉ còn những ký ức buồn thôi.

Ngày ấy nhà tôi nghèo lắm. Có lẽ vì nghèo nên nhiều đứa chẳng chơi với tôi. Có lần cả lớp tổ chức đi thăm các thày cô giáo nhân ngày 20/11 bằng xe đạp. Tôi loay hoay vì không có cái xe nào. Bố mẹ có 2 cái xe, 1 xe nữ, 1 xe nam. Xe nữ thì mẹ dùng để đi làm. Xe nam thì mặc dù đi được, tôi không dám vác đi. Có hỏi bố mẹ cho mượn thì chắc sẽ chỉ nhận được cái lắc đầu. Bơ vơ trên sân trường, tôi còn nhớ rất rõ là sân sau, tại góc giáp ranh giữa sân trước và sân sau, cạnh cầu thang bước lên nhà chìa, những âm thanh “không có xe không được đi cùng lớp” vang lên khô khốc, làm tổn thương một đứa bé vốn nhạy cảm như tôi. Lủi thủi về nhà, tôi từng ước giá hôm đó mẹ đi xe nam đi làm, thì tôi đã có cơ hội đi cùng lớp. Nhưng rồi, cái cảm giác ấy qua rất nhanh, có lẽ vì tôi cũng có nhiều việc để làm ở nhà.

Tôi từng làm quản ca của lớp. Cũng vì cái nghèo mà nhiều đứa không thích tôi làm quản ca nữa, túm lại không phaỉ “người của công chúng” nữa, vì chúng nó đỡ phải nghe theo tôi. Khi tham gia các tiết mục văn nghệ của trường, chúng tôi thường có 4 người, và chúng nó luôn tạo ra cơ hội để chúng nó tam ca, còn tôi đơn ca. Có lẽ, cái niềm đam mê nhạc họa khiến tôi không thấy chạnh lòng lắm mà bỏ đi. Nhưng tôi nhớ, khi rủ nhau đi tập hát, chúng nó thường cười chế giễu tôi, vì tôi hay mặc cái váy mà chúng nó cho là của bà già. Chả hiểu sao đến giờ tôi vẫn nhớ như in 2 cái váy mẹ mua cho tôi nhân dịp sinh nhật, 2 cái váy cotton xòe, 1 hoa xanh blue, 1 hoa đỏ, tay ngắn, dài đến đầu gối. Quả thật là tôi thấy chúng rất đẹp, mát, chưa kể đến việc mẹ phải mất khá tiền để sắm cho con gái nên với tôi, chúng quý vô cùng. Nếu so với thời bây giờ, váy đấy là mode vì nhìn giống hàng maxi, chất vải thấm mồ hôi, rất hợp với con trẻ, màu sắc lại nhã nhặn. Nhưng, chúng nó cười đấy.

Rồi, vẫn là cái sự nghèo nó khiến cho cha mẹ chúng nó cũng tưởng rằng tôi chơi với chúng nó để lợi dụng sự giàu sang. Mẹ nó từng nói với tôi rằng “Cái Giang sang đây học nhóm là để dựa vào cái ABC… nhà không có gì à mà sang đây sớm thế”. Lần đó tôi bỏ về ngay, không một chút do dự. Học nhóm thì thường có 3 đứa, trong đó chỉ có tôi là nghèo thôi. Cứ mỗi lần thấy tôi đến mà đứa kia chưa đến, mẹ nó lại cằn nhằn sao đứa kia chưa đến và sao tôi lại đến sớm thế. Trẻ con chúng tôi ngày ấy đơn giản chọn nhà nó là điểm đến vì nhà nó nằm giữa 2 nhà còn lại mà thôi. Đôi khi tôi thấy thật kỳ lạ, vì sao kết quả học tập của tôi luôn cao hơn nó, một vài thành tích của tôi hơn nó, mà mẹ nó lúc nào cũng chỉ nghĩ là tôi phải nhờ có nó mới giỏi. Rồi tôi cũng thôi nghĩ về điều này khi không còn ở bên cạnh nhau nữa. Nhưng, hình như sau 3 năm gặp lại, mẹ nó đã có thái độ khác hẳn với tôi. Nguyên nhân thì không biết, nhưng tôi đoán có 2 sự kiện chính khiến mẹ nó thay đổi 180 độ: nó và tôi cùng thi vào trường chuyên ngoại ngữ như nhau, tôi thì đỗ lớp cao nhất (lớp A) trong số 3 lớp (B, C), còn nó thì trượt, với số điểm vô cùng thấp. Rồi nó và tôi cùng thi vào Ngoại thương, tôi cũng đỗ còn nó phải nhập học muộn vì phải phúc tra. Ngày đầu tiên mẹ đưa nó đến trường, mẹ nó gặp ngay tôi dưới sân. Mẹ nó nhờ tôi tìm lớp cho nó. Có thể đó là lý do. Sau đấy khá lâu, tôi đến nhà nó, hình như là lúc đã ra trường, mẹ nó cười giả lả, khen tôi hết lời. Còn tôi thì thấy trống rỗng.

Hôm qua gặp lại khoảng 20 con người. Ai cũng chững chạc lắm rồi. Nhưng khoảng cách hình như vẫn còn đâu đó. Chính những đứa chả quan tâm đến tôi là ai lại là những đứa có thể huyên thuyên dăm câu ba điều. Mấy đứa muốn gặp thì lại chả đến, trừ cái Linh. Quá khứ lại hiện về, nguyên si trước mắt tôi. Không thể nào quên được.

Tôi nhớ về những điều ấy, không phải để gặm nhấm nỗi đau. Hình như tôi cũng chưa bao giờ cảm thấy tủi hổ vì mình nghèo, sỉ nhục cái nghèo ấy. Cái nghèo ấy đã cho tôi lớn được như ngày hôm nay, trải nghiệm đầy đủ cung bậc của cuộc sống, gai góc hơn để trưởng thành, dày dạn hơn để phân biệt người tốt kẻ xấu. Nhưng quan trọng hơn cả, tôi biết giữ lấy nó để làm bài học cho chính mình và con cháu (nếu có) của mình sau này, rằng nghèo không đi với hèn, giàu không phải cái đích của cuộc sống, của cải vật chất không thể thay đổi cái chất của con người.

Sống trong đời sống cần có 1 tấm lòng…


----------------------------------
  chi and cubi

2 comments:

Lê Anh Đức said...

Bác viết bài này rất hay và rất cảm động. Em thích câu cuối "nghèo không đi với hèn, giàu không phải cái đích của cuộc sống, của cải vật chất không thể thay đổi cái chất của con người"

"Uy vũ bất năng khuất. Bần tiện bất năng di" !

I-love-flamenco said...

Cám ơn cậu, chị chả mấy khi nhớ được những câu hán việt thế này :)

Post a Comment