Anh cũng cao ráo, hẳn mét sáu. Khuôn mặt ưa nhìn. Hàm răng nhuộm vàng đồng bằng thuốc lào, cái thứ thuốc cổ truyền của dân tộc. Tóc highlight trắng có đến hai phần ba. Làn da anh nhuốm màu sương gió ngoài vỉa hè. Công việc chính ổn định, lái xe chuyên nghiệp, loại xe hai bánh (ngôn ngữ thân mật gọi là xe ôm). Anh nằng nặc bảo mẹ mình khuyên mình cưới anh đi, rồi anh sẽ chở xe ôm cho mẹ mình không lấy tiền. Cuốc đầu tiên anh chỉ lấy 70k, gọi là marketing bản thân. Trong khi xe khác lấy hẳn 50k. Mình lấy thế làm cảm động lắm. Nhưng ngẫm lại, mình có đâu xứng với anh. Lấy làm buồn cho số phận.
Câu chuyện về chiếc thảm
Sáng nay, mẹ đau chân, nhất là khi đứng lên. Có lẽ vì thiếu vận động, hoặc sai tư thế gì đó. Mẹ ngồi cho con uống sữa. Rồi mẹ đứng lên. Chân đau nhói, tưởng chừng không bước được tiếp. Mẹ vừa đi vừa xuýt xoa. Con bất chợt chạy theo mẹ, ôm vào chân mẹ, thủ thỉ "Con thương mẹ quá."
Rồi mẹ tự nhắc mình phải gọi cho chú Dũng để lấy thuốc xoa bóp cho anh Bi và mẹ. Lẳng lặng, con ra sofa, lấy một tập thảm block, đặt xuống sàn nhà. Con bảo để mẹ nằm cho chú Dũng đến chữa bệnh. Không thấy mẹ nói gì (vì mẹ chưa hiểu con làm gì), con sờ vào thảm và nói "Êm lắm mẹ ạ. Êm thật. Mẹ nằm xuống để chữa bệnh đi."
Mẹ nghẹn giọng. Mẹ mỉm cười. Mẹ thấy máu dồn lên mặt. Vì xúc động đó mà. Dù chưa bao giờ phủ nhận sự quan tâm của con, mẹ luôn bất ngờ vì sự quan tâm, chăm sóc đến ấm áp như vậy từ một cô gái bé nhỏ 2 tuổi. Thật may mắn vì ông Trời đã đưa con đến với mẹ, để mẹ cảm nhận được tình yêu thương vô bờ bến, sự ân cần trong mỗi một hành động hay lời nói của con dành cho mẹ. Con chỉ cần quan sát, cảm nhận, và hành động. Rất hồn nhiên. Rất ấm lòng.
Cảm ơn con, thiên thần của mẹ.
Nhảy cầu
Vừa đọc tin có đôi nam nữ trẻ nhảy cầu Long Biên. Sau 15 phút thì người ta vớt được cậu. Còn cô vẫn chưa thấy tăm hơi gì.
Chợt nghĩ đến đứa cháu mình, lúc nào cũng doạ mẹ tự tử mà thấy buồn. Có phải cuộc sống đủ đầy dễ sinh tâm lý đòi hỏi, không được thì doạ tự tử cho bố mẹ sợ không? Có phải thông tin đủ đầy để học tập những luồng tư tưởng tiêu cực không? Có phải cuộc sống áp lực đến mức không thiết sống nữa không? Hình như cái gì cũng có, nhưng không có gì đến mức phải lao thân vào chỗ chết mà không đạt được lý tưởng của mình như thế.
Đọc một comment thấy bảo khi có con rồi, phải ráng sống để con còn có chỗ dựa vào. Liếc nhìn tấm hình con đang cười, chợt thấy lòng quặn lại vì những hành động nông nổi, bồng bột của lớp trẻ ngày nay.
Đang nặng lòng như vậy, chợt đọc thấy comment hỏi rằng "Vì sao nhảy cầu cứ phải bỏ lại dép?"", mình phá ra cười. Và đây là những suy nghĩ của mình khi đọc những câu trả lời câu hỏi trên.
1. Vì để dép nó vướng. --> Thế vì sao không cởi luôn quần áo?
2. Vì để dép nó nổi. --> Ừ, có thể.
3. Để người nhà còn biết đường tìm và nhận dang. --> Có nhiều người đi dép giống nhau lắm, không phải căn cước công dân mà dễ tìm đâu. Vả lại, muốn người nhà nhận dạng làm gì? Để đưa linh hồn về à? Nếu cần gia đình đến vậy thì sao lại tự tử để gia đình đau lòng?
4. Vì những người trước nhảy cầu nên bắt chước. --> Không thể nói gì hơn.
5. Để người khác biết có người nhảy cầu. --> Đã quyên sinh thì cần gì ai biết nữa. Để cứu à?
6. Vì xuống dưới đó rồi kiểu gì người ta cũng đốt cho dép mới nên bỏ dép cũ đi. --> Hoá kiếp rồi còn sân si làm gì nữa.
Vậy đấy. Cười cũng có. Khóc cũng có. Vậy là hết một kiếp người. Nhưng hãy để cho những người ở lại không khổ đau vì sự quyên sinh của mình. Như vậy, cuộc sống dù ngắn ngủi mới có ý nghĩa. Như vậy, việc quyên sinh của mình mới đáng làm.
Nhỉ?
Tản mạn đêm mưa
Lâu rồi Hà Nội mới mưa to đến thế. Ngồi làm việc, tự nhiên lại muốn viết vẩn vơ. Tự nhiên lại nghĩ đến những ngày tháng mưa thật là mưa gắn bó với bao kỷ niệm. Thế là lục lại Blogger. Thậm chí còn không nghĩ nó tồn tại. Thế mà nó vẫn ở đây. Và bài viết cuối cùng của mình là năm 2019...
Còn nhớ năm 1993, Hà Nội mưa kỷ lục. Nước ngập đến nửa nhà. Bố mẹ phải kê hai cái giường chồng lên nhau. Hai chị em được bố mẹ gửi lên nhà hàng xóm trên tầng 2 ở cả tuần, cho đến khi nước rút. Mọi người còn đi lại cả bằng xuồng. Phân trong nhà vệ sinh công cộng còn lập lờ khắp nơi. Đó là khi mình còn ở tập thể Kim Liên. Đúng lúc nhà mình lại đang có cô ruột đến chơi, mà cô còn bị tâm thần dạng nhẹ. Thật may rồi nước cũng rút. Thêm nhiều ngày bẩn thỉu dọn dẹp trước khi cuộc sống trở lại thật bình thường.
Rồi mình lại nhớ năm 2007, mình trở về từ Đức. Hôm đó hình như là ngày sinh nhật anh người yêu cũ. Mình ghé qua đó tặng quà, nói chuyện chút với gia đình. Xa nhau rồi, nhưng nỗi nhớ vẫn còn ở lại. Chỉ cần nhìn cánh cổng ấy, tim mình lại đập thật nhanh. Lúc ra về, mình gọi taxi, mãi mà không được. May sao cuối cùng cũng vẫy được một cái. Đến ngã tư Nguyễn Trãi, trời bắt đầu nổi cơn dông. Rồi mưa như trút nước. Gió bão như lay cả các toà nhà. Lần đầu tiên mình thấy thật may mắn vì đã đi taxi. Từ đó nhìn ra ngoài đường Láng, xe máy, xe đạp rủ nhau đổ xuống đường như quay chậm. Không ai thoát khỏi gió bão. Thật kinh khủng.
Đâu đó năm 2010, mình quắn đít chuẩn bị dữ liệu gửi thư mời đại hội cổ đông. Lệnh excel mình không nhớ nhiều. Tra cũng được, mà sẽ rất lâu và phức tạp vì mình không nhớ bản chất của lệnh. Cấp tốc gọi người yêu. Anh phóng đến trong chiếc taxi. Rồi mưa như trút nước, tạt vào mặt ran rát. Nhưng hôm ấy mình có lẽ mình phải cám ơn trời mưa, vì mình có anh. Hai đứa lóc cóc làm dữ liệu đến đâu đó 9h30 mới xong. Nhờ có anh mà dữ liệu năm ấy của mình ngon nghẻ.
Còn hôm nay, nhìn thấy sấm chớp, nhưng không nghĩ mưa to đến thế, cho đến khi nhìn ra ngoài cửa sổ. Nghĩ ngay đến đứa cháu trai hết giờ học, và mẹ nó phải đi đón. Mắt cận, mưa gió bão bùng. Tự nhiên thấy sợ. Gọi điện về, mẹ bảo chị đi rồi, trước lúc trời mưa. May mà lúc về, chị không đi trên cầu, nếu không, không biết có chuyện gì xảy ra nữa. Đi bên dưới mà mưa quất vào mặt, vào kính bảo hiểm, nước lại ngập sâu. May sao hai mẹ con vẫn về đến nhà được an toàn. Nghe mà thở phào một cái.
Trên mạng, mọi người tranh nhau viết dòng cảm nhận về mưa... Còn mình chỉ ngắm xung quanh. Đêm tối tĩnh mịch. Nước dưới sân vẫn còn chưa kịp thoát. Tiếng ếch kêu ộp oạp bên hông nhà nơi đang đào lên để làm đường, và quanh sân của Đại sứ quán Nga, làm mình nhớ đến những ngày tháng còn ở Kim Liên. Đèn đường vẫn sáng. Những cô công nhân vệ sinh vẫn miệt mài gom rác. Đường phố vắng tanh lắm rồi. Con ngủ say bên chị trong kia, chẳng sợ gì mưa rơi hay sấm sét. Chỉ còn mình với deadline chạy miệt mài...
Rừng đá Thạch Lâm
Hồ nhân tạo do Mao Trạch Đông chủ trương xây dựng để giữ nước. |
Cờ cộng sản đang chào đón bác Hans. Nhưng bác bảo, bác phải học triết học Mác-Lê Nin trước :) |
Tảng đá như chỉ trực rơi xuống mặt đất. Thử thách luôn gian nan là thế. |
Ngước lên trời xanh thăm thẳm. |
Ánh nắng hắt qua khe hẹp giữa các vách đá khổng lồ. |
Nơi này non nước hữu tình. Người dân tộc Yi trước đây thường dùng nước hồ này để sinh hoạt. Nhưng giờ hồ đã ô nhiễm, chỉ dùng để ngắm cảnh cho khách thập phương. |
Chỗ này mặt hồ trong veo, bình yên đến lạ. |
Một điểm nhìn rừng đá trên cao. Giữa bạt ngàn núi đá vôi, cây vẫn xanh ngắt, và hoa vàng vẫn nở rực rỡ. |
Một góc rừng thưa núi. Cảnh sắc ôn hoà, xanh ngắt và nhẹ nhõm. |
Để đứng lên được vách đá này không dễ, vì đa phần mũi đá nhọn và sắc. |
Một góc rừng đá Thạch Lâm nhìn từ trên cao. |
Phía sau em là cả rừng đá hùng vĩ nhấp nhô. |
Lối đi hình chiếc giày. |
Nàng Ashima. |
Hình gì tự đoán. |
Lại một nàng Ashima. Nơi đây được chính thức đặt biển, và du khách có thể thuê trang phục của nàng Ashima để chụp ảnh. |
Khe đi chỉ đủ một người. |
Đi giữa lòng vách đá. |
Độc hành trên vách đá. |
Ngắt chiếc lá làm kèn, đó là cách thông dụng người dân nơi đây tìm niềm vui cuộc sống. |